Nhật Bản được cả thế giới ngưỡng mộ bởi nền kinh tế phát triển thần tốc và tán dương sự tận tâm, trung thành tuyệt đối. Thậm chí nhiều quốc gia còn cho đó là quy chuẩn để hình thành một môi trường làm việc vững mạnh mang lại nhiều lợi ích phát triển cho công ty. Tuy nhiên, sự thật đằng sau đó là hàng ngàn người lao động tại Nhật Bản đang đối mặt với căn bệnh karoshi – hiện tượng chết do đột tử vì làm việc quá sức. Đây là điều tệ nhất của người Nhật trong việc giữ cân bằng giữa cuộc sống và công việc.
Mục lục
1. Văn hóa làm thêm giờ như thiêu thân trong công sở Nhật Bản
Trong các công ty Nhật Bản, làm thêm giờ như là một việc hiển nhiên. Không ai cưỡng ép họ làm vậy nhưng họ cảm thấy đây là điều bắt buộc. Điều này do ảnh hưởng khá sâu sắc từ những đặc trưng của thị trường lao động ở Nhật Bản. Và đó dần trở thành nét văn hóa khó từ bỏ trong các công ty Nhật.
Văn hóa này xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi mức lương của người lao động Nhật tương đối thấp và họ muốn tối đa hóa thu nhập của mình. Họ duy trì thói quen này suốt những năm 80 khi kinh tế bước vào giai đoạn bùng nổ và Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính vào cuối những năm 90, nhu cầu làm việc ngoài giờ của nhân viên lại càng cao do các công ty tái cơ cấu, cắt giảm nhân sự. Trong cơn khủng hoảng, người lao động Nhật phải căng mình làm thêm giờ để tránh bị sa thải. Bên cạnh đó, “công việc làm trọn đời” luôn là khẩu hiệu nhằm nâng cao năng suất thường được các doanh nghiệp ứng dụng, giúp tạo ra hiệu quả trong công việc. Vì thế, đa số người Nhật, sau khi tốt nghiệp đại học, sẽ đầu quân cho một công ty với hy vọng sẽ gắn bó với doanh nghiệp đó đến ngày về hưu.
Theo luật, giờ làm việc ở Nhật Bản là 40 tiếng mỗi tuần. Nhưng đa số người lao động làm thêm giờ vì sợ bị cấp trên đánh giá là yếu kém. Nhiều người lao động cố tỏ ra vui vẻ với việc làm thêm giờ vì sợ bị đánh giá về tinh thần, thái độ làm việc và dần dần đây trở thành một “văn hóa làm việc” dẫn đến hiện tượng Karoshi.
Đọc thêm: Triết lý Ikigai của người Nhật – đi tìm lý do thức dậy mỗi sáng
2. Căn bệnh karoshi ám ảnh cả Nhật Bản
Người Nhật không có một thuật ngữ nào để chỉ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, thay vào đó họ gọi những người chết vì làm việc quá sức là “karoshi“.
Điều kiện làm việc thay đổi, nhưng tư tưởng cũ vẫn còn. Bạn phải cống hiến cả tinh thần và thể xác trong khi mục đích không còn như trước. Thậm chí bi kịch hơn khi một nghiên cứu cho thấy năng suất lao động mỗi giờ của người Nhật chỉ bằng nửa giờ so với người Mỹ. Có nghĩa là số giờ làm thêm của người Nhật là vô nghĩa vì đóng góp rất ít cho nền kinh tế.
Năm 2015, cái chết của một nhân viên trẻ tuổi làm việc cho công ty quảng cáo Dentsu đã làm thay đổi thái độ của người dân đối với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống trên toàn nước Nhật. Cô gái 24 tuổi Matsuri Takahashi đã nhảy lầu tự tử. Điều tra cho thấy, cô đã gần như không ngủ sau khi làm thêm khoảng 100 giờ/tháng. Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn tới cái chết thương tâm của cô gái trẻ.
Những trường hợp chết do karoshi không phải hiếm gặp ở Nhật Bản. Theo đó, Yêu cầu bồi thường cho các vụ karoshi ở nước này cũng lên đến mức cao kỷ lục là 1.456 yêu cầu trong năm tính đến cuối tháng 3/2015, theo số liệu bộ Lao động Nhật Bản. Bên cạnh 8h hành chính thông thường, thống kê cho thấy ¼ người lao động Nhật Bản làm thêm trên 80h/ tháng, gấp 3 lần mức tiêu chuẩn ở nhiều quốc gia khác. Cũng theo báo cáo này, 12% công ty có nhân viên làm thêm tới hơn 100 giờ/tháng. Mỗi năm tại Nhật Bản có tới gần 2.000 ca tử vong có liên quan đến công việc, chủ yếu do đột quỵ, đau tim, trầm cảm và tự tử. Cứ 5 người lao động có 1 người nằm trong nhóm có nguy cơ tử vong vì làm việc quá sức.
>> 10 điều dân văn phòng nên làm nếu k muốn già nhanh
3. Ngăn chặn căn bệnh karoshi phát triển
Karoshi là căn bệnh đáng sợ đã trở thành văn hóa làm việc và đặc trưng của Nhật Bản không dễ dàng để thay đổi.
Nhằm tránh các hệ lụy liên quan đến karoshi, cho đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều giải pháp như chính sách ngày “Thứ Sáu vui vẻ”, người lao động sẽ được về sớm trong ngày làm việc cuối cùng trong tuần. Đặt ra mức thời gian giới hạn một tháng không làm thêm quá 45 tiếng, một năm không quá 360 giờ đồng hồ. Chỉ những người có thu nhập hàng năm trên 10 triệu Yên (gần 100 USD) mới được miễn trừ khỏi giới hạn này.
Cuối năm ngoái, Bộ Kinh tế Nhật Bản đã đề xuất một kế hoạch mang tên “Thứ Hai tươi sáng” tiếp nối chính sách “Thứ Sáu vui vẻ” được áp dụng từ năm 2017. Theo kế hoạch này, người lao động sẽ có một ngày thứ Hai trong tháng có thể nghỉ sáng và đến văn phòng sau bữa ăn trưa, giúp họ giảm cảm giác hụt hẫng sau ngày nghỉ cuối tuần và có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Chính phủ Nhật Bản cũng tăng cường các cơ sở y tế hoạt động như một trung tâm hỗ trợ những người có ý định tự tử, kiểm tra sức khỏe đối với những người có biểu hiện trầm cảm. Ngoài ra, linh hoạt về môi trường làm việc cho người lao động. Họ có thể là mở bất cứ nơi nào thuận tiện nhất.
4. Kết luận
Karoshi vẫn còn tiếp diễn sau mỗi giờ làm việc. Nhiều giải pháp của Chính phủ là không thể phủ nhận, tuy nhiên không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được một văn hóa đã in sâu vào tiềm thức, nếp sống từ lâu của người Nhật. Hy vọng những nỗ lực của Nhật Bản sẽ được nhìn thấy trong tương lai không xa và đẩy lùi được căn bệnh thương tâm này.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)