Trong hành trình sự nghiệp, sẽ có những lúc bạn cảm thấy chán công việc hiện tại và muốn tìm kiếm một cánh cửa mới. Và kế hoạch “nhảy việc” của bạn chính là tìm được việc rồi mới xin nghỉ. Thế nhưng, “đời không như là mơ”, bạn vô tình bị sếp phát hiện đang tìm việc mới. Trong trường hợp này, bạn sẽ xử lý như thế nào?
Mục lục
Sẽ ra sao nếu sếp phát hiện bạn đang tìm việc mới?
Bạn đang có ý định chuyển việc? Bạn đã đi “rải CV”, tìm việc khắp nơi và dự định đậu phỏng vấn rồi sẽ xin nghỉ ở công ty hiện tại? Tuy nhiên, chuyện này vô tình lọt đến tai của sếp, bạn bị phát hiện chuẩn bị “phản bội” công ty. Vậy những trường hợp nào sẽ xảy ra khi sếp biết bạn đang tìm việc mới?
Bạn có thể được tăng lương/thăng chức
Nếu bạn là người tài giỏi, đang nắm giữ vị trí quan trọng trong công ty thì có thể sếp sẽ không muốn bạn rời đi. Lúc này, bạn có khả năng sẽ được cân nhắc tăng lương hoặc thăng chức lên vị trí cao hơn.
Sẽ có 2 trường hợp xảy ra, hoặc là sếp sẽ âm thầm đưa ra quyết định, xem như chưa biết gì về việc bạn tìm việc mới, hoặc là sẽ hẹn gặp bạn để trao đổi rõ ràng, hỏi nguyên nhân và đề xuất hướng giải quyết đảm bảo có lợi cho cả 2. Khi đó, nếu bạn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi làm việc ở công ty thì tăng lương, thăng chức sẽ là một kết quả tuyệt vời. Ngược lại, nếu công ty có quá nhiều “độc hại”, bạn đang hướng đến một môi trường lớn, chuyên nghiệp hơn và lương, thưởng hay chức vụ vẫn không khiến bạn thỏa mãn thì bạn vẫn có thể tiếp tục ý định của mình.
👉 Xem thêm: Thăng chức nhưng không tăng lương thì phải làm sao?
Mọi hoạt động của bạn sẽ được xem xét kỹ lưỡng hơn
Chắc chắn sẽ không có sếp nào vui vẻ khi biết nhân viên của mình đang âm thầm tìm việc làm mới nhưng lại chưa xin nghỉ. Chính vì vậy, nếu vô tình phát hiện ra, có thể họ không trao đổi trực tiếp, không xác minh với bạn mà sẽ để ý, xem xét các hoạt động của bạn kỹ hơn.
Bạn đừng ngạc nhiên nếu như người quản lý bắt đầu không hài lòng, thắc mắc về những lần xin nghỉ phép của mình. Đây có thể là cách mà sếp nhắc nhở bạn cần tập trung vào công việc, hoàn thành các nhiệm vụ được yêu cầu. Bởi thực tế, các nhân viên sẽ có xu hướng làm việc tích cực, hiệu quả hơn nếu họ không bị phân tâm từ các vấn đề khác. Nếu không có ý định nghỉ việc, không dồn thời gian đi phỏng vấn chỗ khác thì chắc chắn các bạn sẽ đi làm đều, hoàn thành công việc nhanh chóng hơn.
Thậm chí, sẽ có lúc sếp tỏ ra khó chịu, chê trách bạn trước mặt đồng nghiệp, bạn có thể bị phạt vì nhiều lý do. Điều này cũng không phải là lạ vì họ nghĩ bạn sắp nghỉ việc, không cần phải nhân nhượng, cả nể làm gì.
Bạn có thể sẽ bị sa thải
Một trường hợp khác mà bạn có thể gặp phải khi sếp phát hiện đang tìm việc mới đó là bị sa thải. Đây có lẽ là trường hợp xấu nhất, nằm ngoài dự định của bạn. Mặc dù bạn muốn nhảy việc, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tránh tình trạng thất nghiệp, bạn đã tìm việc trước rồi mới nghỉ. Thế nhưng, sếp sẽ không thích, có thể là rất ghét điều này, họ hoàn toàn có những lý do để cho bạn nghỉ việc ngay. Ví dụ như do bạn thường xuyên xin nghỉ phép, hiệu suất công việc giảm sút mạnh, không chú tâm vào các nhiệm vụ được giao,…
Trong trường hợp này, dù phải đơn phương chấm dứt hợp đồng và phải bồi thường một khoản nhất định nhưng sếp cũng sẽ không ngần ngại sa thải bạn để tìm một người khác thay thế.
👉 Xem thêm: 16 dấu hiệu hàng đầu cho thấy bạn sắp bị sa thải
Vậy nên làm thế nào khi bị sếp phát hiện bạn đang tìm việc?
Tìm việc mới trước khi xin nghỉ ở công ty hiện tại giống như việc bạn đang lén lút, vụng trộm điều gì đó và khi bị phát hiện thì thật trớ trêu. Vậy phải làm sao nếu sếp biết bạn đang có ý định rời khỏi công ty?
Cách tốt nhất là bạn nên có một buổi gặp mặt, trao đổi thẳng thắn với sếp về vấn đề này. Tùy vào mối quan hệ của bạn với sếp mà bạn có thể trình bày lý do, chia sẻ chân thành những điều mình đang lăn tăn khi làm việc ở công ty. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để bạn đưa ra phản hồi chân thực về công ty cho sếp.
Bạn có thể nói mình muốn phát triển ở một mảng khác, lĩnh vực khác mà ở công ty chưa có. Hoặc nếu vấn đề liên quan đến chế độ, lương thưởng, cơ hội phát triển, thậm chí là không hòa đồng được với đồng nghiệp,… thì bạn cũng nên chia sẻ thẳng thắn để sếp nắm được. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý, dù là vì lý do gì, hãy luôn đảm bảo thật khéo léo, cuộc trò chuyện diễn ra vui vẻ, không căng thẳng nhé.
Chuyển việc không phải là điều xấu, quan trọng là bạn biết cách để cư xử với các mối quan hệ với sếp, với công ty như thế nào cho hợp lý. Và một điều rất cần thiết là dù bạn quyết định nghỉ việc, hãy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của bản thân mình cho đến ngày làm việc cuối cùng tại công ty nhé. Hy vọng bài viết trên đây sẽ hữu ích cho bạn đọc đang quan tâm đến vấn đề này.
👉 Xem thêm: [Bí quyết ứng xử] Bị giáng cấp – nên phản ứng ra sao cho đúng?
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)