Trong công ty, việc “chọn bạn mà chơi” là điều vô cùng quan trọng. Nếu không may kết giao với những đồng nghiệp “xấu” thì chắc chắn bạn sẽ rơi vào những tình huống vô cùng khó xử. Vì vậy, hãy để JobsGO giúp bạn nhận diện cũng như giải đáp thắc mắc “chốn công sở và những kẻ không nên kết thân” để cuộc sống của bạn trở nên thật vui vẻ và ý nghĩa nhé!
Mục lục
Người hay chối bỏ trách nhiệm
Kiểu đồng nghiệp đầu tiên mà bạn không nên kết giao là người chối bỏ trách nghiệm. Với kiểu này, thường có xu hướng biểu hiện là không dám nhận việc vì sợ chịu trách nhiệm hoặc luôn tìm cách đổ trách nhiệm cho người khác khi có sai sót xảy ra. Vậy nên, kết thân với họ tức là bạn đã tự đẩy mình vào thế bị động và sớm muộn gì bạn cũng sẽ bị dồn trách nhiệm lên vai. Và cứ như vậy, kiểu đồng nghiệp này sẽ cho đó là chuyện đương nhiên và mặc định bạn phải là người gánh vác công việc và phải hứng chịu hậu quả nếu có sai sót xảy đến. Do đó, nếu bạn muốn một sự yên ổn chốn công sở thì hãy tỉnh táo và tránh xa kiểu người chối bỏ trách nhiệm nhé!
Kẻ nịnh bợ
Chắc hẳn, chẳng ai có thiện cảm với đồng nghiệp chuyên nịnh bợ. Đây là kiểu người luôn dùng lời hay ý đẹp để lấy lòng cấp trên. Những lời “hay ý đẹp” đã phần nào thể hiện rõ mục đích của họ, đó là gây ấn tượng với sếp để nhận lấy cơ hội thăng tiến trong công việc. Kiểu đồng nghiệp này không đi lên bằng thực lực mà muốn đi “đường tắt”. Thậm chí, họ sẵn sàng bôi nhọ, “dìm hàng” những đồng nghiệp có năng lực hơn mình với cấp trên để tâng bốc bản thân. Biết đâu, bạn lại trở thành nhân vật chính trong câu chuyện của kẻ nịnh bợ. Do vậy, bạn cần coi chừng và tránh thật xa những kẻ này.
👉 Xem thêm: Netizen Việt “dạy” bạn cách “sống sót chốn công sở”
Đồng nghiệp thích nhờ vả
Tất nhiên, đồng nghiệp nên giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng mọi chuyện đều cần có giới hạn; việc nhờ giúp đỡ cũng vậy. Ai cũng sẽ vui vẻ đồng ý lời nhờ giúp đỡ của đồng nghiệp lần thứ nhất, thứ hai. Nhưng đến lần thứ ba, thứ tư, cảm xúc còn lại chỉ là phiền muộn.
Khi đi làm, chúng ta đều có những công việc, những trách nhiệm riêng cần hoàn thiện. Và thường xuyên giúp đỡ ai đó có thể tiêu hao rất nhiều thời gian và cả sức lực của bạn.
Những người thích thể hiện mình
Chẳng khó để bắt gặp kiểu người thích thể hiện mình ở chốn công sở. Những người như vậy cũng rất dễ để nhận biết. Họ luôn nâng tầm quan trọng của bản thân trong mọi công việc, luôn nghĩ bản thân giỏi hơn người khác và tự cho phép mình chỉ trích nhận xét mọi người xung quanh. Nhưng năng lực thật sự của họ cũng chẳng được như những gì họ rêu rao, khoe mẽ. Đối với những đồng nghiệp như vậy, bạn nên lơ đi hoặc phản bác kịch liệt lại sự chỉ trích của họ để tự bảo vệ bản thân mình.
Đạo đức giả
Đạo đức giả có lẽ là một trong những kiểu người đáng sợ nhất chốn công sở. Họ luôn giấu mình trong một vỏ bọc đẹp đẽ bên ngoài. Khi mới tiếp xúc, bạn rất khó có thể nhận thấy bản chất thật sự của họ. Thậm chí, họ sẽ dùng những cái tốt “bề nổi” để thành công tạo ấn tượng tích cực với bạn. Họ chẳng bao giờ bộc lộ tính cách, suy nghĩ thật của bản thân ra bên ngoài. Và như vậy, nếu bạn thân thiết với kiểu đồng nghiệp này, bạn rất dễ bị “kéo chìm” mà không kịp trở tay.
Đồng nghiệp “mẹ thiên hạ”
Đây là kiểu đồng nghiệp hành xử giống như cấp trên của bạn hơn là đồng nghiệp. Người này có thể yêu cầu bạn làm việc này, việc kia; đưa ra hướng dẫn ngay cả khi bạn không nhờ giúp đỡ. Họ tự phân chia công việc cho những người khác trong nhóm mà không hỏi ý kiến bất kỳ ai. Thậm chí, những người này có thể đi xa tới mức yêu cầu những người xung quanh rót nước, dọn bàn,… giúp họ.
Đồng nghiệp hay ghen tị
JobsGO tin rằng tại bất kỳ môi trường việc làm nào cũng sẽ xuất hiện kiểu đồng nghiệp hay ghen tị. Họ luôn dòm ngó và soi xét những người thành công hơn mình. Không bao giờ chịu cố gắng để phát triển sự nghiệp nhưng lúc nào cũng so đo năng lực với người khác. Kiểu người này chẳng bao giờ cảm thấy vui mừng khi đồng nghiệp của mình được khen thưởng hay đạt được thành tích nào đó. Không chỉ không hài lòng về sự thành công của người khác mà những người hay ghen tị còn luôn tìm cách mỉa mai, lợi dụng thời cơ để “đá” bạn mình xuống. Do vậy, bạn không nên khoe khoang thành tích để tránh những rắc rối không đáng có xảy ra.
👉 Xem thêm: Chuyện ma cũ bắt nạt ma mới nơi công sở: Làm sao để tránh khỏi “bẫy”?
Người mắc bệnh than vãn
Kiểu đồng nghiệp này nghe có vẻ vô hại nhưng thực chất lại không phải vậy. Câu cửa miệng của họ luôn là những lời than vãn về công việc, về khó khăn, rắc rối… Dần dà, những điều đó sẽ tác động tiêu cực tới tinh thần của bạn. “Sống lâu” trong những lời than vãn sẽ làm bạn ngày càng cảm thấy chán nản và áp lực hơn và cứ như vậy, bạn sẽ dần mất đi nhiệt huyết, đam mê với công việc của mình.
Làm việc dưới áp lực và trách nhiệm, bạn cần nhận được những lời động viên, khuyến khích để có thêm động lực, hứng thú giúp bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thay vì kết giao với những người như vậy, bạn hãy tìm cho mình những đồng nghiệp lạc quan, tích cực để có thể truyền cảm hứng cho bạn mỗi khi bạn cảm thấy bế tắc.
Kiểu đồng nghiệp “ăn không nói có”
Đây cũng là kiểu đồng nghiệp cực kỳ nguy hiểm chốn công sở. Họ là những người chỉ trực chờ sự sơ sẩy của người khác để đặt điều nói xấu, ăn không nói có, vu oan giá họa. Chỉ cần bạn mắc một lỗi nhỏ thôi thì qua lời của những kẻ đó, nó cũng sẽ biến tấu thành một câu chuyện “long trời lở đất” với những tình tiết phóng đại cực độ. Khi kết giao với đồng nghiệp như vậy, bạn rất dễ bị chơi xỏ sau lưng và phải nhận về những tin đồn tai hại.
Thánh mách lẻo
Chúng ta không thể ngăn cản được những cuộc tán gẫu nhỏ chốn văn phòng. Thực tế, “tám chuyện” còn là giải pháp giúp mọi người gắn kết và thân thiết với nhau hơn. Tuy nhiên, nếu lỡ tâm sự cùng “thánh mách lẻo” thì bạn cần phải coi chừng. Vì câu chuyện của bạn sẽ rất nhanh đến tai cấp trên. Kiểu đồng nghiệp này có thể kể vanh vách chuyện của những người xung quanh như thể chuyện của họ.
? Xem thêm: Gián điệp chốn công sở: Khi cáo già đội lốt nai tơ, làm sao để đối phó?
Đồng nghiệp chỉ biết đến bản thân
Khi làm việc trong một tập thể, chúng ta cần cân bằng được lợi ích nhóm và lợi ích của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, những người chỉ biết bản thân đặt lợi ích của mình lên trên hết. Họ có thể đạp lên lợi ích của những người khác để nhận về những điều tốt nhất cho chính họ. Cướp công, cướp khách,… là hành vi điển hình của kiểu đồng nghiệp này.
Đồng nghiệp lười biếng
Bên cạnh những nhân viên chăm chỉ, có không ít kẻ lười biếng. Họ làm việc cho có và không quan tâm kết quả tốt hay xấu. Khi nhận được nhận xét từ đồng nghiệp, khách hàng, họ sẽ kêu ca, phàn nàn rằng người đó “đòi hỏi”. Câu nói cửa miệng của họ là “đừng đòi hỏi nhiều, nghỉ m* việc bây giờ”, “muốn sửa gì tự đi mà sửa”.
Những người này có thể ngồi chơi, lướt facebook cả ngày, nhưng lúc nào cũng chậm deadline. Khi được yêu cầu làm một số việc đột xuất, họ sẽ tỏ vẻ bận rộn còn nhiều việc không thể làm thêm.
Và thực tế là một người có thái độ không tốt thì kết quả làm việc cũng không mấy khả quan vì kỹ năng chẳng hề được cải thiện.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây, các bạn đã có cho mình thông tin về “chốn công sở và những kẻ không nên kết thân”. Chúc các bạn sẽ có những trải nghiệm thật vui vẻ và ý nghĩa chốn công sở nhé!
👉 Xem thêm: Bật mí mẹo đối phó với đồng nghiệp có tính tự ái trong công việc
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)