Để áp lực không biến thành stress

Đánh giá post

Chúng ta thường nghĩ rằng stress sinh ra từ áp lực. Nhưng liệu có phải điều này lúc nào cũng đúng không?

Vào những năm tuổi 20, tôi thường xuyên bị đau dạ dày. Đỉnh điểm của những cơn đau cũng là lúc tôi được thăng chức lên làm leader của một nhóm nhỏ trong công ti. Biết vậy, tôi vẫn không hề quan tâm mà tiếp tục lao vào làm việc. Ít lâu sau, tôi bị chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày. Sau khi chi hết số tiền tiết kiệm từ lúc mới ra trường để chữa bệnh, một thời gian sau tôi lại bị phát hiện có một khối u trong gan. Lần này, vấn đề lớn nhất không phải là tiền, mà là việc tôi luôn trong tình trạng lo lắng bệnh có thể tái phát.

Trong giai đoạn tăm tối nhất cuộc đời, tôi gặp Thái, người đã thay đổi cuộc đời mình. Thái trở thành mentor của tôi, người hướng dẫn tôi suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống. Thái đã dạy tôi mọi thứ mà anh biết. Sau những cuộc gặp gỡ, trò chuyện, tôi trở thành một người hoàn toàn khác: Vui vẻ, tích cực, không còn u ám, đầy stress như trước. Dẫu vậy, cuộc sống vẫn cực kỳ khắc nghiệt: Bệnh ung thư quay trở lại trong vòng vài năm trước và nó nằm lì trong lá gan tôi. Nhưng lần này tôi đã không còn sợ hãi. 

>>  Ai là người chống lưng cho bạn?

Sau nhiều năm làm việc, phát triển bản thân cũng như làm mentor cho nhiều doanh nhân khác, tôi nhận ra stress không xuất phát từ áp lực, mà là cách ta phản ứng với áp lực. Nhiều người tôi biết thường xuyên có thói quen đổ lỗi cho mọi thứ liên quan đến công việc: chức vụ cao, công việc nhiều, đồng nghiệp ganh đua,… Tuy nhiên, họ không nhận thấy rằng những đồng nghiệp cùng vị trí cũng đối mặt với một lượng áp lực tương tự mà chẳng hề hấn gì. 

Áp lực không phải là stress. Điều duy nhất có thể sinh ra stress chính là sự ám ảnh. Việc nhai đi nhai lại một lỗi lầm, nỗi sợ,… sẽ khiến con người quên mất những gì mình đang có. Chính sự ám ảnh khiến bộ não chúng ta đẻ thêm nhiều suy nghĩ tiêu cực.  Chính sự ám ảnh khiến chúng ta thêm lo lắng về quá khứ, tương lai mà quên mất hiện tại. Chính sự ám ảnh khiến chúng ta kiệt quệ về mặt thể chất lẫn tinh thần. 

Để “phá vỡ” vòng tuần hoàn khổ sở này, tôi và Thái đã nghiên cứu và tìm ra 4 bước cực kỳ đơn giản để không biến áp lực thành stress. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể tạo động lực cho bản thân từ áp lực, biến nó thành nguồn năng lượng tích cực để thúc đẩy sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp.


1.Thoát khỏi tình huống dẫn đến sự ám ảnh.

Hầu hết những người dễ stress thường dành cả ngày ở trong trạng thái “lơ tơ mơ”. Đây là trạng thái khi bạn đang nói nhưng lại cũng chẳng biết mình đang nói gì, bạn chỉ nói những điều này theo thói quen. Hoặc, khi người khác đang nói chuyện với bạn nhưng bạn cũng không nghe rõ những gì họ đang nói. Điều này rất nguy hiểm bởi nó là tiền đề cho sự ám ảnh xảy ra.

Có 2 cách chính để bạn thoát khỏi trạng thái “lơ tơ mơ”. Thứ nhất, hãy vận động cơ thể. Thay vì thụ động ngồi yên thì hãy đứng lên, đi dạo một vòng, làm những bài tập thể dục nhẹ như: xoay đầu gối, xoay cánh tay,…  Hoặc, thứ hai, thay vì khởi động thể chất, bạn có thể thử khởi động tinh thần. Hãy tái khởi động các giác quan của mình bằng cách tập trung vào những thứ bạn có thể nghe, thấy, ngửi, cảm nhận. Tất cả những hành động này sẽ giúp bạn thả lỏng cơ thể và kết nối lại với thế giới, không còn stress nữa.

2.Tập trung vào mặt tích cực.

Khi bạn bắt đầu stress, hoảng loạn và có xu hướng ám ảnh với một số chuyện, tôi khuyên bạn nên lấy ra một tờ giấy và vẽ một hình tròn. Bên trong hình tròn, bạn hãy ghi những thứ mình có thể kiểm soát được, còn bên ngoài là những thứ không kiểm soát được.

VD

◼️ Những thứ có thể kiểm soát được:

  • Cơ thể mình
  • Suy nghĩ của mình
  • Ăn gì hôm nay

◼️ Những thứ không thể kiểm soát được:

  • Thời tiết
  • Deadline nộp báo cáo

Hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn luôn có thể hoàn thành mọi việc mà không cần làm nhặng xị lên.

3.Nhìn vấn đề từ góc độ khác.

Bất kì sự việc nào cũng có nhiều góc nhìn. Việc nhìn từ nhiều góc độ khác nhau sẽ giúp bạn lấy lại sự kiểm soát, hạn chế stress. Có 3 cách nhìn chính mà các bạn có thể luyện tập:

◼️ Nhìn từ phía quá khứ:

Hãy so sánh xem những stress trong quá khứ bạn phải đối mặt với stress hiện tại như thế nào? Stress lúc bạn đã từng có một căn bệnh khủng khiếp với stress không làm kịp deadline ở thời điểm hiện tại, cái nào tồi tệ hơn? Bạn đã vượt qua stress cũ như thế nào?

◼️ Nhìn từ phía tương lai:

Hãy tự hỏi liệu trong 3 năm tới, điều này có đáng để bạn vò đầu bứt tóc ở thời điểm hiện tại không? Điều tồi tệ nhất nếu không hoàn thành nhiệm vụ lần này có thể là gì chứ?

◼️ Nhìn ở thời điểm hiện tại:

Thay vì để một khó khăn dày vò mình, bạn có thể “tận hưởng” nó. Hãy thử nhìn mọi chuyện từ góc độ hài hước. Tự hỏi: “Có điều gì buồn cười trong chuyện này?” hoặc “Mình sẽ gặt hái được cơ hội nào từ đây?”.

4.Ngưng kiểm soát.

Bước cuối cùng luôn là bước khó nhất. Nếu việc ngưng kiểm soát dễ dàng  thì chúng ta đã ngưng được từ lâu. Nhưng nếu làm được, cuộc sống của chúng ta sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Đôi khi, ngưng kiểm soát không có nghĩa thụ động nằm nghỉ, mà nó có nghĩa bạn phải làm một việc khác có ích hơn cho bản thân. Một trong những cách vượt qua áp lực đồng trang lứa là tìm kiếm những hoạt động tích cực, như thể dục, thiền, hoặc phát triển sở thích cá nhân, để giảm bớt căng thẳng và tạo ra sự cân bằng trong cuộc sống.

Sau nhiều năm vừa làm việc, vừa áp dụng 4 bước trên, tôi đã trút bỏ được một loạt stress. Tôi mong rằng những bạn trẻ còn nhiều tham vọng, hoài bão đừng bao giờ “cố quá mà thành quá cố”. Hãy dành nhiều thời gian cho bản thân, lắng nghe điều mà mình thật sự muốn nhé.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: