Những ông chủ tốt nhất là người xin lỗi nhân viên của họ

Đánh giá post

Trở thành một ông chủ tuyệt vời không có nghĩa là bạn phải trở nên hoàn hảo (xét cho cùng, quản lý cũng chỉ là con người). Tuy nhiên, để xây dựng hình ảnh tốt hơn trong mắt nhân viên, bạn cần nhận ra sai lầm và xin lỗi – ngay cả khi điều đó khó hay đáng xấu hổ, hoặc lỗi sai dường như không đáng kể.

sếp xin lỗi nhân viên 1

Tại sao sếp nên xin lỗi nhân viên?

Nhiều quản lý cho rằng, việc xin lỗi khiến họ trông yếu đuối trước mặt nhân viên. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại.

Chỉ một câu “tôi xin lỗi” đơn giản cũng có ý nghĩa to lớn đối với người lao động (và cả sếp). Theo nhiều nghiên cứu, sếp xin lỗi có tác dụng:

  • Tăng sự hài lòng trong công việc của nhân viên.
  • Nâng cao lòng tự trọng và giá trị cho nhân viên.

Hơn hết, hành vi này khiến người lao động tôn trọng bạn hơn và cảm thấy công ty là một nơi an toàn để làm việc.

? Có thể bạn quan tâm: 7 cách trao quyền cho nhân viên giúp cải thiện hiệu suất công việc

Sếp xin lỗi nhân viên? Hãy thực hiện đúng cách

Một lời xin lỗi được đánh giá cao là một lời xin lỗi chân thành, trực tiếp và không cần biện minh. Song cách nói xin lỗi có thể khác nhau dựa trên những gì bạn đã làm và những người bị ảnh hưởng. Dưới đây là cách xin lỗi của những ông chủ tốt nhất, tùy thuộc vào mức độ sai lầm của họ.

Mắc một sai lầm nhỏ: Hãy xin lỗi qua email

sếp xin lỗi nhân viên 2
Với một lỗi lầm đơn giản, bạn có thể xin lỗi qua Email.

Bạn đã cung cấp cho nhân viên thông tin không chính xác, bỏ qua một email quan trọng hoặc không chấp thuận yêu cầu nghỉ phép của họ đúng hạn? Trong trường hợp này, bạn hoàn toàn có thể xin lỗi một cách ngắn gọn qua email hoặc Skype/ Telegram/ Zalo/… (kênh giao tiếp chính của công ty bạn).

Mặc dù những sai lầm này có vẻ nhỏ và thường bị mọi người phớt lờ, tuy nhiên, một lời xin lỗi chân thành sẽ khiến cho nhân viên của bạn cảm thấy được tôn trọng. Hành vi này cũng giúp xây dựng trách nhiệm giải trình ở nhân viên. Nếu sếp thừa nhận lỗi sai (ngay cả khi đó là một sai phạm không đáng kể) thì nhân viên cũng sẽ học theo.

Mắc lỗi trong thời điểm thực: Giải quyết nó ngay lập tức

Bạn lỡ nói một điều gì đó hơi khó nghe và nhận ra vấn đề ngay lập tức? Lúc này, bạn cần dừng lại, hít một hơi thật sâu và thừa nhận sai lầm mà mình đã mắc phải.

Nắm bắt sơ suất ngay khi xảy ra giúp ngăn chúng biến thành các vấn đề lớn hơn. 

Việc đưa ra một nhận xét gay gắt hoặc một nhận định sai lầm có thể khiến nhân viên buồn bã, thất vọng hoặc bất bình. Vấn đề sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nếu bạn thường xuyên bỏ qua lỗi của mình. Nhân viên của bạn có thể thắc mắc tại sao bạn luôn gắt gỏng, hoặc tại sao bạn không dành thời gian đọc trước báo cáo của họ trước khi “phán xét”.

? Có thể bạn quan tâm: [Hướng dẫn] Cách viết mẫu thư xin lỗi khách hàng chuẩn và chuyên nghiệp

Khi hành động của bạn khiến ai đó tổn thương: Đưa ra lời xin lỗi trực tiếp

sếp xin lỗi nhân viên 3
Hãy xin lỗi trực tiếp với những lỗi sai lớn hơn.

Nếu bạn khiến một ai đó buồn, bỏ lỡ một cuộc họp quan trọng với nhân viên hoặc đưa ra đánh giá không công bằng về một người cụ thể; cách tốt nhất để xin lỗi là hẹn gặp và thừa nhận sai lầm trực tiếp.

Buổi xin lỗi nhân viên nên diễn ra như một cuộc họp chính thức, điều đó có nghĩa là có thời gian và địa điểm cụ thể. Thời gian nên đủ dài (vì một câu xin lỗi đơn giản có thể dẫn đến một cuộc trò chuyện dài hơn – thứ cho phép bạn nhận ra những hành vi không tốt của bản thân để sửa đổi) và địa điểm nên riêng tư (nhân viên sẽ cảm thấy thoải mái để có thể chia sẻ điều họ nghĩ về bạn).

Bạn cần đặc biệt lưu ý, hãy xin lỗi nhân viên một cách chân thành, đừng biện minh cho lời nói, hành động của mình và thực sự lắng nghe phản hồi của đối phương.

Khi hành động của bạn ảnh hưởng tới uy tín của một ai đó: Hãy xin lỗi công khai

Đôi khi, hành vi của bạn không chỉ khiến nhân viên tổn thương mà còn làm giảm uy tín của họ trước những thành viên khác trong nhóm (chẳng hạn như phê bình họ về một sai lầm nào đó ảnh hưởng tới tình hình hoạt động, kinh doanh của công ty). Lúc này, bạn cần tổ chức một buổi xin lỗi công khai. Tất nhiên, điều này cần có sự đồng ý của nhân viên liên quan trực tiếp. Hầu hết mọi người đều vui mừng khi được minh oan công khai, nhưng một số người khác cảm thấy thoải mái nếu mọi việc được giải quyết theo cách riêng tư.

Khi thực hiện điều này, bạn không chỉ xin lỗi người bạn đã làm tổn thương mà còn chứng minh được cho những người khác thấy rằng, bạn là một người liêm chính, sẵn sàng nhận lỗi khi mắc sai lầm và không ai trong công ty cần lo lắng “phải gánh tội” cho cấp trên. Bạn đang xây dựng hình ảnh một tổ chức an toàn để mọi người có thể làm việc mà không cần e ngại điều gì.

? Có thể bạn quan tâm: Làm thế nào để hạn chế định kiến cá nhân trong tuyển dụng?

Kết luận

Việc thừa nhận sai phạm chưa bao giờ dễ dàng, nhất là với những người quản lý cấp cao. Nhưng xin lỗi nhân viên là điều vô cùng cần thiết. Nó làm tăng uy tín của bạn và biến bạn trở thành một người lãnh đạo tuyệt vời. Hơn hết, khi bạn đưa ra lời xin lỗi công bằng và trung thực, nhân viên của bạn có nhiều khả năng sẽ lặp lại hành động đó. Điều này góp phần xây dựng một tổ chức vững mạnh với những nhân viên sẵn sàng nhận lỗi và sửa lỗi.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: