Bạn sắp tham gia vào một buổi phỏng vấn? Điều bạn cần làm là ghi nhớ 5 điều cơ bản sau để phỏng vấn thành công và bắt đầu sự nghiệp mới.
Mục lục
Đừng đến muộn
Thật tiếc khi chúng ta liên tục mắc sai lầm dù biết trước rằng không nên đến muộn khi tham gia phỏng vấn xin việc.
Một nguyên tắc chung mà bạn cần ghi nhớ để phỏng vấn thành công là luôn đến sớm hơn giờ hẹn 5 – 10 phút. Bạn có thể sử dụng khoảng thời gian này để thư giãn; chỉnh sửa trang phục, đầu tóc và nhớ lại những điều bạn cần nói với nhà tuyển dụng,…
Đến sớm không hề khó! Bạn có thể dễ dàng thực hiện điều này bằng cách tra cứu đường đi vào đêm hôm trước, sau đó tính thêm yếu tố tắc đường,…
Chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu dù không tạo ấn tượng mạnh mẽ trong mắt nhà tuyển dụng thì ít nhất nó cũng giúp bạn không bị “mất điểm”.
? Xem thêm: “Bỏ bùa” nhà tuyển dụng với 7 cụm từ “mạnh mẽ” này!
Hãy mang theo CV bản cứng
Chắc chắn, bạn đã gửi CV của mình qua email cho nhà tuyển dụng. Đó là lý do tại sao bạn có cơ hội xuất hiện tại buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn không cần mang theo CV bản cứng.
Ngay cả khi nhà tuyển dụng đã in sẵn CV giúp bạn thì việc mang một bản CV theo người cũng không mất gì. Ngược lại, nó sẽ trở thành điểm cộng “to đùng” cho bạn trong trường hợp nhà tuyển dụng chưa chuẩn bị sẵn CV.
Gần đây, có nhiều ý kiến trái chiều về việc yêu cầu ứng viên in và mang CV bản cứng khi đi phỏng vấn. Nhiều người cho rằng, một công ty tốt sẽ chuẩn bị sẵn CV giúp ứng viên. Họ nói “nếu đến việc chuẩn bị CV cho ứng viên cũng không làm được, thì công ty đó cũng “không ra gì””.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, tôi tin chắc rằng việc mang theo CV bản cứng khi đi phỏng vấn (dù được yêu cầu hay không) vẫn là điều cần thiết.
Tôi đã từng tham gia một buổi phỏng vấn của Toyota cùng 20 ứng viên khác. Ở đó, HR đã in sẵn CV cho chúng tôi. Nhưng tiếc rằng, CV của tôi đã biến mất không rõ lý do. Lúc này, bản CV mà tôi mang theo đã phát huy giá trị. So với mẫu CV đen trắng được in sẵn bởi HR của 19 ứng viên còn lại, bản CV in màu của tôi trông nổi bật hơn hẳn.
Và sau khi đã vào Toyota, anh trưởng phòng từng phỏng vấn tôi đã chia sẻ rằng: so với những ứng viên giàu kinh nghiệm khác, tôi (khi ấy mới ra trường) hoàn toàn không có bất kỳ lợi thế nào. Nhưng CV của tôi đủ ấn tượng, và việc tự mang theo CV cho thấy tôi là người tỉ mỉ. Thế nên, anh ấy đã cho tôi thêm cơ hội phỏng vấn vòng 2 (làm bài test trên máy tính) và vòng 3 (phỏng vấn với Ban Giám đốc).
Nếu khi đó, tôi không chuẩn bị sẵn một bản CV, liệu tôi có cơ hội không?
? Xem thêm: Lưu ý khi viết CV: 9 sai lầm phổ biến khiến bạn bị từ chối
Nhớ ăn mặc phù hợp
Đây không phải là câu chuyện của tôi, nhưng là câu chuyện mà tôi từng chứng kiến: câu chuyện phỏng vấn của một anh chàng designer.
Bạn và tôi, chúng ta đều biết rằng, designer giỏi thường có sẵn “máu” nghệ thuật trong người. Nhiều người trong số họ có cách ăn mặc, đầu tóc “khá dị”.
Tuy nhiên, việc mặc một chiếc quần rách, thêm mái tóc bạch kim đánh rối đến phỏng vấn tại một công ty chuyên về tuyển dụng không hề được đánh giá cao. Phong cách của anh chàng đó có thể là điểm cộng nếu công ty anh ta đến ứng tuyển hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (người mẫu, diễn viên, designer, các công ty creative,…). Nhưng với một công ty tuyển dụng thì KHÔNG.
Một điều đáng nói là anh chàng này có người quen trong công ty. Và anh ta hoàn toàn có thể tìm hiểu về văn hóa công ty thông qua nhân viên đó. Nhưng anh ta đã không làm. Thật dễ hiểu lý do vì sao khi anh ta bị từ chối.
>> Xem thêm: Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc bạn nên biết
Đừng quên nghiên cứu về công ty
Ngày nay, rất dễ để bạn có thể tìm hiểu về một công ty. Vì vậy, tham gia phỏng vấn trong khi không có chút thông tin nào về công ty là một điều cực kỳ tệ. Bạn không cần biết lợi nhuận, nhưng bạn nên biết về sản phẩm, giám đốc,… của họ.
Bạn có thể tìm hiểu điều này bằng cách truy cập vào website, fanpage của công ty đó.
Nói về công ty trong buổi phỏng vấn là điều cần thiết, nhưng tuyệt đối đừng nói dối. Không có bất kỳ nhà tuyển dụng nào đánh giá cao một người nói dối.
Có một câu chuyện tôi từng nghe kể ở công ty cũ liên quan đến việc tìm hiểu thông tin về công ty và người ứng viên đã nói dối.
Ngày ấy, công ty tôi mới tách ra từ một doanh nghiệp khác và đang tuyển nhân sự để bổ sung vào các vị trí còn thiếu. Điều đáng nói là vì chúng tôi mới tách ra nên chưa từng đăng tải bất kỳ thông tin nào trên website, fanpage.
Nhưng khi hỏi ứng viên “bạn thấy thông tin tuyển dụng của chúng tôi ở đâu?”, người đó đã nói thấy trên website. Và kết quả là cô ấy đã không trở thành đồng nghiệp của tôi.
Với những trường hợp không tìm được thông tin, tốt nhất bạn nên nói thật.
? Xem thêm: “Mức lương cũ của bạn là bao nhiêu?” – Trả lời thế nào cho đúng?
Luôn chuẩn bị câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Chị trường phòng nhân sự của tôi từng chia sẻ, không có gì khó chịu hơn khi ứng viên ngẫm nghĩ một lúc rồi nói “tôi nghĩ bạn đã trả lời tất cả mọi thứ” khi được nhà tuyển dụng hỏi “bạn có câu hỏi nào cho tôi không?”.
Với câu hỏi này, bạn hoàn toàn có thể hỏi về:
- Công việc mà bạn sẽ đảm nhiệm khi được tuyển dụng
- Mục tiêu bạn cần đạt được
- Mục tiêu công ty đang hướng đến
- Văn hóa công ty
Tốt hơn hết, bạn nên chuẩn bị sẵn ít nhất 10 câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng. Phỏng vấn là cách để công ty biết thêm về bạn; đồng thời cũng là cơ hội để bạn hiểu thêm về công ty. Do đó, đừng ngại đặt câu hỏi.
Lần tới khi bạn đến một cuộc phỏng vấn xin việc, hãy ghi nhớ những điều cơ bản này. Chúng nghe có vẻ đơn giản, nhưng sẽ giúp bạn có được một buổi phỏng vấn thành công.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)