Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đang từ khóa “hot” bậc nhất hiện nay. Dựa trên nguồn tin từ các hãng truyền thông lớn trong nước và quốc tế, ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden đang chiếm ưu thế lớn để trở thành tổng thống thứ 46 trong lịch sử của Hoa Kỳ. Dù chưa có thông báo chính thức được đưa ra nhưng người ủng hộ Trump cần chấp nhận thực tế rằng nhiệm kỳ của ông đang dần đi tới hồi kết.
Tuy nhiên dưới góc nhìn Marketing, chiến lược mà tỷ phú người Mỹ sử dụng đã đạt được những thành công nhất định. Minh chứng tiêu biểu cho điều đó là chiến thắng của Trump cuộc bầu cử năm 2016. Trong khuôn khổ bài viết này, JobsGO không đưa ra bình luận hay thể hiện sự ủng hộ với ứng cử viên nào. Chúng ta hãy cùng ngược về quá khứ và tìm hiểu xem chiến lược Marketing nào đã giúp Donald Trump, một người chưa từng làm chính trị cho đến trước năm 2016 lại có thể chiến thắng một nữ chính trị gia dày dạn kinh nghiệm như Hillary Clinton.
Chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump năm 2016
Vào năm 2016, Donald Trump đã đánh bại Hillary Clinton để trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Chiến thắng của Trump thực sự đã gây chấn động khắp thế giới. Ông thua về số phiếu bầu phổ thông nhưng bằng cách nào đó đã nhận được hơn bà Clinton tới 77 phiếu đại cử tri.
Để thấy được sự liên hệ giữa Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 với các chiến lược Marketing, chúng ta có thể hình dung việc bầu cử cũng giống như trải nghiệm của bạn khi đi shopping vậy. Bạn thấy các quảng cáo ở khắp nơi khi mua sắm. Bạn cố gắng tìm hiểu nhiều thông tin nhất có thể trước khi quyết định mua hàng. Mặc dù chọn một ứng cử viên để bỏ phiếu là phức tạp hơn, quá trình này cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi các hình thức Marketing. Sau đây, hãy cùng đến với những phân tích của chúng mình nhé.
Mục lục
- 1. Truyền thông mạng xã hội (Social Media) – trợ thủ đắc lực trong chiến lược Marketing của Trump
- 2. Tạo ra lợi thế cạnh tranh nhờ nhận diện thương hiệu (Brand Identity) sẵn có
- 3. Thông điệp truyền thông ấn tượng là tiền đề cho một chiến lược marketing thành công
- 4. Chiến lược đóng khung trong truyền thông chính trị – Vũ khí không mới nhưng không thể bỏ qua
- 5. Phân tích data – công việc ngày càng quan trọng trong các chiến dịch marketing
- 6. Kết
1. Truyền thông mạng xã hội (Social Media) – trợ thủ đắc lực trong chiến lược Marketing của Trump
Từ việc trở thành Top 1 tìm kiếm trên Google
Trong một cuộc phỏng vấn sau bầu cử, Donald Trump phát biểu “ Social Media đã giúp tôi giành thắng lợi”. Thật vậy, khi nhìn lại chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, nhiều chuyên gia tin rằng social media là chìa khóa giúp Trump đắc cử. Chiến thắng đầy bất ngờ của ông đã được trợ lực mạnh mẽ từ một chiến dịch digital marketing toàn diện. Dựa theo những thống kê từ ông lớn Google, Trump đã xuất hiện trên các kết quả tìm kiếm nhiều hơn tất cả những đối thủ của ông trong cùng thời điểm.
Nhiều người có thể nghĩ đơn giản rằng Trump “rất giàu” và đã chi hàng triệu USD cho chiến dịch tranh cử của mình. Nhưng thực tế lại chỉ ra điều ngược lại. Trump thực tế chỉ đầu tư khoản chi phí nhỏ cho các hình thức tiếp thị truyền thống. Thậm chí chi phí dành cho quảng cáo của ông gần như không có cửa để so sánh với những gì mà ứng viên đối thủ bà Clinton đã bỏ ra (ước tính lên đến hơn 194 triệu USD). Trong hai tháng cuối cùng trước cuộc bầu cử, Trump chỉ chi khoảng 4,4 triệu USD ngân sách cho quảng cáo. Nghe có vẻ là con số lớn nhưng sự thật khoản tiền đó không thể so với quy mô ước tính lên đến 6 tỷ USD trong lĩnh vực marketing chính trị tại Mỹ.
Cho đến danh xưng “ông hoàng Twitter”
Không chỉ chiếm đa số trong các kết quả tìm kiếm của Google, Trump còn sử dụng vô cùng hiệu quả các mạng xã hội khác như Facebook, Twitter,… để tạo lợi thế tranh cử cho mình.
Theo cuộc khảo sát được CNN thực hiện vào tháng 1 năm 2016, có đến gần 50% người trưởng thành ở Mỹ nói rằng họ sử dụng các nền tảng mạng xã hội để cập nhật hay đưa tin liên quan đến cuộc bầu cử. Ngược lại, rất ít người chọn các tờ báo quốc gia hay địa phương để cập nhật tin tức.
Với những nhận thức sâu sắc về ngân sách của mình, Donald Trump đã cho chúng ta thấy được sức ảnh hưởng to lớn của chiến lược tiếp thị nội dung và truyền thông mạng xã hội . Hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại mà các hình thức marketing truyền thống không còn đem lại kết quả như trước đây. Ngày nay, chỉ với một khoản chi phí nhỏ nhưng được sử dụng hiệu quả cũng có thể giúp bạn đạt được thành công. Đó chính xác là những gì Trump đã thực hiện với các phương tiện social media.
2. Tạo ra lợi thế cạnh tranh nhờ nhận diện thương hiệu (Brand Identity) sẵn có
Trước khi bắt đầu sự nghiệp chính trị, Trump được biết đến rộng rãi với tư cách là một doanh nhân thành đạt và là một nhân vật nổi tiếng trên truyền hình. Ngành nghề kinh doanh chính của Trump là phát triển các dự án bất động sản. Ngoài ra, ông còn sở hữu và quản lý rất nhiều khách sạn, casino, sân golf, resort và vô số tài sản khác khắp thế giới.
Ngoài ra, Trump còn là host (người dẫn chương trình) của show truyền hình thực tế “The Apprentice”. Đây là show truyền hình dành riêng ứng viên muốn trở thành nhân sự cho các công ty của Trump. Sau 14 mùa phát sóng chương trình, ông trở thành một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Nhờ đó, khi tuyên bố ra tranh cử tổng thống danh tiếng cũng như tầm ảnh hưởng của Trump đã thu hút sự chú ý của tất cả.
“Trump đã rất khôn khéo khi đầu tư xây dựng “thương hiệu Trump”. Đó là thương hiệu mà ngay khi nhắc đến ta sẽ nghĩ ngay đến sự xa giàu có và nổi tiếng. Từ đó, ông đã xây dựng thành công nhận diện thương hiệu trong tâm trí mọi người” – trích nhận xét của Tim Calkins, giáo sư ngành Marketing tại Đại học Northwestern.
Mặc dù bà Hillary Clinton cũng được biết tới dưới tư cách một cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ nhưng rõ ràng khi đặt lên bàn cân với thương hiệu Trump thì đó dường như là cuộc đấu không hề cân sức.
3. Thông điệp truyền thông ấn tượng là tiền đề cho một chiến lược marketing thành công
Chiến dịch tranh cử của Trump đã gây ấn tượng rất mạnh với cử tri tại Mỹ với slogan “Make America Great Again”. Slogan này còn được biết đến rộng rãi với tên gọi “MAGA”. Trump thực sự đã có một khẩu hiệu tranh cử mạnh mẽ và khác biệt. Sự dũng cảm thậm chí có phần liều lĩnh của ông khi đưa ra thông điệp trên đưa Trump vượt lên so với các đối thủ.
Không chỉ là thông điệp tranh cử mà những phát ngôn mà Trump đưa ra khi vận động tranh cử cũng là công cụ truyền thông đầy sức nặng. “Build the wall and make Mexico pay for it” là một trong những thông điệp tiêu biểu của Trump. Từng thông điệp mà người đàn ông này đưa ra đều hướng tới một nhóm cử tri cụ thể có khả năng cùng có điểm chung trong phong cách, suy nghĩ cũng như lối sống với ông. Chiến dịch này của Trump đã gây được tiếng vang và thu hút được đông đảo nhóm cử tri quan tâm đến sự phát triển của kinh tế địa phương tại Mỹ.
Trên hết, thông điệp truyền thông của Trump luôn hướng tới sự thay đổi và thể hiện sự kiên định với những gì mà ông muốn truyền đạt với người dân Mỹ.
4. Chiến lược đóng khung trong truyền thông chính trị – Vũ khí không mới nhưng không thể bỏ qua
Chiến lược đóng khung là một trong những chiến lược điển hình trong marketing chính trị. Thông qua việc tạo ra cảm giác như “vấn đề (problem)” còn bản thân mình chính là “giải pháp (solution)”, chúng ta có thể nhìn nhận Trump chính là bậc thầy trong việc sử dụng chiến lược này. Luôn tập trung vào những điểm yếu và không ngừng lặp lại chúng, đó là chiến lược của Trump. Ông đã gắn các đối thủ với các nickname khó nghe, đôi khi còn mang tính xúc phạm. Trump đã thành công khi gieo vào tâm trí các cử tri một cái nhìn thiếu thiện cảm với các ứng cử viên khác.
Một số nickname đầy “châm biếm” mà Trump đã sử dụng khi đề cập đến đối thủ
- “Crazy Bernie” – Campaign rally tại Pensacola, 13/01/2016
- “Crooked Hillary” – Campaign rally tại Watertown, 16/04/2016
- “Little Marco” – Campaign rally tại Ohio, 01/03/2016
5. Phân tích data – công việc ngày càng quan trọng trong các chiến dịch marketing
Trước sự trỗi dậy của Internet, dữ liệu được các đảng chính trị thu thập thường bao gồm địa chỉ nhà riêng, lịch sử bỏ phiếu, đảng phái và các danh mục đơn giản khác. Tuy nhiên, dựa vào công nghệ phân tích, thông tin về cử tri đã tăng lên đáng kể.
Tất cả dữ liệu thu thập được sau đó được sắp xếp bằng các thuật toán máy tính. Điều này cho phép các chiến dịch tiếp cận đúng các vấn đề mà cử tri quan tâm nhất. Chiến dịch tranh cử của Trump vào năm 2016 đã báo cáo “nhắm mục tiêu [ed] 13,5 triệu cử tri có khả năng thuyết phục ở mười sáu tiểu bang chiến trường, phát hiện ra các cử tri Trump ẩn, đặc biệt là ở Trung Tây” ( Báo cáo Persily, 2017, trang 65). Dựa trên báo cáo này, các chiến dịch trong tương lai có thể được triển khai hiệu quả hơn nhờ phân tích dữ liệu.
Phân tích dữ liệu (data analysis) được sử dụng như thế nào?
Phân tích rất quan trọng đối với chiến dịch tranh cử tổng thống. Bên cạnh thông tin chi tiết về hành vi và sở thích của cử tri, bạn cũng có thể đánh giá hiệu quả chiến dịch. Ví dụ: với thẻ bắt đầu bằng dấu “#”, bạn có thể đo lường mức độ liên quan và độ phổ biến. Nếu một thẻ bắt đầu bằng “#” đang thịnh hành và được sử dụng tích cực, thì bạn biết rằng có một điểm cộng cho ứng viên.
Trên hết, phân tích data giúp ứng viên biết thời điểm tốt nhất để đăng bài trên mạng xã hội. Đôi khi bạn có thể không chắc chắn, nhưng thời điểm tốt nhất để đăng bài trên Facebook, chẳng hạn, là vào thứ Tư lúc 11 giờ sáng hoặc 1 giờ chiều (dựa trên dữ liệu do Sprout Social thu thập).
Xem thêm: Tuyển dụng Data Analyst
6. Kết
Qua bài viết này, JobsGO hi vọng giúp bạn thấy được tầm quan trọng trong việc xây dựng một chiến lược đúng đắn và bài bản khi thực hiện một chiến dịch Marketing. Dù bạn thích Trump hay không thì thương hiệu Trump vẫn là điều thu hút chúng ta. Ở một mức độ nào đó, Trump cũng xứng đáng được công nhận là một “marketer” xuất sắc.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)