Trong mọi cuộc gặp gỡ, giới thiệu bản thân là điều quan trọng. Nó giúp người khác hiểu và có ấn tượng tốt đẹp về bạn. Nếu bạn chưa biết cách tạo dấu ấn thì hãy tham khảo ngay mẫu giới thiệu bản thân bằng tiếng Việt ở bài viết này nhé.
Mục lục
1. Tầm quan trọng của mẫu giới thiệu bản thân bằng tiếng Việt
Cách giới thiệu bản thân bằng tiếng Việt hay, độc đáo sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với mọi người. Đây cũng là nền móng để xây dựng mối quan hệ thân thiết về sau. Giới thiệu bản thân sẽ giúp đối phương nắm bắt được thông tin cơ bản về bạn. Không những thế, nó còn khiến mọi người có thiện cảm với bạn, phần nào hiểu được tính cách và con người bạn.
Bên cạnh đó, giới thiệu về bản thân mình cũng thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với những người xung quanh, đặc biệt là trong các buổi phỏng vấn, gặp mặt, giao lưu.
2. Mẫu giới thiệu bản thân bằng tiếng Việt gồm những phần nào?
Tùy theo bối cảnh cuộc nói chuyện mà mẫu giới thiệu bản thân bằng tiếng Việt sẽ có những điểm khác biệt nhất định. Bạn hãy tham khảo những phần thường có trong nội dung giới thiệu bản thân dưới đây và thay đổi cho phù hợp.
2.1 Tên, tuổi (không thể thiếu)
Tên và tuổi là điều đầu tiên bạn cần nên đề cập đến khi giới thiệu bản thân. Nó giúp mọi người biết tên bạn để dễ xưng hô và trao đổi. Bên cạnh đó, văn hóa Việt Nam thường sử dụng từ “mình”, “bạn” khi gặp gỡ người bằng tuổi. Còn khi đối phương hơn tuổi sẽ xưng hô là “em”, “cháu”,…
Ví dụ: Chào các bạn, mình tên là Hà, mình 21 tuổi.
2.2 Cuộc sống và quê quán (thông tin không bắt buộc)
Tiếp theo bạn có thể nói về nơi mình đến và cuộc sống của mình ra sao. Quê quán, địa chỉ hiện tại (bạn không cần nói chi tiết số nhà, ngõ,… mà chỉ cần đề cập đến tỉnh/ thành phố hoặc quận, huyện), sở thích,… là những điều bạn có thể đề cập trong phần này.
Ví dụ: Mình đến từ Hà Nội, mình hiện đang là sinh viên trường Khoa học Tự nhiên. Đây là lần đầu tiên mình tham gia hoạt động này, rất vui được biết và làm quen với tất cả các bạn.
2.3 Trình độ học vấn (thông tin không bắt buộc)
Trong một vài trường hợp, chẳng hạn như khi phỏng vấn để trở thành thành viên của câu lạc bộ, phỏng vấn xin việc,… bạn có thể giới thiệu tên trường, chuyên ngành học và một số thành tích nổi bật của bản thân.
Ví dụ: Mình học chuyên ngành Công nghệ sinh học của trường đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội.
2.4 Thông tin liên lạc (thông tin không bắt buộc)
Với những người bạn muốn duy trì mối quan hệ trong tương lai, bạn có thể cung cấp thêm thông tin về các cách liên hệ như:
- Số điện thoại
- Email cá nhân
2.5 Kế hoạch của bản thân trong tương lai (thông tin không bắt buộc)
Bằng cách chia sẻ về kế hoạch của bản thân trong tương lai, bạn có thể tìm thấy và kết bạn với những người có cùng mục tiêu phát triển.
Về kế hoạch trong tương lai bạn có thể chia thành hai phần ngắn hạn và dài hạn.
Ví dụ:
- Ngắn hạn: Trong 2 tháng tới mình dự định tìm lớp học thêm tiếng Anh để trau dồi khả năng ngoại ngữ.
- Dài hạn: Sau khi ra trường mình muốn làm cho tập đoàn lớn của Việt Nam, cống hiến cho xã hội nhiều hơn.
3. Tham khảo mẫu giới thiệu bản thân bằng tiếng Việt thông dụng
Dưới đây là 6 mẫu giới thiệu bản thân bằng tiếng Việt để bạn tham khảo.
3.1 Mẫu giới thiệu trong lớp học
Khi giới thiệu bản thân với bạn bè cùng lớp, ngoài những thông tin cơ bản như tên, tuổi, nơi đến; bạn có thể nói về sở thích và mục đích tham gia vào lớp học của mình.
Mẫu giới thiệu trong lớp học 01:
Xin chào các bạn, mình tên là Hà, mình 21 tuổi. Mình đến từ thủ đô Hà Nội. Mình tham gia vào lớp học này là bị cuốn hút bởi màu sắc từ những bức tranh. Mình thích vẽ, thích nghệ thuật và thích những thứ bay bổng. Mình mong trong thời gian tới sẽ được các bạn giúp đỡ. |
Mẫu giới thiệu trong lớp học 02:
Rất vui vì được gặp các bạn ở đây, mình tên là Tati, mình đến từ Lào. Ngay từ nhỏ mình rất thích và ngưỡng mộ tình người của dân tộc Việt Nam. Lần này mình tham gia vào lớp này với mục đích hiểu rõ hơn về con người đất nước bạn. Rất mong chúng ta sẽ có những buổi học thú vị, vui vẻ. |
3.2 Mẫu giới thiệu khi gặp đồng nghiệp mới
Trong trường hợp gặp đồng nghiệp mới, bạn nên cung cấp thông tin về vị trí công việc mà bạn đảm nhận tại công ty.
Mẫu giới thiệu khi gặp đồng nghiệp mới 01:
Xin chào anh chị, em tên là Hoan. Em đến từ Bắc Giang, năm nay em 22 tuổi. Em học chuyên ngành công nghệ thông tin trường đại học Hà Nội. Sở thích của em là bơi lội và đó cũng là sở trường. Em không biết nấu ăn và cũng không thích vào bếp. Ở đây có anh chị nào cùng sở thích với em không ạ? Em rất vui khi được làm quen với mọi người. |
Mẫu giới thiệu khi gặp đồng nghiệp mới 02:
Chào tất cả mọi người, anh chị có thể gọi em là Thủy. Năm nay em 23 tuổi, em học chuyên ngành thiết kế đồ họa trường Đại học Mở Hà Nội và đang là nhân viên mới của phòng thiết kế của công ty mình. Rất mong sắp tới nhận được sự giúp đỡ từ anh chị và hy vọng em sẽ có những trải nghiệm tốt đẹp tại đây. |
3.3 Mẫu giới thiệu khi đi phỏng vấn
Bạn sắp tham gia phỏng vấn? Giới thiệu về bản thân khi phỏng vấn là một phần quan trọng để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Mẫu đoạn văn giới thiệu bản thân dưới đây sẽ giúp ích cho bạn.
Mẫu giới thiệu khi đi phỏng vấn 01:
Xin chào, tôi tên là Linh, năm nay tôi 23 tuổi và chưa lập gia đình. Tôi có niềm đam mê với viết lách, vì thế tôi đã theo học ngành văn học trường đại học Nhân Văn Hà Nội. Từ đó, tôi luôn theo đuổi ước mơ trở thành một biên tập viên. Bởi vậy khi nhìn thấy tin tuyển dụng của công ty tôi đã không nộp hồ sơ ngay. |
Mẫu giới thiệu khi đi phỏng vấn 02:
Xin chào, tôi là Hòa, năm nay tôi 26 tuổi. Tôi đã có kinh nghiệm làm tại công ty ABC và làm freelancer cho nhiều dự án về game, du lịch, bất động sản, chứng khoán… Điều tôi đang tìm kiếm đó là môi trường làm việc ổn định, chuyên nghiệp để phát huy hết khả năng của mình. |
4. Cần lưu ý những gì khi giới thiệu bản thân bằng tiếng Việt?
Khi giới thiệu bản thân bằng tiếng Việt bạn cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
- Hãy nói to và rõ ràng để người nghe nắm bắt được những thông tin quan trọng, tránh tình trạng phải hỏi lại.
- Luôn thân thiện và cởi mở trong mọi tình huống để đối phương có thiện cảm với bạn ngay từ đầu.
- Khi được nhắc đến, bạn hãy đứng lên để giới thiệu. Điều này là thể hiện sự tôn trọng dành cho mọi người xung quanh. Đặc biệt nó còn giúp bạn bao quát được các góc nhìn hơn.
- Nếu bạn muốn tạo ấn tượng tốt từ đầu thì hãy quan tâm, đầu tư ngoại hình hơn một chút nhé.
- Chuẩn bị trước điều mình sẽ nói, như vậy bạn sẽ tự tin và trôi chảy hơn nhiều.
- Đoạn văn giới thiệu bản thân nên ngắn gọn, thông tin có chọn lọc. Đừng dài dòng vì không ai đủ thời gian để dành ra 5 – 10 phút chỉ để nghe bạn “huyên thuyên” về bản thân.
Bạn hãy tham khảo các mẫu giới thiệu bản thân bằng tiếng Việt trên đây của JobsGO và tự viết cho mình một đoạn văn giới thiệu riêng biệt, mang dấu ấn cá nhân nhé. Bằng cách này, bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp với mọi người trong buổi đầu gặp mặt.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)