NHẢY VIỆC CÓ TRÁCH NHIỆM

Đánh giá post

Đã qua rồi cái thời nhân viên trung thành và cống hiến suốt đời với một tổ chức. Ngày nay, khi rất nhiều công ty mở ra với chính sách thu hút nhân tài được chú trọng, cùng với đó là mức độ đòi hỏi của người trẻ ngày càng cao hơn thì “nhảy việc” đã trở thành một hiện tượng phổ biến. Nhảy việc khi bạn cảm thấy không còn phù hợp là điều nên làm tuy nhiên nhảy việc như thế nào lại là điều chúng ta cần phải suy nghĩ.

Tôi đã từng gặp những bạn trẻ mới ra trường, các bạn rải hàng trăm hồ sơ với ý nghĩ nếu đỗ thì làm thử rồi chọn. Có bạn tới công ty nhận việc vào buổi sáng, buổi chiều thì mất hút không một lời hồi âm, khi nhân sự gọi điện hỏi thì trả lời một câu rất vô trách nhiệm rằng “em đã tìm được chỗ phù hợp hơn” hay “em cảm thấy công ty không hợp với em”…

Hay trường hợp một đồng nghiệp cũ cùng bộ phận với tôi đã làm việc lâu năm, mọi thứ vẫn rất vui vẻ cho tới một buổi sáng tôi nhận được một email bàn giao công việc, cùng với đó là đơn xin nghỉ của cậu ta gửi tới sếp, không có một cuộc bàn giao trực tiếp nào diễn ra sau đó. Dĩ nhiên trong mắt đồng nghiệp, cậu ta ra đi đã để lại món quà là những ấn tượng không mấy tốt đẹp về mình. Sau đó không lâu, tôi nghe nói rằng cậu ta nộp hồ sơ ở một vài công ty khác. Phỏng vấn rất tốt nhưng lại không được nhận, lý do là các nhà tuyển dụng không khó để kiểm tra lại thông tin về cậu ta ở công ty cũ và người đồng nghiệp của tôi đã nằm trong danh sách đen của họ.

Hãy nhớ lại khi bạn phỏng vấn xin việc bạn đã nói bao nhiêu những lời hay, hứa hẹn biết bao điều tốt đẹp vậy thì tại sao khi nghỉ việc, lại không nghỉ việc một cách lịch sự và có trách nhiệm?

Thông báo sớm về thời gian nghỉ và nghỉ đúng thời hạn

Hầu hết các công ty đều có quy định nghỉ việc phải thông báo trước ít nhất 30 ngày để họ tìm người thay thế, tuy nhiên nhiều người lại thông báo nghỉ việc trong thời gian rất ngắn, thậm chí có những người ăn chắc, xin được việc chỗ khác rồi mới thông báo nghỉ trước 1, 2 ngày khiến nhân sự không kịp trở tay, công việc thì dang dở. Vì vậy, tốt nhất bạn nên thông báo nghỉ sớm và bàn giao công việc trước khi rời đi. Trong trường hợp bạn đi phỏng vấn ở nơi khác, hãy để xuất thời gian thích hợp để nhận việc. Nhà tuyển dụng và đồng nghiệp sẽ đánh giá cao tình thần trách nhiệm của bạn.

Viết đơn xin nghỉ việc và thực hiện các thủ tục trước khi nghỉ

Khi đến, bạn viết đơn xin việc, thì khi đi cũng nên có một lời cảm ơn chân thành. Nếu đã có quyết định nghỉ, cách làm tốt nhất là bạn nên có một cuộc nói chuyện trực tiếp với sếp hoặc nhân sự để trình bày lý do nghỉ việc, rằng quyết định này là từ bản thân bạn chứ không phải từ phía công ty. Đừng đưa ra những lý do nói xấu công ty hay kể về những nỗi bức xúc của bạn, mặc dù điều đó có thể đúng. Thay vì vậy, hãy nói lời cảm ơn để đôi bên giữ được những ấn tượng tốt về nhau. Bạn nên có đơn xin nghỉ việc (qua mail hoặc viết tay) cùng với đó là sự xác nhận giữa đôi bên để đảm bảo quyền lợi của bạn sau khi nghỉ việc.

Làm việc hết trách nhiệm đến ngày cuối cùng

Đừng tỏ ra kém nhiệt tình và làm việc một cách hời hợt khi bạn đã xin nghỉ và tìm được cho mình một cơ hội mới. Hãy hoàn thành tốt công việc, vì đó vẫn là trách nhiệm của bạn và nên nhớ rằng công ty vẫn trả lương cho bạn trong khoảng thời gian đó, vì vậy hãy bàn giao đầy đủ và nhiệt tình hướng dẫn cho người mới đảm trách.

Cư xử lịch sự

Nếu đã xác định nghỉ việc, tuyệt đối đừng nói xấu sếp, đồng nghiệp hay công ty. Trái đất rất tròn, nếu bạn sang công ty mới và vẫn trong lĩnh vực chuyên môn thì bạn vẫn có thể gặp lại họ bất kỳ lúc nào. Một điều nữa là những thông tin về bạn sẽ luôn được lưu giữ và nhà tuyển dụng nào cũng có thể kiếm tra lại khi bạn ứng tuyển vào công ty của họ. Vì vậy, hãy có một kết thúc tốt đẹp như chính cách mà bạn đã bắt đầu.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: