Bạn có tò mò về bí quyết làm nên thành công của các thương hiệu hàng đầu thế giới như Nike, Coca-Cola hay Apple không? Bạn có muốn trở thành người tạo nên những chiến dịch ấn tượng như định vị lại thương hiệu của Vinamilk hay những cuộc đối đầu giữa Ovaltine và Milo? Nếu câu trả lời là có, hãy khám phá ngành Quản trị thương hiệu. Với sự bùng nổ của marketing và truyền thông số, ngành học này đã và đang chiếm lĩnh vị trí đầu bảng trên thị trường lao động. Vậy ngành Quản trị thương hiệu là gì mà lại thu hút nhiều người quan tâm đến vậy? Cùng JobsGO tìm hiểu ngay sau đây.
Mục lục
- 1. Ngành Quản Trị Thương Hiệu Là Gì?
- 2. Mục Tiêu Đào Tạo Ngành Quản Trị Thương Hiệu
- 3. Ngành Quản Trị Thương Hiệu Học Những Gì?
- 4. Ngành Quản Trị Thương Hiệu Thi Khối Gì?
- 5. Ngành Quản Trị Thương Hiệu Học Trường Nào? Điểm Chuẩn Bao Nhiêu?
- 6. Ngành Quản Trị Thương Hiệu Có Được Ưa Chuộng?
- 7. Tố Chất Cần Có Để Theo Đuổi Ngành Quản Trị Thương Hiệu
- 8. Học Ngành Quản Trị Thương Hiệu Ra Làm Gì?
- Câu hỏi thường gặp
1. Ngành Quản Trị Thương Hiệu Là Gì?
Ngành Quản trị thương hiệu là gì? Ngành Quản trị thương hiệu là một nhánh trong marketing, nhằm thiết lập các kế hoạch nghiên cứu và truyền thông để làm tăng giá trị cảm nhận của một dòng sản phẩm hoặc thương hiệu theo thời gian. Mục tiêu của ngành Quản thương hiệu là giúp nâng giá sản phẩm và thu hút lượng khách hàng trung thành thông qua tăng cường hình ảnh thương hiệu tích cực hoặc nhận thức mạnh mẽ về thương hiệu.
Ngành marketing quản trị thương hiệu là gì? Ngành marketing quản trị thương hiệu là một lĩnh vực chuyên môn tập trung vào xây dựng, phát triển và duy trì giá trị thương hiệu của một tổ chức, sản phẩm hoặc dịch vụ. Đây là một ngành học kết hợp giữa kiến thức marketing tổng quát và các kỹ năng chuyên sâu về quản lý thương hiệu. Nội dung ngành marketing quản trị thương hiệu bao gồm:
- Chiến lược xây dựng, quản lý danh mục thương hiệu.
- Định vị và truyền thông thương hiệu.
- Phân tích thị trường, hành vi người tiêu dùng.
- Ứng dụng các công cụ marketing số để tạo dựng và duy trì hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
2. Mục Tiêu Đào Tạo Ngành Quản Trị Thương Hiệu
Mục tiêu của ngành là đào tạo ra nguồn nhân lực có khả năng thực hiện tốt, có hiệu quả các công việc trong quản trị thương hiệu, bao gồm định vị, xây dựng, duy trì và phát triển thương hiệu:
- Định vị thương hiệu: Đây là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về thị trường cũng như tâm lý khách hàng. Các bài học lý thuyết kết hợp với các tình huống thực tế sẽ giúp sinh viên phát triển khả năng xây dựng một chiến lược định vị thương hiệu hiệu quả, giúp thương hiệu tạo được ấn tượng riêng biệt và thu hút trong mắt khách hàng mục tiêu.
- Xây dựng nhận thức về thương hiệu: Sinh viên hiểu được tầm quan trọng của việc tạo ra những thông điệp nhất quán, ấn tượng, giúp khách hàng không chỉ nhận biết mà còn hiểu đúng về giá trị và bản sắc của thương hiệu. Thông qua đó, sinh viên được phát triển khả năng xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả, tạo ra sự kết nối mạnh mẽ giữa thương hiệu và khách hàng.
- Duy trì và phát triển thương hiệu: Sinh viên ngành học hiểu được tầm quan trọng của việc liên tục đổi mới, cải tiến, đồng thời vẫn giữ được bản sắc cốt lõi của thương hiệu. Sinh viên sẽ tham gia vào nghiên cứu các trường hợp thành công hay thất bại của các thương hiệu lớn, học cách xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu bền vững, đảm bảo thương hiệu luôn giữ được sức hấp dẫn cũng như tính cạnh tranh trong dài hạn.
3. Ngành Quản Trị Thương Hiệu Học Những Gì?
Quản trị thương hiệu học gì? Ngành Quản trị thương hiệu mang đến cho người học những kiến thức, kỹ năng thú vị và có tính ứng dụng cao vào trong thực tế. Khi theo đuổi ngành học này, bạn không chỉ được thỏa sức sáng tạo mà còn phát huy được tối đa những kỹ năng của bản thân vào công việc như viết lách, thiết kế hình ảnh hay lập kế hoạch cho thương hiệu.
- Marketing căn bản: Ngành học trang bị cho sinh viên những hiểu biết về hành vi người tiêu dùng, phân tích thị trường, chiến lược định giá. Đồng thời, bạn cũng sẽ được làm quen với các công cụ nghiên cứu thị trường, phương pháp thu thập dữ liệu khách hàng. Những kiến thức nền tảng này đóng vai trò then chốt, giúp bạn có cái nhìn tổng quan về môi trường kinh doanh trước khi đi sâu vào lĩnh vực quản trị thương hiệu.
- Kỹ năng xây dựng thương hiệu: Nội dung chuyên môn của ngành bao gồm cách xây dựng bản sắc thương hiệu, thiết kế logo, tạo ra slogan thu hút. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được tiếp cận với nghệ thuật kể chuyện thương hiệu, cách tạo ra những câu chuyện hấp dẫn xoay quanh sản phẩm hoặc dịch vụ.
- Quản trị khủng hoảng truyền thông: Ngành học cung cấp kiến thức về cách nhận diện các dấu hiệu khủng hoảng tiềm ẩn, xây dựng kế hoạch ứng phó nhanh chóng hiệu quả. Thông qua việc phân tích các tình huống thực tế, bạn sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc duy trì hình ảnh tích cực của thương hiệu trong mọi hoàn cảnh.
- Đo lường hiệu quả: Bạn cũng sẽ được làm quen với các công cụ phân tích dữ liệu hiện đại, học cách thiết lập các chỉ số đánh giá hiệu quả (KPI) cho chiến lược thương hiệu. Qua đó, bạn không chỉ biết cách xây dựng mà còn có thể đánh giá, điều chỉnh chiến lược thương hiệu một cách khoa học, dựa trên các số liệu cụ thể.
4. Ngành Quản Trị Thương Hiệu Thi Khối Gì?
Năm 2024, ngành Quản trị thương hiệu xét tuyển những khối sau:
- A00 (Toán, Vật lý, Hoá)
- A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh)
- C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý)
- D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh)
- D03 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Pháp)
- D04 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Trung)
- D96 (Toán, Tiếng Anh, Khoa học xã hội)
5. Ngành Quản Trị Thương Hiệu Học Trường Nào? Điểm Chuẩn Bao Nhiêu?
Dưới đây là bảng điểm chuẩn mới nhất năm 2024 của ngành Quản trị thương hiệu:
Trường Đại học | Điểm chuẩn năm 2024 |
Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội | 25,15 – 27,83 |
Đại học Kinh tế – Luật | 26,87 |
Đại học Thương mại | 26,75 |
Đại học Tài chính – Marketing | 23,5 – 25,9 |
Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM | 18 |
6. Ngành Quản Trị Thương Hiệu Có Được Ưa Chuộng?
Ngành quản trị thương hiệu đã và đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn của thế hệ GenZ năng động. Sức hút này xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là triển vọng nghề nghiệp rộng mở sau khi tốt nghiệp. Thời đại số hóa đã tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt, khiến các doanh nghiệp ngày càng chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu mạnh. Sức phát triển vượt bậc của ngành dẫn đến nhu cầu cao về nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực quản trị thương hiệu. Sinh viên tốt nghiệp ngành học này có cơ hội làm việc trong nhiều lĩnh vực đa dạng như marketing, quảng cáo, truyền thông, tư vấn chiến lược thương hiệu, thậm chí có thể tự khởi nghiệp với những ý tưởng kinh doanh độc đáo.
Hơn nữa, các ngành học trong marketing, mà điển hình là quản trị thương hiệu luôn thu hút nhiều bạn trẻ bởi môi trường năng động, sáng tạo. Thế hệ GenZ hiện nay luôn đề cao sự tự do, tính cá nhân và sự linh hoạt của công việc. Với các vị trí trong ngành Quản trị thương hiệu, sinh viên luôn được thỏa sức thể hiện bản thân và đưa ra những ý tưởng mới lạ.
7. Tố Chất Cần Có Để Theo Đuổi Ngành Quản Trị Thương Hiệu
Môi trường trong ngành Quản trị thương hiệu luôn vận động, biến chuyển, đòi hỏi người làm nghề phải có những tố chất đặc thù như kỹ năng giao tiếp, ứng biến, sự kiên nhẫn và óc sáng tạo.
7.1 Kỹ Năng Giao Tiếp
Người làm quản trị thương hiệu thường xuyên phải làm việc với nhiều đối tác khác nhau, từ nhóm thiết kế, đội ngũ sản xuất nội dung đến các nhà quản lý cấp cao. Bạn cần có khả năng truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng, thuyết phục để đảm bảo mọi người đều hiểu đúng về tầm nhìn, định hướng của thương hiệu. Đồng thời, kỹ năng lắng nghe cũng rất quan trọng, giúp nhà quản trị nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của khách hàng cũng như ý kiến đóng góp từ các bên liên quan.
7.2 Khả Năng Ứng Biến
Trong môi trường kinh doanh năng động hiện nay, các chuyên gia quản trị thương hiệu thường xuyên phải đối mặt với những tình huống bất ngờ, đòi hỏi phải có phản ứng nhanh nhạy mà vẫn đảm bảo tính chính xác. Người có khả năng ứng biến tốt không chỉ biết cách xử lý tình huống một cách nhanh chóng mà còn có thể biến những thách thức thành cơ hội để tạo ra giá trị cho thương hiệu. Để trở thành chuyên gia quản trị thương hiệu, bạn phải luôn sẵn sàng học hỏi, cập nhật kiến thức mới để có thể ứng biến kịp thời với những thay đổi của thị trường.
7.3 Sáng Tạo
Để thành công trong ngành Quản trị thương hiệu, óc sáng tạo là yếu tố không thể thiếu. Người làm quản trị thương hiệu phải luôn đổi mới, tìm ra những ý tưởng độc đáo để tạo dấu ấn cho thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Khả năng tư duy “ngoài khuôn khổ” sẽ giúp bạn xây dựng những chiến lược marketing đột phá, tạo ra những câu chuyện thương hiệu hấp dẫn. Tính sáng tạo không chỉ thể hiện trong việc thiết lập nội dung mà còn trong cách giải quyết vấn đề, đặc biệt khi đối mặt với những thách thức không lường trước trong quá trình xây dựng thương hiệu.
7.4 Kiên Nhẫn
Xây dựng một thương hiệu mạnh là một quá trình dài, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì. Chuyên gia quản trị thương hiệu phải có khả năng duy trì tầm nhìn dài hạn, không dễ dàng nản lòng trước những khó khăn, thách thức ngắn hạn. Bạn cần hiểu rằng việc tạo dựng nhận thức thương hiệu, xây dựng lòng trung thành của khách hàng không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Tính kiên nhẫn sẽ giúp bạn theo đuổi chiến lược một cách nhất quán, liên tục điều chỉnh, cải tiến để đạt được mục tiêu dài hạn của thương hiệu.
8. Học Ngành Quản Trị Thương Hiệu Ra Làm Gì?
Ngành Quản trị thương hiệu mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn và đa dạng cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
8.1 Nhân Viên Marketing
Với kiến thức chuyên sâu về xây dựng và phát triển thương hiệu, cùng các kỹ năng phân tích thị trường, bạn có thể đảm nhận vị trí nhân viên marketing tại các doanh nghiệp lớn nhỏ. Công việc này đòi hỏi khả năng lên kế hoạch chiến lược, triển khai các chiến dịch quảng bá sản phẩm hiệu quả và đo lường kết quả để không ngừng cải thiện hiệu suất marketing. Bạn sẽ được tham gia vào quá trình định vị thương hiệu, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng mục tiêu. Thu nhập trung bình của nhân viên marketing dao động từ 12 triệu đồng/tháng.
8.2 Nhân Viên Truyền Thông/PR
Một lựa chọn nghề nghiệp khác dành cho cử nhân ngành này là làm việc trong lĩnh vực truyền thông và quan hệ công chúng (PR). Ở vị trí này, bạn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và công chúng, quản lý khủng hoảng truyền thông, tổ chức sự kiện, phát triển nội dung PR nhằm nâng cao uy tín thương hiệu. Mức lương của nhân viên truyền thông và quan hệ công chúng khoảng từ 11 – 13 triệu đồng đối với người có từ 1 – 3 năm kinh nghiệm.
8.3 Nghiên Cứu Thị Trường
Nghiên cứu thị trường là một hướng đi chuyên sâu và đầy tiềm năng cho những ai yêu thích phân tích dữ liệu hay nắm bắt xu hướng người tiêu dùng. Trong vai trò này, bạn sẽ thu thập, phân tích thông tin về thị trường, đối thủ cạnh tranh và hành vi khách hàng.
Những hiểu biết sâu sắc từ nghiên cứu sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định đúng đắn về chiến lược thương hiệu, phát triển sản phẩm mới và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Công việc này phù hợp với những người có tư duy phân tích, khả năng xử lý số liệu tốt, am hiểu tâm lý người tiêu dùng. Thu nhập của nhân viên nghiên cứu và khảo sát thị trường có thể lên đến 15 triệu đồng.
8.4 Nhân Viên Quảng Cáo
Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị Thương hiệu có thể đảm nhận vai trò nhân viên quảng cáo tại các công ty truyền thông hoặc agency. Công việc này đòi hỏi sự sáng tạo cao độ để tạo ra những chiến dịch quảng cáo ấn tượng, thu hút sự chú ý của khách hàng và truyền tải thông điệp thương hiệu một cách hiệu quả. Bạn sẽ được tham gia vào quá trình brainstorm ý tưởng, lên kế hoạch media và theo dõi hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo trên nhiều nền tảng khác nhau.
8.5 Chuyên Viên Quản Trị Thương Hiệu
Vị trí chuyên viên quản trị thương hiệu là đích đến lý tưởng cho những ai muốn đảm nhận vai trò then chốt trong việc định hình và phát triển thương hiệu. Ở vị trí này, bạn sẽ chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược thương hiệu tổng thể, quản lý danh mục thương hiệu và đảm bảo tính nhất quán trong mọi hoạt động liên quan đến thương hiệu.
Công việc đòi hỏi tầm nhìn chiến lược, khả năng lãnh đạo và kỹ năng quản lý dự án tốt. Bạn sẽ được làm việc với nhiều bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp để đảm bảo thương hiệu luôn được truyền tải một cách mạnh mẽ và nhất quán đến khách hàng. Mức lương trong ngành dao động từ 20 – 40 triệu đồng ở các vị trí cao như quản lý, giám đốc.
8.6 Sáng Tạo Nội Dung
Sáng tạo nội dung là một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ trong thời đại số hóa. Với nền tảng kiến thức về quản trị thương hiệu, bạn có thể trở thành một content creator chuyên nghiệp, tạo ra những nội dung hấp dẫn và có giá trị cho thương hiệu trên các nền tảng số.
Công việc này đòi hỏi khả năng viết lách xuất sắc, hiểu biết sâu rộng về xu hướng thị trường và kỹ năng sử dụng các công cụ sáng tạo đa phương tiện. Bạn sẽ được thỏa sức sáng tạo để xây dựng câu chuyện thương hiệu qua các bài viết, video, podcast hay infographic.
Theo JobsGO thấy ngành quản trị thương hiệu đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu hiện nay. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ và sự thay đổi nhanh chóng trong hành vi tiêu dùng, những chuyên gia trong lĩnh vực này đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp săn đón. Hiểu được ngành Quản trị thương hiệu là gì sẽ giúp bạn hiểu về ngành học này và có những kế hoạch lý tưởng nhất cho tương lai.
Câu hỏi thường gặp
1. Quản Trị Thương Hiệu Khác Gì Với Marketing?
Quản trị thương hiệu tập trung vào việc xây dựng và duy trì giá trị lâu dài của thương hiệu, trong khi marketing thường nhắm đến các mục tiêu ngắn hạn như tăng doanh số. Tuy nhiên, hai lĩnh vực này có mối quan hệ chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong chiến lược kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp.
2. Hướng Nội Có Học Được Ngành Quản Trị Thương Hiệu Không?
Người hướng nội hoàn toàn có thể học và thành công trong lĩnh vực quản trị thương hiệu. Bạn có thể tận dụng thế mạnh của người hướng nội như kỹ năng phân tích, tư duy chiến lược vào định vị và thiết lập kế hoạch phát triển thương hiệu.
3. Có Những Mô Hình Quản Trị Thương Hiệu Nào?
Có nhiều mô hình quản trị thương hiệu được áp dụng rộng rãi, trong đó nổi bật là mô hình kim tự tháp giá trị thương hiệu của Keller và mô hình vốn thương hiệu của Aaker. Các mô hình này thường tập trung vào việc xây dựng nhận thức thương hiệu, tạo ra các liên tưởng tích cực và phát triển lòng trung thành của khách hàng.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)