Trong thế giới hiện đại, con người ngày càng đề cao tinh thần đồng đội và hợp tác. Tuy nhiên, đôi khi, sự mong muốn đạt được sự đồng thuận và duy trì hòa bình trong nhóm có thể dẫn đến một hiện tượng tâm lý nguy hiểm được gọi là Groupthink – Tư duy tập thể. Vậy Groupthink là gì? Cùng JobsGO khám phá hiện tượng tâm lý này thông qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Groupthink Là Gì?
Groupthink hay tâm lý tư duy tập thể, là hiện tượng tâm lý xảy ra khi một nhóm người đưa ra quyết định dựa trên sự đồng thuận chung mà không xem xét đầy đủ các lựa chọn khác hoặc không đánh giá khách quan các rủi ro tiềm ẩn. Hiện tượng này thường dẫn đến các quyết định kém chất lượng do thiếu sự tư duy phản biện và sự đa dạng ý kiến.
Thuật ngữ Groupthink được nhà tâm lý học Irving L. Janis đưa ra vào năm 1972 sau khi nghiên cứu một số thất bại chính trị và quân sự lớn như Vụ Đổ Bộ Vịnh Con Heo (còn có tên là La Batalla de Girón) năm 1961 của Mỹ ở Cuba và Cuộc Chiến Tranh Việt Nam kéo dài hàng thập kỷ. Janis cho rằng các quyết định dẫn đến những sai lầm đáng tiếc này là do tư duy đồng thuận quá mức của nhóm cố vấn, khiến họ không nhận thức đầy đủ rủi ro.
Groupthink không chỉ xảy ra trong chính trị hay quân sự, mà còn được quan sát thấy trong nhiều lĩnh vực khác như kinh doanh, y tế và giáo dục. Việc nhận diện và ngăn chặn kịp thời các dấu hiệu của Groupthink là rất quan trọng để đảm bảo các quyết định được thực hiện hiệu quả.
2. Đặc Điểm Của Groupthink Là Gì?
Groupthink là một hiện tượng tâm lý phức tạp với nhiều đặc điểm nổi bật như sau:
2.1 Áp Lực Đồng Thuận
Trong tình trạng Groupthink, các thành viên cảm thấy bị ràng buộc để phải đồng ý với quan điểm chung của nhóm nhằm duy trì sự đoàn kết. Bất kỳ ý kiến khác biệt nào cũng có nguy cơ bị coi là đe dọa đối với sự thống nhất của nhóm và do đó bị đàn áp hoặc làm ngơ. Điều này tạo ra áp lực tâm lý lớn lên các cá nhân, khiến họ phải che giấu quan điểm riêng.
Xem thêm: Leader Là Gì? Phẩm Chất, Kỹ Năng Và Tố Chất Cần Có Của Một Leader Giỏi
2.2 Tư Duy Bảo Thủ
Tư duy bảo thủ là một trong những đặc điểm nổi bật của hiện tượng “Groupthink”. Khi xảy ra tình trạng này, các thành viên trong nhóm có xu hướng bảo vệ và gìn giữ một cách mù quáng quan điểm, kế hoạch hay quyết định hiện tại của mình, thay vì mở rộng tầm nhìn và cân nhắc các lựa chọn hoặc giải pháp mới.
Họ tỏ ra quá tự tin, thậm chí đôi khi là lạc quan thái quá vào những gì đã được đưa ra. Sự tự tin này không đến từ việc đánh giá một cách khách quan, mà xuất phát từ niềm tin mù quáng rằng nhóm của họ đang đi đúng hướng và không cần phải thay đổi. Điều này dẫn đến việc các dấu hiệu cảnh báo, những lời phê bình hay ý kiến khác biệt bị bỏ qua hoặc đánh giá thấp.
2.3 Thiếu Sự Đa Dạng Ý Kiến
Các nhóm mắc phải Groupthink thường chỉ tập trung vào thông tin và quan điểm hỗ trợ cho lập trường của nhóm, gạt bỏ các nguồn ý kiến khác biệt hoặc đối lập. Việc thiếu đi sự đa dạng quan điểm dẫn đến sự đơn điệu và hẹp hòi trong tư duy, làm giảm khả năng nhận diện các lỗ hổng trong quyết định.
2.4 Thiếu Tư Duy Phản Biện
Nhóm mắc Groupthink thường thiếu tính phản biện, không dành thời gian và nỗ lực để phê bình hoặc đánh giá một cách nghiêm túc các quyết định của chính mình. Thay vào đó, họ có xu hướng phác họa một viễn cảnh lạc quan quá mức.
2.5 Lãnh Đạo Độc Đoán
Một người lãnh đạo có tác phong độc đoán và quyền lực quá lớn trong nhóm là yếu tố nguy hiểm thúc đẩy Groupthink. Họ có thể áp đặt quan điểm và quyết định một cách ỷ lại lên nhóm, đồng thời đàn áp các ý kiến phản biện. Điều này làm giảm sự sáng tạo và tư duy đa dạng của các thành viên khác.
Xem thêm: Kỹ Năng Lãnh Đạo Là Gì? Các Kỹ Năng Lãnh Đạo Cho Một Nhà Quản Lý Giỏi
3. Những Ảnh Hưởng Của Groupthink
Tư duy tập thể (Groupthink) có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực, ảnh hưởng đến cả cá nhân và tập thể.
3.1 Đối Với Cá Nhân
- Giảm khả năng tư duy độc lập: Khi luôn đồng ý với ý kiến chung của nhóm, cá nhân sẽ dần mất đi khả năng tư duy độc lập, đánh giá và phản biện thông tin một cách khách quan.
- Mất tự tin: Cá nhân có thể đánh mất sự tự tin vào bản thân do luôn dựa dẫm vào ý kiến của người khác.
- Căng thẳng và lo âu: Việc kìm nén ý kiến cá nhân và luôn lo lắng về việc bị đánh giá có thể dẫn đến chứng căng thẳng và lo âu.
- Thiếu động lực: Khi không được khuyến khích chia sẻ ý kiến, cá nhân có thể thiếu động lực sáng tạo và đóng góp cho nhóm.
3.2 Đối Với Tập Thể
- Quyết định sai lầm: Do thiếu sự cân nhắc kỹ lưỡng và không xem xét những ý kiến khách quan, nhóm có thể đưa ra những quyết định sai lầm, dẫn đến những hậu quả tiêu cực.
- Thiếu sáng tạo: Tư duy bảo thủ và không dám thử nghiệm những ý tưởng mới có thể kìm hãm sự sáng tạo của nhóm.
- Mất đoàn kết: Sự bất đồng về ý kiến và thiếu sự tin tưởng lẫn nhau có thể dẫn đến mất đoàn kết trong nhóm, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của nhóm.
- Gây tổn hại đến danh tiếng: Những quyết định sai lầm và những hành động thiếu suy nghĩ do tư duy tập thể có thể gây tổn hại đến danh tiếng của nhóm.
Có thể nói, Groupthink bị lạm dụng có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng. Nhận thức được những ảnh hưởng của Groupthink là bước đầu tiên để phòng tránh nó và xây dựng môi trường làm việc hiệu quả.
Xem thêm: Kỹ Năng Cứng Là Gì? 9 Kỹ Năng Cứng Quan Trọng Và Cách Rèn Luyện
4. Nguyên Nhân Dẫn Đến Groupthink
Groupthink có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
4.1 Lý Tưởng Hóa Nhóm
Một nhóm có xu hướng lý tưởng hóa mình có thể dễ rơi vào bẫy Groupthink. Khi các thành viên tin rằng nhóm của họ luôn đúng và có khả năng ra quyết định tốt nhất, họ dễ bỏ qua những rủi ro tiềm ẩn.
4.2 Ảnh Hưởng Từ Người Lãnh Đạo
Khi người lãnh đạo thể hiện rõ quan điểm và khuyến khích sự đồng thuận, các thành viên trong nhóm có xu hướng tuân theo để tránh mâu thuẫn. Tuy nhiên, điều này có thể tạo ra phản ứng ngược nếu người lãnh đạo độc đoán, áp đặt hoặc thiếu tôn trọng ý kiến của thành viên rất dễ tạo ra môi trường Groupthink.
4.3 Thiếu Kiến Thức
Khi các thành viên trong nhóm thiếu kiến thức chuyên môn hoặc kinh nghiệm về vấn đề cần giải quyết, họ có thể dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của những người có chuyên môn cao hơn hoặc có vị trí cao hơn trong nhóm. Đặc biệt, sự thiếu tự tin và thiếu khả năng đánh giá có thể khiến họ dễ dàng đồng thuận với ý kiến chung mà không có sự cân nhắc kỹ lưỡng.
4.4 Áp Lực
Các yếu tố như thời hạn gấp rút, áp lực công việc cao hoặc cảm nhận có mối đe dọa từ bên ngoài có thể khiến nhóm không có đủ thời gian và nguồn lực để xem xét kỹ lưỡng các lựa chọn dẫn đến việc lựa chọn theo tâm lý đám đông.
Xem thêm: Burn Out Là Gì? 13 Cách Giúp Thoát Khỏi Tình Trạng Burn Out
5. Làm Sao Để Tránh Groupthink?
Để ngăn chặn Groupthink và đưa ra các quyết định hiệu quả hơn, cá nhân và tổ chức có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Xây dựng sự đa dạng trong nhóm về bối cảnh, kinh nghiệm, lĩnh vực chuyên môn và quan điểm. Điều này giúp thúc đẩy sự đối thoại sôi nổi, trao đổi ý kiến phong phú và giảm thiểu hiện tượng áp đặt quan điểm đơn nhất hoặc áp lực đồng thuận.
- Chủ động tìm kiếm các ý kiến chuyên gia từ bên ngoài, đặc biệt là những người không trực tiếp liên quan đến vấn đề để có được góc nhìn khác biệt, khách quan hơn.
- Xây dựng và duy trì một môi trường làm việc an toàn, cởi mở để mọi thành viên đều được chia sẻ ý kiến của mình.
- Tổ chức các hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức về Groupthink và các nguy cơ, tác hại của nó để thành viên cảnh giác và sẵn sàng phòng ngừa.
- Trước khi đưa ra quyết định chính thức, thực hiện các hoạt động thu thập ý kiến riêng rẽ hoặc ẩn danh từ các thành viên để giảm áp lực nhóm và thu thập đầy đủ các quan điểm, khuyến khích thoải mái bày tỏ ý kiến mà không sợ bị phê phán hay trừng phạt.
Groupthink là gì? Có thể thấy, Groupthink là một hiện tượng tâm lý nguy hiểm không chỉ đối với cá nhân mà còn với tập thể. JobsGO mong rằng sau bài viết trên, bạn đã trang bị cho bản thân những chiến lược hiệu quả để phòng tránh hiện tượng này.
Câu hỏi thường gặp
1. Các Công Cụ Nào Có Thể Giúp Ngăn Chặn Groupthink?
Các công cụ như Brainstorming, Delphi method và việc sử dụng các nhóm làm việc nhỏ với các vai trò phản biện rõ ràng có thể giúp ngăn chặn Groupthink.
2. Groupthink Và Suy Nghĩ Độc Lập Có Mâu Thuẫn Nhau Không?
Groupthink và suy nghĩ độc lập không nhất thiết mâu thuẫn. Các nhóm vẫn có thể đạt được sự đồng thuận sau khi cân nhắc đầy đủ các quan điểm khác nhau. Vấn đề của Groupthink là thiếu sự đối thoại, phê bình lành mạnh và coi trọng quá mức tinh thần nhóm đến mức bỏ qua các lỗi sai và rủi ro rõ ràng.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)