Môi trường làm việc lý tưởng: Tìm như thế nào?

Đánh giá post

Khó hơn cả việc tìm một công việc, tìm được một môi trường làm việc lý tưởng là mong ước của bất kỳ nhân viên nào. Thay vì mải mê tìm kiếm theo cảm tính, bạn đã bao giờ tự hỏi “một môi trường làm việc lý tưởng thật sự như thế nào?” và “làm cách nào để tìm được một môi trường như vậy?” chưa?

Môi trường làm việc lý tưởng: Tìm như thế nào?

1.Môi trường làm việc lý tưởng là môi trường làm việc như thế nào?

 

Trên thực tế, bức tranh một môi trường làm việc lý tưởng luôn thường trực trong tâm trí môi nhân viên. Đó là một môi trường đáp ứng được nhu cầu và mong muốn làm việc của họ. Vậy những tiêu chí đáp ứng nhu cầu và mong muốn của nhân viên là gì?

  • Lương, thưởng, phúc lợi

Một mức lương cạnh tranh, nhiều cơ hội tăng lương, thưởng hiệu quả công việc hấp dẫn, các chế độ phúc lợi đầy đủ,…đó là những yếu tố hàng đầu để nhân viên đánh giá sự “tin cậy” của công ty. Đây không phải là những tiêu chí tạo nên một môi trường làm việc lý tưởng, nhưng là nền tảng của sự tin tưởng. Một công ty có môi trường làm việc tốt là nơi khiến nhân viên yên tâm làm việc và cống hiến. Khi không phải lo ngại về “cơm áo gạo tiền”, lúc đó nhân viên mới có thể yên tâm thể hiện năng lực của mình.

  • Môi trường làm việc an toàn

Đây là yếu tố mà nhiều nhân viên sẽ quan tâm, đặc biệt đối với những ngành lao động yêu cầu bảo hộ lao động, hỗ trợ thiết bị chuyên dụng. Các nhà tuyển dụng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. 

  • Cơ hội phát triển

Cơ hội phát triển không chỉ là cơ hội thăng tiến, đó còn là cơ hội được học hỏi và phát triển bản thân với những trải nghiệm đa dạng, tập huấn trau dồi kiến thức và kỹ năng. Cũng giống như lương thưởng, cơ hội phát triển là một tiêu chí không quá hấp dẫn nhưng là tiên quyết và cần thiết. Những trải nghiệm và cơ hội phát triển bản thân khiến nhân viên nhìn nhận công ty một cách chuyên nghiệp hơn. Và với họ, môi trường làm việc chuyên nghiệp là một môi trường tốt

  • Cân bằng được cuộc sống

Không cân bằng được giữa công việc và cuộc sống là vấn đề của hầu hết mọi người. Vậy nên một môi trường sẽ mang lại niềm tin để nhân viên có thể yên tâm làm việc lâu dài mà không cần lo lắng việc thường xuyên bị stress hay quá tải. Thời gian không quá gò bó, có thể làm việc từ xa, tạo cơ hội làm việc linh hoạt,…là những yếu tố cơ bản của một môi trường giúp nhân viên cân bằng cuộc sống.

  • “Sếp” tuyệt vời

Một lãnh đạo tuyệt vời ở góc nhìn của nhân viên thực sự rất đơn giản: Một người có thể truyền cảm hứng, có nhiều điều đáng học hỏi, thân thiện và gắn kết với nhân viên. Hình ảnh của một người lãnh đạo thực sự là yếu tố thu hút những nhân viên tiềm năng. Điều này cũng giống như việc đăng ký học của sinh viên vậy, họ cũng dựa vào “thương hiệu” của giảng viên để lựa chọn môi trường học tập tốt nhất cho mình.

  • Văn hóa thú vị

Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố đặc biệt thu hút những ứng viên trẻ. Người trẻ luôn cố gắng tìm kiếm một môi trường năng động, cởi mở và gắn bó với đồng nghiệp. Hình ảnh những cơ quan nhà nước gò bó mà thiếu sự “thân thiện” đã tạo cho người trẻ những lối tư duy mở khi tìm việc. Mọi người bắt đầu quan tâm đến những buổi team-building, những giờ break-time thoải mái gắn kết đồng nghiệp hay thậm chí là những chuyến đi công ty. 

  • Giá trị công việc

Tiêu chí này nghe có vẻ “vĩ đại” và hơi mỹ miều hóa nhưng thực chất lại là một yếu tố quyết định sự gắn bó lâu dài của một nhân viên. Ai cũng muốn làm một công việc mà họ có thể tự hào kể với mọi người. Không những là một vị trí công việc đáng hãnh diện, hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt người khác luôn khiến các ứng viên quan tâm.

Môi trường làm việc lý tưởng: Tìm như thế nào?

2.Làm thế nào để tìm được một môi trường làm việc lý tưởng?

 

Mọi người luôn biết rằng “nói thì dễ, làm mới khó”, những tiêu chí dù rõ ràng đến đâu cũng chỉ là lý thuyết, và thật khó để tìm được một môi trường hoàn hảo. Mỗi người có những đánh giá riêng, vậy làm thế nào để tự cá nhân tìm được môi trường phù hợp với mình?

Trước khi đánh giá một môi trường làm việc, bạn cần hiểu được nhu cầu của chính bản thân mình. Bạn muốn làm việc linh hoạt với KPI hay một công việc cần đáp ứng thời gian 8 tiếng/ngày? Một muốn một không gian làm việc cố định, dễ tập trung hay một nơi mà bạn có thể tự do sáng tạo theo ý mình? Và nhiều câu hỏi nữa mà bạn cần tự hỏi chính mình. Chỉ khi hiểu được mình muốn gì bạn mới có thể thật sự đánh giá được một môi trường làm việc phù hợp với chính mình.

Sau khi có những tiêu chí cụ thể, bước thứ hai bạn cần làm là “thử”. Môi trường làm việc là một yếu tố thuộc bên trong công ty, và nếu không trải nghiệm, bạn không thể biết được nó có thật sự phù hợp với mình hay không. Trước khi trải nghiệm, bạn có thể tham khảo những thông tin trên truyền thông, lời giới thiệu của công ty hoặc những chia sẻ từ chính nhân viên của công ty. Những thông tin đó sẽ giúp bạn đánh giá được cơ bản môi trường làm việc của các công ty, Dựa vào đó, bạn có thể chọn công việc ưng ý nhất, việc này sẽ giúp bạn tránh việc phải “thử” nhiều công việc và thường xuyên phải thay đổi công ty.

Trên thực tế, nhiều doanh nhân thành công khuyên các bạn trẻ hãy trải nghiệm nhiều để tìm được một công việc phù hợp thay vì cố “ổn định”, giữ chân mình ở một vị trí không phù hợp. Những sự trải nghiệm đó không chỉ giúp các bạn tìm được một công việc phù hợp, mà còn cho các bạn những trải nghiệm quý giá, để sau này dù làm việc tại đâu, bạn đều có thể ứng xử và làm việc một cách linh hoạt, hiệu quả nhất.

Môi trường làm việc lý tưởng: Tìm như thế nào?

3.Cố gắng tìm kiếm hay tự xây dựng một môi trường làm việc vừa ý?

 

Môi trường làm việc lý tưởng thực ra không được đo lường bằng các tiêu chí lương, thưởng hay công việc dễ dàng, mà là sự tình nguyện gắn bó. Bạn đôi khi sẽ tự hỏi mình rằng: bạn có thích công việc này không? Bạn có muốn làm việc ở công ty hơn 8 tiếng/ngày hay chỉ muốn về sớm? Và bạn có đang nghĩ đến vấn đề nhảy việc? Đó mới chính là những tiêu chí chính xác nhưng cũng mơ hồ để bạn đánh giá một môi trường làm việc. Bởi lẽ, đó là môi trường làm việc chung cho nhiều người, và nó không thể hoàn hảo với quan điểm cá nhân. Vậy nên thay vì cứ cố chấp với việc tìm kiếm một môi trường làm việc “lý tưởng”, tại sao bạn không suy nghĩ tích cực hơn về những khuyết điểm. Những khuyết điểm đó không quá nghiêm trọng, bạn hoàn toàn có thể chấp nhận và hòa nhập với chúng, vậy đó không còn là lý do nghiêm trọng đến mức khiến bạn phải nhảy việc.

Nhìn theo một góc nhìn khác, khi công ty muốn tạo ra một không gian là việc tốt cho nhân viên, thì bạn cũng cần nỗ lực hòa nhập với tập thể. Bên cạnh đó, dù còn trẻ, việc bạn nhảy việc thường xuyên sẽ khiến bạn khó có thể ổn định và hòa nhập hơn. Hãy nhảy việc một cách khôn ngoan và suy nghĩ linh hoạt và lạc quan hơn. Hãy khiến một công việc vì bạn mà trở nên giá trị hơn, và tự tạo cho bản thân một môi trường làm việc hoàn hảo bằng năng lực của chính bạn.

 

Môi trường làm việc lý tưởng cũng giống như đồng đội, bạn luôn muốn tìm một đồng đội tốt nhưng cũng cần nỗ lực để phối hợp tốt với họ. Những tiêu chí có thể giúp bạn nhìn ra đâu là môi trường làm việc tốt. Nhưng khi mọi công ty đều nỗ lực đáp ứng những nhu cầu cơ bản, thì sự phù hợp chính là yếu tố quyết định. Bạn có thể hòa nhập và thể hiện bản thân một cách trọn vẹn hay không chĩnh là cơ sở để bạn nhận ra: đó chính là môi trường làm việc lý tưởng dành cho bạn.

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: