Tìm việc thành công là kết quả được tạo thành bởi nhiều yếu tố khác nhau. Có những điều tưởng như không quan trọng lại đóng một vai trò thiết yếu trong quá trình tìm việc của bạn. “Làm thế nào để nhanh chóng tìm được việc khi mới ra trường?” sẽ là câu hỏi cần giải đáp ngày hôm nay.
Mục lục
1. “Chuyên nghiệp” trên mọi tài khoản mạng xã hội tìm việc của bạn
Hiện nay, việc tìm kiếm công việc diễn ra trên rất nhiều phương tiện khác nhau. Có người sẽ tìm việc trên các trang web hoặc app tìm việc. Nhưng nhiều bạn sẽ tìm việc trên các nền tảng mạng xã hội như:
- Facebook,
- LinkedIn,
- Twitter,…
Hay cũng có những bạn có được thông tin tuyển dụng và trực tiếp liên hệ với HR. Dù là phương tiện nào, cách thức liên hệ ra sao, để lại ấn tượng tốt là điều nên làm để nhanh chóng apply công việc một cách thành công đúng không nào?
Sự chuyên nghiệp được thể hiện trên rất nhiều yếu tố khác nhau trong một tài khoản:
- Tên người dùng
- Địa chỉ tài khoản
- Avatar
- Những bài đăng được post trên tài khoản của bạn
Những khía cạnh đó ít nhất sẽ 1 lần được HR nhìn thấy trong quá trình xin việc. Nhà tuyển dụng sẽ chẳng thể nhớ được tên bạn nếu tài khoản liên hệ để tên một biệt danh nào đó. Họ cũng chẳng biết mặt bạn nếu avatar của bạn để hình một ai khác hay một chú mèo. Cũng giống như việc bạn dùng mail không chính thức để liên hệ với HR, họ cũng cảm thấy khó chịu và không đánh giá cao bạn khi nhìn thấy những tài khoản mạng xã hội không thực sự đứng đắn như vậy.
Tuy tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp trên mạng xã hội là việc phải làm. Tuy nhiên việc đó chỉ hỗ trợ cho quá trình tìm việc làm diễn ra nhanh chóng. Mạng xã hội tổng hợp như Facebook ẩn chứa nhiều thông tin chưa được kiểm chứng do người dùng tải lên. Do đó mà các thông tin việc làm cũng vậy. Đừng vì để tìm được việc làm nhanh mà đánh mất thời gian, công sức cho những thông tin tuyển dụng lừa đảo trên Facebook.
2. Đừng quên upload CV của bạn trên các trang hoặc ứng dụng tìm việc
Các app điện thoại ngày càng phổ biến và ứng dụng vào mọi lĩnh vực. Phương tiện này cũng hỗ trợ rất nhiều đối với cả nhà tuyển dụng và ứng viên. Nếu vậy thì những người trẻ không thể không tận dụng con đường này để xin việc.
Các app tìm việc ngày nay tích hợp rất nhiều chức năng đa dạng khác nhau. Nó gần như trở thành một môi trường tuyển dụng riêng biệt riêng, một cách chuyên nghiệp. Vậy nên những thông tin bạn đăng tải trên đây cũng cần thật sự gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Đừng quên upload CV của bạn lên các app hoặc trang tuyển dụng. Cũng đừng quên cập nhật thông tin ứng viên một cách đầy đủ. Tất cả những thông tin đó sẽ giúp bạn được hệ thống giới thiệu nhiều jobs tiềm năng hơn và được nhiều nhà tuyển dụng chú ý hơn. Với các app này, nhà tuyển dụng có thể chủ động tìm đến bạn. Đó là lý do vì sao bạn cần trở thành một ứng viên hoàn hảo tại đây đúng không nào?
3. Đừng dùng 1 CV cho mọi jobs
Dùng một CV cho mọi jobs là sai lầm phổ biến nhất ở các bạn sinh viên mới ra trường. Những sản phẩm 2 trong 1 hay 3 trong 1 đều có một nhược điểm chung là chỉ có những chức năng chung mà thiếu đi những tính năng đặc thù. Nhà tuyển dụng không cần một ứng viên như bao ứng viên khác. Bạn biết điều đó đúng không nào?
Mỗi một công ty khác nhau đều có những yêu cầu khác nhau dù vị trí họ đang tuyển dụng là tương tự. Hay những job tưởng chừng như tương tự nhau lại có những yêu cầu rất khác biệt. Bạn cần nhanh chóng xin được việc, vậy thì bạn không thể lười biếng làm CV. Mỗi lần ứng tuyển hãy dùng một CV khác nhau. Những CV đó cần thể hiện được những mặt tốt nhất của bạn đối với vị trí bạn đang ứng tuyển. Chỉ khi như vậy bạn mới không trở thành một ứng viên “như mọi ứng viên khác”. Việc thể hiện bản thân trong CV cũng cho nhà tuyển dụng thấy rõ giá trị của bạn hơn thay vì chỉ nắm bắt được những điểm chung chung.
4. Đừng ngại vấn đề “xin việc bằng quan hệ”
Dần dần mỗi chúng ta đều sẽ nhận ra “quan hệ” quan trọng nhường nào trong cuộc sống này. Thế nhưng điều chúng mình muốn nói ở đây không phải là “quan hệ” như các bạn vẫn nghĩ đâu nhé.
Bạn có một tiền bối đang làm việc trong một công ty lớn. Hay anh em họ hàng của bạn đang hoạt động trong lĩnh vực đúng chuyên ngành của bạn. Những mối quan hệ như vậy thực sự cần thiết khi bạn mới ra trường đó nhé. Họ không cần là người giúp bạn xin việc nhưng họ lại là người cho bạn biết rằng công ty nào đang tuyển dụng, tuyển dụng những vị trí như thế nào. Mối quan hệ càng thân thiết thì những thông tin như vậy sẽ càng chính xác và giá trị hơn.
Bạn không cần một người giúp bạn xin được việc. Nhưng nếu có một người có thể chỉ điểm cho bạn những công việc tốt thì điều đó sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức. Những thông tin từ người đi trước cũng chính xác hơn nhiều với việc bạn tự mình tìm hiểu rất nhiều. Nhưng con đường tìm việc làm nhanh này cũng có thể không phù hợp với nhiều bạn trẻ.
5. Thể hiện giá trị bản thân không chỉ là bằng cấp
Đôi khi bằng cấp và kỹ năng chuyên môn không phải là yếu tố giúp bạn apply thành công một công việc. Trong một chuyên ngành, mỗi công việc lại đòi hỏi những yếu tố đặc biệt khác nhau. Và đó là cơ hội để bạn thể hiện bản thân mình.
Bên cạnh chuyên môn và bằng cấp, những chứng chỉ bổ sung, những giấy chứng nhận hoạt động liên quan đến chuyên ngành hay những hoạt động bạn từng trải nghiệm,… tất cả sẽ giúp bạn thể hiện bản thân là một ứng viên tốt hơn.
Qua những yếu tố trên, nhà tuyển dụng có thể nhìn thấy rất nhiều tố chất khác của bạn. Và nếu được chọn lọc và trình bày tốt, những yếu tố ngoài lề đó có thể biến bạn trở thành ứng viên vô cùng tiềm năng. Vậy nên đừng chỉ trình bày CV của bạn một cách khuôn mẫu và đơn điệu. Hãy lấp đầy khoảng trống kinh nghiệm bằng những điều đặc biệt khác nhé. Chỉ những chi tiết nhỏ thôi cũng sẽ khiến CV của bạn nổi bật hơn rất nhiều.
6. Luật bất thành văn: Tìm hiểu công ty trước khi xin việc
Bạn không còn là một cô cậu sinh viên đi tìm một công việc làm thêm nữa. Công ty bạn đang ứng tuyển có thể sẽ gắn bó với bạn lâu dài. Lúc này, nhà tuyển dụng cũng không nhẹ tay như khi bạn là một sinh viên nữa. Họ sẽ cẩn trọng hơn vì bạn, người đang được phỏng vấn, có thể trở thành thành viên chính thức của công ty họ. Đó là lý do vì sao đừng bỏ qua việc tìm hiểu công ty trước khi đi xin việc hoặc phỏng vấn.
Với người mới, các HR sẽ thường đính kèm yêu cầu tìm hiểu công ty trước khi đến phỏng vấn trực tiếp trong mail. Tuy nhiên cũng có nhà tuyển dụng không nhắc nhở bạn chuyện đó. Vấn đề là bạn cần ghi nhớ điều này để thể hiện bản thân một cách tốt nhất trong cuộc phỏng vấn.
7. Mở rộng tầm nhìn của bạn
Đừng nhìn chằm chằm vào mỗi chuyên ngành bạn đã tốt nghiệp. Cũng đừng chỉ nhìn vào vị trí bạn cho là phù hợp nhất với mình. Hãy nhớ lại những năm tháng cuối cấp 3 và sắp xếp lại nguyện vọng xin việc như chính nguyện vọng đại học vậy.
Dù là đi làm hay đi học, điều bạn cho là tốt nhất chưa chắc là điều hoàn hảo nhất. Không ít sinh viên hối hận về chuyên ngành mình đã chọn, đối với công việc cũng có thể như vậy. Không chỉ là 4 năm đại học, công việc bạn sắp ứng tuyển có thể sẽ gắn bó với bạn 5, 10 thậm chí 20 năm hoặc hơn. Vậy nên đừng chỉ gò bó cho mình trong một công việc.
Ngoài ra, muốn nhanh chóng có được việc, bạn phải cho mình nhiều cơ hội đúng không nào. Hãy nhìn rộng ra những công việc khác liên quan đến chuyên ngành của bạn. Thậm chí là thể rộng hơn là liên quan đến ngành của bạn thôi. Nhiều bạn thậm chí không ứng tuyển đúng ngành, những công việc trái ngành đôi khi lại tốt hơn rất nhiều. Lúc này, không phải là có việc làm mới là điều tối quan trọng hay sao?
8. Đừng ngừng nỗ lực tìm kiếm việc làm
Nói cách khác là đừng ngừng nỗ lực tìm việc một cách nghiêm túc. Có rất nhiều bạn sau nhiều lần trượt phỏng vấn sẽ trở nên nản chí. Quá trình tìm việc sau đó sẽ có thể chỉ hợi hợt cho qua, thậm chí là từ bỏ. Như vậy thì dù có thêm bao nhiêu lần, khả năng xin được việc cũng không hề cao.
Hãy giữ cho mình một nhiệt huyết hệt như lần đầu tiên. Đừng quên rằng lúc bạn từ bỏ thì cũng là lúc bạn chính thức thất bại. Nỗ lực của bạn cũng nên được định hướng đúng đắn. Đừng chỉ lao đầu chạy một cách vô định. Xin việc cũng là một quá trình được lên kế hoạch cẩn thận. Khi có kế hoạch tốt cùng với sự quyết tâm không ngừng nghỉ, bạn sẽ tìm được cơ hội và thành công cho chính mình.
9. Xin việc tại một công ty nhỏ, công ty Startup
Công ty nhỏ hay công ty Startup dễ xin việc hơn chăng? Không phải như vậy đâu, chỉ đơn giản là những công ty này cho các bạn nhiều cơ hội hơn và một môi trường làm việc thoải mái hơn.
Các bạn sẽ không phải cạnh tranh với lương ứng viên lớn cũng như bị choáng ngợi bởi một phong cách làm việc với nhiều yêu cầu khắt khe. Các công ty nhỏ hoặc các công ty Startup cũng mang tính chuyên môn cao hơn nếu vị trí của bạn ứng tuyển đúng với chuyên ngành của họ. Các vị trí hành chính khác cũng cho bạn nhiều trải nghiệm đa dạng hơn về công việc. Từ những công việc đơn giản nhất đến những công việc yêu cầu nhiều chuyên môn.
Môi trường làm việc tại đây cũng cho bạn nhiều cơ hội học hỏi và tích lũy kinh nghiệm hơn. Đây cũng là môi trường làm việc phù hợp hơn với người trẻ vì có nhiều cơ hội trải nghiệm, thể hiện bản thân và ít gò bó hơn. Và đây cũng là cách mà nhiều bạn trẻ đã tìm được việc làm nhanh.
10. Gọi điện đến HR để hỏi về job, tại sao không?
Khi bạn nhìn thấy một job đầy tiềm năng, bạn nghĩ sao về việc liên hệ đến nhà tuyển dụng để hỏi về việc ứng tuyển. Cuộc gọi đó không phải dùng để bạn báo danh cho một cuộc phỏng vấn, tất nhiên rồi. Bạn có thể gọi để hỏi về thời hạn ứng tuyển, cách thức ứng tuyển thuận tiện nhất đối với nhà tuyển dụng và cả nội dung công việc của vị trí bạn đang quan tâm.
Những vấn đề này một phần giúp bạn xác định được công việc này có phù hợp với mình hay không. Đồng thời bạn cũng có thể hỏi về yêu cầu của nhà tuyển dụng, điều mà một JD khó có thể truyền tải hết. Hơn nữa, nếu ứng tuyển, bạn sẽ biết được cách ứng tuyển ghi điểm tốt nhất. Nhà tuyển dụng cũng nhớ đến bạn hơn và lưu tâm về hồ sơ của bạn hơn.
Khi hàng ngàn tân cử nhân tốt nghiệp mỗi năm đang lo lắng về công việc, tại sao bạn không bắt tay vào xây dựng một kế hoạch xin việc cho mình. Kế hoạch bao giờ cũng giúp công việc suôn sẻ hơn mà.
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)