Hội nhập quốc tế đã trở thành một xu thế lớn của thế giới hiện đại, tác động mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, tài chính. Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính quốc tế trở thành tâm điểm mà nhiều bạn học sinh ưu tiên khi lựa chọn hướng đi cho tương lai của mình. Nguyên nhân là do ngành học này bắt kịp xu thế thời đại và là chìa khóa mở ra muôn vàn cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Cùng JobsGO trả lời cho câu hỏi học ngành Tài chính quốc tế ra làm gì? thông qua bài viết dưới đây.
Mục lục
- 1. Ngành Tài Chính Quốc Tế Là Gì?
- 2. Mục Tiêu Đào Tạo Ngành Tài Chính Quốc Tế
- 3. Ngành Tài Chính Quốc Tế Học Những Gì?
- 4. Ngành Tài Chính Quốc Tế Thi Khối Nào?
- 5. Ngành Tài Chính Quốc Tế Học Trường Gì? Điểm Chuẩn Bao Nhiêu?
- 6. Ngành Tài Chính Quốc Tế Có Được Ưa Chuộng?
- 7. Tố Chất Cần Có Để Theo Đuổi Ngành Tài Chính Quốc Tế
- 8. Học Ngành Tài Chính Quốc Tế Ra Làm Gì?
- Câu hỏi thường gặp
1. Ngành Tài Chính Quốc Tế Là Gì?
Ngành Tài chính quốc tế là ngành học nghiên cứu, thực hành liên quan đến các giao dịch tài chính xuyên biên giới và hoạt động của hệ thống tài chính toàn cầu. Ngành này bao gồm việc quản lý dòng vốn quốc tế, đầu tư nước ngoài, tỷ giá hối đoái và các chính sách tài chính quốc tế.
Ngành Tài chính quốc tế tập trung vào cách thức các công ty, tổ chức tài chính, chính phủ hoạt động trong môi trường kinh tế toàn cầu, đồng thời nghiên cứu tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô, chính trị, văn hóa đối với các quyết định tài chính quốc tế.
2. Mục Tiêu Đào Tạo Ngành Tài Chính Quốc Tế
Ngành Tài chính quốc tế hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng thực đảm nhận tốt các công việc trong ngành. Mục tiêu chương trình học bao gồm:
- Trang bị kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về các vấn đề xoay quanh tài chính quốc tế: Sinh viên được trang bị kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về kinh tế, quản trị kinh doanh, đầu tư, tài chính, kế toán, các hoạt động của doanh nghiệp, các vấn đề xã hội có liên quan, pháp luật tài chính quốc tế, công nghệ thông tin,… Thông qua đó, sinh viên có khả năng nắm bắt, tóm lược, phân tích thông tin. Ở mức độ cao hơn, chương trình học giúp sinh viên giải thích và áp dụng kiến thức vào trong thực tiễn các hoạt động tài chính quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp cũng như các định chế tài chính trên toàn cầu.
- Phát triển kỹ năng ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn: Chương trình học được thiết kế nhằm phát triển cho sinh viên đa dạng các kỹ năng ứng dụng kiến thức ngành vào thực hiện có hiệu quả công việc liên quan đến tài chính quốc tế, bao gồm:
- Nhận diện, đánh giá các loại rủi ro tỷ giá, phân tích thị trường, dự báo biến động tỷ giá, xây dựng chiến lược giao dịch, sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, quyền chọn và hoán đổi tiền tệ.
- Phân tích sâu sắc, đưa ra các đề xuất chính sách dựa trên nền tảng lý thuyết và thực tiễn tài chính quốc tế, đánh giá tác động của chính sách tiền tệ đối với lạm phát, tăng trưởng kinh tế, tỷ giá hối đoái,..
- Phát triển kỹ năng mềm: Chương trình đào tạo tập trung vào việc nâng cao khả năng giao tiếp đa văn hóa, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề phức tạp. Sinh viên được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, quản lý thời gian và thích nghi nhanh với sự thay đổi. Đồng thời, chương trình chú trọng phát triển kỹ năng thuyết trình chuyên nghiệp, đàm phán trong bối cảnh quốc tế và phát triển khả năng lãnh đạo. Những kỹ năng này giúp sinh viên tự tin ứng phó với áp lực công việc, đưa ra quyết định sáng suốt và xây dựng mạng lưới quan hệ rộng rãi trong lĩnh vực tài chính toàn cầu.
3. Ngành Tài Chính Quốc Tế Học Những Gì?
Ngành Tài chính quốc tế trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng về hoạt động tài chính trong môi trường kinh doanh toàn cầu. Chương trình thường bao gồm các nội dung như sau:
- Các môn học nền tảng về kinh tế, tài chính: Bên cạnh các môn học bắt buộc của các môn học đại cương bắt buộc, ngành học trang bị cho sinh viên kiến thức về kinh tế, tài chính. Các môn học có thể kể đến như kinh tế học vi mô và vĩ mô, toán tài chính, thống kê ứng dụng, kế toán, luật kinh doanh quốc tế,…
- Kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành: Sinh viên được tìm hiểu về các vấn đề xoay quanh tài chính quốc tế thông qua các môn như hệ thống tài chính quốc tế, thị trường ngoại hối, quản trị rủi ro tỷ giá trong kinh doanh quốc tế,…
- Kỹ năng: Sinh viên được học và thực hành các kỹ năng phục vụ công việc như kỹ năng phân tích định lượng, định tính, đánh giá, quản lý rủi ro, giao tiếp kinh doanh, đàm phán, thuyết trình,…
- Ngoại ngữ: Chương trình thường bao gồm các khóa học tiếng Anh chuyên ngành tài chính, giúp sinh viên làm quen với thuật ngữ và cách diễn đạt đặc thù trong lĩnh vực này. Ngoài tiếng Anh, nhiều chương trình còn khuyến khích hoặc yêu cầu sinh viên học thêm một ngoại ngữ thứ hai như tiếng Trung, tiếng Nhật hoặc một ngôn ngữ châu Âu.
4. Ngành Tài Chính Quốc Tế Thi Khối Nào?
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Tài chính quốc tế tuyển sinh một số khối sau đây:
- A00 (Toán, Vật lý, Hoá)
- A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh)
- C01 (Toán, Ngữ văn, Vật lý)
- D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh)
- D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh)
5. Ngành Tài Chính Quốc Tế Học Trường Gì? Điểm Chuẩn Bao Nhiêu?
Hiện nay, ngành Tài chính quốc tế chưa được đưa vào giảng dạy rộng rãi tại các trường Đại học, Cao đẳng như một ngành riêng. Thay vào đó, Tài chính quốc tế được tích hợp thành môn học trong chương trình đào tạo của nhiều ngành kinh tế, tài chính. Dưới đây là bảng điểm chuẩn ngành Tài chính quốc tế năm 2023 mà bạn có thể tham khảo:
Trường Đại học | Điểm chuẩn năm 2023 |
Đại Học Kinh Tế TPHCM | 26,6 |
Đại Học Kinh Tế -Tài chính TPHCM | 18 – 19 |
Đại học Công nghệ TP HCM | 16 – 18 |
6. Ngành Tài Chính Quốc Tế Có Được Ưa Chuộng?
Trong những năm gần đây, ngành Tài chính quốc tế nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Nguyên nhân là do lĩnh vực tài chính quốc tế đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, có tiềm năng rộng lớn trong tương lai, được thúc đẩy bởi quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và sự phát triển của công nghệ tài chính. Thị trường lao động trong lĩnh vực này cũng đang mở rộng với nhu cầu cao đối với các gia có kiến thức chuyên sâu về tài chính quốc tế và kỹ năng làm việc trong môi trường đa văn hóa.
Là một ngành học năng động, mở ra nhiều cơ hội phát triển, ngành Tài chính quốc tế là ngành học đầy hứa hẹn và sẽ còn hot hơn nữa trong những năm tới.
7. Tố Chất Cần Có Để Theo Đuổi Ngành Tài Chính Quốc Tế
Để có thể theo đuổi ngành học vô cùng năng động này, bạn cần có những tố chất sau:
7.1 Thành Thạo Ngoại Ngữ
Việc thông thạo tiếng Anh hay các ngoại ngữ khác mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn trong các tổ chức quốc tế và công ty đa quốc gia. Bạn có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tài liệu, nghiên cứu và xu hướng mới nhất trong lĩnh vực tài chính toàn cầu. Khả năng sử dụng ngoại ngữ cũng tạo điều kiện cho bạn giao tiếp hiệu quả với đối tác, khách hàng, đồng nghiệp từ nhiều nền văn hóa khác nhau, đồng thời tăng cường khả năng thăng tiến khi làm việc trong môi trường quốc tế.
7.2 Có Kỹ Năng Giao Tiếp Tốt
Khả năng giao tiếp xuất sắc là một lợi thế lớn trong ngành tài chính quốc tế. Giao tiếp hiệu quả giúp bạn trình bày ý tưởng, phân tích tài chính phức tạp một cách rõ ràng, thuyết phục đến các bên liên quan. Kỹ năng này cũng hỗ trợ việc xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, khách hàng, đối tác kinh doanh, tạo nền tảng cho sự phát triển nghề nghiệp lâu dài. Trong các giao dịch tài chính quốc tế, khả năng giao tiếp là chìa khóa thành công khi đàm phán và thỏa thuận với đối tác nước ngoài.
7.3 Khả Năng Thích Ứng Tốt
Khả năng thích ứng cao sẽ giúp bạn nhạy bén và sáng suốt khi phải ứng phó với những thay đổi của thị trường tài chính toàn cầu, dễ dàng hòa nhập vào môi trường làm việc đa văn hóa. Nhờ tố chất này, bạn sẽ nắm bắt cơ hội mới trong lĩnh vực tài chính quốc tế và phát triển sự nghiệp trong bối cảnh kinh tế toàn cầu thay đổi nhanh chóng. Khả năng thích ứng cũng hỗ trợ học hỏi và áp dụng công nghệ mới, đối phó với các thách thức mới nổi trong lĩnh vực tài chính.
7.4 Tư Duy Phân Tích
Tư duy phân tích sắc bén sẽ thúc đẩy bạn đưa ra các quyết định tài chính chính xác dựa trên việc phân tích dữ liệu phức tạp. Bạn cũng có thể nhận diện xu hướng và cơ hội đầu tư trên thị trường quốc tế, giải quyết hiệu quả các vấn đề tài chính phức tạp. Điều này không chỉ tăng giá trị cho tổ chức thông qua việc phân tích và đề xuất chiến lược tài chính sáng tạo, mà còn giúp bạn trở thành chuyên gia được đánh giá cao trong lĩnh vực tài chính quốc tế.
7.5 Tầm Nhìn Quốc Tế
Tầm nhìn quốc tế là một tố chất không thể thiếu khi theo đuổi ngành ngành tài chính quốc tế. Tầm nhìn quốc tế cho phép bạn hiểu rõ tác động của các sự kiện toàn cầu đến thị trường tài chính, từ đó xây dựng chiến lược tài chính phù hợp với bối cảnh kinh tế-chính trị quốc tế. Qua đó, bạn cũng có thể thể nhận diện được cơ hội kinh doanh, đầu tư trên phạm vi toàn cầu, đồng thời đưa ra tư vấn chiến lược có giá trị cho doanh nghiệp trong quá trình quốc tế hóa, giúp bạn hiểu và tôn trọng sự đa dạng văn hóa, một yếu tố quan trọng trong môi trường kinh doanh toàn cầu.
8. Học Ngành Tài Chính Quốc Tế Ra Làm Gì?
Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành Tài chính quốc tế có cơ hội làm việc trong môi trường đa quốc gia tại nhiều vị trí đầy hứa hẹn, bao gồm:
8.1 Chuyên Viên Tài Chính, Quản Trị Các Dự Án ODA, FDI
Chuyên viên tài chính và quản trị các dự án ODA (Official Development Assistance – Hỗ trợ Phát triển Chính thức) & FDI (Foreign Direct Investment – Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài) là một trong những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn trong ngành tài chính quốc tế. Với những kiến thức, kỹ năng chuyên môn được đào tạo, cử nhân ngành Tài chính quốc tế có một số nhiệm vụ như: Phân tích, đánh giá tính khả thi của các dự án ODA & FDI, lập kế hoạch tài chính và ngân sách cho các dự án, quản lý dòng tiền, giám sát chi phí dự án, đánh giá rủi ro tài chính, đề xuất các biện pháp giảm thiểu,…
Đây là ngành nghề có môi trường làm việc vô cùng năng động, mang đậm tính đa quốc gia do các chuyên viên được công tác tại các tổ chức quốc tế, cơ quan chính phủ quản lý ODA & FDI, các công ty tư vấn quốc tế chuyên về quản lý dự án ODA & FDI hay các tập đoàn đa quốc gia có các dự án FDI.
8.2 Làm Việc Tại Các Ngân Hàng Thương Mại, Công Ty Chứng Khoán Và Bảo Hiểm
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên cũng có thể làm các công việc về tài chính quốc tế như xử lý, quản lý các giao dịch thanh toán quốc tế, thực hiện các hoạt động kinh doanh ngoại tệ, phân tích thị trường tài chính toàn cầu và đưa ra dự báo, quản lý rủi ro tín dụng trong các giao dịch quốc tế,…
Với những nhiệm vụ này, cử nhân ngành Tài chính quốc tế sẽ đảm nhận những vị trí sau đây:
- Chuyên viên Bảo hiểm Thương mại Quốc tế
- Chuyên viên Quản lý Rủi ro Tài chính Quốc tế
- Chuyên viên Phân tích Thị trường Tài chính Toàn cầu
- Chuyên viên Giao dịch Chứng khoán Quốc tế
- Chuyên viên Thanh toán Quốc tế
- Chuyên viên Kinh doanh Ngoại hối
- Chuyên viên Tín dụng Quốc tế
- Chuyên viên Quan hệ Ngân hàng Đại lý
- Chuyên viên Quản lý Rủi ro Tài chính Quốc tế
8.3 Phụ Trách Xuất Nhập Khẩu, Quản Trị Tài Chính Đa Quốc Gia
Cử nhân ngành Tài chính quốc tế cũng có thể làm việc tại phòng tài chính, bộ phận xuất nhập khẩu hoặc phòng kế hoạch chiến lược của tổ chức. Đây là ngành nghề có triển vọng nghề nghiệp rộng mở, với cơ hội thăng tiến lên các vị trí như Giám đốc Tài chính Quốc tế hay Giám đốc Điều hành mảng Kinh doanh Quốc tế.
Nhiệm vụ chính bao gồm quản lý quy trình xuất nhập khẩu, từ đàm phán hợp đồng đến hoàn tất thủ tục hải quan; phân tích, quản lý rủi ro tỷ giá; tối ưu hóa cấu trúc vốn và dòng tiền xuyên quốc gia; lập kế hoạch tài chính, đưa ra quyết định đầu tư trên phạm vi toàn cầu; đảm bảo tuân thủ các quy định tài chính và thuế quốc tế; xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh quốc tế cho doanh nghiệp.
8.4 Công Tác Tại Các Viện Nghiên Cứu, Các Bộ Và Cơ Quan Nhà Nước, Chính Phủ
Cử nhân ngành Tài chính quốc tế có thể đảm nhận vị trí chuyên viên nghiên cứu hoặc phân tích chính sách tại các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia hoặc các viện nghiên cứu kinh tế. Đây là những vị trí thuộc ban chuyên trách về chính sách tiền tệ, tài khóa, hay quan hệ tài chính quốc tế.
Nhiệm vụ chính bao gồm nghiên cứu xu hướng tài chính toàn cầu, phân tích tác động của các chính sách quốc tế đến nền kinh tế trong nước, tham gia xây dựng chiến lược hội nhập tài chính và đề xuất giải pháp cho các vấn đề tài chính quốc tế.
Thông qua bài viết trên, JobsGO đã giải đáp thắc mắc cho các bạn học sinh vẫn đang phân vân “học Tài chính quốc tế ra làm gì?”, “Học Tài chính quốc tế có tương lai không?”. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đây là ngành học lý tưởng cho những người yêu thích môi trường đa quốc gia, cũng như các lĩnh vực kinh tế, tài chính.
Câu hỏi thường gặp
1. Không Giỏi Tiếng Anh Có Thể Học Ngành Tài Chính Quốc Tế Không?
Bạn cần thông thạo tiếng Anh để có thể theo đuổi ngành tài chính quốc tế. Nguyên nhân là do đặc thù ngành sử dụng nhiều thuật ngữ tiếng Anh và cần nghiên cứu nhiều tài liệu chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài. Hơn nữa, môi trường làm việc sau tốt nghiệp thường cũng đòi hỏi giao tiếp bằng ngoại ngữ.
2. Học Phí Ngành Tài Chính Quốc Tế Là Bao Nhiêu?
Học phí ngành Tài chính quốc tế tại các trường Đại học thường dao động từ 20 – 40 triệu/1 năm học.
3. Mức Lương Sau Khi Tốt Nghiệp Ngành Tài Chính Quốc Tế Là Bao Nhiêu?
Mức lương khởi điểm trong ngành Tài chính quốc tế thường từ 8-15 triệu đồng/tháng, tùy vào vị trí và công ty. Sau 3-5 năm kinh nghiệm, có thể đạt 20-40 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn ở các vị trí quản lý. Mức thu nhập có thể cao hơn nếu bạn công tác tại các công ty đa quốc gia, tổ chức tài chính quốc tế, hoặc các vị trí quản lý cấp cao.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)