Sở đoản là gì? Hướng dẫn cách trả lời câu hỏi phỏng vấn

Đánh giá post

Sở đoản của bạn là gì? Bạn có bao giờ bắt gặp câu hỏi này khi tham gia phỏng vấn ứng tuyển việc làm hay không? Làm thế nào để trả lời câu hỏi sở đoản là gì một cách ấn tượng và nhận thêm điểm cộng từ Nhà tuyển dụng? Cùng JobsGO tìm hiểu nhé!

Sở đoản là gì
Sở đoản là gì?

1. Sở đoản là gì?

Sở đoản là gì? Sở đoản là từ đồng nghĩa của nhược điểm hay điểm yếu. Đây là những điểm mà bạn chưa giỏi, khuyết thiếu,… Sở đoản khiến bạn khó phát huy hết tiềm năng của mình và có thể ngăn cản bạn đạt được thành công trong công việc, sự nghiệp, đời sống.

Sở đoản của một người có thể tồn tại trong nhiều khía cạnh từ tính cách, kỹ năng tới kiến thức. Những ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về khái niệm sở đoản.

  • Sở đoản về tính cách: Tính cách quá mềm yếu dễ bị bắt nạt, không dám từ chối,…
  • Sở đoản về kỹ năng: Kỹ năng tin học văn phòng kém, không biết cách sử dụng word, excel,…

2. Cách xác định sở đoản của bản thân

Chỉ khi xác định đúng thì bạn mới có thể có được các phương án khắc phục sở đoản hiệu quả. Dưới đây là những cách đơn giản giúp bạn hiểu rõ nhược điểm của mình là gì.

sở đoản của bản thân
Xác định sở đoản của bản thân bằng cách nào?

2.1. Tự đánh giá

Bạn có thể tự đánh giá năng lực của mình bằng cách phân tích những công việc bạn đã thực hiện. Bạn hãy thử lập danh sách những lần bạn cảm thấy kết quả không được như kỳ vọng và liệt kê những điều mà bạn cho rằng đó là lý do khiến bạn không đạt được những gì bạn muốn. Sau khi liệt kê tất cả mọi thứ, bạn có thể tìm thấy điểm chung trong những lần bạn “không thành công”. Đây rất có thể là sở đoản của bạn.

Ví dụ, nếu bạn nhận thấy điểm chung trong những lần bạn “thất bại” là do bạn cảm thấy lo lắng và run rẩy khi trình bày vấn đề trước đám đông. Vậy thì có thể thấy rằng sở đoản của bạn là: nói trước đám đông.

2.2. Hỏi ý kiến những người bạn tin tưởng

“Con người không thể tự nhìn thấy được gương mặt của mình”, do đó chúng ta rất khó có thể nhìn nhận bản thân một cách toàn diện. Ngược lại, chúng ta dễ nhìn thấy những điểm chưa tốt ở người khác. Vì vậy, một trong những cách hiệu quả nhất để xác định sở đoản của bản thân là thu thập nhận xét của bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cấp trên,… – những người mà bạn cảm thấy tin tưởng. Họ có thể cho bạn biết bạn đang thiếu sót điều gì, cần phát triển khía cạnh nào.

2.3. Làm bài kiểm tra tính cách

Bạn có thể tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của mình bằng cách thực hiện các bài kiểm tra tính cách như Myers-Brigg, Big Five,… Tuy nhiên, khi làm các bài test kiểm tra tính cách, bạn nên tìm phiên bản đã được tối ưu cho thị trường Việt Nam.

3. Những sở đoản thường gặp ở ứng viên

3.1. Sở đoản về kỹ năng cứng

Kỹ năng cứng là kỹ năng nghề nghiệp, cần thiết cho những công việc cụ thể, dễ dàng định lượng và có thể phát triển thông qua học tập. Theo kinh nghiệm của tôi, khi đề cập đến sở đoản về kỹ năng, các ứng viên thường nói về những kỹ năng không cần thiết cho công việc của họ. Dưới đây là một số ví dụ sở đoản liên quan đến kỹ năng cứng:

  • Phân tích số liệu: Thường được nói bởi các ứng viên ứng tuyển vào vị trí nhân viên sáng tạo nội dung.
  • Sáng tạo nội dung: Thường được chia sẻ bởi các ứng viên ứng tuyển vào vị trí kỹ thuật.
  • Ngoại ngữ: Nếu nhà tuyển dụng không yêu cầu ngoại ngữ thì ứng viên cũng có thể nói đây là sở đoản của họ.
  • Chính tả: Viết đúng chính tả đặc biệt quan trọng với những người làm trong lĩnh vực nội dung, báo chí; nhưng nó không phải là điểm trừ lớn ở những người làm ở vị trí kỹ thuật (IT, công nhân,…).
ví dụ về sở đoản
Con người không có ai là hoàn hảo nên đều có nhược điểm.

3.2. Sở đoản về kỹ năng mềm

Kỹ năng mềm rất quan trọng đối với hầu hết mọi công việc. Không giống như kỹ năng cứng, đây là những kỹ năng khó định lượng. Chúng bao gồm các đặc điểm tính cách, khả năng giao tiếp và kỹ năng xã hội của một người.

Mặc dù chúng quan trọng nhưng nhiều người vẫn có thể đề cập đến một kỹ năng mềm khi được hỏi về sở đoản.

  • Sáng tạo: nhiều công việc không yêu cầu sáng tạo.
  • Quản lý: nếu bạn không ở vai trò quản lý, bạn sẽ không quá cần kỹ năng này.
  • Hài hước: không hài hước cũng không sao.

4. Tại sao nhà tuyển dụng đặt câu hỏi về sở đoản?

Nhà tuyển dụng đặt câu hỏi về sở đoản không phải nhằm mục đích tìm điểm không tốt để trừ điểm, đánh trượt ứng viên. Thay vào đó, họ muốn biết những gì mà bạn thường gặp khó khăn khi làm việc và liệu bạn có phù hợp với công ty hay không. Ngoài ra, cách mà bạn trả lời cũng thể hiện rằng liệu bạn có thực sự hiểu rõ về bản thân không. Nó cho người phỏng vấn thấy bạn nhìn nhận đúng về năng lực của bản thân; sẵn sàng học hỏi, nỗ lực để cải thiện kỹ năng của mình.

5. Cách trả lời câu hỏi sở đoản

Sở đoản của bạn là gì?” thường nằm trong list câu hỏi mẹo trong danh sách các câu hỏi phỏng vấn. Vì vậy, bạn cần cẩn thận khi đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này. Hãy lưu ý những vấn đề sau:

5.1. Đừng nói rằng mình không có sở đoản gì

Nếu bạn trả lời rằng bạn không có điểm yếu nào, nhà tuyển dụng có thể cho rằng bạn là một người kiêu ngạo. Và không có sở đoản, đồng nghĩa với việc bạn nghĩ rằng bạn không cần trau dồi kiến thức, năng lực. Sẽ không có nhà tuyển dụng nào muốn tuyển một nhân viên mãi dậm chân một chỗ, không có sự phát triển.

những sở đoản thường gặp
Hãy cẩn thận khi trả lời câu hỏi “Sở đoản của bạn là gì?”

5.2. Tập trung vào những phẩm chất ít cần thiết cho công việc

Khi chia sẻ về sở đoản, bạn nên nói về những phẩm chất không quan trọng với công việc. Ví dụ như bạn làm Content Creator, bạn có thể nói rằng mình không giỏi làm việc với các con số. Ngược lại, nếu bạn làm kế toán, bạn hoàn toàn có thể nói rằng mình không giỏi trong việc sáng tạo. Nếu bạn làm Content, đừng nói rằng sở đoản của bạn là viết nội dung, nếu không bạn sẽ bị đánh trượt ngay lập tức.

5.3. Hãy thể hiện rằng bạn đang nỗ lực cải thiện điểm yếu của mình

Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao bạn khi bạn nhìn nhận đúng điểm yếu của bản thân và có kế hoạch cụ thể để cải thiện điểm yếu của mình. Bằng cách chia sẻ về những điều bạn đã và sẽ làm để phát triển bản thân, bạn sẽ cho đối phương thấy rằng mình là một người tích cực, khao khát vươn lên.

5.4. Đặc biệt lưu ý: Đừng cố gắng biến điểm yếu thành điểm mạnh

Có thể rằng bạn đã nghe được hoặc đọc được ở đâu đó rằng: khi trả lời câu hỏi về điểm yếu/sở đoản, bạn nên đưa ra câu trả lời sao cho “nói về điểm yếu nhưng thật ra là điểm mạnh”, chẳng hạn như:

  • Tôi quá chăm chỉ. Tôi dành nhiều thời gian cho công việc nên không có thời gian cho bản thân và gia đình.
    Tôi quá cầu toàn, luôn muốn hoàn thành công việc với chất lượng tốt nhất.
  • Tôi quá khó tính nên thường yêu cầu đồng nghiệp phải hoàn thành công việc với chất lượng cao.

Bạn muốn trả lời câu hỏi về sở đoản theo cách trên? Tôi nghĩ rằng bạn nên bỏ qua ý định đó. Có thể cách trả lời này đã từng hiệu quả và được đánh giá cao; nhưng thời thế đã thay đổi. Nhà tuyển dụng đã nghe hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người trả lời theo cách này. Và nếu bạn cũng nói như thế, đối phương sẽ nghĩ rằng bạn trả lời theo công thức có sẵn thay vì chia sẻ sở đoản thực sự của bạn. Và thông tin mà họ nhận được sẽ trở nên vô giá trị.

6. Ví dụ cụ thể về cách trả lời cho câu hỏi “Sở đoản/điểm yếu của bạn là gì?”

Hi vọng rằng, sau khi tham khảo những ví dụ này, bạn có thể tự chuẩn bị cho mình một câu trả lời tốt cho câu hỏi phỏng vấn “Sở đoản/điểm yếu của bạn là gì?”.

6.1. Ví dụ 1

Tôi không phải là người giỏi tính toán, phân tích số liệu. Tuy nhiên, vì mục tiêu trở thành Content Leader nên tôi đang cố gắng thay đổi điều này. Tôi dành nhiều thời gian hơn để học cách sử dụng các công cụ phân tích số liệu, nghiên cứu thị trường,… như Google Analytic, Ahref,…

6.2. Ví dụ 2

Tôi vốn là một người nhút nhát và hay lo lắng; do đó tôi thường gặp khó khăn khi cần trình bày ý tưởng của mình. Nhưng leader cũ của tôi đã giúp tôi cải thiện điều này. Anh ấy nhận ra điểm yếu của tôi và luôn khuyến khích tôi nói ra bất kỳ điều gì mà tôi nghĩ. Ngay cả khi ý kiến của tôi không xuất sắc, không được thông qua thì anh ấy vẫn luôn động viên tôi thay vì chê trách. Tôi rất biết ơn anh ấy; nhờ anh, tôi đã trở nên tự tin hơn, dám nói, sẵn sàng làm thay vì nghĩ ngợi, sợ sai, sợ bị đánh giá.

6.3. Ví dụ 3

Tôi không có nhiều kiên nhẫn khi làm việc nhóm và ít có sự tin tưởng vào chất lượng công việc của người khác. Vì vậy tôi thường tìm kiếm những công việc yêu cầu làm việc độc lập. Tuy nhiên, tôi biết rằng làm việc nhóm vẫn rất quan trọng. Do đó tôi đã cố gắng cải thiện sở đoản này bằng cách đăng ký tham gia các buổi talk show về xây dựng đội nhóm và học cách tin tưởng vào đồng nghiệp cũng như yêu cầu sự trợ giúp của những người xung quanh.

Kết luận

Với câu hỏi “sở đoản là gì?”, bạn hãy đưa ra câu trả lời một cách trung thực nhưng tích cực; đồng thời đừng quên chia sẻ về cách bạn đã, đang và sẽ thực hiện để khắc phục điểm yếu đó nhé! Bằng cách này, bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt với Nhà tuyển dụng và tăng thêm cơ hội trở thành nhân viên tại công ty mơ ước.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: