Sinh viên ra trường làm trái ngành là thất bại?

Đánh giá post

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành hiện nay là 60%. Nếu bạn đang hoặc chuẩn bị làm một công việc trái ngành thì… xin chúc mừng, bạn không phải là người duy nhất.

Sinh viên ra trường làm việc trái ngành

Lí do sinh viên làm việc trái ngành

Có nhiều lí do dẫn đến tỉ lệ sinh viên làm việc trái ngành ngày càng tăng cao. Trong đó, các doanh nghiệp nhận định rằng phương thức đào tạo là một trong những lí do chính. Học sinh, sinh viên không có điều kiện được tiếp xúc, giới thiệu về các ngành nghề đa dạng từ khi còn nhỏ. Các cuộc hội thảo hướng nghiệp nhiều khi còn mang tính tự tâng bốc, giáo điều, chưa có phương hướng thực sự phù hợp để sinh viên hiểu hơn về năng lực bản thân. Không ít lần tôi bắt gặp các bạn sinh viên bước ra khỏi các cuộc họp hướng nghiệp và… còn hoang mang hơn về lựa chọn tương lai của mình. 

Thứ hai, lỗi thuộc về chính các bạn sinh viên. Không ít những sinh viên hiện nay quá lệ thuộc vào bố mẹ cũng như những lời hứa hẹn hoang đường về tấm bằng đại học. Thật lạ là đến bây giờ vẫn còn nhiều sinh viên nghĩ rằng chỉ cần vào trường top, có bằng giỏi thì ra trường sẽ lập tức có việc? Trong khi đó, các bạn lại thiếu quá nhiều kĩ năng, kinh nghiệm, hiểu biết. Rất nhiều bạn quá ảo tưởng về năng lực bản thân, kì vọng một vị trí hấp dẫn ngay khi mới ra trường. Hiện tại, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của kỉ nguyên công nghệ 4.0, những cơ hội thực tập, công việc bán thời gian… ngày càng mở rộng. Do đó, nếu khi còn trẻ, bạn không tận dụng được những thế mạnh mình đang có thì lỗi phần nhiều sẽ nằm ở chính bạn.

Tất nhiên, cũng có những sinh viên lại… chủ động làm trái ngành. Họ giàu đam mê và đủ năng lực cho những công việc có tính chất khác nhau. Từ những trải nghiệm làm việc, càng ngày họ càng tích lũy thêm nhiều kiến thức cho ngành nghề mình yêu thích nhất.

Lí do sinh viên làm việc trái ngành

>> Làm trái ngành không có nghĩa là uổng phí 4 năm đại học

 

Những cơ hội và rủi ro nào cần cân nhắc khi làm việc trái ngành

Rất ít người định hướng ngay từ đầu học ngành A để làm ngành B, nhưng điều đó không có nghĩa cứ làm việc trái ngành là thất bại. Nếu bạn có nhiều đam mê, ham học hỏi và sẵn sàng mạo hiểm thì dù làm đúng ngành hay trái ngành đều có thể gặt hái nhiều thành tựu.

Còn không, nếu bạn thực sự yêu thích chuyên ngành mình học và muốn tìm một công việc phù hợp với năng lực bản thân nhất, bạn có thể dành thêm thời gian trau dồi kiến thức chuyên môn trong lúc tìm kiếm công việc thích hợp với chuyên ngành.

Một trong những rủi ro lớn nhất của người làm trái ngành chính là thiếu kiến thức chuyên ngành. Điều này có nghĩa bạn sẽ mất thêm nhiều thời gian, tùy theo năng lực để bắt kịp hoặc vượt lên những đối thủ khác cùng ngành với bản thân. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ không sử dụng những kiến thức mình đã học trong suốt 4 năm đại học.

>> Ngành nghề có thu nhập khủng và cơ hội việc làm trong tương lai

Bên cạnh đó, làm việc trái ngành cũng sẽ đem đến cho bạn không ít các cơ hội. Bạn sẽ học cách áp dụng những kiến thức chuyên ngành đã học trong các công việc mới. Ví dụ những kiến thức ngành tâm thần học có thể hỗ trợ bạn rất nhiều trong công việc nghiên cứu thị trường, bởi nó đòi hỏi kĩ năng hiểu thấu suy nghĩ khách hàng. Nhờ vậy, bạn có thể trở nên linh hoạt hơn trong cách tư duy. Điều này sẽ khiến bạn trở nên trưởng thành và chững chạc.

Tiêu biểu cho thành công của những người làm trái ngành phải kể đến nhóm bạn trẻ đứng sau những bài viết “vạn người mê” trên Facebook của Durex. Dù làm công việc sáng tạo và đạt được tầm ảnh hưởng nhất định, nhưng hầu hết các bạn lại học những chuyên ngành kinh doanh, ngân hàng… ít liên quan đến truyền thông.  

Nhìn chung, làm việc trái ngành hay đúng ngành không quyết định sự thành công của bạn. Xã hội ngày càng phát triển, có việc làm đúng ngành hay trái ngành không còn quá quan trọng. Điều quan trọng là bạn phải có khả năng học tập, thích nghi và liên tục phát triển thì mới có khả năng chứng minh năng lực bản thân. Hy vọng rằng với những thông tin mà JobsGO cung cấp sẽ giúp cho bạn tìm được hướng đi cho chính bản thân mình. Chúc bạn thành công!

 

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: