Cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế – xã hội, những vấn đề tâm lý trong đời sống xuất hiện ngày một nhiều. Đó là lý do ngành Tâm lý học được dự đoán là một trong những ngành “hot” trong tương lai. Vậy ngành Tâm lý học là gì? Học Tâm lý học ra làm gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Mục lục
- 1. Ngành Tâm lý Học Là Gì?
- 2. Ngành Tâm Lý Học Học Những Gì?
- 3. Ngành Tâm Lý Học Ra Làm Gì? Có Dễ Xin Việc Không?
- 4. Học Tâm Lý Học Ra Làm Việc Ở Đâu?
- 5. Mức Lương Ngành Tâm Lý Học
- 6. Học Ngành Tâm Lý Học Ở Đâu?
- 7. Tố Chất Cần Có Để Học Ngành Tâm lý Học
- 8. Cơ Hội Việc Làm Ngành Tâm Lý Học
- Câu hỏi thường gặp
1. Ngành Tâm lý Học Là Gì?
Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu các trạng thái tinh thần, tâm lý, thế giới suy nghĩ của con người, từ đó giải nghĩa các trạng thái, hành động gắn liền với những hình thức tinh thần đó. Ngoài ra, Tâm lý học cũng là ngành khoa học nghiên cứu những tác động của xã hội đến tâm lý, hành vi và tư tưởng của mỗi chúng ta.
Tâm lý là một phạm trù khó nắm bắt và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố xã hội bên ngoài. Đó là lý do ngành Tâm lý học ra đời để nghiên cứu và hỗ trợ con người hiểu rõ vấn đề này.
Có thể bạn quan tâm: Học sư phạm ra làm gì? Học sư phạm có dễ xin việc?
2. Ngành Tâm Lý Học Học Những Gì?
Ngành Tâm lý học cung cấp cho sinh viên một loạt kiến thức và kỹ năng cần thiết để hiểu và nghiên cứu về tâm lý con người. Mặc dù chương trình học có thể thay đổi tùy theo từng trường đại học, nhưng nhìn chung, sinh viên sẽ được học các nhóm kiến thức sau đây:
- Kiến thức chung: Triết học, Xã hội học, Lịch sử văn minh thế giới, Logic học, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng,…
- Kiến thức ngành và chuyên ngành (thay đổi theo từng trường và từng chuyên ngành):
- Tâm lý học đại cương: Đây là một môn học cung cấp kiến thức cơ bản và tổng quan về lĩnh vực Tâm lý học. Nó tập trung vào việc nghiên cứu và hiểu về các quá trình tâm lý và hành vi của con người. Môn học này giúp sinh viên xây dựng một cơ sở kiến thức vững chắc để hiểu và giải thích các khía cạnh khác nhau của tâm lý con người.
- Phương pháp nghiên cứu tâm lý: Giúp sinh viên hiểu về các phương pháp nghiên cứu, thống kê và đánh giá dữ liệu trong lĩnh vực Tâm lý học.
- Nhận thức về tâm lý con người: Học về các quy luật và cơ chế hoạt động của tâm lý, từ những quá trình cơ bản như cảm xúc, nhận thức, suy nghĩ, đến các khía cạnh phức tạp hơn như nhận thức xã hội, tình cảm, ý thức vô thức.
- Đánh giá và chẩn đoán tâm lý: Học cách đánh giá và chẩn đoán các vấn đề tâm lý, cung cấp các phương pháp đánh giá như phỏng vấn, quan sát và các công cụ đo lường tâm lý.
- Tâm lý trẻ em và gia đình: Học về phát triển tâm lý của trẻ em và tương tác gia đình. Môn học cung cấp kiến thức về tâm lý trẻ em, hướng dẫn cách tương tác và hỗ trợ phát triển tâm lý của trẻ trong gia đình.
- Tâm lý học giáo dục: Tập trung vào ứng dụng Tâm lý học trong lĩnh vực giáo dục. Với môn học này, sinh viên sẽ được học về các phương pháp giảng dạy hiệu quả, quản lý hành vi học sinh, đánh giá và định hướng năng lực học sinh.
- Tâm lý học quản trị kinh doanh: Nghiên cứu về tâm lý con người trong môi trường làm việc và tổ chức. Học về tuyển dụng, đánh giá hiệu suất, lãnh đạo và quản lý nhân sự.
- Tâm lý học lâm sàng: Tâm lý học lâm sàng là một lĩnh vực trong Tâm lý học tập trung vào nghiên cứu và điều trị các vấn đề tâm lý và tâm thần. Nó liên quan đến việc hiểu và giải quyết các rối loạn tâm lý và tâm thần như lo âu, trầm cảm, rối loạn tâm thần, nghiện, tâm lý phân liệt,…
- Tâm lý học tham vấn: Tâm lý học tham vấn là một lĩnh vực trong Tâm lý học tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ tâm lý và tư vấn cho những người gặp khó khăn trong cuộc sống. Mục tiêu của Tâm lý học tham vấn là giúp các cá nhân khám phá và hiểu về bản thân, giải quyết vấn đề, phát triển tiềm năng và đạt được mục tiêu cá nhân.
- v.v…
- Kỹ năng mềm: Ngoại ngữ, Tin học văn phòng,…
>>>Xem thêm: Ngành điều tra hình sự là gì?
3. Ngành Tâm Lý Học Ra Làm Gì? Có Dễ Xin Việc Không?
Ngành Tâm lý học có dễ xin việc không? Theo dữ liệu mà JobsGO nhận được, Tâm lý học là một ngành có cơ hội nghề nghiệp rộng mở trong tương lai. Trung tâm Dự báo nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP.HCM đã từng dự đoán, chỉ riêng TP.HCM cần tuyển dụng hơn 1.000 cán bộ trong ngành tâm lý mỗi năm. Con số này mở ra cơ hội làm việc vô cùng hấp dẫn cho những người trẻ đang theo đuổi công việc.
Nhắc đến Tâm lý học, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những bác sĩ hoặc chuyên gia Tâm lý học, những người thường xuất hiện tại các talkshow hay các bài báo tâm lý thú vị. Hai công việc này chính xác là một trong những nghề nghiệp tương lai của các cử nhân Tâm lý học, ngoài ra còn nhiều công việc khác trong ngành như:
3.1 Cán Bộ Tâm Lý Học Đường
Chuyên gia tâm lý học đường không chỉ là cán bộ giáo dục mà còn là cầu nối giữa nhà trường, học sinh và phụ huynh. Công việc chính của chuyên viên là hỗ trợ giải quyết các vấn đề tâm lý nảy sinh trong môi trường học đường, giúp học sinh phát triển toàn diện về mặt tinh thần và cảm xúc. Sự hiện diện của các chuyên gia góp phần tạo nên một môi trường học tập lành mạnh và tích cực cho học sinh.
Mô hình có chuyên gia tâm lý học đường đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia phát triển và đang dần trở thành xu hướng tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần đối với chất lượng giáo dục, nhiều trường học ở Việt Nam đang hướng tới việc bổ sung ít nhất một chuyên gia tâm lý vào đội ngũ nhân viên.
Có thể bạn quan tâm: Ngành xã hội học: Học gì? Học ở đâu? Ra trường làm gì?
3.2 Cán Bộ Tư Vấn Tâm Lý Tại Bệnh Viện
Chuyên viên trị liệu tâm lý thường làm việc song hành với đội ngũ y tế để chăm sóc cho bệnh nhân gặp vấn đề về tâm lý.
Cán bộ tư vấn tâm lý tại bệnh viện không chỉ giúp giảm tải công việc cho bác sĩ mà còn đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc một cách toàn diện, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
3.3 Chuyên Viên Tư Vấn, Tham Vấn Tâm Lý
Bạn có thể theo đuổi công việc chuyên viên tư vấn, tham vấn tâm lý ở nhiều lĩnh vực như:
- Tư vấn tâm lý học đường
- Tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình
- Tư vấn tâm lý tình yêu
- Tư vấn tâm lý xã hội
- …
Các chuyên gia tư vấn và tham vấn tâm lý sẽ hỗ trợ cá nhân đối mặt với những thách thức đa dạng trong cuộc sống, tập trung vào việc khám phá, giải quyết các vấn đề liên quan đến tâm lý, cảm xúc, hành vi của thân chủ. Phạm vi công việc bao gồm nhiều lĩnh vực, từ các mối quan hệ cá nhân như hôn nhân, tình yêu đến những thách thức trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
3.4 Giáo Viên Kỹ Năng Sống
Một trong những hướng nghề nghiệp hấp dẫn cho sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý học là trở thành giáo viên kỹ năng sống. Đây là công việc có sự kết hợp giữa kiến thức tâm lý học và khả năng truyền đạt, tập trung vào việc giảng dạy, diễn thuyết về các chủ đề liên quan đến cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bạn có cơ hội làm việc với nhiều nhóm tuổi khác nhau, từ trẻ em đến người trưởng thành, cung cấp những bài học thiết thực và có giá trị. Giáo viên kỹ năng sống sẽ sử dụng kiến thức tâm lý học để thiết kế và triển khai các chương trình giảng dạy nhằm phát triển các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, góp phần nâng cao sự tự tin, khả năng giao tiếp và kỹ năng giải quyết vấn đề cho học viên.
3.5 Quản Trị Nhân Sự
Mặc dù có vẻ không liên quan trực tiếp nhưng việc sinh viên ngành Tâm lý học chuyển hướng sang lĩnh vực Quản trị nhân sự ngày càng phổ biến. Điều này được minh chứng qua sự xuất hiện của chuyên ngành Tâm lý học Quản trị Kinh doanh tại một số trường đại học. Chương trình học sẽ kết hợp kiến thức tâm lý học với các khía cạnh của quản trị doanh nghiệp, bao gồm nghiên cứu về động lực làm việc, mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên, phương pháp nâng cao hiệu suất lao động và kỹ thuật truyền thông hiệu quả trong tổ chức.
Nhờ nền tảng kiến thức đa dạng sinh viên tốt nghiệp có thể áp dụng hiểu biết sâu sắc về tâm lý con người vào việc quản lý và phát triển nguồn nhân lực, tạo nên lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực quản trị nhân sự.
3.6 Giảng Viên Tại Trường Cao Đẳng, Đại Học
Con đường trở thành giảng viên trong lĩnh vực Tâm lý học đòi hỏi một quá trình học tập và nghiên cứu chuyên sâu. Thông thường, bạn cần đạt trình độ thạc sĩ hoặc tiến sĩ, điều này đồng nghĩa với việc tiếp tục theo đuổi các chương trình sau đại học. Quá trình bao gồm việc hoàn thành các học phần chuyên môn, tham gia nghiên cứu độc lập và viết luận văn hoặc luận án. Sau khi đạt được bằng cấp cần thiết, các nhà tâm lý học có thể ứng tuyển vào vị trí giảng viên tại các trường đại học hoặc cao đẳng.
Trong vai trò giảng viên, bạn không chỉ giảng dạy và truyền đạt kiến thức cho sinh viên mà còn tham gia vào các dự án nghiên cứu, góp phần phát triển lĩnh vực Tâm lý học và đào tạo thế hệ chuyên gia tương lai.
3.7 Nghiên Cứu Tại Viện Nghiên Cứu
Sau khi tốt nghiệp chương trình cử nhân Tâm lý học với thành tích xuất sắc, nhiều sinh viên chọn con đường học tập nâng cao để mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Việc theo đuổi chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ không chỉ giúp bạn đào sâu kiến thức chuyên môn mà còn mở ra cánh cửa làm việc tại các viện nghiên cứu tâm lý.
Có thể bạn quan tâm: Học triết học để làm gì? Ngành này có dễ xin việc không?
4. Học Tâm Lý Học Ra Làm Việc Ở Đâu?
Môi trường làm việc của sinh viên tốt nghiệp ngành Tâm lý học tương đối đa dạng. Cụ thể là:
- Làm việc tại các trường học về mảng Tâm lý học đường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho các cơ sở;
- Làm việc tại các bệnh viện tâm thần, các trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý,…;
- Làm việc ở các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu;
- Làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp, công ty truyền thông;
- Làm việc tại các trung tâm tư vấn, trực các đường dây nóng của các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ,…
5. Mức Lương Ngành Tâm Lý Học
Mức lương trong ngành tâm lý học hiện nay khá đa dạng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Các chuyên gia tâm lý mới vào nghề thường có mức lương khởi điểm khiêm tốn, dao động từ 6 – 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với sự tích lũy kinh nghiệm và nâng cao trình độ chuyên môn, mức lương có thể tăng đáng kể. Những nhà tâm lý học có từ 3 – 5 năm kinh nghiệm có thể kiếm được từ 15 – 25 triệu đồng/ tháng, tùy thuộc vào vị trí công việc và đơn vị tuyển dụng.
Đối với các chuyên gia tâm lý có nhiều năm kinh nghiệm hoặc làm việc trong các lĩnh vực chuyên sâu, mức lương có thể còn cao hơn nữa. Ví dụ, các nhà tâm lý học lâm sàng hoặc tư vấn tâm lý trong các tổ chức lớn có thể nhận được mức lương từ 30 – 50 triệu đồng/ tháng, thậm chí cao hơn. Ngoài ra, những người làm việc tự do hoặc mở phòng tư vấn riêng có thể có thu nhập linh hoạt hơn, tùy thuộc vào số lượng khách hàng và giá dịch vụ họ đưa ra.
6. Học Ngành Tâm Lý Học Ở Đâu?
Từ trước đến nay, nhắc đến Tâm lý học, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến các nước châu Âu, và đây thực sự là môi trường học Tâm lý lý tưởng cho những ai thực sự đam mê và muốn thành công trong lĩnh vực này. Môi trường du học tâm lý được nhiều người lựa chọn nhất hiện nay là Anh, hoặc gần hơn là Singapore. Ngoài ra, bạn cũng có thể du học ngành Tâm lý học tại Mỹ, Pháp, Đức,…
Những bạn trẻ mong muốn học tập và làm việc trong nước có thể theo học ngành Tâm lý học tại các trường đại học như:
- Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn (HN&TP.HCM) – ĐHQG
- Đại học Sư phạm (HN, Huế, Đà NẵngTP.HCM)
- Đại học Văn Hiến
- Đại học Hồng Đức
- Đại học Công nghệ TP.HCM
7. Tố Chất Cần Có Để Học Ngành Tâm lý Học
Muốn thành công trong lĩnh vực Tâm lý, bạn cần có tố chất gì? Hãy cùng JobsGO tìm hiểu nhé!
7.1 Kỹ Năng Nghiên Cứu, Phân Tích Vấn Đề
Nghiên cứu và phân tích là chuyên môn cần thiết cho các công việc thuộc ngành Tâm lý học. Với tâm lý, các vấn đề nghiên cứu và phân tích luôn tồn tại và cần giải quyết. Ngay trong quá trình đào tạo, sinh viên tâm lý cũng sẽ được học những học phần liên quan đến kỹ năng này, tuy nhiên, khả năng của mỗi người sẽ khác nhau dựa vào tố chất và sự chăm chỉ. Vậy nên, nếu bạn đang theo đuổi công việc về tâm lý, hãy cố gắng rèn luyện cho bản thân kỹ năng này ngay nhé.
7.2 Kiên Nhẫn Và Khả Năng Lắng Nghe Hiệu Quả
Các công việc về tâm lý là luôn phải lắng nghe mọi người. Đó là lý do các cán bộ, chuyên viên tâm lý cần có sự kiên nhẫn và khả năng lắng nghe hiệu quả để nắm bắt và hiểu được tâm lý của thân chủ hoặc bệnh nhân.
7.3 Kỹ Năng Giao Tiếp
Giao tiếp là kỹ năng hỗ trợ cho kỹ năng lắng nghe và phân tích vấn đề. Giao tiếp tốt sẽ giúp chuyên viên, bác sĩ tâm lý khai thác được nhiều câu chuyện hơn và hiểu được tâm lý đối tượng, bệnh nhân hơn.
Có thể bạn quan tâm: Làm gì để cải thiện khả năng giao tiếp?
7.4 Quan Tâm, Thấu Hiểu Và Trung Lập
Quan tâm, thấu hiểu là một tố chất tiêu biểu dành cho những ai làm việc trong ngành tâm lý. Tuy nhiên, sự quan tâm, thấu hiểu cũng cần có sự trung lập trong việc phân tích và đưa ra lời khuyên dành cho bệnh nhân. Những cảm xúc cá nhân cần được giữ chừng mực và cần quan tâm đến cách điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
7.5 Tư Duy Khoa Học Tự Nhiên
Mọi người hẳn sẽ không quá xa lại với những nghiên cứu tâm lý thú vị được thông tin trên các trang báo, thông tin mạng. Để có được những kết quả nghiên cứu đó, các nhà Tâm lý học cần thực hiện các thực nghiệm trên rất nhiều người, cũng như phải tính toán xác suất và các số liệu thật chính xác. Đó là lý do tại sao dù là tâm lý nhưng các chuyên gia tâm lý cũng cần có tư duy khoa học tự nhiên. Bên cạnh toán học, hóa học và sinh học cũng là những kiến thức cần có đối với các chuyên gia tâm lý.
7.6 Kỹ Năng Cân Bằng Cảm Xúc Cá Nhân
Nhân sự ngành Tâm lý cần biết cách cân bằng cảm xúc để không bị ảnh hưởng bởi các cảm xúc tiêu cực của thân chủ Đây là khả năng giúp cải thiện cuộc sống và tránh những căn bệnh nghề nghiệp cho các chuyên viên Tâm lý học. Sau thời gian làm việc để hỗ trợ trị liệu tâm lý cho mọi người, nhà tâm lý cần cân bằng lại cảm xúc để quay lại cuộc sống của riêng mình.
7.7 Kiên Trì & Chịu Được Áp Lực
Nghiên cứu và hiểu về tâm lý con người là một quá trình phức tạp và đòi hỏi thời gian. Bạn cần có sự kiên trì và đam mê để thành công. Đồng thời, bạn phải chịu áp lực trong việc làm việc với các tình huống khó khăn và đau khổ của người khác. Quản lý cảm xúc và xây dựng mối quan hệ tốt với người khác cũng là yếu tố quan trọng trong lĩnh vực này. Việc kiên trì và chịu được áp lực cũng là một ưu điểm tốt của người thuộc nhóm infj, chính vì thế họ rất phù hợp để theo đuổi ngành tâm lý học.
Xem thêm: Nhóm tính cách infj
8. Cơ Hội Việc Làm Ngành Tâm Lý Học
Ngành tâm lý học mở ra nhiều cơ hội việc làm đa dạng. Các lĩnh vực phổ biến bao gồm tư vấn tâm lý, tâm lý học lâm sàng, tâm lý học giáo dục và tâm lý học công nghiệp – tổ chức. Bạn có thể tìm thấy cơ hội làm việc tại các bệnh viện, trường học, trung tâm tư vấn và các tổ chức phi chính phủ. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đang ngày càng chú trọng đến việc tuyển dụng chuyên gia tâm lý để hỗ trợ nhân viên và tối ưu hóa môi trường làm việc.
Xu hướng hiện nay cho thấy nhu cầu về dịch vụ tâm lý đang ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần và phát triển cá nhân. Điều này tạo ra cơ hội cho các nhà tâm lý học mở phòng tư vấn riêng hoặc làm việc độc lập. Đồng thời, sự phát triển của công nghệ cũng mở ra những hướng đi mới như tư vấn tâm lý trực tuyến hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đánh giá tâm lý.
Chắc hẳn bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi “Học Tâm lý học ra làm gì?” rồi đúng không? Tựu trung, Tâm lý học được biết đến là ngành học vô cùng thú vị và luôn luôn mới mẻ. Đây cũng là ngành học được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Các bạn có thể tham khảo các công việc ngành tâm lý hoặc tư vấn đào tạo, giáo viên kỹ năng sống tại trang thông tin tuyển dụng JobsGO để nắm bắt rõ hơn về định hướng tương lai cho công việc của mình.
Đọc thêm:
Câu hỏi thường gặp
1. Tâm Lý Học Giáo Dục Ra Trường Làm Gì?
Một số công việc mà sinh viên tâm lý học giáo dục có thể lựa chọn bao gồm: tư vấn học đường, nhà nghiên cứu giáo dục, chuyên viên phát triển chương trình,...
2. Học Tâm Lý Tội Phạm Ra Làm Gì?
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý Tội phạm có nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng như: chuyên viên phân tích hành vi tội phạm, chuyên gia đánh giá nguy cơ, chuyên viên tư vấn pháp lý,...
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)