BMI Là Gì? Những Sự Thật Chưa Ai Nói Cho Bạn Biết Về Chỉ Số Khối Cơ Thể

Đánh giá post

Bạn đã bao giờ thắc mắc về chỉ số BMI trong những bài báo về sức khỏe? Bạn tự hỏi BMI của mình là bao nhiêu, chỉ số này nói gì về cơ thể bạn? BMI (hay chỉ số khối cơ thể) là một trong những yếu tố quan trọng để bác sĩ, các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá tình trạng sức khoẻ và mức độ cân đối của bạn. Vậy BMI là gì, tại sao nó lại quan trọng đến vậy? Cùng JobsGO tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

1. BMI Là Gì?

BMI Là Gì?

BMI (Body Mass Index) hay còn được gọi là chỉ số khối cơ thể, là một loại chỉ số được tính toán dựa trên chiều cao và cân nặng của một người. Chỉ số này giúp ta xác định mức độ thừa cân, béo phì hay thiếu cân nặng và dựa vào đó để đánh giá xem người đó có những nguy cơ mắc những bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, ung thư, cholesterol cao trong máu và các bệnh mãn tính khác hay không. Mặt khác, chỉ số BMI ở trẻ nhỏ còn đóng vai trò là phương pháp dự đoán tình trạng sức khoẻ và các nguy cơ mắc bệnh trong quá trình phát triển.

2. Ý Nghĩa Của Chỉ Số BMI

Chỉ số BMI nói gì về cơ thể bạn? Đây hẳn là thắc mắc của nhiều người khi thực hiện test BMI. Chỉ số BMI cho ra những con số mang ý nghĩa về mặt sinh, y học, giúp bác sĩ đánh giá sơ bộ được tình trạng sức khoẻ của bạn.

Theo quy ước chung, chỉ số BMI sẽ thể hiện tình trạng thừa hay thiếu cân của bạn theo bảng sau:

Chỉ số BMI Tình trạng sức khoẻ
<18.5 Cân nặng thấp (gầy)
18.5–24.9 Bình thường
25.0–29.9 Tiền béo phì
30.0–34.9 Béo phì độ I
35.0–39.9 Béo phì độ II
>40 Béo phì độ III (trở lên)

Những nghiên cứu của WHO cho biết: Tình trạng sức khoẻ được đánh giá sơ bộ dựa trên một số mức cụ thể như sau:

  • Nếu chỉ số BMI của bạn dưới 20 tức BMI thấp, nghĩa là bạn có lượng mỡ cơ thể ít. Nếu là một vận động viên, điều này có thể là tỷ lệ cơ thể lý tưởng. Nếu bạn không phải vận động viên, chỉ số BMI thấp có thể chỉ ra rằng cân nặng của bạn đang quá thấp và có thể dẫn đến giảm khả năng miễn dịch. Trong trường hợp này, bạn nên cân nhắc sử dụng các biện pháp làm tăng cân thông qua chế độ ăn uống và tập luyện tốt để tăng khối lượng cơ.
  • Nếu chỉ số BMI của bạn khoảng từ 20 đến 22: Điều này cho thấy lượng mỡ cơ thể đạt mức khá lý tưởng, khỏe mạnh. Thông thường, người có chỉ số BMI ở mức này thường có tuổi thọ cao và ít tỷ lệ mắc các bệnh nghiêm trọng. Một điểm đặc biệt nữa là chỉ số BMI 20 – 22 được nhiều người coi là tỷ lệ cơ thể đẹp và cân đối.
  • Nếu chỉ số BMI của bạn từ 22 đến 25: Đây vẫn được coi là phạm vi chấp nhận được và người có BMI 22 – 25 thường có sức khỏe tốt.
  • Nếu chỉ số BMI của bạn từ 25 đến 30: Bạn được coi là hơi thừa cân và nên tìm cách giảm cân thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục. Ở mức cân nặng như vậy, bạn có nguy cơ mắc nhiều bệnh cao hơn.
  • Nếu chỉ số BMI của bạn trên 30: Điều này cho thấy bạn có nhiều nguy cơ mắc các bệnh mãn tính cao hơn phần còn lại. Sự “thừa mứa” của bạn đang dẫn bạn gần hơn đến với bệnh tim, tiểu đường, huyết áp cao, bệnh túi mật và một số loại ung thư. Lời khuyên của WHO là bạn nên giảm cân bằng cách kiểm soát chế độ ăn uống và tập luyện.

3. Công Thức Tính Chỉ Số BMI

BMI tính như nào? Chỉ số khối cơ thể có công thức tính rất đơn giản dựa trên chiều cao và cân nặng của từng người, tuy nhiên, bạn cần để ý đến đơn vị đo để quy đổi chính xác và cho ra kết quả đúng.

Công Thức Tính Chỉ Số BMI

Công thức tính chỉ số khối cơ thể (BMI):

BMI = (Cân nặng)/(Chiều cao^2)

Trong đó:
  • Cân nặng được tính bằng đơn vị kilogram (kg)
  • Chiều cao được tính bằng đơn vị mét (m)

Ví dụ:

  • Cân nặng của bạn là 50kg
  • Chiều cao của bạn là 1m60

→ Chỉ số BMI của bạn = 50/(1,6)^2 = 19,53 kg/m2

4. Chỉ Số BMI Bao Nhiêu Là Bình Thường?

Chỉ số BMI bao nhiêu là bình thường? Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số BMI từ 18,5 đến 24,9 được coi là bình thường. Đây là khoảng tỉ lệ thể hiện sự cân bằng giữa khối lượng cơ thể và chiều cao. Người có chỉ số BMI trong phạm vi này thường có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến cân nặng thấp hơn, như bệnh tim mạch, tiểu đường type 2 hay các vấn đề về xương khớp. Họ cũng có xu hướng nhiều năng lượng và ít mệt mỏi hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Duy trì chỉ số BMI trong khoảng này đòi hỏi bạn phải biết cách kết hợp giữa chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục đều đặn. Điều này không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác như tăng cường sức đề kháng, cải thiện tâm trạng và giảm stress.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng BMI chỉ là một chỉ số tham khảo và không phải là thước đo tuyệt đối cho sức khỏe. Mỗi người có thể có đặc tính và thói quen riêng, vì vậy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng vẫn là việc làm cần thiết để có đánh giá toàn diện về tình trạng sức khỏe.

5. Yếu Tố Nào Ảnh Hưởng Đến Chỉ Số BMI?

Chỉ số BMI chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố phức tạp, mỗi yếu tố đều đóng vai trò quan trọng trong việc xác định giá trị cuối cùng của chỉ số này. Một số yếu tố chính có thể kể đến như:

  • Chế độ ăn uống: Một chế độ ăn giàu calo, đặc biệt là từ thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh, có thể dẫn đến tăng cân nhanh chóng và làm tăng chỉ số BMI. Ngược lại, một chế độ ăn cân bằng, giàu chất xơ, protein nạc và chất béo lành mạnh có thể giúp duy trì cân nặng ổn định. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải tất cả các calorie đều như nhau. Nguồn gốc và chất lượng của calo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến cân nặng và sức khỏe tổng thể.
  • Hoạt động thể chất: Lối sống ít vận động là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến béo phì và chỉ số BMI cao. Ngược lại, việc tham gia đều đặn vào các hoạt động thể chất không chỉ giúp đốt cháy calo mà còn tăng cường khối lượng cơ, cải thiện trao đổi chất. Điều này có thể giúp duy trì chỉ số BMI ở mức khỏe mạnh. Nhưng bạn cũng cần lưu ý rằng tác động của hoạt động thể chất đối với BMI có thể khác nhau tùy thuộc vào cường độ, tần suất và loại hình hoạt động.
  • Di truyền: Các nghiên cứu cho thấy rằng các yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến tốc độ trao đổi chất, khả năng tích trữ mỡ và thậm chí cả sở thích ăn uống. Tuy nhiên, dù di truyền có thể ảnh hưởng một phần nhưng lối sống và môi trường vẫn đóng vai trò quyết định trong việc xác định chỉ số BMI.
  • Tuổi tác: Khi con người già đi, tốc độ trao đổi chất có xu hướng giảm, khối lượng cơ giảm và khả năng tích trữ mỡ tăng lên. Điều này có thể dẫn đến việc tăng BMI theo tuổi tác, ngay cả khi không có thay đổi lớn trong chế độ ăn uống hoặc mức độ hoạt động. Việc duy trì lối sống lành mạnh và tích cực có thể giúp giảm thiểu tác động của tuổi tác đối với BMI.
  • Stress và các yếu tố tâm lý khác: Stress mãn tính có thể dẫn đến thay đổi hormone, ảnh hưởng đến cảm giác đói – no và thậm chí thúc đẩy việc tích trữ mỡ bụng. Ngoài ra, nhiều người có xu hướng ăn nhiều hơn khi stress, dẫn đến tăng cân không mong muốn.
  • Các yếu tố môi trường và xã hội: Các yếu tố này bao gồm phần trăm tiếp cận thực phẩm lành mạnh, tham gia hoạt động thể chất và các chuẩn mực văn hóa liên quan đến ăn uống và hình dáng cơ thể. Trong một xã hội đô thị hóa với lối sống ít vận động và thực phẩm chế biến sẵn phổ biến, việc duy trì chỉ số BMI khỏe mạnh có thể trở nên khó khăn hơn.

6. Ảnh Hưởng Của Chỉ Số BMI Quá Cao Đến Sức Khỏe

Thông thường, chỉ số BMI càng cao đồng nghĩa với việc nguy cơ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến cân nặng càng cao. Mỗi mức BMI lại nói lên tình trạng sức khoẻ nhất định của bạn.

Ảnh Hưởng Của Chỉ Số BMI Quá Cao Đến Sức Khỏe

Nếu bạn có chỉ số BMI dưới 18.5, bạn có nhiều nguy cơ mắc các bệnh như:

  • Suy dinh dưỡng
  • Thiếu máu
  • Hệ miễn dịch yếu, có nguy cơ cao bị nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh khác
  • Loãng xương
  • Vô sinh

Nếu bạn rơi vào tình trạng thiếu cân, bạn cần thực hiện các xét nghiệm khác theo chỉ định của bác sĩ để xem mình có bị suy dinh dưỡng hay không.

Nhìn chung, BMI càng cao thì nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính càng cao. Nếu bạn có chỉ số BMI vượt ngưỡng 25, bạn có nguy cơ mắc một số bệnh như:

  • Bệnh tim
  • Huyết áp cao
  • Đái tháo đường loại 2
  • Sỏi mật
  • Viêm khớp
  • Chứng ngưng thở khi ngủ
  • Một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư đại tràng, ung thư vú, nội mạc tử cung và túi mật.
  • Nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và một số bệnh tâm thần khác.

Tuy nhiên, chỉ số BMI chỉ là một phần trong quá trình đánh giá tình trạng sức khoẻ của bạn. Còn rất nhiều yếu tố dẫn đến các chứng bệnh như thói quen sinh hoạt, gen di truyền, sử dụng chất gây hại,…

7. Làm Sao Để Có Chỉ Số BMI Tốt?

Làm Sao Để Có Chỉ Số BMI Tốt?

BMI không phải chỉ số duy nhất giúp đánh giá tình trạng cơ thể bạn. Tuy nhiên, test BMI cũng chỉ ra một số vấn đề mà bạn gặp phải. Bạn có thể tham khảo cách duy trì chỉ số BMI lành mạnh thông qua một số phương pháp dưới đây:

7.1 Đừng Ăn Kiêng Quá Khắc Nghiệt

Đã bao giờ bạn ép mình phải giảm cân cấp tốc để kịp tham dự một dịp đặc biệt nào đó chưa? Hoặc liệu bạn đã từng chạy theo các trào lưu giảm cân mà không kiên trì với bất kỳ một phương pháp cụ thể nào cả?

Có một điều chắc chắn là những chế độ giảm cân cấp tốc thường không đem lại hiệu quả về lâu dài và đó cũng không phải là giải pháp tốt để cân bằng chỉ số BMI của bạn.

Xây dựng thói quen ăn lành mạnh mới là giải pháp bền vững để bạn kiểm soát lượng calo và đạt được chỉ số khối cơ thể lý tưởng, theo một cách an toàn. Bạn có thể xây dựng chế độ ăn lành mạnh bằng cách cắt giảm các loại thực phẩm chứa nhiều calo, nạp thêm chất xơ và các loại thực phẩm lành mạnh,…

7.2 Kiểm Soát Lượng Đường Nạp Vào Cơ Thể

Các nghiên cứu khuyến cáo:

  • Người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 30g đường/ngày (tương đương với 7 viên đường).
  • Trẻ em từ 7 – 10 tuổi không nên tiêu thụ quá 24g đường/ngày (tương đương với 6 viên đường).
  • Con số này với trẻ em từ 4 – 6 tuổi là 19g/ngày (tương đương với 5 viên đường).

Thực tế, việc tiêu thụ nhiều hơn lượng đường được khuyến nghị có thể cản trở việc duy trì chỉ số khối cơ thể lành mạnh. Nhiều người cố gắng cắt giảm đồ ngọt và đồ uống có ga khi thực hiện các chế độ giảm cân. Tuy nhiên, bạn cũng cần để tâm đến các loại thực phẩm chứa nhiều đường như: ngũ cốc, sốt cà chua, canh/súp nấu sẵn tại các cửa hàng hoặc sàn thương mại điện tử quốc tế, trái cây đóng hộp,…

Một lượng đường lớn có thể len lỏi vào trong bất kỳ thực phẩm mà bạn không ngờ tới nhất, vì vậy, hãy tập cách kiểm tra lượng đường trong bảng thành phần khi quyết định mua một loại thực phẩm nào đó.

7.3 Tập Thể Dục Thường Xuyên

Duy trì chỉ số BMI trong khoảng này đòi hỏi sự kết hợp giữa chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục đều đặn. Cách tốt nhất cho việc tập luyện là đến phòng tập và xin tham vấn của những người có chuyên môn và nhận sự hướng dẫn của PT. Duy trì thói quen tập luyện giúp bạn đạt được chỉ số BMI mơ ước và có một cơ thể khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Tuy nhiên, đôi khi, thật khó để sắp xếp được thời gian tập luyện phù hợp vì công việc, gia đình đã chiếm hết khoảng thời gian trong ngày của bạn. Nếu bạn không thể thực hiện một chế độ tập nghiêm ngặt, hãy tích cực vận động để đốt cháy calo chỉ bằng một cách đơn giản là di chuyển nhiều hơn.

Đi bộ hoặc đạp xe đến nơi làm việc nếu có thể và chọn cầu thang bộ thay vì thang máy. Đây không chỉ là những thay đổi lành mạnh giúp bạn đạt được chỉ số BMI lành mạnh mà còn rất phù hợp với những người bận rộn.

Sử dụng trình theo dõi bước chân trên điện thoại là một cách hay để xem bạn thực sự di chuyển bao nhiêu mỗi ngày. Nếu bạn không thể đến phòng tập, hãy thử đi bộ 10.000 bước mỗi ngày, ngay cả khi chỉ chạy việc vặt. Thói quen này thật sự có ích nhiều hơn bạn nghĩ.

Chỉ số BMI là cách đánh giá cơ bản tình trạng sức khoẻ và tỷ lệ cân đối của bạn. Duy trì chỉ số khối cơ thể ở mức bình thường có nhiều mặt lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, cần có những chẩn đoán cụ thể từ bác sĩ và các chuyên gia để có những kết quả toàn diện và chính xác nhất. Bài viết trên đây Jobsgo đã giải đáp BMI là gì và có ý nghĩa như thế nào, dựa vào đó, bạn có thể tính toán và đưa ra một số đánh giá sơ bộ về tình trạng hiện tại của bản thân.

Câu hỏi thường gặp

1. Có Nên Dùng Thuốc Giảm Cân Để Cân Bằng Chỉ Số BMI?

Việc sử dụng thuốc giảm cân để cân bằng chỉ số BMI nên được cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ nên thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Thuốc giảm cân có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng, tuy nhiên, chúng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

2. Khi Nào Nên Phẫu Thuật Giảm Cân?

Quyết định phẫu thuật chỉ nên được cân nhắc thực hiện sau khi bạn đã thử nghiệm các phương pháp giảm cân không phẫu thuật mà không có kết quả. Điều quan trọng là bệnh nhân phải được đánh giá toàn diện về thể chất và tâm lý, đồng thời hiểu rõ về quy trình phẫu thuật, rủi ro có thể xảy ra và cam kết thay đổi lối sống sau phẫu thuật.

3. Chỉ Số BMI Và Chất Béo Có Mối Tương Quan Như Thế Nào?

Chỉ số BMI và tỷ lệ chất béo trong cơ thể có mối quan hệ với nhau, nhưng không hoàn toàn chính xác trong mọi trường hợp. BMI dựa trên chiều cao và cân nặng, không phân biệt giữa mỡ và cơ bắp. Do đó, một người có nhiều cơ bắp có thể có BMI cao mà không nhất thiết có tỷ lệ mỡ cao. Ngược lại, người có ít cơ bắp nhưng nhiều mỡ có thể có BMI bình thường.

4. BMI Người Lớn Có Khác Trẻ Em Không?

Đối với người lớn, BMI được phân loại theo các ngưỡng cố định (ví dụ: 18.5-24.9 là bình thường). Trong khi đó, BMI của trẻ em và thanh thiếu niên được so sánh với các biểu đồ tăng trưởng theo tuổi và giới tính. Điều này là do cơ thể trẻ em đang phát triển, tỷ lệ mỡ cơ thể thay đổi theo từng giai đoạn.

5. Test BMI Ở Đâu?

Bạn có thể tự tính BMI dựa trên công thức vừa được nêu trong bài viết. Ngoài ra,bạn cũng có thể sử dụng các công cụ online khác để tính BMI như BMI Calculator hay tại các trang web trực tuyến về y tế.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: