Bất cứ sinh viên nào cũng phải trải qua 4 mùa: mùa học, mùa thi, mùa kỷ yếu và mùa thực tập. Trong đó, thực tập là khoảng thời gian quan trọng nhất. Đây là bước đệm cho các bạn làm quen với môi trường làm việc, những áp lực và khó khăn khi làm việc. Nỗi lo về bài vở, thi cử sẽ thay thế bằng công việc, đồng nghiệp, công ty,… Vậy đối mặt với kỳ thực tập như thế nào để có được một kết quả thành công nhất?
- Tìm hiểu thông tin
Điều đầu tiên cần làm là tìm hiểu tất cả các thông tin liên quan đến công ty mà bạn có ý định thực tập. Có thể tìm qua internet, hoặc nếu bạn có người quen đang làm việc hay đã từng thực tập ở đó thì hãy hỏi họ về công ty. Nắm được về môi trường làm việc trong công ty, những sản phẩm và dịch vụ của nó sẽ giúp bạn chuẩn bị tâm lý tốt hơn cho buổi phỏng vấn. Nếu được thì tìm hiểu cả vị trí bạn muốn ứng tuyển, các đối thủ cạnh tranh, xu hướng thị trường, các khái niệm và thuật ngữ liên quan đến công việc. Nói chung là biết càng nhiều càng tốt.
- Xác định mục tiêu
Nên xác định rõ ràng bạn mong muốn làm công việc gì và nhận được gì khi kỳ thực tập kết thúc. Tốt nhất là lựa chọn một việc bạn yêu thích hoặc công việc bạn có thể làm sau khi tốt nghiệp. Như vậy sẽ giảm thiểu tối đa sự chán nản và khả năng “đứt gánh giữa đường”.
Tập trung vạch ra những mục tiêu cụ thể bạn muốn đạt được trong kỳ thực tập, không để phí hoài khoảng thời gian này. Bạn chỉ làm để lấy điểm cao hay làm để lấy kinh nghiệm, học những kỹ năng mới, xây dựng các mối quan hệ,…? Đảm bảo rằng các mục tiêu là phù hợp với khả năng của bạn và có tính khả thi cao nhé!
- Chủ động học hỏi
Hầu hết những gì bạn học ở trường chỉ là lý thuyết trên bài vở, rất khác so với thực tế công việc. Vì vậy, hãy tận dụng tối đa thời gian thực tập để có được những kinh nghiệm thực tế cần thiết. Đừng quá tập trung vào công việc của mình mà nên dành thời gian học hỏi thêm các kỹ năng khác ở công ty như: phong cách ăn mặc, cách giao tiếp, nói năng,… Đừng ngần ngại hỏi mọi người nếu có khó khăn hay thắc mắc. Tỏ ra chủ động trong công việc và thân thiện với đồng nghiệp. Khiêm tốn và biết lắng nghe, tiếp thu khi mọi người chỉ ra lỗi sai của bạn.
Mỗi công ty khác nhau sẽ có văn hóa khác nhau. Có nơi yêu cầu sự chỉn chu, nghiêm túc, cẩn thận; có nơi lại thoải mái, không gò ép, không gian làm việc mở… Nhập gia tùy tục, sự nỗ lực hòa nhập với môi trường làm việc là một việc tốt vì biết đâu sau này đây chính là nơi bạn sẽ làm một công việc chính thức thì sao. Khi mà khoảng thời gian thực tập có hạn, thì tranh thủ học tập kinh nghiệm từ những người đi trước là cần thiết và quan trọng.
- Tạo dựng những mối quan hệ
“Nhất hậu duệ, nhì quan hệ” – chắc nhiều bạn biết câu nói vui này nhỉ? Các mối quan hệ là kênh tìm việc rất hiệu quả nên đừng ngại bắt chuyện, tán gẫu với các đồng nghiệp. Chân thành, cởi mở, họ sẽ sẵn lòng chia sẻ với bạn những kinh nghiệm quý giá họ có được khi làm việc, hay những điều cần lưu ý khi làm ở công ty. Tất nhiên không phải là “ngồi lê đôi mách” hay “buôn dưa lê bán dưa chuột” nhé!
Làm việc một cách có trách nhiệm và nỗ lực hết mình cũng sẽ tạo ấn tượng tốt với sếp của bạn. Sếp sẽ tin tưởng và giao phó cho bạn nhiều công việc hơn – nghĩa là nhiều cơ hội trải nghiệm hơn. Khả năng cao bạn có thể được giữ lại công ty làm việc hay nhận được thư giới thiệu từ sếp nữa đó!
- Hoàn thành báo cáo “chuẩn chỉ”
Bước cuối cùng để kết thúc kỳ thực tập luôn là làm báo cáo thực tập. Hãy hệ thống và tổng hợp đầy đủ, chi tiết những gì bạn đã làm trong suốt kỳ thực tập cùng với kết quả, những giá trị bạn tạo ra được cho công ty và bản thân. Nhớ làm cẩn thận và chính xác nhé. Sau đó xin dấu và xác nhận từ sếp của bạn. Nếu bạn đã thể hiện tốt, không lý nào lại không được một đánh giá tốt cả.
Hi vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn phần nào để có được kết quả thực tập thật mỹ mãn. Chúc các bạn có một kỳ thực tập thành công!
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)