Bị cận có làm công nhân được không?

Đánh giá post

Bị cận có làm công nhân được không?” là một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Câu trả lời chính xác cho câu hỏi này là gì? Hãy cùng JobsGO tìm hiểu nhé!

Quy định về việc khám sức khỏe đầu vào cho người lao động

Cận thị là một bệnh về mắt, được yêu cầu kiểm tra khi Khám sức khỏe đầu vào theo Quyết định 1613/BYT-QĐ năm 1997 do Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, mắt chỉ là một trong 13 yếu tố được sử dụng để đánh giá sức khỏe đầu vào – ảnh hưởng tới việc người lao động có được tuyển dụng hay không.

Theo Quyết định 1613/BYT-QĐ, sức khỏe của người lao động nói chung và sức khỏe mắt nói riêng được phân thành 5 loại bao gồm:

  • Loại I: Rất khoẻ
  • Loại II: Khoẻ
  • Loại III: Trung bình
  • Loại IV: Yếu
  • Loại V: Rất yếu

Phân loại sức khỏe mắt

Bên cạnh yếu tố thị lực, bác sĩ cũng sẽ đánh giá các khía cạnh như: mộng thịt, sẹo giác mạc, mắt hột, viêm tắc lệ, lác mắt, hỏng một mắt, cận thị, viễn thị, loạn thị, rối loạn sắc giác, bệnh về đáy mắt, các bệnh khác về mắt.

Sau khi khám xong Bác sĩ xếp các chỉ số đó từ loại I – V. Căn cứ vào phân loại các chỉ số, bác sĩ tiến hành phân loại sức khỏe mắt theo nguyên tắc:

  • Loại I: Cả 13 chỉ tiêu đều đạt loại I hoặc chỉ có chỉ tiêu về mộng thịt là loại 2.
  • Loại II: Cả 13 chỉ tiêu đều đạt loại 1, 2 trở lên.
  • Loại III: Cả 13 chỉ tiêu đều đạt loại 3 trở lên.
  • Loại IV: Có 1 chỉ tiêu ở loại 4.
  • Loại V: Có 1 chỉ tiêu ở loại 5.

Như vậy, nếu người lao động chỉ bị cận thị mà không mắc phải các tật khác về mắt, sức khỏe mắt sẽ được xếp hạng như sau:

Thị lực 1 mắt

Thị lực 2 mắt

Sức khỏe mắt

10/10 19 – 20/10 Loại I
9 – 10/10 16 – 18/10 Loại II
7 – 9/10 14 – 15/10 Loại III
6 – 7/10 11 – 13/10 Loại IV
Dưới 6/10 Dưới 11/10 Loại V

Phân loại sức khỏe tổng thể

Tương tự như sức khỏe mắt, sức khỏe tổng thể cũng được phân thành 5 loại từ I – V. Có 13 nhóm chỉ số được sử dụng để xếp hạng sức khỏe tổng thể, bao gồm mắt, thể lực chung, tai mũi họng, răng hàm mặt, tâm thần – thần kinh, tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu – sinh dục, hệ vận động, da liễu, nội tiết, u.

Theo đó, nếu:

  • Cả 13 chỉ số đều đạt loại I: Người lao động có sức khỏe loại I.
  • Chỉ cần có 1 chỉ số thấp nhất là loại II: Sức khỏe người lao động được xếp loại II.
  • Chỉ cần có 1 chỉ số thấp nhất là loại III: Sức khỏe người lao động được xếp loại III.
  • Chỉ cần có 1 chỉ số thấp nhất là loại IV: Sức khỏe người lao động được xếp loại IV.
  • Chỉ cần có 1 chỉ số thấp nhất là loại V: Sức khỏe người lao động được xếp loại V.

Nếu người lao động chỉ bị cận mà không có bất kỳ vấn đề nào khác về sức khỏe, sức khỏe tổng thể của người đó sẽ được xếp hạng như sau:

Áp dụng cho trường hợp chỉ bị cận thị, không bị các bệnh khác.
Thị lực 1 mắt Thị lực 2 mắt Sức khỏe mắt Sức khỏe tổng thể
10/10 19 – 20/10 Loại I Loại I
9 – 10/10 16 – 18/10 Loại II Loại II
7 – 9/10 14 – 15/10 Loại III Loại III
6 – 7/10 11 – 13/10 Loại IV Loại IV
Dưới 6/10 Dưới 11/10 Loại V Loại V

Bị cận có làm công nhân được không?

Bị cận có làm công nhân được không?

Quyết định 1613/BYT-QĐ năm 1997 quy định: việc tuyển dụng và thực hiện các hợp đồng phải tuân theo các tiêu chuẩn sức khỏe riêng của từng nghề, từng công việc do Bộ Y tế quy định. Chẳng hạn, theo Thông tư 22-BYT/TT, ban hành năm 1966, công nhân có thị lực một mắt dưới 8/10 sẽ không được phép tuyển vào làm công tác lặn (kể cả công nhân học nghề).

Nhìn chung, người lao động bị cận vẫn có thể làm công nhân trong trường hợp tiêu chuẩn sức khỏe ngành nghề cho phép. Trên thực tế, có rất nhiều công nhân may mặc, giày da là người bị cận.

Bạn cũng cần lưu ý rằng, mỗi doanh nghiệp sẽ có những tiêu chí riêng khi tuyển chọn lao động. Nếu bạn không đáp ứng các tiêu chí đó thì cơ hội được tuyển của bạn là rất thấp.

Thông tin thêm: Căn cứ vào Mục IV Phục lục Tiêu chuẩn sức khỏe ban hành kèm Quyết định 1613/BYT-QĐ, công nhân chủ yếu là lao động thể lực chẳng hạn như công nhân bốc vác, công nhân khai thác mỏ than,… sức khỏe phải đạt từ loại III trở lên. Nếu làm các nghề, công việc độc hại, thì người lao động phải đủ điều kiện sức khỏe từ loại II trở lên. Xét theo quy định này, để làm công việc nặng nhọc, người lao động cần có thị lực 2 mắt từ 14 – 15/10 trở lên và để làm công việc độc hại, thị lực 2 mắt phải đạt từ 16 – 18/10.

Kết luận

Như vậy, với câu hỏi “bị cận có làm công nhân được không?”, JobsGO xin trả lời như sau: người lao động bị cận hoàn toàn có thể xin làm công nhân cho các xí nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, tùy theo tiêu chuẩn sức khỏe của từng ngành nghề và tiêu chí tuyển dụng của từng doanh nghiệp mà bạn sẽ có cơ hội được nhận hoặc không.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: