Không chỉ học sinh, sinh viên mà ngay cả những người đã ra trường, đi làm vẫn cần phải học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng. Bởi xã hội đang ngày càng phát triển, mức độ đảo thải cũng vô cùng cao. Nếu cứ mãi giậm chân tại chỗ, không chịu cố gắng thì chắc chắn các bạn sẽ bị đi lùi lại phía sau. Và hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp cũng đẩy mạnh văn hóa học tập dành cho nhân viên, vừa tạo điều kiện để nhân viên hoàn thiện bản thân, vừa đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài của họ.
Mục lục
Văn hóa học tập tại doanh nghiệp là gì?
Văn hóa học tập được định nghĩa là một tập hợp những giá trị, quy ước, quy trình và thực hành của các doanh nghiệp, tổ chức. Mục đích chính là khuyến khích nhân viên nâng cao kiến thức, năng lực, gia tăng hiệu suất công việc. Đây cũng là yếu tố quan trọng, quyết định đến sự phát triển lâu dài, bền vững của các doanh nghiệp hiện nay.
Cụ thể, văn hóa họa tập thúc đẩy sự cải tiến giữa các tổ chức, giúp họ đạt được các mục tiêu trong kinh doanh, theo kịp được tốc độ thay đổi của thị trường. Đặc biệt, trong giai đoạn các doanh nghiệp đang chạy đua, cạnh tranh khốc liệt để triển khai công nghệ tiên tiến, nâng cao hoạt động thì văn hóa học tập chính là một sự công nhận tài sản quan trọng nhất của tổ chức.
👉 Xem thêm: Văn hóa chiến thắng: Vũ khí mang lại sự thành công cho doanh nghiệp
Tầm quan trọng của văn hóa học tập trong doanh nghiệp
Xây dựng văn hóa học tập, doanh nghiệp sẽ đạt được rất nhiều lợi ích to lớn đó là:
Thay đổi tốc độ làm việc
Trước hết, khi áp dụng văn hóa học tập, tốc độ làm việc sẽ có sự thay đổi rõ rệt và không ngừng. Tốc độ nhanh hơn sẽ giúp doanh nghiệp có thể đi nhanh hơn, tiến gần đến với mục tiêu, chạm đỉnh vinh quang mà họ mong muốn.
Do đó, để tất cả nhân viên có thể đủ khả năng đáp ứng được những thách thức này, doanh nghiệp cần phải triển khai xây dựng văn hóa học tập. Toàn bộ nhân viên, thậm chí là lãnh đạo đều sẽ cần tập trung vào việc học hỏi, phát triển.
Thỏa mãn bản năng của nhân viên
Có thể thấy, học tập là một bản năng của con người. Ngay từ khi sinh ra, chúng ta đã liên tục học hỏi, từ tiếng bập bẹ, biết đi, biết nói,… đều cần quá trình học tập. Cho đến khi già đi, chúng ta có thể sẽ phát triển nỗi sợ hãi khi phải thử sức với những điều mới. Điều này cũng thể hiện khá rõ ở nơi làm việc.
Nhiều nhân viên cảm thấy lo lắng, sợ những dự án mới, sợ thất bại trước đồng nghiệp, bạn bè. Cũng vì thế, họ luôn bị mắc kẹt trong một vùng quá “an toàn”, không dám cho bản thân cơ hội để đối mặt với thử thách. Nguyên nhân là ở đâu? Có thể do họ chưa tự tin về kiến thức, năng lực của mình. Vậy nên, việc xây dựng một văn hóa học tập cũng góp phần tạo nên cơ hội, thỏa mãn bản năng học hỏi của các nhân viên.
Giữ chân nhân viên
Nhân viên liên tục rời bỏ công ty, lý do là gì? Bên cạnh các chế độ đãi ngộ thì cơ hội học tập, phát triển hạn hẹp cũng là một yếu tố tác động đến quyết định nghỉ việc của các nhân viên hiện nay. Theo thống kê từ Forbes, có tới 70% nhân viên rơi vào tình trạng quá rảnh rỗi, cảm thấy nhàm chán tại nơi làm việc. Do đó, các chương trình về học tập, phát triển được xem là cơ chế rất cần thiết, quan trọng để kích thích tinh thần, mang lại sự hứng khởi và giữ chân nhân viên.
👉 Xem thêm: Yếu tố nào giữ chân nhân viên?
Làm sao để xây dựng văn hóa học tập tại doanh nghiệp?
Như vậy, qua những chia sẻ trên, chúng ta có thể thấy xây dựng văn hóa học tập là điều mà các doanh nghiệp cần thực hiện ngay nếu muốn phát triển lâu dài. Và cách để triển khai hoạt động này hiệu quả, các bạn hãy tham khảo nội dung dưới đây nhé.
Hình thành kế hoạch đào tạo, phát triển nhân viên
Bước đầu tiên trong quá trình tạo dựng văn hóa học tập tại doanh nghiệp chính là phải hình thành được kế hoạch đào tạo, phát triển như thế nào? Hình thức để triển khai văn hóa học tập ra sao?
Đó có thể là tổ chức các buổi huấn luyện, training từ các chuyên gia trong lĩnh vực cho nhân viên của các bộ phận. Thông qua đây, các nhân viên có thể tiếp thu được kiến thức mới, trao đổi với mọi người cũng như với chuyên gia về điều mình còn chưa rõ về chuyên môn công việc.
Hoặc doanh nghiệp cũng có thể liên kết với các tổ chức khác, cử nhân viên đi học để họ có cơ hội được trải nghiệm, hoàn thiện bản thân.
Nhận phản hồi liên tục từ nhân viên
Để văn hóa học tập được phát triển và đạt hiệu quả thì doanh nghiệp cần phải có các phương pháp cập nhật, tiếp nhận phản hồi từ nhân viên.
Thật vậy, nhân viên cần biết họ đang làm như thế nào? Họ có tiến bộ hơn hay không? Điều này không thể chỉ đánh giá qua những quy tắc cứng nhắc, cố định mà nên có sự trao đổi giữa mọi người với nhau một cách thường xuyên, liên tục. Có như vậy, lãnh đạo mới nắm bắt được tình hình và có sự thay đổi phương pháp đào tạo phù hợp.
👉 Xem thêm: [Mẹo giao tiếp] Làm sao để đưa ra feedback tốt nơi công sở?
Khuyến khích nhân viên học hỏi thường xuyên trong công việc
Học tập tức là luôn không ngừng học hỏi, tiếp thu những điều mới, giúp bản thân phát triển. Chính vì vậy, trong chính sách xây dựng văn hóa học tập, doanh nghiệp cũng cần không ngừng khuyến khích, động viên nhân viên thường xuyên học và hỏi. Đó là việc cởi mở hơn khi chia sẻ về những khó khăn, khúc mắc về công việc. Hay đó cũng có thể là trao đổi, giúp đỡ nhau cùng giải quyết các vấn đề,…
Điều đặc biệt, lãnh đạo không nên trách móc, phạt nhân viên nếu họ mắc sai lầm. Hãy làm sao để giúp họ có động lực học, khuyến khích họ chia sẻ việc học của mình để không ai bị rơi vào tình trạng đó.
Công nhận, khen thưởng nhân viên
Một cách để thúc đẩy nhân viên học tập cũng như làm việc đó là doanh nghiệp cần có cơ chế khen thưởng, công nhận năng lực, sự cố gắng và phát triển của họ. Ví dụ như có những nhân viên cho thấy sự rõ ràng trên con đường học hỏi, có sự tiến bộ rõ rệt, phản hồi thường xuyên, áp dụng những kiến thức học được vào công việc,… thì nên có hình thức tuyên dương để họ phát huy tốt hơn nữa.
Thông qua đây, các nhân viên khác cũng sẽ nỗ lực, cố gắng để học và khẳng định giá trị của bản thân.
Đề cao sự đa dạng trong học tập của nhân viên
Ngoài ra, với những nhân viên có sự sáng tạo, đa dạng trong cách học tập thì cũng nên được đề cao, tôn vinh. Bởi thực tế, có những phương pháp doanh nghiệp đưa ra, nó hiệu quả với người này nhưng lại khó khăn với người khác. Vậy nên, nếu nhân viên có sự cố gắng, có ý chí học tập, họ sẽ tự tạo ra cho mình một phương pháp phù hợp. Không những vậy, họ cũng sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp, ban lãnh đạo để áp dụng chung nếu hiệu quả. Sự đa dạng này có thể được cung cấp trong các chương trình học tập, qua một số phương tiện như video trực tuyến, học theo cấu trúc, đào tạo tương tác,…
👉 Xem thêm: Học gì từ văn hoá công sở người Nhật? Những vấn đề bạn nên áp dụng
Mỗi doanh nghiệp sẽ có mục tiêu, định hướng riêng trên hành trình phát triển của mình. Tuy nhiên, việc tạo dựng được một nền văn hóa học tập tốt, hiệu quả sẽ là vũ khí, là bước đệm quan trọng và quyết định đến thành công của doanh nghiệp trong tương lai. Hy vọng bài viết trên đây sẽ hữu ích với bạn đọc, đặc biệt với những ai đang là lãnh đạo trong các tổ chức, doanh nghiệp nhé.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)