Rat Race Là Gì? Làm Sao Để Thoát Khỏi Đường Đua Rat Race?

5/5 - (1 vote)

Nigel Marsh từng nói: “Chúng ta dùng tiền mà chúng ta không có, để mua những thứ chúng ta không cần, nhằm gây ấn tượng với những người chúng ta không thích!”. Con người luôn theo đuổi những thứ viển vông. Họ chạy đua vô tận, chiến đấu trong đau khổ. Để rồi đạt được những điều vô nghĩa. Hãy phá bỏ Rat Race để cuộc sống của bạn trở nên cân bằng và ý nghĩa hơn.

Mục lục

1. Rat Race Là Gì?

Rat Race hay còn gọi là “cuộc đua chuột”, là một thuật ngữ ẩn dụ để mô tả lối sống và công việc của nhiều người trong xã hội hiện đại. Nó ám chỉ một cuộc chạy đua không ngừng nghỉ để đạt được thành công về mặt tài chính và địa vị xã hội, nhưng thường không mang lại sự hài lòng thực sự.

Trong “cuộc đua chuột” này, mọi người liên tục cố gắng kiếm tiền nhiều hơn, mua sắm nhiều hơn, leo lên nấc thang sự nghiệp cao hơn, nhưng lại cảm thấy mắc kẹt trong một vòng lặp vô tận của công việc và tiêu dùng.

Thuật ngữ Rat Race gợi lên hình ảnh những con chuột chạy trên một bánh xe, luôn di chuyển nhưng không bao giờ thực sự tiến về phía trước. Rat Race thường được sử dụng để chỉ trích lối sống vật chất, hướng ngoại quá mức, đồng thời khuyến khích mọi người tìm kiếm ý nghĩa và hạnh phúc sâu sắc hơn trong cuộc sống, thay vì chỉ tập trung vào việc tích lũy của cải và địa vị.

rat race
The Ratrace Nghĩa Là Gì?

2. Rat Race Được Hình Thành Như Thế Nào?

Rat race xuất hiện từ lĩnh vực hàng không quân sự vào những năm 1930. Cụ thể, vào năm 1934, thuật ngữ Rat race được ghi nhận lần đầu tiên trong bối cảnh huấn luyện phi công chiến đấu. Bài tập huấn luyện này đòi hỏi các phi công tập sự phải quan sát và mô phỏng chính xác các thao tác bay phức tạp do một phi công lão luyện thực hiện trước đó.

Sự chuyển biến về ý nghĩa của Rat race diễn ra sau Thế Chiến II, khoảng năm 1945. Từ một thuật ngữ chuyên ngành trong lĩnh vực hàng không, nó dần dần được sử dụng rộng rãi hơn trong ngôn ngữ thông thường để mô tả các tình huống cạnh tranh gay gắt trong đời sống xã hội và công việc.

Sự tiến hóa ngữ nghĩa này phản ánh những thay đổi trong xã hội hậu chiến. Khi nền kinh tế phát triển nhanh chóng, cơ hội việc làm và thăng tiến ngày càng nhiều, nhưng kèm theo đó là áp lực cạnh tranh gia tăng. Rat race trở thành ẩn dụ sống động cho cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của con người trong môi trường làm việc và xã hội ngày càng đòi hỏi cao.

Sau đó, thuật ngữ Rat race dần dần mang theo một sắc thái tiêu cực, ám chỉ sự vô nghĩa và tính lặp đi lặp lại của cuộc sống hiện đại, khi mọi người liên tục phấn đấu mà dường như không bao giờ đạt được sự thỏa mãn thực sự. Nó phản ánh cảm giác bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn của công việc và tiêu dùng, tương tự như hình ảnh những con chuột chạy trên một bánh xe, luôn di chuyển nhưng không bao giờ thực sự tiến về phía trước.

3. Bức Tranh Minh Họa Về Cuộc Đua Rat Race

3.1 Rat Race Là Cuộc Đua Chuột Trong Phòng Thí Nghiệm

Rat Race làm ta liên tưởng đến những chú chuột ở trong phòng thí nghiệm. Chúng đua nhau chạy trong mê cung không lối thoát. Trong mê cung này sẽ đặt một miếng phô mai ở cuối mê cung. Đây được coi như phần thưởng cho chú chuột đầu tiên tìm được nó. Trong mê cung tràn đầy cạm bẫy và mất phương hướng. Hoặc người ta có thể đặt chú chuột vào bánh xe quay tròn. Chúng phải chạy trong bánh xe liên tục và đầy mệt mỏi chỉ vì miếng phô mai bé tí tẹo. Những con chuột chỉ dừng lại khi chúng đã kiệt sức. Phần thưởng chẳng hề xứng đáng với công sức của kẻ liều mạng này.

3.2 Rat Race Là Vòng Luẩn Quẩn Của Kiến Bò Quanh Cối

Thiền sư Hakuin đã vẽ một bức tranh với chú kiến nhỏ đang bò trên miệng cối. Con kiến nhỏ, miếng cối tròn, kiến bò mãi quanh vòng tròn đó. Kiến bò mãi đến khi được 10km – gấp 5 triệu lần so với chiều dài 2mm của nó. Và con kiến vẫn chẳng hề hay biết rằng mình chưa đi đâu cả. Nó vẫn ở ngay đó, ngay trên miệng chiếc cối nhỏ.

Xem thêm: Lý tưởng là gì? Vai trò của lý tưởng sống

4. Tại Sao Rat Race Lại Phổ Biến?

rat race là gì
Tại Sao Rat Race Lại Phổ Biến?

Rat Race trở nên phổ biến do sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố xã hội, tâm lý và kinh tế. Cụ thể đó là:

  • Xã hội hiện đại đã tạo ra một hệ thống giá trị mà trong đó thành công vật chất và địa vị xã hội được đề cao. Từ nhỏ, nhiều người đã được dạy rằng học hành chăm chỉ, có công việc ổn định và thu nhập cao là chìa khóa để có cuộc sống hạnh phúc. Điều này tạo ra một áp lực lớn khiến mọi người liên tục phấn đấu để đạt được những mục tiêu này.
  • Sự phát triển của chủ nghĩa tiêu dùng, marketing đã tạo ra những nhu cầu mới và không ngừng tăng. Quảng cáo liên tục hướng chúng ta với hình ảnh của một lối sống lý tưởng, khiến nhiều người cảm thấy không hài lòng với những gì họ đang có và luôn khao khát nhiều hơn. Từ đó dẫn đến một vòng luẩn quẩn của việc làm việc nhiều hơn để kiếm tiền, rồi tiêu tiền để đáp ứng những nhu cầu mới này.
  • Cạnh tranh gay gắt trong thị trường lao động cũng góp phần vào việc duy trì Rat Race. Với sự toàn cầu hóa và tự động hóa, nhiều người cảm thấy họ phải liên tục nâng cao kỹ năng, làm việc cật lực để giữ được việc làm, thăng tiến trong sự nghiệp. Nỗi sợ bị tụt hậu, bị thay thế khiến nhiều người không dám dừng lại hoặc giảm tốc.
  • Cấu trúc của xã hội hiện đại với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn, buộc nhiều người phải tham gia vào Rat Race chỉ để duy trì mức sống cơ bản. Nợ nần, nhất là nợ sinh viên ở một số quốc gia cũng là một yếu tố quan trọng khiến nhiều người cảm thấy họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia vào cuộc đua này.
  • Văn hóa làm việc “hustle” được ca ngợi rộng rãi trong xã hội hiện đại cũng góp phần vào sự phổ biến của Rat Race. Nhiều người xem việc làm việc quá sức, hy sinh thời gian cá nhân là dấu hiệu của sự cống hiến và thành công, thay vì nhận ra những tác động tiêu cực của lối sống này.

Xem thêm: Triết lý Ikigai là gì? Xác định Ikigai của bản thân

5. Dấu Hiệu Mắc Kẹt Trong Đường Đua Rat Race

Cuộc sống hiện đại đã đẩy nhiều người vào vòng xoáy của Rat Race mà không nhận ra. Nắm rõ các dấu hiệu mắc kẹt trong cuộc đua này là bước đầu tiên để thoát khỏi nó và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Dưới đây là 3 dấu hiệu nổi bật nhất của lối sống này:

5.1 Mất Cân Bằng Giữa Công Việc Và Cuộc Sống

Khi bị cuốn vào Rat Race, ranh giới giữa công việc và đời sống cá nhân dần trở nên mờ nhạt. Người ta thường thấy mình làm việc ngoài giờ, mang công việc về nhà hoặc liên tục kiểm tra email công việc ngay cả trong thời gian nghỉ ngơi. Điều này dẫn đến tình trạng công việc xâm lấn vào thời gian dành cho gia đình, bạn bè và sở thích cá nhân. Hậu quả là mối quan hệ cá nhân có thể bị ảnh hưởng, sức khỏe tinh thần và thể chất suy giảm.

Người mắc kẹt trong tình trạng này thường cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và có cảm giác tội lỗi khi không làm việc. Họ có thể bỏ lỡ những sự kiện quan trọng trong gia đình hoặc không có thời gian để theo đuổi những đam mê cá nhân. Dần dần, cuộc sống trở nên đơn điệu và xoay quanh công việc, làm mất đi niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống.

5.2 Không Có Thời Gian Cho Bản Thân

Một dấu hiệu rõ ràng của việc mắc kẹt trong Rat Race là cảm giác luôn thiếu thời gian, đặc biệt là thời gian dành cho bản thân. Người trong tình trạng này thường xuyên cảm thấy quá bận rộn để chăm sóc sức khỏe, theo đuổi sở thích hoặc đơn giản là thư giãn.

Họ có thể bỏ bữa, thiếu ngủ, bỏ qua việc tập thể dục vì nghĩ rằng không có thời gian. Thời gian rảnh rỗi, nếu có, thường được sử dụng để lo lắng về công việc hoặc chuẩn bị cho công việc sắp tới, thay vì thực sự thư giãn và tái tạo năng lượng. Điều đó dẫn đến tình trạng kiệt sức, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Người mắc kẹt trong vòng xoáy Rat Race có thể cảm thấy cuộc sống trôi qua mà họ không thực sự sống, không có cơ hội để khám phá bản thân hoặc phát triển các kỹ năng và sở thích ngoài công việc. Theo thời gian, họ có thể đánh mất bản sắc cá nhân và cảm giác về mục đích sống.

5.3 Bị Phụ Thuộc Về Tài Chính

Phụ thuộc tài chính là một trong những yếu tố chính khiến nhiều người mắc kẹt trong Rat Race. Biểu hiện là việc liên tục cảm thấy thiếu tiền, dù thu nhập có tăng.

Người trong tình trạng này thường sống theo kiểu “paycheck to paycheck”, nghĩa là toàn bộ thu nhập đều được chi tiêu hết, không có khoản tiết kiệm lớn. Họ có thể có mức lương cao nhưng cũng kèm theo lối sống đắt đỏ, dẫn đến việc luôn cảm thấy cần kiếm thêm tiền. Nợ nần, đặc biệt là nợ thẻ tín dụng hoặc nợ để duy trì lối sống xa hoa là một dấu hiệu phổ biến.

Tình trạng này khiến họ không thể từ bỏ công việc hiện tại, dù không hài lòng, vì lo sợ mất đi nguồn thu nhập. Họ có thể cảm thấy bị mắc kẹt trong một công việc không thỏa mãn hoặc thậm chí độc hại, chỉ vì áp lực tài chính. Từ đó dẫn đến cảm giác bất an thường xuyên về tài chính và tương lai, khiến họ càng lao mình vào làm việc nhiều hơn, tạo nên một vòng luẩn quẩn khó thoát ra.

ý nghĩa the ratrace
Dấu Hiệu Mắc Kẹt Trong Đường Đua Rat Race

6. Làm Sao Để Thoát Khỏi Đường Đua Rat Race?

Thoát khỏi vòng xoáy Rat Race đòi hỏi sự quyết tâm và một kế hoạch hành động cụ thể. Việc nhận thức được mình đang mắc kẹt chỉ là bước đầu, quan trọng hơn là thực hiện những bước thiết thực để thay đổi lối sống và tư duy.

6.1 Xác Định Bản Thân Có Đang Ở Trong Vòng Xoáy Rat Race Không?

Công việc đang làm có làm bạn vui vẻ và mong muốn làm việc? Thứ bạn đang theo đuổi có thực sự là thứ bạn cần? Bạn muốn có được chúng là vì bạn thực sự thích hay vì bằng bạn bằng bè? Số tiền mà công ty trả cho bạn có xứng đáng với công sức làm việc không?

Trả lời được những câu hỏi trên, bạn đã xác định rằng mình có nằm trong vòng xoáy của Rat race không. Những người rơi vào vòng tròn này thường kiếm tiền nhiều hơn những gì họ cần.

6.2 Viết Ra Mục Tiêu

Việc viết ra mục tiêu là bước quan trọng trong quá trình thoát khỏi Rat Race. Khi bạn đặt bút viết ra những mục tiêu của mình, bạn buộc phải suy nghĩ nghiêm túc về những gì thực sự quan trọng đối với bạn trong cuộc sống. Quá trình này giúp bạn phân biệt giữa những mục tiêu do xã hội áp đặt và những khát vọng thực sự của bản thân.

Bạn hãy viết ra mọi thứ, từ những mục tiêu ngắn hạn như cải thiện sức khỏe, đến những mục tiêu dài hạn như thay đổi sự nghiệp hay đạt được tự do tài chính. Đừng giới hạn bản thân, hãy để trí tưởng tượng của bạn bay bổng. Việc nhìn thấy mục tiêu được viết ra sẽ giúp chúng trở nên cụ thể và có thể đạt được hơn.

Ngoài ra, quá trình này cũng giúp bạn nhận ra những mâu thuẫn trong các mục tiêu của mình, từ đó có thể điều chỉnh để chúng hài hòa hơn với giá trị cốt lõi của bạn.

6.3 Đánh Giá Mục Tiêu Và Xác Định Thời Gian Thực Hiện

Đây là lúc bạn cần thực tế và khách quan về những gì có thể đạt được trong khoảng thời gian nhất định. Hãy chia mục tiêu thành các mốc nhỏ hơn, dễ quản lý hơn.

Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là đạt được tự do tài chính trong 5 năm, hãy chia nhỏ nó thành các bước như giảm chi tiêu, tăng thu nhập và đầu tư. Bạn hãy đặt ra thời hạn cụ thể cho mỗi mốc này.

Việc xác định thời gian thực hiện không chỉ giúp bạn có kế hoạch rõ ràng mà còn tạo ra động lực và trách nhiệm giải trình với chính mình. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng linh hoạt cũng quan trọng không kém. Cuộc sống luôn có những bất ngờ, vì vậy bạn hãy sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch của mình khi cần thiết mà không cảm thấy thất bại.

6.4 Phá Bỏ Rào Cản Tâm Lý

Một trong những thách thức lớn nhất khi thoát khỏi Rat Race là vượt qua những rào cản tâm lý. Những niềm tin hạn chế như “tôi không đủ giỏi”, “tôi cần phải làm việc chăm chỉ hơn nữa để thành công” hay “tôi không thể từ bỏ công việc ổn định này” có thể ngăn cản bạn thực hiện những thay đổi cần thiết.

Để phá bỏ những rào cản này, bạn hãy bắt đầu bằng việc nhận diện chúng. Bạn có thể viết ra những suy nghĩ tiêu cực, thách thức chúng bằng các bằng chứng ngược lại, thực hành tư duy tích cực và tự khẳng định bản thân. Bạn hãy tìm kiếm những tấm gương đã thành công trong việc thoát khỏi Rat Race và học hỏi từ họ. Đồng thời, hãy xây dựng một mạng lưới hỗ trợ từ những người có cùng chí hướng.

Chia sẻ mục tiêu và thách thức với người khác không chỉ giúp bạn có trách nhiệm giải trình mà còn cung cấp sự hỗ trợ tinh thần cần thiết trong quá trình thay đổi.

6.5 Độc Lập, Tự Chủ Về Tài Chính

Đạt được sự độc lập và tự chủ về tài chính là một trong những chìa khóa quan trọng nhất để thoát khỏi Rat Race. Không nhất thiết bạn phải trở nên giàu có, mà là có khả năng kiểm soát tài chính của mình và không phụ thuộc hoàn toàn vào một nguồn thu nhập duy nhất.

Bạn có thể bắt đầu bằng việc tạo một ngân sách chi tiết và tuân thủ nó, cắt giảm chi tiêu không cần thiết, tập trung vào việc tạo ra nhiều nguồn thu nhập. Các hoạt động có thể bao gồm việc đầu tư vào cổ phiếu, bất động sản hoặc bắt đầu một doanh nghiệp nhỏ bên cạnh công việc chính.

Học hỏi về quản lý tài chính và đầu tư là rất quan trọng. Bạn hãy xây dựng một quỹ khẩn cấp đủ lớn để trang trải chi phí sinh hoạt trong ít nhất 6 tháng, nó sẽ giúp bạn có sự tự tin để theo đuổi những cơ hội mới mà không lo lắng về tài chính ngắn hạn.

the ratrace
Làm Sao Để Thoát Khỏi Đường Đua Rat Race?

6.6 Tạo Ra Sự Vui Vẻ Trong Công Việc

Công việc chiếm phân nửa cuộc đời bạn. Thay vì khó chịu và mệt mỏi, hãy biến chúng thành niềm vui. Chẳng có ai có thể suôn sẻ cả đời. Đối mặt với khó khăn một cách vui vẻ là việc bạn cần làm.

Hãy thiết lập ra mục tiêu công việc và đặt ra thứ tự ưu tiên trong chúng. Kiểm soát công việc, điều hòa căng thẳng giúp bạn giải tỏa áp lực của công việc. Đừng quên luôn mỉm cười, mở rộng các mối quan hệ để tăng hứng thú trong công việc.

Giống như Steve Jobs khuyên nhủ: “Nếu bạn chưa tìm thấy công việc yêu thích, hãy cứ tiếp tục. Đừng dừng lại. Sẽ đến lúc con tim chỉ cho bạn thấy bạn đã tìm được nó”. Nếu không hài lòng với công việc là bạn đang không hài lòng với phân nửa cuộc đời mình. Vậy có khác nào chú chuột chạy lòng vòng để rồi cuối cùng vẫn chẳng thể trả lời rằng mình đang chạy vì gì?

6.7 Biến Thứ Hai Thành Cơ Hội

Những người trong vòng xoáy Rat race thường chán ghét thứ hai. Họ phàn nàn về thứ hai, về sự bắt đầu của cả tá công việc đang chờ đợi. Họ chỉ sống thực sự vào ngày thứ sáu.

Hãy thức dậy vào thứ hai với một mục đích cụ thể và mong chờ nó. Thứ hai không khác ngày nào trong tuần cả. Đó là một cơ hội để đưa công việc phát triển hơn. Muốn thoát khỏi vòng xoáy Rat race thì bạn cần biết những gì bạn muốn và kiểm soát bản thân.

6.8 Dành Cho Bản Thân Những Phần Thưởng Xứng Đáng

Ai cũng có những mục tiêu để phấn đấu trong cuộc sống. Sau những ngày làm việc mệt mỏi, hãy dành cho bản thân những phần thưởng xứng đáng. Việc đó giúp bạn có thêm năng lượng và có một tâm trạng thư giãn hơn.

Một chuyến du lịch ngắn ngày, một món quà yêu thích, một bữa ăn nhẹ… đều giúp tinh thần thư giãn. Cuộc sống cần phải cân bằng giữa lao động và hưởng thụ thì mới trở lên ý nghĩa. Đừng quá ki bo, tính toán với chính mình.

6.9 Mua Những Thứ Thực Sự Cần Thiết

Con người luôn dễ rơi vào hiệu ứng Diderot – khi bạn sở hữu một món đồ mới thì thường có tâm lý mua sắm nhiều hơn, tiêu tiền vào những thứ không cần thiết. Ví dụ đơn giản là khi bạn có một chiếc váy mới. Khi đó bạn sẽ mua một chiếc băng đô, một đôi hoa tai để ton sur ton với váy mới.

Hay khi bạn mua một chiếc giường. Bạn nhận ra chiếc giường đó không phù hợp với căn phòng của mình. Và bạn thay đổi cả rèm cửa, màu sơn để hợp với chiếc giường. Hiệu ứng Diderot khiến bạn gặp rắc rối về tiền bạc, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Tỷ phú Warren Buffett – người giàu thứ hai thế giới đã từng nói: “Nếu bạn cứ mua những thứ bạn không cần thì sớm muộn gì bạn cũng phải bán những thứ mình cần”. Bạn thực sự cần gì? Hãy xem xét về mục đích sử dụng của chúng trước khi mua. Bạn hãy chắc rằng mua chúng vì tính hữu dụng chứ không phải để khoe khoang.

6.10 Bỏ Lại Công Việc Tại Cánh Cửa Thang Máy Của Công Ty

Những người rơi vào vòng xoáy Rat race thường không tập trung khi ở công ty mà thường mang việc về nhà. Hãy học cách tập trung làm tốt mọi việc trên công ty. Nhà là nơi để bạn nghỉ ngơi và quan tâm gia đình.

Học cách để lại công việc sau cánh cửa thang máy của công ty. Quản lý thời gian làm việc tốt giúp bạn có thêm cơ hội để nghỉ ngơi. Và nó còn giúp bạn có thêm năng lượng, hứng khởi cho công việc.

6.11 Học Hỏi Thêm Nhiều Điều Mới

Năm vừa qua bạn đã học hỏi thêm được những gì? Một ngoại ngữ mới, một môn thể thao hay đơn giản chỉ là nấu một nấu ăn mới…? Học hỏi những điều mới mẻ là gia vị giúp cuộc sống của bạn bớt tẻ nhạt. Học hỏi thêm nhiều điều mới còn tạo ra cơ hội cho bạn thay đổi cả cuộc sống của mình.

Rat race là một vòng luẩn quẩn mà nhiều người đang mắc phải. Để thoát khỏi cuộc đua này, chúng ta cần thay đổi góc nhìn, đặt ra những mục tiêu thực tế và biết tận hưởng cuộc sống. Bằng cách đó, chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc và sự cân bằng thực sự. Bạn có đang lạc vào vòng xoáy này không, nếu có, hy vọng rằng những chia sẻ của JobsGO sẽ hữu ích, giúp bạn có thể vượt qua nhé.

Câu hỏi thường gặp

1. Rat Race Có Phải Là Hiện Tượng Chỉ Xảy Ra Ở Các Nước Phát Triển Không?

Không, Rat Race là hiện tượng phổ biến trên toàn cầu. Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ xã hội nào có sự cạnh tranh cao và đề cao thành công vật chất, bất kể mức độ phát triển kinh tế.

2. Có Phải Tất Cả Mọi Người Đều Bị Mắc Kẹt Trong Rat Race?

Không phải tất cả mọi người đều mắc kẹt trong Rat Race. Một số người nhận thức được sớm và chọn lối sống khác, có những người có thể không bao giờ cảm thấy bị cuốn vào vòng xoáy này.

3. Làm Thế Nào Để Duy Trì Động Lực Sau Khi Thoát Khỏi Rat Race?

Duy trì động lực sau khi thoát khỏi Rat Race đòi hỏi việc liên tục đặt ra mục tiêu mới và có ý nghĩa. Tập trung vào phát triển cá nhân, theo đuổi đam mê và duy trì kết nối xã hội cũng rất quan trọng.

4. Thoát Khỏi Rat Race Có Đồng Nghĩa Với Việc Từ Bỏ Sự Nghiệp Không?

Không nhất thiết. Thoát khỏi Rat Race có nghĩa là tìm được sự cân bằng và ý nghĩa trong công việc, chứ không phải từ bỏ hoàn toàn sự nghiệp. Nó có thể bao gồm việc thay đổi cách tiếp cận công việc hoặc tìm kiếm một con đường sự nghiệp phù hợp hơn với giá trị cá nhân.

5. Liệu Có Thể Thoát Khỏi Rat Race Mà Vẫn Duy Trì Mức Sống Hiện Tại?

Có thể, nhưng điều này đòi hỏi sự quy hoạch tài chính cẩn thận. Nó có thể bao gồm việc tối ưu hóa chi tiêu, tìm kiếm nguồn thu nhập thụ động và đôi khi là điều chỉnh một số khía cạnh của lối sống hiện tại.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: