Trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với vô vàn vấn đề nguy cấp về môi trường, ngành khoa học cây trồng đóng một vai trò quan trọng giúp cải thiện năng suất nông – lâm nghiệp, phát triển các giống cây mới có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, đáp ứng những thách thức của thế kỷ 21. Vậy ngành khoa học cây trồng là gì? Ra trường làm nghề gì? Cùng JobsGO tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Mục lục
- 1. Ngành Khoa Học Cây Trồng Là Gì?
- 2. Mục Tiêu Đào Tạo Ngành Khoa Học Cây Trồng
- 3. Ngành Khoa Học Cây Trồng Học Những Gì?
- 4. Ngành Khoa Học Cây Trồng Thi Khối Gì?
- 5. Ngành Khoa Học Cây Trồng Học Trường Nào? Điểm Chuẩn Bao Nhiêu?
- 6. Ngành Khoa Học Cây Trồng Có Được Ưa Chuộng?
- 7. Tố Chất Cần Có Để Theo Đuổi Ngành Khoa Học Cây Trồng
- 8. Học Ngành Khoa Học Cây Trồng Ra Làm Gì?
- Câu hỏi thường gặp
1. Ngành Khoa Học Cây Trồng Là Gì?
Ngành khoa học cây trồng (tiếng Anh là Crop Science), là ngành học nghiên cứu về các loại cây trồng và mọi yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng. Ngành học tập trung vào tìm hiểu và phân tích các yếu tố môi trường như ánh sáng, nước, nhiệt độ, dưỡng chất, đồng thời nghiên cứu các điều kiện có thể cản trở sự phát triển của cây trồng như cỏ dại, bệnh tật hay côn trùng gây hại.
Ngành khoa học cây trồng đào tạo ra những kỹ sư có khả năng nghiên cứu về đặc điểm di truyền, đặc điểm sinh lý của cây trồng, cũng như các phương pháp chọn tạo, nhân giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản đối với nhiều loại cây trồng khác nhau, bao gồm cây lương thực, rau, hoa, quả, cây công nghiệp và cây dược liệu.
2. Mục Tiêu Đào Tạo Ngành Khoa Học Cây Trồng
Chương trình đào tạo hướng đến việc cung cấp cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc về khoa học cơ bản và khoa học cây trồng thông qua các môn học như sinh học, hóa học, toán học, thống kê, di truyền học, sinh lý thực vật, sinh thái học,… Những kiến thức nền tảng này sẽ giúp sinh viên có khả năng phân tích, đánh giá, đưa ra các quyết định phù hợp trong quá trình canh tác và quản lý cây trồng.
Chương trình đào tạo cũng chú trọng vào việc phát triển kỹ năng thực hành và ứng dụng cho sinh viên. Sinh viên được tham gia vào các bài thực hành trong phòng thí nghiệm, thực tập tại các trang trại và các dự án nghiên cứu. Thông qua những hoạt động này, sinh viên học cách áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế, phát triển kỹ năng quan sát, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, phương pháp lai tạo và chọn giống cây trồng, cũng như các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp.
Một mục tiêu khác của ngành là đào tạo ra những chuyên gia có khả năng áp dụng và phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
3. Ngành Khoa Học Cây Trồng Học Những Gì?
Ngành khoa học cây trồng cung cấp một nền tảng kiến thức đa dạng, bao quát nhiều lĩnh vực liên quan đến sự phát triển của thực vật, khoa học về cây trồng, nông học,… cho sinh viên. Khi theo học ngành này, bạn không chỉ được học về kiến thức sinh hoá, nông – lâm nghiệp mà còn tham gia vào đào tạo kỹ năng thực hành nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng, phát triển dự án cây trồng,…
Cụ thể, nội dung chương trình học ngành khoa học cây trồng sẽ cung cấp cho bạn những nhóm kiến thức sau:
- Sinh học, hoá học và sinh hoá: Những môn học thuộc lĩnh vực sinh hoá sẽ giúp bạn hiểu rõ các nguyên lý cơ bản của quá trình sinh học diễn ra trong cây trồng. Bạn sẽ được trang bị kiến thức về cấu trúc tế bào, quá trình trao đổi chất, di truyền học cơ bản, các phản ứng hóa học quan trọng trong cây, cách các chất hữu cơ, vô cơ tương tác trong môi trường sống của thực vật,…
- Kiến thức chuyên ngành về thực vật: Kiến thức chuyên ngành trong khoa học cây trồng bao gồm nhiều lĩnh vực đa dạng về hình thái, giải phẫu thực vật, cấu trúc cây trồng,… Một số môn học như thổ nhưỡng, phì nhiêu đất, di truyền, bệnh cây học,… được đưa vào chương trình nhằm giúp bạn có được hiểu biết toàn diện về cách bồi dưỡng đất, chăm sóc cây và phòng ngừa, điều trị bệnh thường gặp ở cây trồng,…
- Công nghệ sinh học: Nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển của thời đại, bạn sẽ được trang bị kiến thức về kỹ thuật di truyền, nuôi cấy mô tế bào thực vật, tạo cây chuyển gen, phương pháp phân tích DNA, RNA, protein ở cấp độ phân tử. Công nghệ sinh học còn giúp bạn hiểu cách tạo ra các giống cây kháng sâu bệnh, chịu hạn, chống chịu với các điều kiện môi trường khắc nghiệt, từ đó, hình thành khả năng áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong việc cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng.
- Quản lý chất lượng môi trường: Thông qua nhóm kiến thức về quản lý chất lượng môi trường, bạn sẽ biết cách đánh giá, kiểm soát các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển của cây như đất, nước, không khí. Dựa vào những nội dung trên, bạn cũng sẽ được phát triển cách thực hành phương pháp canh tác bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất nông nghiệp.
- Xây dựng mô hình phát triển quốc tế: Các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến trên thế giới cũng được đưa vào chương trình học để nghiên cứu, phân tích và ứng dụng vào thực tiễn. Khi theo đuổi ngành khoa học cây trồng, bạn sẽ được học về các chính sách, quy định quốc tế liên quan đến sản xuất, thương mại nông sản, cách phân tích, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa đến ngành nông nghiệp.
4. Ngành Khoa Học Cây Trồng Thi Khối Gì?
Theo hình thức xét tuyển điểm THPTQG, ngành khoa học cây trồng tuyển sinh những khối sau:
- A00 (Toán, Vật lý, Hóa)
- A16 (Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên)
- B00 (Toán, Hoá, Sinh học)
- B04 (Toán, Sinh học, Giáo dục công dân)
- C02 (Ngữ văn, Toán, Hóa)
- C14 (Toán, Ngữ văn, Giáo dục công dân)
- C15 (Ngữ văn, Toán, Khoa học xã hội)
- C20 (Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân)
- D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh)
- D08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh)
5. Ngành Khoa Học Cây Trồng Học Trường Nào? Điểm Chuẩn Bao Nhiêu?
Nếu bạn có nguyện vọng học ngành khoa học cây trồng, một số trường dưới đây có thể là lựa chọn lý tưởng.
Trường Đại học | Điểm chuẩn năm 2023 |
Đại học An Giang – Đại học Quốc gia TP HCM | 18,66 |
Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam | 17 |
Đại học Hà Tĩnh | 16 |
Đại học Lâm nghiệp (Cơ sở 1) | 15 |
Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai | 15 |
Đại học Thái Nguyên | 15 |
Đại học Nông Lâm Bắc Giang | 15 |
Đại học Tân Trào | 15 |
Đại học Hồng Đức | 15 |
Đại học Nông Lâm – Đại học Huế | 15 |
Đại học Tây Nguyên | 15 |
Đại học Kiên Giang | 14 |
6. Ngành Khoa Học Cây Trồng Có Được Ưa Chuộng?
Ngành khoa học cây trồng hiện nay chưa phải lựa chọn ưu tiên của nhiều bạn trẻ khi xác định hướng đi cho tương lai. Tuy nhiên, đây lại là ngành có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững. Trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng tăng và biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, nhu cầu về các chuyên gia trong lĩnh vực này đang gia tăng mạnh mẽ.
Trong tương lai, đây có thể là ngành học chiếm được ưu thế ngang bằng nhiều ngành học hot khác. Nguyên nhân là do tiềm năng phát triển của ngành rất lớn, với nhiều cơ hội nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới như công nghệ gen, trí tuệ nhân tạo vào nông nghiệp.
Ngành học này có vai trò tích cực cho xã hội. Ngành khoa học cây trồng góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, phát triển các giống cây chống chịu tốt với điều kiện khắc nghiệt, từ đó giúp cải thiện đời sống người nông dân và đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định cho xã hội. Ngoài ra, ngành này còn góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc nghiên cứu và phát triển các phương pháp canh tác bền vững, thân thiện với môi trường.
Tóm lại, dù hiện tại chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ nhưng với vai trò tích cực cho xã hội và xu hướng phát triển mạnh mẽ, đây sẽ là ngành học được ưa chuộng trong thời gian tới.
7. Tố Chất Cần Có Để Theo Đuổi Ngành Khoa Học Cây Trồng
Ngành khoa học cây trồng yêu cầu người học cần có một số kỹ năng và tố chất để có thể thành công:
7.1 Yêu Thiên Nhiên, Môi Trường
Để theo đuổi ngành khoa học cây trồng, một trong những tố chất quan trọng nhất là tình yêu với thiên nhiên và môi trường. Những người có niềm đam mê với thiên nhiên có xu hướng quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của cây cối, thực vật. Niềm đam mê này sẽ thúc đẩy bạn thường xuyên dành thời gian quan sát, chăm sóc cây trồng, tìm hiểu về các hệ sinh thái khác nhau. Tình yêu với thiên nhiên không chỉ giúp bạn duy trì động lực học tập, nghiên cứu mà còn gợi mở cho bạn các giải pháp bền vững để bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
7.2 Giỏi Các Môn Tự Nhiên
Năng lực học tập tốt các môn khoa học tự nhiên như vật lý, hóa học, sinh học, địa lý là một lợi thế lớn khi theo đuổi ngành khoa học cây trồng. Kiến thức vật lý giúp bạn hiểu về các quá trình vật lý trong cây như sự vận chuyển nước, chất dinh dưỡng. Hóa học là nền tảng để nghiên cứu về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sinh học là môn học cốt lõi, giúp nắm vững cấu trúc, chức năng của cây trồng. Cuối cùng, địa lý cung cấp những hiểu biết về điều kiện khí hậu, đất đai ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Sự kết hợp kiến thức từ các môn học này tạo nên nền tảng vững chắc cho việc nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực khoa học cây trồng.
7.3 Thích Tìm Tòi, Khám Phá
Lĩnh vực cây trồng luôn có những thách thức đi cùng thời đại, đòi hỏi người học phải không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu. Những người thích tìm tòi, khám phá sẽ thường xuyên đặt câu hỏi, tìm cách giải quyết các vấn đề mới trong nông nghiệp. Niềm đam mê khám phá là động lực để bạn không ngừng thử nghiệm các phương pháp canh tác mới, tìm hiểu về các giống cây mới hoặc nghiên cứu các công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp.
7.4 Trí Nhớ Tốt
Ngành khoa học cây trồng hàm chứa rất nhiều thông tin về đặc điểm của các loại cây trồng, các loại sâu bệnh, phương pháp canh tác với tên khoa học khá phức tạp. Trí nhớ tốt giúp bạn dễ dàng nhận diện các triệu chứng bệnh trên cây, nhớ chính xác liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cần sử dụng, các quy trình kỹ thuật phức tạp trong canh tác và chế biến nông sản.
7.5 Yêu Thích Các Hoạt Động Ngoài Trời
Ngành khoa học cây trồng đòi hỏi bạn phải dành nhiều thời gian làm việc trực tiếp trên đồng ruộng, vườn ươm, nhà kính. Những người thích hoạt động ngoài trời sẽ cảm thấy hứng thú với công việc thực địa, không ngại khó khăn khi phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Bạn cần có sức khỏe tốt, dẻo dai, khả năng thích nghi với môi trường làm việc đa dạng để có thể theo đuổi ngành học này.
7.6 Khả Năng Quan Sát
Người làm trong lĩnh vực cây trồng cần có khả năng nhận biết những thay đổi nhỏ nhất trên cây trồng, từ màu sắc lá, hình dạng hoa, đến các dấu hiệu bất thường trên thân, rễ. Khả năng quan sát tốt giúp bạn phát hiện sớm các vấn đề về sâu bệnh, thiếu hụt dinh dưỡng, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.
8. Học Ngành Khoa Học Cây Trồng Ra Làm Gì?
Ngành khoa học cây trồng mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đây là ngành học có tính ứng dụng cao, mở ra vô vàn cơ hội việc làm hấp dẫn từ làm việc trong các viện nghiên cứu đến tự kinh doanh các sản phẩm trong lĩnh vực khoa học cây trồng. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể làm việc tại những vị trí dưới đây:
8.1 Cán Bộ Tại Cơ Quan Quản Lý Về Nông Nghiệp
Làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh/thành phố là một trong những lựa chọn hàng đầu cho sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học cây trồng. Công việc này đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu rộng về nông nghiệp, khả năng phân tích chính sách và kỹ năng quản lý. Cán bộ sẽ tham gia vào việc xây dựng, triển khai và giám sát các chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp của quốc gia và địa phương. Mức lương khởi điểm trong ngành rơi vào khoảng 5-7 triệu đồng/tháng, tăng dần theo thâm niên và vị trí công tác.
8.2 Kỹ Sư Trồng Trọt
Một trong những vị trí phổ biến nhất là kỹ sư nông nghiệp hoặc trồng trọt. Trong vai trò này. Kỹ sư nông nghiệp có thể làm việc tại các trang trại lớn, công ty sản xuất giống cây trồng, hoặc các dự án phát triển nông nghiệp. Các kỹ sư chịu trách nhiệm lập kế hoạch canh tác, lựa chọn giống cây phù hợp, thiết kế hệ thống tưới tiêu, quản lý dịch bệnh. Mức lương trung bình dao động từ 10 – 15 triệu đồng/tháng.
8.3 Nhân Viên Quản Lý Chất Lượng Và Kiểm Nghiệm Cây Trồng
Ở vị trí nhân viên/chuyên viên quản lý chất lượng và kiểm nghiệm cây trồng, bạn sẽ cần thực hiện một số nhiệm vụ như:
- Giám sát toàn bộ quá trình từ trồng trọt đến thu hoạch, bảo quản, vận chuyển.
- Thiết lập các quy trình kiểm soát chất lượng, thực hiện các kiểm tra định kỳ, đề xuất biện pháp cải thiện khi cần thiết.
- Đảm bảo tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về sản phẩm của thị trường trong nước lẫn quốc tế.
- Thực hiện các xét nghiệm để đánh giá chất lượng, an toàn của cây trồng, nhằm phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, độc tố, vi sinh vật gây hại.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm, tuân thủ các quy định về xuất khẩu nông sản.
8.4 Nghiên Cứu Viên Phát Triển Cây Trồng
Đây là một trong những lĩnh vực đầy triển vọng và có nhu cầu cao trong ngành khoa học cây trồng tại Việt Nam. Nghiên cứu viên có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học công nghệ hoặc các công ty giống cây trồng. Công việc chính của nghiên cứu viên bao gồm nghiên cứu, lai tạo và phát triển các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu tốt với điều kiện môi trường khắc nghiệt. Mức lương cho vị trí này khá hấp dẫn, dao động từ 10-20 triệu đồng/tháng tùy theo kinh nghiệm và thành tích nghiên cứu.
8.5 Nhân Viên Chăm Sóc Cây Trồng
Nếu là người tỉ mỉ và yêu thiên nhiên thì vị trí nhân viên chăm sóc cây trồng đặc biệt phù hợp với bạn. Bạn có thể làm việc tại các trang trại, vườn ươm, công ty sản xuất nông nghiệp quy mô lớn hoặc các khu công nghiệp. Nhân viên chăm sóc cây trồng sẽ thực hiện gieo trồng, bón phân, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch. Mức lương trung bình cho vị trí này khoảng 5-8 triệu đồng/tháng, có thể cao hơn đối với những người có kinh nghiệm hoặc làm việc tại các doanh nghiệp lớn.
8.6 Bảo Vệ Thực Vật
Chuyên gia bảo vệ thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc phòng trừ sâu bệnh và duy trì sức khỏe cây trồng tại các công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, các trung tâm bảo vệ thực vật. Công việc của các chuyên gia bảo vệ thực vật bao gồm chẩn đoán bệnh hại, đề xuất biện pháp phòng trừ và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả. Mức lương trung bình trong ngành dao động từ 8-15 triệu đồng/tháng, có thể cao hơn đối với chuyên gia có kinh nghiệm hoặc làm việc cho các công ty đa quốc gia.
8.7 Cố Vấn Cây Trồng
Cố vấn cây trồng là một nghề nghiệp có triển vọng lớn trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi theo hướng hiện đại và bền vững. Ở vị trí này, bạn có thể làm việc độc lập hoặc làm việc tại các công ty tư vấn nông nghiệp, cung cấp dịch vụ tư vấn cho nông dân, doanh nghiệp về kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại, lựa chọn giống cây trồng phù hợp và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. Mức thu nhập của cố vấn cây có thể từ 10-30 triệu đồng/tháng tùy theo kinh nghiệm và lượng khách hàng.
Với sự kết hợp giữa kiến thức truyền thống và công nghệ hiện đại, ngành khoa học cây trồng không ngừng mở ra những cơ hội mới để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và bảo vệ môi trường. Sinh viên tốt nghiệp ngành này không chỉ có cơ hội nghề nghiệp đa dạng mà còn có khả năng đóng góp trực tiếp vào việc giải quyết những thách thức lớn của nhân loại như biến đổi khí hậu, suy thoái đất đai và gia tăng dân số. Hiểu được khoa học cây trồng là gì, học gì sẽ là bước đi đầu tiên vững chắc trên hành trình theo đuổi ngành học này.
Câu hỏi thường gặp
1. Học Ngành Khoa Học Cây Trồng Có Sợ Thất Nghiệp Không?
Theo báo Dân Việt, thống kê cho thấy 100% sinh viên ngành khoa học cây trồng có việc làm trong vòng 6 tháng sau khi ra trường.
2. Ngành Khoa Học Cây Trồng Có Phù Hợp Để Khởi Nghiệp Không?
Ngành khoa học cây trồng rất phù hợp cho những người muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Kiến thức và kỹ năng từ ngành học này có thể áp dụng vào nhiều mô hình kinh doanh như sản xuất giống cây trồng, tư vấn nông nghiệp hay phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
3. Ngành Khoa Học Cây Trồng Thực Tập Ở Đâu?
Sinh viên ngành khoa học cây trồng có thể lựa chọn thực tập ở các hợp tác xã địa phương, viện nghiên cứu nông nghiệp, các doanh nghiệp về nông sản,...
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)