“Sau đây tôi xin báo cáo tình hình làm việc phòng biên tập tuần qua… giải nhất chuyên môn – đồng chí Ngọc Bảo… Ai có ý kiến gì không?
– A: Em có ý kiến về giải chuyên môn, tại sao cùng 25 bài mà chị Bảo nhất còn Phương Anh lại nhì ạ?
– P: Tiêu chí để xét giải chuyên môn tuần phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó đồng chí Bảo có năng lực và làm việc tốt hơn nên xứng đáng được giải nhất tuần.
– A: Phương Anh làm việc cũng rất tốt, em là quản lý của bạn ấy, em thấy bạn làm việc chăm chỉ, bên cạnh viết bài cũng tham gia quay video mà vẫn hoàn thành KPI. Vậy tiêu chí để chị đánh giá năng lực tốt hơn là như thế nào ạ?
P: Phương Anh cũng rất xứng đáng, nhưng xét về tổng quan chị thấy đồng chí Bảo tốt hơn. Giải thưởng đã được duyệt từ Sếp, nên chúng ta không bàn cãi điều gì nữa…”
Tranh giành, thiên vị,… là những câu chuyện muôn thuở không thể tránh khỏi đối với dân công sở hiện nay. Đi làm không còn đơn giản chỉ là đến công ty, làm hết việc rồi về nhà. Đi làm còn để chứng kiến, tham gia, thậm chí là nạn nhân của những drama “dở khóc dở cười” chốn văn phòng. Nơi mà mỗi ngày bạn đều cố gắng, nỗ lực làm việc nhưng lại chẳng được công nhận hay năng lực lại được đánh giá bằng những tiêu chí “trên trời dưới biển”. Ví dụ như là “mối quan hệ gia đình”…
Mục lục
Công ty được xem như một “gia đình”
“Gia đình” trong môi trường làm việc, bạn nghĩ sao về điều này?
- Công ty do các thành viên trong gia đình thành lập, quản lý?
- Nhân viên coi công ty như gia đình của mình?
- Đồng nghiệp đưa người thân của mình vào công ty làm việc?
- …
Thực tế, đây đều là những khía cạnh nhỏ tồn tại trong cái gọi là “công ty gia đình”. Tôi đã từng chứng kiến tại công ty cũ, “một người làm Sếp, cả họ được nhờ”. Một người làm quản lý phòng biên tập, là chị em trong gia đình đều được kéo vào làm việc, chưa cần biết năng lực như thế nào, có phù hợp hay không? Chỉ cần là họ muốn thì đều sẽ có một vị trí nhất định dành cho anh, chị, em trong gia đình của mình. Vậy chẳng phải, công ty đang được xem như một “gia đình” – nơi mà mọi người có thể tụ họp hay sao?
Và tất nhiên, khi đã có mối quan hệ gia đình xen lẫn công việc, mọi thứ sẽ không đơn giản chỉ là đi làm, đi làm, đi làm và đi làm…
Công tư phân minh nơi công sở – chuyện chưa bao giờ là dễ dàng
Nói về chuyện công – tư chốn văn phòng, có cả “1001” drama khiến không ít người bất bình. Thế nhưng, đây hẳn là điều khó có thể kết thúc trong một sớm, một chiều, thậm chí sẽ kéo dài dai dẳng từ khi bạn đi làm đến khi bạn đã nghỉ việc. Chưa kể, khi công ty còn tồn tại một hay nhiều mối quan hệ gia đình “dây mơ rễ má” thì có thể bạn sẽ phải học cách sống sót nơi công sở, “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” nếu muốn tiếp tục công việc.
Câu chuyện của Phương Anh trên chính là minh chứng sống cho việc cố gắng không thắng được quan hệ. Nỗ lực từng ngày, trở thành một nhân viên “đa di năng”, hoàn thành công việc xuất sắc, ấy vậy mà vẫn không thể bằng Ngọc Bảo – một nhân viên mới năng lực trung bình nhưng lại là chị gái của trưởng phòng. Kể từ khi vào làm việc, Bảo dường như nắm trọn toàn bộ giải thưởng từ chuyên môn đến chuyên cần. Chỉ cần là Bảo, không ai được phép tranh, mà có tranh giành cũng không được.
Rõ ràng trong trường hợp này, chị làm em nâng, em tâng lên tận mây xanh. Cùng một đầu công việc, mọi người đều cố gắng, đều hoàn thành, thậm chí là vượt KPI, thế nhưng vẫn luôn phải xếp phía sau chỉ vì “chị thấy đồng chí Bảo xứng đáng hơn”, chỉ vì Bảo có quan hệ gia đình trong công ty.
Đây mới là một ví dụ trong hàng ngàn drama “thiên vị nơi công sở” hiện nay. Bất kỳ công ty, môi trường làm việc nào cũng sẽ tồn đọng những điều tiêu cực. Nó có thể hiện rõ mồn một, chúng ta chứng kiến hàng ngày. Nó cũng có thể là những ẩn giấu bên trong, chúng ta chỉ có thể mường tượng, đoán già đoán non mà không có chứng cứ cụ thể. Thế nhưng, bất kể là như thế nào, điều này cũng khiến chúng ta – những người ngày đêm nỗ lực, cố gắng cảm thấy nhụt chí, không còn tinh thần để làm việc…
Tài năng thực hay là lắt léo qua “đường tắt”
Thăng tiến, tăng lương, được trọng dụng,… là những gì mà con người thường hướng đến trong sự nghiệp của mình. Để đạt được điều đó, có những người đã phải dành cả thanh xuân cống hiến, dành cả cuộc đời miệt mài chứng minh tài năng. Ấy vậy mà, có những người lại chạm đến danh vọng một cách quá dễ dàng, đơn giản. Liệu đó có phải tài năng thực hay là luồn cúi qua “đường tắt” nhờ vào các mối quan hệ gia đình?
Thực tế, trong các cuộc chiến nơi công sở, chúng ta sẽ bắt gặp trường hợp thứ 2 nhiều hơn. Hầu hết những đối tượng thuộc kiểu người này không có năng lực, họ tận dụng mối quan hệ gia đình sẵn có trong công ty, tìm mọi cách để cắt bớt các giai đoạn, nhảy cóc đến bước cuối cùng. Biểu hiện của họ là ganh ghét, đố kỵ, là xu nịnh cấp trên. Họ sẽ không từ mọi thủ đoạn để đạt được thứ mình mong muốn, mặc dù là ngoài tầm với, ngoài năng lực.
Vậy chẳng phải, sau bao năm cố gắng, phấn đấu, chúng ta – những con người đi lên từ thực lực lại không được công nhận chỉ vì một vài thành phần “lắt léo, luồn cúi” kia hay sao? Như vậy năng lực đang được đánh giá bằng mối quan hệ gia đình chứ không phải là kết quả thực trong công việc???
? Xem thêm: 8 quy tắc ứng xử nơi công sở
Trùm cuối drama: lãnh đạo bị che mắt hay giả vờ cho qua?
Thật ra, ngay từ sự thiên vị, công tư không phân minh hay lắt léo đường tắt, tất cả đều nói lên đáp án cho câu hỏi này. Sẽ không có vị lãnh đạo nào “bù nhìn” đến mức độ không nhận ra vấn đề trong nội bộ công ty. Sẽ không có người Sếp nào dung túng cho nhân viên “cưng” mà lại đứng ra giải quyết những thiệt thòi cho các nhân viên “thấp cổ bé họng” khác. Đơn giản chỉ là họ cố tình cho qua, đôi khi đó còn là sự tính toán.
Ví như cô trưởng phòng biên tập ở câu chuyện trên, chính vì được Sếp trọng dụng, quý mến nên mặc nhiên cho mình cái quyền được quyết mọi thứ, được quyền thiên vị chị gái và chèn ép những nhân viên mình không ưa. Trưởng phòng có thể tự đưa ra luật và tự phá luật đó, chỉ cần có lợi cho bản thân và những người thân của họ trong công ty.
Hay như việc Sếp cố tình đưa ra tiêu chí xét giải thưởng dựa trên số lượng bài để nhân viên tranh giành lẫn nhau. KPI 4 bài/ ngày bỗng được nhân viên tự tăng lên 5-6-7 bài/ ngày chỉ vì cái giải thưởng tuần. Vậy người được hưởng lợi ở đây thực sự là ai? Chắc chắn là Sếp!!!
Bởi thế, nguyên nhân gây ra các cuộc chiến nơi công sở không hẳn là xuất phát từ lòng tham, sự ích kỷ, đố kỵ từ nhân viên. Ngòi lửa này đôi khi lại do chính người lãnh đạo tạo nên, ai đủ kiên nhẫn thì sẽ tiếp tục trụ được lâu dài, ai kiệt sức thì thôi đành bỏ cuộc…
? Xem thêm: 8 lý do khiến bạn không muốn trở thành người “tử tế” trong môi trường công sở!
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)