Nghỉ việc vì những mâu thuẫn với sếp là điều không còn quá xa lạ hiện nay. Thế nhưng, khi ứng tuyển việc làm mới, rất nhiều ứng viên bị đưa vào thế khó khi không biết trả lời câu hỏi “bạn không hài lòng điều gì ở sếp cũ?” Vậy gặp phải tình huống như trên, chúng ta cần phải xử lý như thế nào?
Mục lục
Tại sao nhà tuyển dụng hỏi về sự hài lòng với sếp cũ?
Hiện nay, có đến hơn 50% nhân viên lựa chọn bỏ việc vì những khúc mắc, bất đồng quan điểm với sếp. Tuy nhiên, khi tham gia phỏng vấn công việc mới, nhiều người tỏ ra bất ngờ vì nhà tuyển dụng rất quan tâm đến vấn đề này. Họ thường xuyên đặt ra các câu hỏi về công ty, sếp cũ của ứng viên. Tại sao lại như vậy?
Thực tế, đụng vào những vấn đề ở công ty cũ là cách để khai thác tính cách, thái độ ứng viên khá hiệu quả. Đây được xem là phương châm của nhiều nhà tuyển dụng khi phỏng vấn. Chính vì thế, họ không ngần ngại đưa ra các câu hỏi dạng như mâu thuẫn, không hài lòng về sếp cũ.
Bên cạnh đó, với những câu hỏi như vậy, nhà tuyển dụng cũng sẽ nắm bắt được phong cách, thái độ làm việc của ứng viên ở công ty cũ như thế nào? Ứng viên có phải là một người hay đối đầu với sếp, không ưa sếp và hay nói xấu cấp trên hay không? Liệu rằng sau khi trúng tuyển, làm việc tại công ty mới, ứng viên này có tiếp tục để xảy ra tình trạng này không?
Vậy, nếu là một người nhảy việc chỉ vì không hài lòng về sếp cũ, bạn sẽ trả lời nhà tuyển dụng như thế nào?
👉 Xem thêm: Tổng hợp các câu hỏi phỏng vấn xin việc thường gặp và cách trả lời
Mẹo trả lời câu hỏi “bạn không hài lòng điều gì ở sếp cũ?”
Chắc chắn một điều rằng, dù bạn ứng tuyển cho công ty lớn hay nhỏ, khi đưa ra câu hỏi này, nhà tuyển dụng không chỉ muốn biết tài năng của sếp cũ bạn mà còn muốn thấy được thái độ của bạn ra sao?
Do đó, nếu như bạn cảm thấy đây là một cơ hội tốt để mình có thể trút ra hết những khó chịu, bức bách trong lòng về sếp cũ, phê phán, chê bai sếp cũ,… thì bạn đã nhầm rồi đó.
Thực tế, các nhà tuyển dụng sẽ không quan tâm người sếp trước của bạn là ai, điều họ mong chờ là cách mà bạn ứng xử với sếp như thế nào? Họ sẽ không bao giờ muốn lựa chọn một ứng viên thường xuyên không hài lòng, không biết cảm thông và sẵn sàng nói xấu sếp cũ cả, dù là bất kỳ lý do nào. Vì đơn giản, bản thân họ có thể cũng đang đảm nhiệm vai trò là sếp. Họ đang thử xem bạn có biết cách để xử lý văn minh trong các trường hợp mâu thuẫn với cấp trên hay không? Vì vậy, nếu bạn vội vàng trình bày hết những điều không hài lòng thì sẽ đồng nghĩa với việc tự tước đi cơ hội của chính mình.
Một cách JobsGO bật mí cho các bạn chính là khi trả lời, bạn không nên nhắc đến những điều không hài lòng. Bạn có thể nói khéo như “ai cũng sẽ có những khuyết điểm và khó để hoàn hảo trong mắt người khác. Tuy nhiên, sếp cũ của tôi đã tạo nên rất nhiều thành tựu đáng tự hào và khiến nhiều người nể phục,…”. Bạn cần nhấn mạnh vào những gì mà sếp cũ đã làm cho công ty của họ, những kiến thức, kỹ năng mà bạn học được từ người sếp đó. Nếu như có bất đồng quan điểm lớn thì bạn cũng cần giảm nhẹ mức độ xuống thấp nhất, làm sao mọi thứ nhẹ nhàng và cần nêu ra hướng giải quyết của 2 bên lúc đó.
Có thể bạn sẽ thấy không thoải mái vì việc mình đang nói dối nhà tuyển dụng. Thế nhưng, việc nói dối này không gây nguy hại cho bất kỳ ai mà đôi khi nó còn giúp ích cho bản thân bạn. Vậy nên, hãy làm sao để xử lý tình huống một cách nhẹ nhàng, khách quan, tránh để căng thẳng, mất kiểm soát khi nhắc về sếp cũ trước mặt nhà tuyển dụng nhé.
👉 Xem thêm: 4 Lý do khiến người TÀI GIỎI không chinh phục được nhà tuyển dụng
Một số câu hỏi khác về công ty cũ nhà tuyển dụng thường hỏi
Ngoài câu hỏi trên, các nhà tuyển dụng cũng có thể đặt ra một số câu hỏi khác liên quan đến công ty cũ mà bạn cũng cần lưu ý như là:
Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?
Đây có lẽ là câu hỏi khá quen thuộc mà hầu hết các nhà tuyển dụng đều thắc mắc. Cũng tương tự như tình huống trên, nguyên tắc trả lời là các bạn không được nói xấu về công ty cũ gồm cả công việc hay lãnh đạo. Bạn chỉ cần trình bày định hướng của công ty cũ không còn phù hợp với mình, bạn muốn tìm kiếm một môi trường để có thể “bung lụa” khả năng hay đơn giản là công ty cũ chuyển bạn sang bộ phận khác không chuyên,…
Bạn đánh giá như thế nào về công ty cũ?
Khi được hỏi câu này, các bạn hãy tập trung nói về những điểm nổi bật, kinh nghiệm, trải nghiệm mà mình có được sau khi làm ở đó. Ví dụ như: “môi trường làm việc ở công ty cũ khá tốt, mọi người hòa đồng, vui vẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Sau khi làm việc ở đó, tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích,…”.
Bạn có mâu thuẫn gì với đồng nghiệp cũ không?
Đây có lẽ cũng là một trong những lý do khiến nhiều người nghỉ việc. Dù là có mâu thuẫn hay không thì bạn cũng nên nói giảm nói tránh, không gay gắt khi nhắc về vấn đề này. Bởi trong công việc, chúng ta khó có thể tránh được những bất đồng, cãi vã, điều quan trọng là cách mà bạn xử lý, giải quyết như thế nào? Bạn vẫn có thể trình bày mình có một chút vấn đề với đồng nghiệp khi hợp tác, tuy nhiên, mọi chuyện đều đã ổn và không còn bất kỳ vướng mắc nào khác. Đây là cách trả lời khéo léo và không làm mất lòng nhà tuyển dụng đó.
👉 Xem thêm: Làm việc nhóm: Xử lý thế nào khi mâu thuẫn (lại) xảy ra?
“Bạn không hài lòng điều gì ở sếp cũ?” – Chắc hẳn các bạn đã nắm rõ được bí quyết trả lời sao cho “ăn trọn” điểm từ nhà tuyển dụng rồi phải không? Mong rằng bài viết sẽ giúp các bạn có thể vượt qua vòng phỏng vấn thành công nhé.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)