Nếu nhà tuyển dụng có những kỹ năng phỏng vấn thì ứng viên ngày nay cũng được chuẩn bị rất nhiều kinh nghiệm để trả lời. Vậy làm sao để đọc vị chính xác ứng viên khi họ đã xây dựng cho mình những mô – típ nhất định? Đó chính là lúc nhà tuyển cần dùng tới những câu hỏi bất ngờ hơn để xác định tố chất ứng viên trong cách phản ứng của họ. Dưới đây là 6 câu hỏi mà bạn có thể tham khảo:
- “Hãy miêu tả bản thân bằng một từ duy nhất.”
Ứng viên giỏi là những người biết mình biết ta. Nhà tuyển dụng sẽ không để ý đến ngôn từ ứng viên sử dụng, mà sẽ chú ý đến cách họ miêu tả bản thân.
Nhà tuyển dụng sẽ quan sát xem ứng viên phản ứng thế nào với câu hỏi này. Họ có cẩn trọng suy nghĩ và tự tin vào câu trả lời của mình hay không? Ứng viên giỏi sẽ dành ít phút để chiêm nghiệm lại mình, chứ không nhanh chóng đáp lời ngay.
- “Hiện tại là 12 giờ trưa, thời điểm này năm sau bạn đang làm gì?”
Mục đích của câu hỏi này nhằm xác định độ tự tin của ứng viên. Nếu ứng viên có thể trả lời câu hỏi này thật nhanh và chắc chắn, đó là dấu hiệu chứng tỏ người này hiểu rõ và tự tin vào chính mình. Ngoài ra, những người biết lượng sức sẽ không ngần ngại đưa ra những ý tưởng mới, xoá bỏ giới hạn của thân họ. Những ứng viên với tố chất như thế được đánh giá sẽ giúp công ty phát triển.
- “Hãy nói cho tôi biết quản lý và người bạn thân sẽ nhận xét bạn như thế nào?”
Gắn kết nhân viên luôn là thử thách khó đối với nhiều tổ chức. Điều quan trọng là nhà tuyển dụng muốn xác định được niềm đam mê công việc của ứng viên, nhưng thật khó để đánh giá được trong buổi phỏng vấn. Những điểm giống và khác nhau giữa hai câu trả lời có thể giúp nhà tuyển dụng biết được rất nhiều về ứng viên. Những người đưa ra nhận xét giống nhau cho cả bạn thân và quản lý sẽ có xu hướng hứng thú với công việc hơn. Những ứng viên nhiệt tình cả trong công việc lẫn cuộc sống là dấu hiệu tốt chứng tỏ họ cũng sẽ tìm được niềm đam mê ở công ty.
- “Bạn có thể chia sẻ một câu chuyện (hay bất kỳ điều gì) thể hiện quan điểm cá nhân của bạn được không?”
Kỹ năng chỉ là một phần trong tuyển dụng. Tìm được ứng viên chia sẻ những giá trị chung với công ty cũng quan trọng không kém.
Khi ứng viên chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, nhà tuyển dụng sẽ biết người này suy nghĩ, hành động và cảm nhận như thế nào. Nhà tuyển dụng nên thường hướng câu chuyện về với công việc, và chỉ trao đổi dựa trên tình huống, quan điểm cá nhân có liên quan đến giá trị, đạo đức nghề nghiệp mà nhà tuyển dụng cần ở ứng viên.
- “Công việc mơ ước của bạn là gì?”
Câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ động lực của ứng viên, tìm ra dấu hiệu chứng tỏ ứng viên quan tâm đến lộ trình phát triển sự nghiệp rõ ràng chứ không chỉ chăm chăm vào chuyện tăng lương hay thăng chức.
Hiểu được động lực làm việc của ứng viên là cực kỳ cần thiết bởi phần lớn mọi người làm việc để trang trải chi phí chứ không vì đam mê. Hãy tìm những người sẵn sàng cống hiến cho công việc để theo đuổi “nấc thang tiếp theo” trong sự nghiệp của mình.
- “Hãy kể cho tôi nghe về một lần bạn từng mất kiểm soát. Chuyện gì đã xảy ra? Kết quả như thế nào?”
Câu hỏi này nhằm để hiểu rõ hơn về trí tuệ cảm xúc của ứng viên, vì những người có trí tuệ cảm xúc vượt trội sẽ có khả năng tự nhận thức và rút ra kinh nghiệm từ lỗi sai của mình.
Nếu bạn là một nhà tuyển dụng tại sao không thử một hay nhiều câu hỏi trên đây trong lần phỏng vấn tiếp theo và xem thử bạn có “đọc vị” thêm được điều gì về ứng viên hay không nhé. Chúc bạn tìm được nhiều ứng viên tiềm năng trong năm mới!
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)