Làm gì để cải thiện khả năng giao tiếp?

5/5 - (1 vote)

William Carlos Williams đã từng nói: “Điều bạn nói không quan trọng mà quan trọng là cách bạn nói”. Giao tiếp là kỹ năng mà bạn có thể học hỏi và rèn luyện được. Nó cũng giống như khi bạn tập múa, tập đi xe. Chỉ cần bạn sẵn sàng bỏ thời gian và công sức vì nó, bạn có thể thành công.

Giao tiếp là nghệ thuật. Chẳng phải tự nhiên mà Barack Obama lại có thể tái đắc cử tổng thống Mỹ. Với cách giao tiếp khôn khéo, ông biết cách thuyết phục người khác thông qua lập luận sắc bén của mình. Để giao tiếp không trở thành rào cản thì bạn cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt. Vậy làm gì để cải thiện khả năng giao tiếp của mình? Cùng tìm câu trả lời với JobsGO!

1. Sử dụng Ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp (Body language)

Body Language ảnh hưởng người nghe tới 55%

Một nghiên cứu được đưa ra đã cho hay: lời nói được cấu tạo nên từ ba yếu tố. Đó là ngôn ngữ, ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu. Trong giao tiếp, về mức độ ảnh hưởng tới người khác, ngôn ngữ chỉ chiếm có 7%. Còn lại là giọng điệu (38%) và ngôn ngữ cơ thể chiếm tới 55%.

Body Language – ngôn ngữ cơ thể được thể hiện qua nét mặt, điệu bộ, cử chỉ trong quá trình giao tiếp. Mỗi một động tác đều có một hệ mã riêng. Ngôn ngữ cơ thể là thứ biết nói, nhưng không phải ai cũng “nghe” được nó.. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể là cách hay để cải thiện khả năng giao tiếp của bạn. Ngay cả khi bạn không nói gì, bạn vẫn đang “nói” theo một cách riêng. Ngôn ngữ cơ thể giúp bạn tự tin hơn và tăng tương tác với người đang giao tiếp cùng.

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể giúp cải thiện khả năng giao tiếp

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể như thế nào?

Hãy sử dụng ngôn ngữ cơ thể “phản chiếu”. Đó là việc bạn tạo ra những hành động giống với người mình đang nói chuyện cùng. Giả dụ trong buổi phỏng vấn tìm việc, nếu như nhà tuyển dụng hơi ngả người về phía sau, tay đan chéo, thì bạn cũng nên làm như vậy. Tuy nhiên, hãy làm theo một cách khéo léo, tránh để họ có cảm giác bạn đang bắt chước mình.

Ngoài ra, hãy cố gắng phân tích ngôn ngữ cơ thể của họ để có thể nắm được tâm trạng và ứng phó kịp thời. Nếu thấy một người đưa tay lên sờ cằm nghĩa là họ đang đánh giá, xem xét điều gì đó. Nếu thấy mắt họ chuyển động láo liên, con người hẹp – nghĩa là họ đang nói dối. Nếu đang nói chuyện mà thấy người kia hai tay chống xuống ghế, người đổ về đằng trước, chân lùi ra sau – nghĩa là họ muốn kết thúc cuộc trò chuyện… Dĩ nhiên, mỗi cá thể lại có một tính cách riêng biệt. Bạn không thể áp đặt và vơ đũa cả nắm. Hãy học cách quan sát và thực hành thành thạo.

2. Giọng điệu

“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Bạn có biết chỉ với một câu nhưng bạn có thể diễn đạt với hàng chục ý nghĩa khác nhau. Và dĩ nhiên, chỉ bằng việc thay đổi giọng điệu. Giọng điệu lôi cuốn sẽ hấp dẫn người nghe vào cuộc trò chuyện. Giọng điệu còn thể hiện sự tự tin, thái độ, tình cảm của bạn với đối phương.

Hãy học cách phát âm rõ ràng

Chẳng ai có thể bị cuốn hút bởi một người nói ngọng hoặc nói chẳng rõ chữ. Hãy luyện đọc trước gương để sửa các lỗi phát âm cơ bản. Thường là N – L, D – R, X – S, Ch – Tr… Hãy ngưng thói quen phát âm vội vã vì như thế làm chữ không tròn. Việc đó gây khó khăn cho đối phương.

Nhấn nhá từ ngữ

Nhấn nhá từ ngữ sẽ khiến người nghe nắm được trọng tâm nội dung câu chuyện. Việc nhấn nhá còn tạo ra một sắc thái rất riêng. Những từ được nhấn sẽ thu hút sự chú ý gấp 3 lần so với bình thường.

Nên sử dụng âm vực thấp

Giọng nói trầm ấm – âm vực thấp là biểu thị cho sự đáng tin cậy. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các CEO nam thường có giọng trầm ấm. Âm vực của các CEO cứ giảm 1% thì giá trị công ty của họ tăng lên 30 triệu USD. Một giọng nói trầm được cho là mạnh mẽ, bình tĩnh. Âm vực thấp mang lại nguồn năng lượng tích cực cho giao tiếp.

Sử dụng âm lượng vừa phải

Bạn sẽ chẳng thể nào giao tiếp với ai nếu nói lí nhí chẳng ai nghe rõ. Bạn cũng chẳng thuyết phục ai nếu nói quá to, như “đánh” vào tai họ. Âm lượng thấp khiến đối phương dễ bị nhầm lẫn và hiểu sai ý bạn. Âm lượng cao lại khiến đối phương cảm giác như bị tra tấn. Một âm lượng vừa đủ, hơi dài sẽ khiến cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn.

cải thiện khả năng giao tiếp
Tập nói trước gương để có giọng điệu hấp dẫn

3. Xác định nội dung cuộc trò chuyện

 Bạn chẳng thể nào nói về điều mà mình không biết phải không? Bạn cũng chẳng thể chia sẻ việc mà bạn không cảm nhận được. Để giao tiếp được, bạn cần phải có nó trước. Chuẩn bị và xác định nội dung cuộc trò chuyện giúp bạn giao tiếp tốt. Đó cũng là sự tôn trọng với đối phương.

Nếu không biết nói gì, hoặc bạn gặp người mới gặp lần đầu, hãy áp dụng quy tắc FORD. FORD gồm Family, Occupation, Recreation và Dreams. Bạn có thể hỏi thăm về gia đình, công việc, sở thích và ước mơ của họ. Đây sẽ là mở đầu cho buổi trò chuyện và giúp kéo dài nó.

4. Học cách nói rõ ràng, không vòng vo

Để cải thiện khả năng giao tiếp thì bạn cần học cách nói rõ ràng, trực diện vào vấn đề. Đừng sử dụng những từ quá hoa mỹ để tránh bị vòng vo. Như vậy thì đối phương mới nắm được thông tin cần truyền đạt.

Hãy nói theo nguyên tắc BRIEF. BRIEF là Background – dàn ý, Reason – lý do, Information – thông tin, End – đoạn kết và Follow up – diễn biến. Giao tiếp với nguyên tắc này giúp bạn đảm bảo sự mạch lạc, chính xác và đầy đủ cho câu chuyện.

Nói vòng vo khiến cuộc trò chuyện đi trật khỏi trục chủ đề, làm thay đổi mục đích ban đầu. Nói rõ ràng để chứng tỏ rằng bạn đang rất tự tin và tôn trọng thời gian của đối phương. Hãy trình bày nội dung một cách ngắn gọn, đầy đủ thông tin trọng tâm nhất cho đối phương.

5. Đặt câu hỏi

Đặt câu hỏi cho đối phương để tăng sự tương tác giữa hai người trong cuộc trò chuyện. Giao tiếp là cuộc đối thoại của hai người. Nếu bạn thao thao bất tuyệt từ đầu đến cuối thì đó là thuyết trình chứ chẳng phải trò chuyện.

Trong một buổi học, khi mà bạn đang thả hồn trên cành cây, cô giáo sẽ hỏi bạn: “Nãy giờ tôi đang nói gì?”. Khi đó chắc hẳn bạn sẽ giật mình và tập trung mọi sự chú ý về phía cô. Giao tiếp cũng vậy! Dĩ nhiên, bạn sẽ không hỏi đối phương rằng bạn đang nói gì. Đặt câu hỏi giúp buổi trò chuyện tránh khỏi cảm giác nhàm chán, tẻ nhạt.

Khi người khác đang nói, bạn cũng nên đặt câu hỏi cho họ. Nhưng hãy để họ nói dứt câu, dứt ý, tránh tình trạng xen ngang. Việc đặt câu hỏi thể hiện rằng bạn đang theo dõi và quan tâm những gì đối phương đang nói. Đặt câu hỏi cũng giúp câu chuyện liền mạch và lấp kín những khoảng trống.

Đặt câu hỏi để đối phương biết rằng bạn đang theo dõi câu chuyện của họ

6. Học cách lắng nghe

Lắng nghe giúp bạn đặt mình vào vị trí đối phương để dễ dàng đồng cảm, thấu hiểu họ.

Ngoài việc ăn nói khôn khéo, để cải thiện khả năng giao tiếp, bạn còn cần phải lắng nghe. Tôi cực kỳ thích câu nói trong bộ phim “To Kill a Mockingbird” – Giết con chim nhại. Đó là: “Con sẽ hiểu được cuộc sống tốt hơn bằng một cách đơn giản sau đây, hãy xem xét mọi thứ từ quan điểm của người khác – hãy biến mình thành họ và ra ngoài rải bước một vòng”.

Bạn cần đặt mình vào tâm trạng đối phương, học cách lắng nghe họ. Việc đó sẽ cải thiện khả năng giao tiếp của bạn. Lắng nghe giúp bạn thấu hiểu và giúp buổi trò chuyện thành công. Đừng lắng nghe thụ động để rồi lời nói gió bay hay nghe tai này lọt tai kia.

Lắng nghe giúp đối phương hiểu rằng bạn đang chú ý lời họ nói.

Hãy tập trung vào lời họ nói. Lắng nghe lời nói của người khác một cách cẩn thận là sự tôn trọng tối thiểu cho đối phương. Chú ý lắng nghe giúp tạo được lòng tin tưởng và sự đồng cảm với nhau.

Ai cũng muốn làm người quan trọng. Hãy cho đối phương biết là bạn đang hứng thú với câu chuyện của họ. Gật đầu nhẹ, hướng người về phía trước hoặc đơn giản… là điều bạn có thể làm. Không ngắt lời khi họ đang nói dở. Chỉ đưa ra nhận xét khi mà họ vừa dứt ý. Hãy phản hồi lại câu chuyện của đối phương. Việc này giúp bạn thấu hiểu và đặt mình vào vị trí của họ.

Hãy học cách biết lắng nghe!

Giao tiếp không cần những ngôn từ hoa mỹ. Để cải thiện khả năng giao tiếp, bạn cần kiên trì và cố gắng học hỏi. Giao tiếp chính là chiếc chìa khóa mở được 90% cánh cửa thành công. Hãy dành cho đối phương của bạn một sự tôn trọng và chân thành, và bạn sẽ đạt được mục đích.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: