Tầm quan trọng của kỹ năng dịch thuật có vẻ hơi mơ hồ. Nhưng nếu đi sâu vào tìm hiểu, chúng ta có thể nhận thấy giá trị của kỹ năng này với việc phổ biến những ý tưởng, kiến thức chuyên môn và thông tin mới.
Mục lục
1. Dịch thuật là gì?
Dịch thuật là sự truyền đạt ý nghĩa của văn bản ngôn ngữ nguồn bằng văn bản ngôn ngữ đích tương tự. Hiểu một cách đơn giản, dịch thuật là luận giải ý nghĩa của một đoạn văn trong một ngôn ngữ nào đó thành một đoạn văn được viết bằng ngôn ngữ khác với ý nghĩa tương đương.
Vì quá trình dịch thuật tốn nhiều công sức, kể từ những năm 1940, người ta đã có những nỗ lực, với mức độ thành công khác nhau, để tự động hóa dịch thuật hoặc tạo ra các công cụ hỗ trợ cho người dịch. Gần đây, sự phát triển của Internet đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ dịch thuật.
Người làm công việc dịch thuật được gọi là biên dịch viên. Họ là những người có hiểu biết gần như hoàn hảo về cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích.
2. Tầm quan trọng của kỹ năng dịch thuật trong các ngành nghề
Trong phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tầm quan trọng của kỹ năng dịch thuật trong lĩnh vực tuyển dụng, giáo dục, văn học, phim ảnh, kinh doanh, du lịch, báo chí.
2.1. Tuyển dụng
Chúng ta có thể dễ dàng thấy được sự xuất hiện của dịch thuật trong quy trình tuyển dụng. Đó là những bản mô tả công việc được viết bằng tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung,… Đó là những CV song ngữ. Đó là những bản đánh giá ứng viên được viết bằng tiếng nước ngoài. Dịch thuật giúp chúng ta chuyển ngữ nội dung tài liệu tiếng Việt thành các ngôn ngữ khác, cho phép chúng ta tuyển dụng các ứng viên ngoại quốc.
2.2. Văn học
Nói về tầm quan trọng của kỹ năng dịch thuật, chúng ta không thể không đề cập tới sự xuất hiện của nó lĩnh vực văn học.
Người Việt Nam có thể đọc hàng trăm truyện cổ tích Andersen, thưởng thức hàng ngàn bài thơ Trung Quốc,… đó là nhờ có dịch thuật. Nhiều người nhận định rằng, sự tồn tại của văn học thế giới phụ thuộc vào dịch thuật.
Một kiệt tác được viết bằng ngôn ngữ không phổ biến sẽ có một lượng độc giả lớn trong nhiều năm nhờ những bản dịch.
2.3. Giáo dục
Sách giáo khoa, những tài liệu học tập mà chúng ta đang sử dụng không chỉ được biên soạn bởi các tác giả Việt Nam. Có hàng ngàn cuốn sách được biên soạn bởi các tác giả nước ngoài. Dịch thuật giúp chúng ta tiếp cận những kiến thức này dễ dàng hơn. Tương tự như văn học, nếu không có dịch thuật, các kiến thức sẽ không được truyền bá một cách phổ biến.
Dịch thuật cũng cho phép chúng ta học hỏi kiến thức từ chuyên gia đến từ nhiều quốc gia và nền văn hóa. Hơn nữa, nó khuyến khích chúng ta lắng nghe những gì người khác nói và phát triển tư duy phản biện.
2.4. Du lịch
Khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều người trong số họ không thông thạo ngôn ngữ của quốc gia mà họ đặt chân đến thăm quan. Điều này gây khó khăn trong việc giao tiếp với người dân địa phương. Đó chính là lý do vì sao các điểm tham quan thường có các bảng hiệu, biển quảng cáo được biết bằng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau.
2.5. Phim ảnh
Bạn có thích phim của Marvel, DC, Disney không? Những bộ phim đến từ các hãng phim này đến từ nước ngoài, vậy tại sao bạn có thể xem và hiểu nó? Đó là nhờ có dịch thuật. Những bộ ngoại quốc được chiếu tại rạp Việt Nam nếu không được lồng tiếng, thì sẽ có phụ đề. Điều này giúp mọi người có thể hiểu những thông tin mà phim muốn truyền tải và biết bộ phim ấy thực sự hấp dẫn ở đâu. Đôi khi phụ đề hay còn khiến bộ phim trở nên thú vị hơn.
2.6. Báo chí, truyền thông
Dịch thuật trong truyền thông, báo chí cho phép chúng ta khám phá những gì đang diễn ra ở các quốc gia khác thông qua ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhờ đó, chúng ta có thể nhanh chóng nắm bắt các thông tin mới nhất trên thế giới. Nếu không có dịch thuật, chúng ta sẽ mãi ở “trong lũy tre làng” và không bao giờ có được những điều khác biệt nào.
2.7. Kinh doanh
Vai trò của kỹ năng dịch thuật trong kinh doanh thế nào? Dịch thuật có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển lớn mạnh đều có một điểm chung: họ cố gắng vươn ra và đứng vững trên thị trường quốc tế. Việc vươn ra thế giới mang lại nhiều lợi thế:
- Có thêm nhiều khách hàng.
- Giảm chi phí sản xuất.
- Có được nguồn nhân sự tài năng đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc có hàng triệu tài liệu, dự án, hợp đồng thương mại,… cần dịch thuật. Hơn nữa, nhiều cuộc họp và kiểm toán cần được phiên dịch. Tất cả đều đòi hỏi việc có được các chuyên gia dịch thuật và phiên dịch chất lượng cao.
3. Các kỹ năng quan trọng với dịch giả
Sau khi đã tìm hiểu về tầm quan trọng của kỹ năng dịch thuật, JobsGO sẽ cùng bạn khám phá các kỹ năng cần thiết mà các dịch giả cần có.
3.1. Kỹ năng chuyên môn
- Kỹ năng ngôn ngữ nâng cao: Chúng ta không thể dịch ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác nếu không am hiểu ngôn ngữ đó. Nếu không hiểu đầy đủ nội dung văn bản, chúng ta có thể hiểu sai và tạo ra một bản dịch không hoàn toàn chính xác. Chính vì vậy, các dịch giả giỏi cần phải hiểu tất cả ý nghĩa – bao gồm những sắc thái tinh tế ngụ ý trong văn bản.
- Kỹ năng viết xuất sắc: Dịch thuật là quá trình làm việc câu từ. Vì vậy, dịch giả phải là người viết giỏi, có cách dùng từ và khả năng viết tinh tế.
- Kiến thức văn hóa chuyên sâu: Dịch giả giỏi cần có hiểu biết sâu sắc về cả nền văn hóa nguồn và văn hóa đích. Vì ngôn ngữ không chỉ là một công cụ cho phép chúng ta giao tiếp. Nó là biểu hiện của văn hóa, xã hội và tín ngưỡng.
- Quy trình dịch thuật: Công việc dịch thuật là một thử thách về mặt tinh thần và thật dễ dàng mắc phải những sai lầm. Đó là lý do các dịch giả thường gắn bó với các quy trình dịch thuật khoa học.
Để có được những kỹ năng này, dịch giả cần theo học các chuyên ngành dịch thuật hoặc các khoa ngoại ngữ.
3.2. Kỹ năng mềm
- Phán đoán: Một dịch giả giỏi cần có kỹ năng phán đoán tốt để biết nên sử dụng từ vựng và cấu trúc nào; khi nào nên hiểu theo nghĩa đen, khi nào nên hiểu theo nghĩa bóng,…
- Tin học văn phòng: Dịch giả cần thành thạo các phần mềm văn phòng thông dụng bao gồm Word, Excel, PowerPoint,…
- Chú ý đến chi tiết: Nếu không có kỹ năng này, các dịch giả sẽ không tạo ra được các bản dịch chính xác.
- Tổ chức: Một dịch giả có thể phải dịch một bài viết dài trong thời gian ngắn; vì vậy kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc,… trở nên đặc biệt quan trọng.
- Chính trực: Dịch giả đôi khi phải tiếp xúc với những tài liệu mật, những bí mật kinh doanh. Nếu dịch giả không chính trực, nội dung trong những tài liệu này có thể bị phát tán ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp.
- Kỹ năng đánh máy: Khả năng gõ máy nhanh giúp dịch giả tiết kiệm thời gian và cải thiện hiệu quả làm việc.
- Nghiên cứu: Đôi khi, dịch giả sẽ đối mặt với những từ ngữ mới, không hiểu rõ nghĩa. Đó là lúc họ phải nhanh chóng nghiên cứu để tìm hiểu ra ý nghĩa thực sự của nó.
4. Những khó khăn thường gặp khi thực hiện kỹ năng dịch thuật
Trong quá trình dịch thuật, các dịch giả sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Dưới đây là những thách thức phổ biến mà người làm dịch thuật thường phải vượt qua.
4.1. Khác biệt về cấu trúc ngôn ngữ
Cấu trúc tiếng Việt và các ngôn ngữ khác có thể khác nhau. Ví dụ, trong tiếng Việt, tính từ đứng sau danh từ (ví dụ: cô gái đẹp); nhưng trong tiếng Anh, tính từ lại được đặt trước danh từ (ví dụ: beautiful girl). Trong tiếng Ả Rập và một số ngôn ngữ khác, đại từ chủ ngữ là một phần của động từ và điều đó xác định giới tính của chủ ngữ.
Đây là một trong những thách thức phổ biến nhất mà dịch giả phải đối mặt hàng ngày. Và nó cũng là lý do khiến việc dịch thuật trở nên khó khăn.
4.2. Sự khác biệt về văn hóa
Người Anh nổi tiếng với lối châm biếm khô khan, cay nghiệt – vốn là thương hiệu hài hước của họ. Tuy nhiên, kiểu châm biếm này có thể không được đánh giá cao ở Việt Nam. Điều này làm nảy sinh một vấn đề, làm thế nào để dịch chính xác mà không làm tổn thương tình cảm hoặc khiến khán giả Việt Nam tức giận.
4.3. Từ nhiều nghĩa
Có một số từ có nghĩa khác nhau dựa trên cách chúng được sử dụng trong câu. Các từ đôi khi được đánh vần và phát âm giống nhau, nhưng có nghĩa khác nhau. Người dịch phải hết sức cảnh giác, đọc kỹ văn bản nguồn để nắm bắt đầy đủ ý nghĩa. Nếu không hiểu đúng nghĩa, bản dịch có thể sai.
4.4. Thiếu kiến thức chuyên môn
Dịch giả có kiến thức tốt về một số chủ đề nhất định, nhưng thường không phải là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đó. Trên thực tế, rất hiếm khi bạn thấy một bác sĩ giỏi đồng thời là một dịch giả lão luyện. Các dịch giả thường chuyên về một số lĩnh vực nhất định có am hiểu về lĩnh vực đó. Nhưng đôi khi, điều đó có thể không đủ đối với một số loại hình dịch thuật chuyên ngành. Một số tài liệu có thể chứa đầy thuật ngữ kỹ thuật hoặc nói chi tiết về các quy trình hoặc hoạt động cụ thể. Điều này có thể gây khó khăn cho người dịch.
4.5. Thời gian có hạn
Hạn chế về thời gian là vấn đề phổ biến nhất mà các biên dịch viên phải đối mặt hàng ngày. Bởi lẽ hầu hết các khách hàng đều cần tài liệu được dịch một cách nhanh chóng để đáp ứng công việc của họ. Nếu đó là một tài liệu đơn giản, thì dịch giả có thể hoàn thành nó trong thời gian ngắn. Nhưng nếu đó là một tài liệu kỹ thuật hoặc chứa nhiều từ lóng thì thời gian dịch thuật sẽ dài hơn. Điều này có thể khiến dịch giả căng thẳng do khách hàng liên tục giục giã đòi lấy tài liệu.
4.6. Chất lượng và chi phí
Thách thức lớn nhất đối với dịch giả là cân bằng giữa chi phí và chất lượng. Nhiều khách hàng chỉ muốn trả chi phí thấp và yêu cầu những bản dịch chất lượng cao. Khi nhận được bản dịch không như mong muốn, họ có thể đòi “bóc phốt” phía dịch thuật trên mạng xã hội.
Kết luận
Dịch thuật giúp truyền bá, lưu trữ,… thông tin. Rất nhiều thông tin trong số đó có giá trị lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển của cả một tổ chức, thậm chí một quốc gia và cả thế giới. Vì vậy, chúng ta cần đề cao hơn nữa tầm quan trọng của kỹ năng dịch thuật.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)