Có bao giờ bạn thắc mắc: Điều gì đã “níu chân” sự nghiệp của bản thân? Có thể nói, một trong số những nguyên nhân đến từ thói quen xấu hình thành trong quá trình làm việc. Dưới đây là 7 thói quen xấu phổ biến tại nơi làm việc mà JobsGO tổng hợp được. Các bạn hãy cùng đọc để tránh mắc phải nhé!
Mục lục
Đi làm muộn
Có thể bạn khó khăn trong việc thức dậy vào buổi sáng sớm. Thế nhưng, bạn vẫn phải làm điều đó để không gây ảnh hưởng đến công việc của mình. Việc liên tục đến sau thời gian bắt đầu làm việc không chỉ thể hiện sự thiếu kỷ luật mà còn là sự thiếu tôn trọng đối với người quản lý và đồng nghiệp của bạn.
Theo một cuộc khảo sát của CareerBuilder với hơn 2.600 quản lý nhân sự và tuyển dụng cùng hơn 3.400 nhân viên trong các lĩnh vực thì 29% người lao động thừa nhận rằng họ đi làm muộn ít nhất một lần mỗi tháng. Và có tới 41% nhà tuyển dụng thừa nhận việc sa thải một người nào đó vì thường xuyên đi muộn.
Nếu bạn có lý do chính đáng cho việc đến muộn, hãy khéo léo trình bày với sếp về tình hình của bản thân. Thêm vào đó, hãy ở lại làm việc muộn hơn để bù thời gian đi trễ của mình.
Trang phục xuề xòa
Không lời giải thích nào hợp lý cho việc bạn luộm thuộm ở nơi làm việc ngoài sự thiếu trách nhiệm với bản thân và công việc. Bạn “trông” như thế nào tại môi trường công sở rất quan trọng vì nó cho thấy bạn tôn trọng người sử dụng lao động và bạn nghiêm túc với công việc của mình.
Perrie Samotin, giám đốc biên tập của trang thời trang StyleCaster cho biết việc ăn mặc đẹp khi đi làm là điều cần thiết, ngay cả khi bạn làm việc trong môi trường bình thường. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn phải diện những “bộ cánh” lộng lẫy khi làm việc.
Tùy vào môi trường làm việc, hãy có sự lựa chọn trang phục phù hợp vừa đảm bảo sự lịch sự, gọn gàng mà vẫn toát lên được vẻ đẹp của bản thân. Trang phục đẹp không chỉ giúp bạn tự tin, thoải mái hơn trong công việc mà còn thu hút những người xung quanh, để lại trong họ những ấn tượng tích cực về bạn.
👉 Xem thêm: Những thói quen xấu kìm hãm sự tiến bộ của lập trình viên
Từ chối hợp tác với đồng nghiệp
Ngay cả khi bạn không thích những người đồng nghiệp xung quanh thì bạn vẫn cần phải học cách phối hợp tốt với họ. Không hợp tác, không sẵn sàng là điều sẽ “giết chết” sự nghiệp của bạn. Chuyên gia lãnh đạo Peter B. Stark cho biết có tinh thần đồng đội là cần thiết cho sự thành công của một cá nhân cũng như một công ty. “Các thành viên trong nhóm không nhất thiết phải thích làm việc theo nhóm”, Stark nói. “Nhưng các thành viên trong nhóm phải làm mọi thứ mà họ có thể để làm cho nhóm thành công. Đó là công việc của họ”.
Vậy nên, hãy cố gắng cải thiện thái độ của bạn trong mối quan hệ với đồng nghiệp. Một người có bản lĩnh vững vàng, có kinh nghiệm dày dặn sẽ không để những suy nghĩ tức thời, những câu chuyện cá nhân ảnh hưởng tới công việc chung. Còn nếu thật sự bạn không thể hòa hợp với những người đồng nghiệp của mình, hãy suy nghĩ tới việc tìm một môi trường phù hợp hơn. Dù thế nào thì hãy luôn thể hiện sự chuyên nghiệp. Đó sẽ là “chìa khóa” giúp bạn vươn tới thành công.
Nghỉ giải lao không hợp lý
Bạn sẽ chẳng thể làm việc liên tục một ngày dài mà không nghỉ ngơi. Vậy nên, thỉnh thoảng bạn có thể rời khỏi bàn làm việc để vận động nhẹ hay hít thở không khí trong lành. Thời gian nghỉ ngắn giúp tăng khả năng tập trung vào nhiệm vụ của bạn và làm năng suất công việc được cải thiện.
Tuy nhiên, thói quen nghỉ giải lao quá lâu hoặc nghỉ giải lao quá nhiều lần không cần thiết sẽ là điều gây cản trở cho công việc. Một nghiên cứu của Đại học Illinois cho thấy sự chú ý của bạn sẽ giảm đáng kể sau khi tập trung vào một điều gì khác trong khoảng thời gian dài. Đúng vậy, thật khó để lấy lại sự tập trung nếu bạn liên tục dừng lại để uống cà phê, ăn nhẹ hoặc trò chuyện với đồng nghiệp. Điều đó sẽ làm đứt quãng mạch tư duy dẫn đến hiệu suất công việc không đạt yêu cầu
Luôn phàn nàn khi có rắc rối
Đôi khi, ở một vài trường hợp, câu nói “Nếu bạn không có điều gì tốt đẹp để nói thì đừng nói gì cả” cũng thật đúng. Chẳng hạn, trong một nhóm làm việc, nếu bạn cứ liên tục kêu ca, phàn nàn mỗi khi rắc rối xảy ra sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần của cả nhóm. Điều đó cũng sẽ thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của bạn.
Thay vì phàn nàn, hãy đưa ra các giải pháp. Các chuyên gia cho rằng những nhân viên luôn bình tĩnh trong mọi tình huống, có suy nghĩ thấu đáo, biết nhìn nhận vấn đề và đưa ra hướng giải quyết kịp thời sẽ tiến rất xa trong sự nghiệp của họ. Vì vậy, đừng bao giờ để những khó khăn chi phối cảm xúc của bạn mà hãy giữ cho mình một khoảng lặng để tìm giải pháp cho những thách thức đang xảy đến. Chúng ta còn trẻ, còn chịu khổ được, nên hãy coi mỗi thử thách là một cơ hội để học hỏi và trưởng thành hơn trong công việc và cuộc sống.
👉 Xem thêm: Những điều không nên nói ở nơi làm việc để tránh rắc rối, xung đột
Nói quá nhiều tại nơi làm việc
Văn phòng nào cũng sẽ tồn tại một người đồng nghiệp không biết lúc nào nên im lặng. Tức là họ luôn nói, nói rất nhiều, nói những điều không liên quan gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Dù vậy, họ vẫn nghĩ mình là một người vui tính, hài hước. Nếu không biết nói đúng lúc, đúng chỗ, bạn sẽ thật vô duyên trong câu chuyện của chính mình. Với những người như thế, đồng nghiệp xung quanh sẽ cố gắng lảng tránh, lờ đi mỗi khi họ muốn bắt đầu một chủ đề nào đó ngoài công việc.
Có thể thấy, việc nói chuyện phiếm không chỉ làm giảm hiệu suất của bạn mà còn cản trở công việc của người khác. Hơn nữa, nó còn biến bạn trở thành một kẻ “thô lỗ”, thiếu lịch sự trong mắt đồng nghiệp.
Chuyên gia nghề nghiệp Alison Green đã viết trên blog của mình rằng: “Những người thường xuyên dành phần lớn thời gian làm việc để giao lưu (hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động nào khác không liên quan đến công việc) là những người có năng suất thấp hơn hẳn những người còn lại. Nó gây bất lợi cho chính họ và người sử dụng lao động của họ”. Vậy nên, hãy thay đổi thói quen tám chuyện trước khi quá muộn. Chỉ nói khi cần thiết để đảm bảo không ảnh hưởng đến công việc mà vẫn tạo được không khí vui giữa mọi người trong công ty. Để trở thành một người giao tiếp hiệu quả, bạn cần phải hiểu rõ self-aware là gì và phát triển kỹ năng nhận thức bản thân để cải thiện cách tương tác của mình.
Nhận quá nhiều cuộc gọi cá nhân
Theo một cuộc khảo sát của Harris Poll – công ty phân tích và nghiên cứu thị trường của Mỹ thì có khoảng 24% nhân viên cho biết họ dành ít nhất một giờ mỗi ngày để kiểm tra email, nhắn tin và gọi điện cá nhân. Thêm đó, khoảng 50% số người được hỏi thừa nhận rằng họ dành phần lớn thời gian trong ngày làm việc để nhắn tin và nói chuyện trên điện thoại di động.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn đang ở nơi làm việc, không phải ở nhà. Những cuộc gọi cá nhân quá nhiều khiến bạn mất tập trung trong công việc. Thay vào đó, hãy dành thời gian trong giờ nghỉ trưa để nhận cuộc gọi từ bạn bè và những người thân trong gia đình.
Trừ khi có trường hợp khẩn cấp, còn không bạn nên tránh các cuộc gọi cá nhân để không làm phiền tới mọi người trong thời gian làm việc. Như vậy, bạn sẽ thể hiện được sự tôn trọng với công việc cũng như với những người đồng nghiệp xung quanh. Hơn nữa, điều đó còn giúp bạn rèn luyện được sự chuyên nghiệp, biết cân đối giữa thời gian làm việc và thời gian cá nhân – một yếu tố quan trọng để phát triển sự nghiệp bản thân.
? Xem thêm: 5 thói quen lành mạnh giúp dân công sở cải thiện sức khỏe
Có thể nói, trên đây là 7 thói quen xấu phổ biến nhất tại nơi làm việc. Còn chần chừ gì nữa mà không thay đổi chúng ngay từ hôm nay để thành công gạt bỏ những “chướng ngại” đang cản trở sự nghiệp của bạn? Chúc các bạn sẽ thành công!
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)