Chế độ bệnh nghề nghiệp là một chế độ là một trong các chế độ của Bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm đảm bảo thu nhập và sức khỏe cho người lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu bệnh nghề nghiệp là gì? Khi nào sẽ được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp? Cùng tìm hiểu với JobsGO qua bài viết sau nhé!
Mục lục
- 1. Bệnh Nghề Nghiệp Là Gì?
- 2. Điều Kiện Hưởng Chế Độ Bệnh Nghề Nghiệp
- 3. Danh Mục Các Loại Bệnh Nghề Nghiệp
- 4. Tiêu Chí Để Chẩn Đoán Bệnh Nghề Nghiệp Cho Người Lao Động
- 5. Người Lao Động Mắc Bệnh Nghề Nghiệp Được Hưởng Chế Độ Gì?
- 6. Hồ Sơ Hưởng Chế Độ Bệnh Nghề Nghiệp
- 7. Quy Định Về Khám Sức Khỏe, Điều Trị Bệnh Nghề Nghiệp
- 8. Một Số Biện Pháp Giảm Nguy Cơ Mắc Bệnh Nghề Nghiệp
- 9. Các Bệnh Nghề Nghiệp Thường Gặp Ở Nhân Viên Văn Phòng
- Câu hỏi thường gặp
- 1. Trợ Cấp Phục Hồi Chức Năng Là Gì?
- 2. Bệnh Nghề Nghiệp Có Phải Tai Nạn Lao Động Không?
- 3. Bị Suy Giảm 20% Khả Năng Lao Động Có Được Hưởng Trợ Cấp Không?
- 4. Khi Nào Cần Khám Sức Khỏe Định Kỳ?
- 5. Bệnh Nghề Nghiệp Có Thể Phát Sinh Sau Khi Đã Nghỉ Việc Không?
- 6. Cần Làm Gì Khi Phát Hiện Mình Có Dấu Hiệu Bệnh Nghề Nghiệp?
1. Bệnh Nghề Nghiệp Là Gì?
Bệnh nghề nghiệp là gì? Bệnh nghề nghiệp là thuật ngữ dùng để chỉ những bệnh phát sinh có tính chất đặc trưng nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp do tác hại kéo dài thường xuyên của điều kiện lao động xấu. Bệnh nghề nghiệp là cấp tính và nó tiến triển từ từ, có 1 số bệnh có thể chữa khỏi, nhưng cũng có 1 số bệnh có thể để lại di chứng, thậm chí là gây nguy hiểm tới tính mạng người lao động.
Vấn đề bệnh nghề nghiệp đã được pháp luật của tất cả các nước quan tâm với nội dung: danh mục bệnh, chế độ với người lao động bị bệnh. Danh mục bệnh nghề nghiệp ở các nước có thể khác nhau do trình độ công nghệ, khả năng kinh tế xã hội của từng nước. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có một số công ước về bệnh nghề nghiệp như Công ước số 18 (1925), Công ước số 142 (1934), Công ước số 121 (1964). Tổ chức này xếp bệnh nghề nghiệp thành hàng trăm bệnh khác nhau.
Tại Việt Nam, có 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội nếu đảm bảo đủ các điều kiện tại Điều 46 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015. Thông tin chi tiết về các bệnh nghề nghiệp được công nhận bảo hiểm được trình bày chi tiết ở phần tiếp theo.
Nguyên nhân hàng đầu khiến người lao động mắc bệnh nghề nghiệp là gì? Đó chính là làm việc trong môi trường không đảm bảo: nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh; quá nhiều tiếng ồn khó chịu; người lao động phải tiếp xúc với nhiều hóa chất trong quá trình làm việc,… Chính vì vậy, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp đồng thời trả các chi phí cấp cứu, điều trị, tiền lương trong thời gian điều trị; bồi thường cho người lao động bị bệnh. Và người lao động bị bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
2. Điều Kiện Hưởng Chế Độ Bệnh Nghề Nghiệp
Người lao động sẽ được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện nhất định theo luật định. Đây là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của hệ thống bảo vệ quyền lợi cho người lao động, giúp họ nhận được hỗ trợ tài chính, y tế trong trường hợp bị suy giảm sức khỏe do bệnh nghề nghiệp.
2.1 Tham Gia Bảo Hiểm Xã Hội Bắt Buộc
Điều kiện đầu tiên để người lao động có thể được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp là phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể, theo quy định tại Điểm a, b, c, d, đ, e, h – Khoản 1, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, các đối tượng sau đây phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên.
- Cán bộ, công chức, viên chức.
- Người làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân.
- Người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã.
- Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
Việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không chỉ bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các trường hợp bệnh nghề nghiệp mà còn đảm bảo họ được hưởng nhiều quyền lợi khác như chế độ tai nạn lao động, chế độ hưu trí, chế độ thai sản.
2.2 Bị Bệnh Thuộc Danh Mục Bệnh Nghề Nghiệp
Không phải tất cả các căn bệnh phát sinh trong quá trình lao động đều được coi là bệnh nghề nghiệp. Người lao động chỉ được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp nếu mắc phải các bệnh được liệt kê trong Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Danh mục này bao gồm 34 bệnh nghề nghiệp, từ các bệnh về đường hô hấp như bụi phổi do tiếp xúc với bụi silic, đến các bệnh da liễu, bệnh do tiếp xúc với các chất hóa học nguy hại hoặc bệnh liên quan đến môi trường làm việc có tiếng ồn, rung động cao. Nó được cập nhật thường xuyên để phù hợp với tình hình thực tế, các nguy cơ mới phát sinh từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2.3 Suy Giảm Khả Năng Lao Động Từ 5% Trở Lên
Mức suy giảm này được đánh giá thông qua quá trình thăm khám y tế tại các cơ sở được Bộ Y tế chỉ định. Tại đây, các bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng thực tế, mức độ tổn thương do bệnh nghề nghiệp gây ra, mức độ ảnh hưởng của nó đến khả năng làm việc của người lao động. Kết quả sẽ được đưa ra dưới dạng một con số phần trăm, càng cao thì mức suy giảm càng nặng. Đối với những trường hợp suy giảm khả năng lao động nghiêm trọng hơn, mức trợ cấp sẽ tăng dần theo tỷ lệ suy giảm.
Ví dụ, mức suy giảm 5% có thể chỉ nhận hỗ trợ cơ bản, nhưng khi mức suy giảm đạt đến 31% hoặc cao hơn, người lao động có thể nhận trợ cấp thường xuyên với giá trị cao hơn, giúp đảm bảo cuộc sống của họ khi không còn khả năng lao động như trước.
3. Danh Mục Các Loại Bệnh Nghề Nghiệp
Danh mục 34 bệnh nghề nghiệp được quy định tại Thông tư 15/2016/TT-BYT. 34 bệnh này có thể chia thành 5 nhóm bệnh nghề nghiệp chính, cụ thể như sau:
3.1 Các Bệnh Về Phổi Và Phế Quản
Các bệnh về phổi và phế quản thường xuất hiện ở người lao động làm việc trong môi trường nhiều bụi bẩn như xưởng vải, xưởng bông, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng,… Ngoài ra, giáo viên phải thường xuyên tiếp xúc với bụi phấn cũng là đối tượng dễ mắc bệnh nghề nghiệp liên quan đến phổi, phế quản.
Danh mục bệnh |
Nguồn tiếp xúc |
Bệnh bụi phổi silic | – Khoan, đập, khai thác quặng đá; tán, nghiền, sàng, đẽo, mài, thao tác khô quặng/ đá có chứa silic tự do.
– Công việc luyện kim, đúc có tiếp xúc với bụi cát (khuôn mẫu, làm sạch vật đúc,…). – Sản xuất và sử dụng các loại đá mài, bột đánh bóng, các sản phẩm khác có chứa silic tự do. – Chế biến chất carborundum, chế tạo thủy tinh, đồ sành sứ các đồ gốm khác, gạch chịu lửa. – Các công việc mài, đánh bóng, rũa khô bằng đá mài có chứa silic tự do. – Làm sạch hoặc làm nhẵn bằng tia cát. |
Bệnh bụi phổi amiăng | – Khoan, đập phá, tán, nghiền, sàng, thao tác khô, khai thác quặng hay đá có amiăng.
– Chải sợi, kéo sợi, dệt vải amiăng. – Làm cách nhiệt bằng amiăng. – Áp dụng amiăng vào súng bắn nhiệt. – Sản xuất, sửa chữa, xử lý tấm lợp amiăng – ximăng, các gioăng bằng amiăng, cao su; má phanh bằng amiăng; bìa các-tông, giấy có amiăng. – Sản xuất phân lân, thợ sửa chữa ô tô, xe máy. |
Bệnh bụi phổi bông | – Trồng, thu hoạch và chế biến bông, đay, lanh, gai.
– Sản xuất sợi, chỉ, dệt vải, may mặc (kể cả bông nhân tạo). |
Bệnh bụi phổi do bột talc | – Gốm sứ.
– Giấy. – Chất dẻo (plastic). – Sơn. – Cao su. – Mỹ phẩm. – Dược phẩm. |
Bệnh phổi mãn tính do tiếp xúc với bụi than | – Khai thác mỏ than.
– Chế biến, nghiền, sàng tuyển, vận chuyển than. – Khai thác graphit, sản xuất điện cực than. – Sử dụng than trong các lò nung, lò luyện, lò hơi. |
Bệnh hen nghề nghiệp | – Sản xuất và chế biến mủ cao su.
– Thu gom và xử lý lông động vật. – Chế biến thực phẩm. – Đóng gói thịt. – Làm bánh mì. – Làm chất giặt tẩy. – Sơn ô tô. – Sản xuất Vani. – Chế biến gỗ. – Mài kim loại. – Sản xuất dược phẩm và bao bì. – Nhân viên y tế. |
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) do khói, hóa chất | Mọi công việc phải tiếp xúc với bụi vô cơ, hữu cơ, nấm mốc hoặc các hơi khí độc. |
3.2 Các Bệnh Nhiễm Độc
Nhóm bệnh này thường xuất hiện ở người lao động thường xuyên tiếp xúc với hóa chất trong quá trình làm việc. Chẳng hạn như công nhân viên nhà máy sản xuất pin, công nhân nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu, công nhân nhà máy sản xuất phân,… Nhóm bệnh nhiễm độc đặc biệt nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn nếu không được chú ý theo dõi.
Danh mục bệnh | Nguồn tiếp xúc |
Bệnh nhiễm độc chì | – Khai thác, chế biến quặng chì.
– Thu hồi chì từ phế liệu. – Luyện, lọc, đúc, dát mỏng chì và các hợp kim chì. – Hàn, mạ bằng hợp kim chì. – Chế tạo, xén, cắt, đánh bóng các vật liệu bằng chì, hợp kim chì. – Chế tạo và sửa chữa ắc quy, pin chì. – Tôi luyện và kéo các sợi dây thép có chì. – Điều chế và sử dụng các oxit chì, muối chì. – Pha chế, sử dụng sơn, vecni, mực in, matit, phẩm màu có chì. – Chế tạo, sử dụng các loại men, thủy tinh có chì. – Cạo, đột, cắt các vật liệu có phủ lớp sơn chì. – Pha chế, sử dụng tetraethyl chì, các nhiên liệu có chứa chì; cọ rửa cá thùng chứa các nhiên liệu này. |
Bệnh nhiễm độc benzen | – Khai thác, chế biến dầu mỏ.
– Khai thác, chế biến, tinh luyện các chất benzen, đồng đẳng của benzen. – Sử dụng benzen, các đồng đẳng của benzen để điều chế dẫn xuất. – Sản xuất văn phòng phẩm, giày dép, đồ nhựa, đồ gia dụng. – Sử dụng benzen làm dung môi hòa tan chất béo, tẩy mỡ ở xương, da, sợi, vải len, dạ, kim loại, các dụng cụ có bám bẩn chất mỡ. – Điều chế cao su và sử dụng các dung môi có chứa benzen, đồng đẳng để hòa tan cao su, nhựa thiên nhiên, tổng hợp. – Pha chế và sử dụng vecni, sơn, men, mát-tít, mực in, chất bảo quản có benzen, đồng đẳng; chế tạo da mềm (da simili). – Hồ sợi bằng sản phẩm chứa benzen và đồng đẳng. – Sử dụng benzen để hút nước trong rượu cồn, trong các chất lỏng, chất đặc khác. – Nghề, công việc khác có tiếp xúc với benzen, đồng đẳng của benzen. |
Bệnh nhiễm độc thủy ngân | – Công nghiệp dệt, thuộc da, hóa chất và dược phẩm có sử dụng thủy ngân.
– Sản xuất, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. – Xử lý quặng, vàng, bạc. – Thai khác, tách chiết thủy ngân. – Chế tạo, bảo dưỡng, tiêu hủy các dụng cụ, thiết bị, vật liệu có chứa thủy ngân như: amangan, ắc quy, chấn lưu khí áp kế, nhiệt kế, phổ kế, bóng X-quang, đèn hơi thủy ngân, đèn điện tử nung sáng, gương, phích. |
Bệnh nhiễm độc Asen | – Khai thác quặng và luyện kim màu.
– Sản xuất, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật có asen. – Sử dụng các hợp chất asen trong xử lý da, sản xuất thủy tinh, điện tử, bảo quản gỗ, công nghệ quang học. – Nghề/công việc khác có tiếp xúc với asen và hợp chất asen. |
Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật | – Sản xuất, sang chai, đóng gói, bảo quản, vận chuyển, lưu kho, kinh doanh HCBVTV nhóm phốt pho hữu cơ và cacbamat.
– Sử dụng HCBVTV nhóm phốt pho hữu cơ, cacbamat trong sản xuất, bảo quản sản phẩm nông lâm nghiệp. |
Bệnh nhiễm độc carbon monoxide | – Sửa chữa ô tô, xe máy lại ga – ra.
– Chữa cháy. – Làm việc trong đường hầm, công nghiệp dầu khí, hóa học. – Luyện kim, đúc, đốt lò các loại. – Sử dụng động cơ máy nổ chạy bằng xăng, dầu, than, củi. |
Bệnh nhiễm độc các hợp chất nitro và amin | – Thu hoạch, sơ chế, đóng kiện, vận chuyển, lưu kho thuốc lá, thuốc lào.
– Sản xuất thuốc lá như sấy, sàng, tẩm nguyên liệu, thái sợi, cuốn điếu, đóng bao. – Sản xuất, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật có sử dụng nguyên liệu là nicotin. – Các nghề, công việc khác có tiếp xúc với nicotin. |
Bệnh nhiễm độc cadimi | – Khai thác quặng, luyện kim màu.
– Sản xuất pin Nickel – Cadimi (Ni – Cd). – Mạ kim loại. – Sản xuất sơn, phẩm màu. – Sản xuất nhựa. – Thu hồi các kim loại khác có lẫn cadimi. |
3.3 Các Bệnh Vật Lý
Bệnh vật lý là nhóm bệnh được hình thành bởi những tác động vật lý mạnh lên cơ thể người lao động. Nó thường xuất hiện ở người làm những việc nặng nhọc về sức lực và 5 giác quan.
Danh mục bệnh |
Nguồn tiếp xúc |
Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn | – Làm việc tại sân bay.
– Luyện, cán thép. – Khai khoáng, mỏ. – Dệt. – Xây dựng. – Cơ khí. – Huấn luyện bắn súng. – Bộ đội tăng, thiết giáp, pháo binh. |
Bệnh do rung toàn thân | – Lái xe có trọng tải lớn.
– Điều khiển máy thi công cơ giới như máy kéo, máy đào, máy xúc, xe nâng, xe lu. – Vận hành máy móc, thiết bị công nghiệp: giàn cần cẩu, máy nghiền, giàn khoan dầu khí. |
Bệnh do rung cục bộ | – Thao tác với các loại dụng cụ hơi nén cầm tay như búa, dũi, búa tán ri vê, chầy đục phá khuôn, đúc khuôn, máy khoan đá.
– Sử dụng các máy chạy bằng động cơ loại cầm tay, như máy cưa, máy cắt có, máy khoan; máy tời khoan dầu khí, máy mài nhẵn các vật kim loại, tỳ vật mài lên đá mài quay tròn. |
Bệnh do tiếp xúc với áp suất cao (bệnh khí ép) | – Lặn.
– Làm việc trong buồng cao áp, hòm chìm; trong hầm mỏ sâu; công trình ngầm. |
Bệnh phóng xạ nghề nghiệp | – Làm việc tại mỏ uranium hoặc mỏ khoáng có chất phóng xạ. – Sử dụng bức xạ ion hóa để đo độ dày, tỷ trọng, kiểm tra cấu trúc bên trong bê tông, mối hàn; sử dụng chất đánh dấu để kiểm tra mạch nước ngầm.
– Sử dụng chất đánh dấu trong nghiên cứu sinh lý động, thực vật; sử dụng bức xạ ion hóa để bảo quản thực phẩm, triệt sản côn trùng, tạo giống cây trồng mới. Sử dụng tia X trong chẩn đoán, điều trị (X quang, cắt lớp vi tính, can thiệp mạch). – Sử dụng đồng vị phóng xạ trong thăm dò chức năng một số cơ quan; chẩn đoán, điều trị bệnh (SPECT, SPECT/CT PET, PET/CT, PET/MRI, xạ trị chiếu trong, xạ trị chiếu ngoài, xạ trị áp sát). – Làm việc tại khu vực có nồng độ khí Radon-222 vượt quá 1000 Bq/m3 không khí. |
Bệnh đục thủy tinh thể | – Tiếp xúc bức xạ ion hóa.
– Luyện cán thép, sử dụng laser, thợ hàn. – Làm việc tại trạm rada, trạm thu phát sóng phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin liên lạc, dây tải điện cao áp, lò đốt sóng cao tần, đèn khử trùng. – Nghề, công việc khác có tiếp xúc với bức xạ ion hóa, bức xạ tử ngoại nhân tạo, bức xạ nhiệt, vi sóng. |
3.4 Các Bệnh Về Da
Các bệnh về da thường gặp ở người lao động làm việc ở ngoài trời nắng, nhiệt độ cao như xưởng nung, hàn,… hoặc thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn như lao công đường phố,…
Danh mục bệnh | Nguồn tiếp xúc |
Bệnh viêm da tiếp xúc | – Sản xuất và sử dụng xi măng.
– Mạ crôm, mạ điện. – Chế tạo ắc quy. – Luyện kim. – Sản xuất nến, sáp, thuốc nhuộm, chất tẩy rửa, thuốc nổ, pháo hoa, diêm, keo dán. – Đồ gốm, muối crôm, bột màu, men sứ, thủy tinh, bản kẽm, cao su, gạch chịu lửa, xà phòng, hợp kim nhôm. |
Bệnh nốt dầu | – Sửa chữa máy móc, xe máy, máy công nghiệp, vệ sinh công nghiệp, thau rửa bồn, bể.
– Nghề, công việc khác tiếp xúc trực tiếp với dầu, mỡ bẩn. |
Bệnh sạm da nghề nghiệp | – Tiếp xúc với xăng dầu.
– Luyện cốc, than. – Sản xuất hóa chất phụ gia cao su. – Cơ khí. |
Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài | – Nuôi trồng thủy sản.
– Chế biến thủy sản, thực phẩm. – Sơ chế mủ cao su. – Hầm lò. – Nạo vét mương, cống. |
Bệnh da nghề nghiệp do hóa chất phụ gia cao su | – Trồng và khai thác, sơ chế mủ cao su.
– Sản xuất các sản phẩm có sử dụng cao su tự nhiên làm nguyên liệu. – Nhân viên y tế. |
3.5 Các Bệnh Nhiễm Khuẩn
Nhóm bệnh nhiễm khuẩn bao gồm các bệnh mắc phải do bị nhiễm khuẩn từ đường tiêu hóa, đường hô hấp, đường máu. Những bệnh này hiếm khi xảy ra, chủ yếu được tìm thấy ở người lao động làm việc trong phòng nghiên cứu, phòng mổ, bệnh viện, nhà xác.
Danh mục bệnh | Nguồn tiếp xúc |
Bệnh nhiễm khuẩn do Leptospira | – Hầm mỏ, hầm hào, hang hố, cống rãnh.
– Lò giết mổ gia súc. – Thú y, chăn nuôi gia súc. – Làm việc ở vùng đầm lầy, suối, ruộng, ao hồ. |
Bệnh viêm gan virus B nghề nghiệp | – Nhân viên y tế.
– Quản giáo, giám thị trại giam. – Công an. |
Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp | – Nhân viên y tế.
– Quản giáo, giám thị trại giam. – Công an. – Nghề, công việc khác tiếp xúc với vi rút HIV. |
Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp | – Khoan, đập phá, khai thác quặng hay đá có amiăng.
– Tán, nghiền, sàng, thao tác khô với quặng, đá có amiăng. – Chải sợi, kéo sợi, dệt vải amiăng. – Làm cách nhiệt bằng amiăng. – Sản xuất, sửa chữa, xử lý tấm lợp amiăng – ximăng, các gioăng bằng amiăng, cao su; má phanh bằng amiăng; bìa các-tông, giấy có amiăng. – Sản xuất phân lân, thợ sửa chữa ô tô, xe máy. |
Bệnh lao nghề nghiệp | – Nhân viên y tế.
– Làm việc tại lò giết, mổ gia súc. – Thú y chăn nuôi gia súc. |
Bệnh viêm gan virus C nghề nghiệp | – Nhân viên y tế.
– Quản giáo, giám thị trại giam, công an. |
4. Tiêu Chí Để Chẩn Đoán Bệnh Nghề Nghiệp Cho Người Lao Động
Việc chẩn đoán bệnh nghề nghiệp đòi hỏi phải có những tiêu chuẩn rõ ràng để đảm bảo tính chính xác, công bằng trong quá trình xác định người lao động có bị mắc bệnh nghề nghiệp hay không. Các tiêu chí này bao gồm giới hạn, thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy hại, cùng với thời gian bảo đảm mà bệnh vẫn có thể phát sinh ngay cả khi người lao động đã ngừng tiếp xúc với yếu tố gây bệnh.
- Giới hạn tiếp xúc tối thiểu: Mức độ tiếp xúc thấp nhất với các yếu tố nguy hại trong quá trình lao động, từ đó có thể gây nên bệnh nghề nghiệp. Mỗi bệnh nghề nghiệp sẽ có một giới hạn tiếp xúc cụ thể, phụ thuộc vào loại yếu tố nguy hại mà người lao động phải đối mặt. Chẳng hạn, trong trường hợp bụi silic, chỉ cần tiếp xúc với lượng bụi nhỏ trong một khoảng thời gian nhất định cũng có thể dẫn đến bệnh bụi phổi.
- Thời gian tiếp xúc tối thiểu: Đây là khoảng thời gian ngắn nhất mà người lao động phải tiếp xúc với yếu tố nguy hại để phát sinh bệnh. Nếu người lao động tiếp xúc với yếu tố này dưới thời gian tối thiểu được quy định, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp sẽ thấp hơn, người lao động có thể không được công nhận là bị bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Ví dụ, đối với bệnh do tiếng ồn, thời gian tiếp xúc tối thiểu có thể được tính bằng số giờ tiếp xúc với mức độ tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép trong một ngày làm việc. Trong khi đó, đối với các bệnh do hóa chất, thời gian tiếp xúc tối thiểu có thể tính theo tuần, tháng, tùy vào mức độ nguy hại của chất hóa học.
- Thời gian bảo đảm: Khoảng thời gian kể từ khi người lao động đã ngừng tiếp xúc với yếu tố nguy hại nhưng bệnh vẫn có thể phát sinh. Điều này là rất quan trọng đối với các bệnh nghề nghiệp có tiến triển chậm, chẳng hạn như các bệnh về hô hấp, ung thư do tiếp xúc với các chất độc hại. Thời gian bảo đảm này có thể kéo dài từ vài năm đến hàng chục năm, tùy thuộc vào loại bệnh, yếu tố gây bệnh. Các quy định về thời gian bảo đảm được thiết lập dựa trên các nghiên cứu dịch tễ học, các trường hợp thực tế, nhằm đảm bảo người lao động không bị thiệt thòi khi bệnh nghề nghiệp phát sinh sau nhiều năm họ đã rời xa môi trường lao động nguy hại.
5. Người Lao Động Mắc Bệnh Nghề Nghiệp Được Hưởng Chế Độ Gì?
Một khi người lao động không may mắc phải bệnh nghề nghiệp, họ sẽ được hưởng những chế độ đặc biệt do pháp luật Việt Nam quy định. Đây không chỉ là sự bảo vệ về mặt pháp lý mà còn là nguồn hỗ trợ quan trọng giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn về sức khỏe, tài chính.
5.1 Trợ Cấp Một Lần
Khi mức suy giảm khả năng lao động của người lao động do bệnh nghề nghiệp từ 5% đến 30%, họ sẽ được nhận trợ cấp một lần. Mức trợ cấp này được tính dựa trên lương cơ sở, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Theo Điều 48, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 người lao động được hưởng thêm một khoản tiền cho mỗi phần trăm suy giảm sau mức 5%, để đảm bảo sự công bằng trong việc chi trả.
Nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động 10%, họ sẽ nhận được một khoản tiền tính theo tỷ lệ tương ứng dựa trên mức lương cơ sở. Điều này nhằm hỗ trợ ngay lập tức cho người lao động để họ có thể chi trả các chi phí y tế cần thiết trong giai đoạn đầu phát bệnh.
5.2 Trợ Cấp Hàng Tháng
Khi người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên, họ sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng. Số tiền trợ cấp sẽ tăng lên tương ứng với mức suy giảm khả năng lao động. Để được hưởng trợ cấp hàng tháng, người lao động phải có hồ sơ giám định suy giảm khả năng lao động, được các cơ sở y tế có thẩm quyền kết luận. Quy định này được nêu rõ trong Điều 49 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Cụ thể:
- Từ 31% đến dưới 61%: Người lao động nhận được mức trợ cấp cố định hàng tháng, cộng thêm một khoản tiền tương ứng cho mỗi phần trăm suy giảm sau 31%.
- Từ 61% trở lên: Số tiền trợ cấp cũng tăng lên theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động, giúp người lao động trang trải các chi phí sinh hoạt, y tế dài hạn.
5.3 Hỗ Trợ Chi Phí Y Tế
Người lao động mắc bệnh nghề nghiệp còn được hưởng chi phí y tế, bao gồm chi phí khám, điều trị, phục hồi chức năng. Các chi phí này được bảo hiểm xã hội chi trả toàn bộ hoặc một phần, tùy vào mức độ bệnh tật, mức đóng bảo hiểm của người lao động. Người lao động có thể tiếp cận các dịch vụ y tế mà không phải lo lắng về tài chính.
Căn cứ theo Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH, các dịch vụ y tế liên quan đến bệnh nghề nghiệp như khám định kỳ, phục hồi chức năng đều được chi trả bởi Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc duy trì sức khỏe, sớm hồi phục sau khi điều trị.
5.4 Trợ Cấp Phục Hồi Chức Năng
Nếu người lao động cần phục hồi chức năng sau khi mắc bệnh nghề nghiệp, họ sẽ nhận được trợ cấp phục hồi chức năng. Đây là khoản trợ cấp nhằm giúp người lao động trở lại cuộc sống bình thường sau khi điều trị, thậm chí là tái hòa nhập vào công việc nếu sức khỏe cho phép. Quá trình phục hồi chức năng không chỉ bao gồm các biện pháp y tế mà còn bao gồm hỗ trợ về mặt tâm lý, thể chất.
Quy định này được nêu trong Nghị định 88/2020/NĐ-CP, nhằm đảm bảo người lao động không chỉ được hỗ trợ trong giai đoạn điều trị mà còn cả sau khi đã qua giai đoạn bệnh tật, để có thể sống, làm việc tốt hơn.
5.5 Trợ Cấp Tai Nạn Lao Động Và Bệnh Nghề Nghiệp
Ngoài các khoản trợ cấp trên, nếu bệnh nghề nghiệp dẫn đến tai nạn lao động, người lao động cũng sẽ được hưởng các chế độ trợ cấp tai nạn lao động. Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, bệnh nghề nghiệp nếu gây ra tai nạn có thể khiến người lao động mất khả năng lao động vĩnh viễn, phải giảm bớt khối lượng công việc. Trong những trường hợp như vậy, họ sẽ được nhận thêm các khoản trợ cấp tai nạn lao động, giúp đảm bảo cuộc sống sau khi không thể tiếp tục công việc.
6. Hồ Sơ Hưởng Chế Độ Bệnh Nghề Nghiệp
Để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, người lao động cần làm hồ sơ theo quy định tại Điều 58, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.
Theo đó, người lao động cần chuẩn bị đủ các giấy tờ sau:
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- Giấy ra viện, trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp.
- Trong trường hợp người lao động điều trị nội trú thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động do Hội đồng giám định y khoa cấp.
- Trường hợp người lao động nhiễm HIV/AIDS do tai nạn nghề nghiệp thì cung cấp Giấy chứng nhận nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ nghề nghiệp theo mẫu 05A-HSB. Tải tại đây.
Thời gian giải quyết thủ tục hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp được quy định cụ thể như sau:
- Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ, người lao động gửi hồ sơ cho người sử dụng lao động.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH có thẩm quyền trong vòng 30 ngày tiếp theo.
- Trong thời gian 10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết việc hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
- Trường hợp không giải quyết thì cơ quan BHXH phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
- Trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan BHXH chuyển đến, người sử dụng lao động phải trả tiền trợ cấp cho người lao động.
7. Quy Định Về Khám Sức Khỏe, Điều Trị Bệnh Nghề Nghiệp
Bên cạnh việc hưởng các chế độ trợ cấp, quy trình khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cũng được quy định rất cụ thể trong pháp luật Việt Nam.
7.1 Khám Sức Khỏe Định Kỳ
Theo Điều 21 của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, các doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, đặc biệt là những người làm việc trong môi trường có yếu tố nguy hại cao. Khám sức khỏe định kỳ không chỉ giúp phát hiện bệnh nghề nghiệp từ giai đoạn sớm mà còn có thể phòng tránh bệnh nghề nghiệp nặng hơn thông qua các biện pháp can thiệp kịp thời.
Thời gian khám sức khỏe định kỳ:
- Đối với người lao động làm việc trong môi trường có yếu tố nguy hại: ít nhất 6 tháng/lần.
- Đối với người lao động không làm việc trong môi trường nguy hại: ít nhất 1 năm/lần.
Quy định này bắt buộc các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về chi phí, tổ chức, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nếu phát hiện có dấu hiệu bệnh nghề nghiệp, người lao động sẽ được chuyển đến các cơ sở y tế chuyên môn để tiến hành các xét nghiệm, chẩn đoán chuyên sâu hơn.
7.2 Khám Và Chẩn Đoán Bệnh Nghề Nghiệp
Việc khám và chẩn đoán bệnh nghề nghiệp phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt, bao gồm xác định yếu tố gây bệnh, thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy hại trong công việc. Theo Thông tư 28/2016/TT-BYT của Bộ Y tế, người lao động nghi ngờ mắc bệnh nghề nghiệp phải được chuyển đến các cơ sở y tế đủ tiêu chuẩn, được các bác sĩ có chuyên môn về bệnh nghề nghiệp trực tiếp khám, chẩn đoán.
Các yếu tố quan trọng cần xác định trong quá trình chẩn đoán bao gồm:
- Giới hạn tiếp xúc tối thiểu: Để xác định người lao động có tiếp xúc đủ lâu với yếu tố nguy hại hay không.
- Thời gian tiếp xúc tối thiểu: Kiểm tra xem người lao động đã tiếp xúc với yếu tố nguy hại đủ lâu để gây bệnh hay chưa.
- Thời gian bảo đảm: Đảm bảo rằng bệnh có thể phát sinh trong khoảng thời gian sau khi người lao động đã ngừng tiếp xúc với yếu tố nguy hại.
7.3 Điều Trị Bệnh Nghề Nghiệp
Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp, người lao động sẽ được điều trị theo quy trình y tế phù hợp. Các biện pháp điều trị bao gồm thuốc men, vật lý trị liệu, các phương pháp phục hồi chức năng. Các cơ sở y tế phải tuân theo các tiêu chuẩn điều trị do Bộ Y tế ban hành, đảm bảo người lao động được điều trị đúng cách,kịp thời.
Cũng theo Thông tư 28/2016/TT-BYT, các bệnh viện được chỉ định điều trị bệnh nghề nghiệp phải có đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, các thiết bị y tế cần thiết để đảm bảo quá trình điều trị hiệu quả nhất. Người lao động được yêu cầu khám lại định kỳ để kiểm tra quá trình phục hồi, điều chỉnh phương pháp điều trị khi cần thiết.
7.4 Quản Lý Hồ Sơ Sức Khỏe
Mỗi lần người lao động được khám sức khỏe định kỳ, các thông tin liên quan như kết quả kiểm tra tổng quát, chẩn đoán về tình trạng sức khỏe, bất kỳ dấu hiệu bất thường nào đều phải được ghi chép cẩn thận vào hồ sơ sức khỏe.
Các doanh nghiệp và cơ sở y tế phải quản lý hồ sơ sức khỏe của người lao động một cách nghiêm ngặt. Chỉ những cá nhân, cơ quan có thẩm quyền mới được phép truy cập, sử dụng thông tin này. Tuy nhiên, người lao động có quyền truy cập hồ sơ sức khỏe của mình để kiểm tra, đối chiếu thông tin. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong việc quản lý sức khỏe, tránh các sai sót, thất thoát thông tin.
8. Một Số Biện Pháp Giảm Nguy Cơ Mắc Bệnh Nghề Nghiệp
Việc phòng ngừa và giảm nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp không chỉ giúp người lao động bảo vệ sức khỏe, mà còn tăng năng suất lao động, hạn chế chi phí y tế, nghỉ việc do bệnh tật. Dưới đây là một số biện pháp cụ thể để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp.
8.1 Tuân Thủ Các Quy Định Về An Toàn Và Vệ Sinh Lao Động
Một trong những yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp là tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn, vệ sinh lao động do công ty, xí nghiệp đề ra. Các quy định này thường được thiết lập dựa trên các tiêu chuẩn an toàn quốc gia cùng quốc tế, nhằm đảm bảo rằng môi trường làm việc an toàn cho người lao động.
Các quy định gồm việc hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại, quy định thời gian làm việc hợp lý, cũng như cung cấp đủ không gian, điều kiện làm việc thoải mái. Đặc biệt, đối với các ngành nghề có nguy cơ mắc phải 5 nhóm bệnh nghề nghiệp phổ biến như bệnh hô hấp, bệnh về da, bệnh do tiếp xúc với chất hóa học, bệnh do tiếng ồn, bệnh do rung động, việc tuân thủ quy định là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe.
Nắm rõ và tuân thủ các quy định này không chỉ bảo vệ bản thân mà còn giúp xây dựng văn hóa làm việc an toàn trong toàn công ty. Mỗi người lao động cần ý thức rằng việc thực hiện tốt các quy định về an toàn lao động chính là bảo vệ sức khỏe cho chính mình, đồng nghiệp.
8.2 Sử Dụng Đầy Đủ Các Phương Tiện Bảo Hộ Cá Nhân
Một biện pháp không thể thiếu trong việc phòng ngừa bệnh nghề nghiệp là sử dụng đầy đủ các phương tiện bảo hộ cá nhân như mũ bảo hiểm, khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ, giày bảo hộ. Các phương tiện này đóng vai trò như lớp phòng vệ đầu tiên giúp người lao động tránh tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố nguy hại trong môi trường làm việc.
Khẩu trang có thể giúp hạn chế hít phải bụi bẩn, hóa chất độc hại, vi khuẩn trong không khí, đặc biệt quan trọng đối với các công việc trong ngành xây dựng, khai thác mỏ hoặc các phòng thí nghiệm. Tương tự, găng tay bảo hộ giúp bảo vệ da tay khỏi các tác nhân hóa học, vật lý gây hại, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế tạo, hóa chất, y tế.
Sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân đúng cách, đúng thời điểm là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp thuộc 5 nhóm bệnh nghề nghiệp phổ biến ở Việt Nam, bao gồm các bệnh về da, hô hấp, bệnh do tiếp xúc với hóa chất.
8.3 Vệ Sinh Sạch Sẽ Sau Khi Làm Việc
Việc tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh cá nhân sau mỗi ca làm việc giúp loại bỏ bụi bẩn, hóa chất, các yếu tố gây hại khác bám trên da, quần áo. Những công nhân làm việc trong môi trường có tiếp xúc với bụi bẩn, hóa chất hoặc các chất độc hại như amiăng, chì, các loại dung môi công nghiệp cần thực hiện việc tắm rửa ngay sau khi rời khỏi khu vực làm việc để giảm nguy cơ phơi nhiễm. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các ngành công nghiệp nặng, các lĩnh vực sản xuất có nhiều yếu tố nguy hại đến sức khỏe.
Vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng cũng giúp hạn chế lây lan các yếu tố nguy hiểm ra ngoài môi trường gia đình, bảo vệ sức khỏe cho những người xung quanh và cộng đồng. Đây là một biện pháp quan trọng để phòng tránh các bệnh về da, hô hấp, các bệnh do tiếp xúc với các chất hóa học.
8.4 Luyện Tập Sức Khỏe Và Ăn Uống Đủ Chất, Cân Bằng Dinh Dưỡng
Một trong những biện pháp lâu dài, bền vững để phòng ngừa bệnh nghề nghiệp là luyện tập sức khỏe, ăn uống đủ chất, cân bằng dinh dưỡng. Một cơ thể khỏe mạnh với hệ miễn dịch tốt sẽ có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường lao động khắc nghiệt.
Việc duy trì chế độ ăn uống khoa học với đủ các nhóm chất như đạm, béo, vitamin, khoáng chất không chỉ giúp cung cấp năng lượng cho các hoạt động hàng ngày mà còn tăng cường sức đề kháng của cơ thể trước các yếu tố nguy hại. Đặc biệt, đối với những người làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với chất độc hại, việc bổ sung các chất chống oxy hóa từ trái cây, rau xanh sẽ giúp cơ thể loại bỏ các độc tố tích tụ lâu ngày.
Ngoài chế độ ăn uống, việc thường xuyên luyện tập thể dục thể thao cũng giúp nâng cao sức khỏe tổng thể. Các bài tập tăng cường thể lực, hô hấp, cơ xương khớp sẽ giúp người lao động duy trì trạng thái sức khỏe tốt, đặc biệt là những người làm việc trong môi trường nặng nhọc, có yêu cầu cao về thể lực.
8.5 Khám Sức Khỏe Định Kỳ
Khám sức khỏe định kỳ là giúp phát hiện sớm các triệu chứng bệnh nghề nghiệp, từ đó can thiệp kịp thời, hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm. Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, người lao động làm việc trong các môi trường nguy hại được yêu cầu khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần.
Các bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể cũng như kiểm tra các dấu hiệu ban đầu của các bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt, đối với những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao mắc các bệnh thuộc 5 nhóm bệnh nghề nghiệp phổ biến như bụi phổi, nhiễm độc chì, bệnh do tiếng ồn, việc khám sức khỏe định kỳ giúp họ chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe của mình.
8.6 Tư Vấn Sức Khỏe Và Điều Trị Kịp Thời Khi Có Dấu Hiệu
Khi có dấu hiệu mắc bệnh nghề nghiệp, điều quan trọng là phải tư vấn sức khỏe, điều trị kịp thời. Việc được tư vấn bởi các chuyên gia y tế giúp người lao động hiểu rõ tình trạng bệnh của mình, có hướng điều trị phù hợp.
Trong một số trường hợp, các bệnh nghề nghiệp có thể phát triển rất chậm, không biểu hiện triệu chứng rõ ràng ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây mất khả năng lao động. Vì vậy, việc lắng nghe cơ thể, chủ động đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường là vô cùng quan trọng.
Điều trị sớm và theo dõi tình trạng sức khỏe sau điều trị sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tái phát, đồng thời giúp người lao động phục hồi nhanh chóng để quay lại công việc. Điều này đặc biệt cần thiết đối với những người đã, đang làm việc trong các ngành nghề có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp.
9. Các Bệnh Nghề Nghiệp Thường Gặp Ở Nhân Viên Văn Phòng
Vì tính chất công việc bận rộn, phải tiếp xúc với máy tính nhiều, ít vận động, dân văn phòng thường mắc các “bệnh nghề nghiệp” sau:
- Đau lưng: Tư thế ngồi không đúng chính là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh vẹo cột sống, đau lưng.
- Béo phì: Người ngồi làm việc quá lâu, không vận động sẽ khiến cơ thể bị tích tụ mỡ bụng, đặc biệt là bệnh béo phì.
- Ngưng tụ máu: Người làm việc với máy tính trong thời gian quá dài sẽ có khả năng xuất hiện cục máu đông. Điều này tăng nguy cơ tắc mạch phổi gấp 2 lần.
- Đau tim: Theo nghiên cứu tại Đại học London, 67% những người làm việc 11h mỗi ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
- Suy yếu thần kinh: Làm việc áp lực trong thời gian quá dài sẽ khiến não mệt mỏi. Vì thế, nếu bạn phải làm việc vào tối muộn, sáng sớm sẽ dẫn tới tình trạng suy yếu thần kinh, bệnh tâm thần phân liệt.
- Ung thư ruột: Theo nghiên cứu của Úc, những người làm việc trong văn phòng từ 10 năm trở đi sẽ có khả năng mắc bệnh ung thư ruột cao gấp đôi những người làm việc khác.
Bạn có đang mắc bệnh nghề nghiệp? Việc tìm hiểu “bệnh nghề nghiệp là gì?” và điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp sẽ giúp bạn để chủ động đấu tranh & bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân.
Câu hỏi thường gặp
1. Trợ Cấp Phục Hồi Chức Năng Là Gì?
Đây là khoản trợ cấp giúp người lao động hồi phục sau quá trình điều trị bệnh nghề nghiệp.
2. Bệnh Nghề Nghiệp Có Phải Tai Nạn Lao Động Không?
Không, bệnh nghề nghiệp là những bệnh phát sinh từ từ do tiếp xúc với các yếu tố nguy hại trong công việc, khác với tai nạn lao động xảy ra đột ngột.
3. Bị Suy Giảm 20% Khả Năng Lao Động Có Được Hưởng Trợ Cấp Không?
Có, nếu suy giảm từ 5% đến dưới 30%, bạn sẽ được nhận trợ cấp một lần từ bảo hiểm xã hội.
4. Khi Nào Cần Khám Sức Khỏe Định Kỳ?
Người lao động làm việc trong môi trường nguy hại cần được khám ít nhất 6 tháng/lần.
5. Bệnh Nghề Nghiệp Có Thể Phát Sinh Sau Khi Đã Nghỉ Việc Không?
Có, thời gian bảo đảm có thể kéo dài nhiều năm sau khi người lao động ngừng tiếp xúc với yếu tố nguy hại.
6. Cần Làm Gì Khi Phát Hiện Mình Có Dấu Hiệu Bệnh Nghề Nghiệp?
Bạn cần báo cáo ngay cho doanh nghiệp, đến cơ sở y tế để khám, chẩn đoán kịp thời.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)