Bảo hiểm thất nghiệp đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc sử dụng nguồn nhân lực của xã hội. Vì thế, người lao động và doanh nghiệp nên biết các vấn đề về loại bảo hiểm này. Trong bài viết hôm nay, JobsGO sẽ cung cấp thông tin về thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp mới nhất.
1. Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Bảo hiểm thất nghiệp là một loại bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động giải quyết tình trạng thất nghiệp. Đây được coi là một chiếc phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động. Trong thời gian người lao động chưa kiếm được việc làm, các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp sẽ hỗ trợ một phần thu nhập, tạo cơ hội cho người lao động học nghề và tìm kiếm công việc mới.
2. Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013, các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cả người lao động và người sử dụng lao động. Các đối tượng khác như: người lao động đang hưởng lương hưu, người lao động giúp việc gia đình thì không phải tham gia đóng bảo hiểm.
3. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp
Dưới đây là những giấy tờ cần thiết để nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm và Nghị định số 28/2015/NĐ-CP:
- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định).
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã hết hạn, quyết định thôi việc, quyết định sa thải, quyết định kỷ luật dẫn đến thôi việc, thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- 2 ảnh 3 x 4.
- Căn cước công dân, bản sao sổ hộ khẩu/sổ tạm trú. Nếu nộp hồ sơ tại địa phương cư trú, cần có bản gốc để đối chiếu.
4. Quy trình, thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp
Quy trình và thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp sẽ bao gồm 4 bước như sau:
4.1 Nộp hồ sơ đến trung tâm giới thiệu việc làm
Trong vòng 3 tháng tính từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, nếu người lao động vẫn chưa tìm được việc làm và muốn nhận trợ cấp thất nghiệp, họ cần trực tiếp đến Trung tâm giới thiệu việc làm/trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương để nộp hồ sơ.
4.2 Thời hạn giải quyết hồ sơ
- Sau khi nộp hồ sơ, trong vòng 15 ngày, người lao động chưa tìm được việc làm phải đến trung tâm giới thiệu việc làm để thực hiện xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, trung tâm giới thiệu việc làm sẽ ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, đồng thời cung cấp sổ bảo hiểm xã hội đã xác nhận việc trả cho người lao động.
- Trong trường hợp người lao động không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm phải thông báo bằng văn bản và giải thích rõ nguyên nhân.
- Thời điểm bắt đầu hưởng trợ cấp thất nghiệp là từ ngày thứ 16 tính từ ngày nộp hồ sơ.
4.3 Nhận tiền trợ cấp thất nghiệp
- Sau khi có quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp, trong vòng 5 ngày làm việc, cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương sẽ tiến hành chi trả tiền trợ cấp cho tháng đầu tiên cho người lao động, đồng thời cung cấp thẻ bảo hiểm y tế. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính bằng 60% của mức bình quân tiền lương trong 6 tháng liền kề trước khi người lao động thất nghiệp và đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Mỗi tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp trong vòng 12 ngày tính từ ngày bắt đầu hưởng trợ cấp tháng đó, trừ khi nhận được quyết định tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
4.4 Thông báo tìm việc hàng tháng của người lao động
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 19, Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hàng tháng, người lao động phải đến trung tâm dịch vụ việc làm để thông báo về quá trình tìm kiếm việc làm trong thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp, tuân thủ lịch hẹn được quy định trong Quyết định trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp người lao động không tuân thủ quy định và không thực hiện thông báo đúng thời hạn trong tháng, họ sẽ bị tạm ngừng hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng đó. Nếu người lao động không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm về tình hình tìm kiếm việc làm quá thời hạn quy định, trung tâm sẽ thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội và gửi thông báo đến người lao động về việc ngừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
5. Nộp hồ sơ làm bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?
Để nộp hồ sơ làm bảo hiểm thất nghiệp, người lao động có thể đến các trung tâm giới thiệu/trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi mình cư trú. Dưới đây là một số trung tâm tại Hà Nội và TPHCM:
Tại Hà Nội:
- Điểm Yên Hòa – Trung tâm DVVL Hà Nội.
- Điểm Hà Đông – Trung tâm DVVL Hà Nội.
- Điểm Bách Khoa – Trung tâm DVVL Hà Nội.
- Điểm Long Biên – Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Quang Trung.
- Điểm Sóc Sơn – Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện Sóc Sơn.
- Điểm Đông Anh – Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long.
- Điểm Sơn Tây – UBND phường Phú Thịnh, Thị xã Sơn Tây.
Tại TPHCM:
- Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố HCM.
- Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp quận 4.
- Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp quận 6.
- Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp thành phố Thủ Đức.
- Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp quận 12.
- Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp quận Tân Bình.
- Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp Củ Chi.
Như vậy, JobsGO đã tổng hợp thông tin chi tiết về thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Mong rằng bài viết sẽ giúp cho người lao động nắm bắt được yêu cầu về vấn đề này để hưởng quyền lợi của mình.
Nếu bạn chưa biết cách làm đơn để hưởng trợ cấp thất nghiệp, hãy tải ngay mẫu đơn dưới đây.
ĐƠN ĐỀ NGHỊ HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)