Chứng chỉ phòng cháy chữa cháy (PCCC) được cấp khi các cá nhân, tổ chức và hộ gia đình đạt đủ các điều kiện do luật quy định. Hãy theo dõi thông tin trong bài viết này để hiểu rõ hơn về chứng chỉ PCCC nhé!
Mục lục
- Tìm hiểu chung về chứng chỉ PCCC
- Quy định chung về chứng chỉ phòng cháy chữa cháy
- Quy định cấp chứng chỉ tư vấn giám sát PCCC
- Quy định cấp chứng chỉ chỉ huy thi công PCCC
- Học chứng chỉ phòng cháy chữa cháy ở đâu?
Tìm hiểu chung về chứng chỉ PCCC
Chứng chỉ PCCC là một loại giấy tờ quan trọng phải có khi doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh, hoạt động. Vậy bạn đã hiểu về chứng chỉ PCCC là gì cũng như cần chuẩn bị những hồ sơ gì khi xin chứng chỉ PCCC? Cùng JobsGO tìm hiểu chi tiết ngay sau đây nhé!
Chứng chỉ PCCC là gì?
PCCC là viết tắt của phòng cháy chữa cháy. Đây là công việc nhằm đảm bảo an toàn trong công tác cứu người và tài sản khi xảy ra hỏa hoạn cũng như hạn chế lây lan ở mức thấp nhất.
Để trở thành một lính cứu hỏa, bạn không những cần có sức khỏe tốt, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ chuẩn mà bắt buộc bạn phải có chứng chỉ PCCC do cơ quan cơ thẩm quyền cấp như vậy mới có thể tiếp tục học tập và công tác trong nghề.
Căn cứ pháp lý của chứng chỉ PCCC
Để được cấp chứng chỉ phòng cháy chữa cháy, chúng ta phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn dựa vào những căn cứ pháp lý sau:
- Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013.
- Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
- Căn cứ Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ.
Các loại chứng chỉ PCCC bạn cần biết
Chứng chỉ về phòng cháy chữa cháy có 6 loại như sau:
- Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC.
- Chứng chỉ tư vấn và thẩm định về PCCC.
- Chứng chỉ tư vấn và thiết kế PCCC.
- Chứng chỉ tư vấn giám sát PCCC.
- Chứng chỉ tư vấn, kiểm tra, kiểm định các kỹ thuật về PCCC.
- Chứng chỉ về bồi dưỡng chỉ huy trưởng thi công PCCC.
Đối tượng được cấp chứng chỉ Phòng cháy chữa cháy
Theo Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an quy định đối tượng phải có chứng chỉ hành nghề PCCC là:
- Người đang giữ chức vụ chỉ huy trưởng chữa cháy (được quy định tại điều 37 Luật phòng cháy chữa cháy).
- Cán bộ, đội viên thuộc PCCC cấp cơ sở, đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.
- Người chỉ huy tàu lửa, tàu hỏa, máy bay
- Người đang làm việc trong môi trường tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, môi trường tiếp xúc thường xuyên với các chất cháy nổ.
- Người đang làm việc các trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vật dụng về PCCC.
- Các đối tượng khác khi có yêu cầu được đào tạo và huấn luyện về nghiệp vụ PCCC.
Quy định chung về chứng chỉ phòng cháy chữa cháy
Vậy để được cấp chứng chỉ phòng cháy chữa cháy cần đáp ứng những quy định chung nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!
Điều kiện cấp chứng chỉ phòng cháy chữa cháy
Điều kiện cấp chứng chỉ PCCC được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 43 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau:
Với chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức PCCC
Để được cấp Chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức PCCC, các cá nhân cần tham gia khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết về PCCC ít nhất 6 tháng.
Với chứng chỉ hành nghề tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định về PCCC
Để được nhận Chứng chỉ hành nghề tư vấn thiết kế, thẩm định PCCC, cá nhân cần có:
- Có trình độ cao đẳng trở lên ngành PCCC hoặc trình độ đại học trở lên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động.
- Đã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy
- Trực tiếp thiết kế ít nhất 5 dự án ( hoặc có 05 năm kinh nghiệm) trong lĩnh vực tư vấn thiết kế hoặc tư vấn thẩm định hoặc tư vấn kiểm tra, kiểm định về phòng cháy chữa cháy..
Với chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát PCCC
Để được nhận Chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát PCCC, cá nhân cần:
- Tốt nghiệp từ trung cấp trở lên với các chuyên ngành phòng cháy chữa cháy hoặc các chuyên ngành liên quan.
- Đã được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC.
- Từng thực hiện giám sát thi công ít nhất 3 dự án, công trình được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát.
Với chứng chỉ bồi dưỡng vị trí Chỉ huy trưởng, thi công PCCC
Để được nhận cấp chứng chỉ bồi dưỡng vị trí chỉ huy trưởng, thi công PCCC, cá nhân cần:
- Có trình độ từ trung cấp trở lên trong ngành PCCC hoặc các ngành có liên quan.
- Đã được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC.
- Trực tiếp tham gia thực hiện thi công, lắp đặt hệ thống PCCC ít nhất 03 dự án, công trình đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC.
Như vậy, tùy thuộc vào nhu cầu, điều kiện của từng người bạn có thể lựa chọn chứng chỉ sao cho phù hợp nhất.
Thủ tục cấp chứng chỉ phòng cháy chữa cháy
Trình tự, thủ tục xin cấp Chứng chỉ PCCC cụ thể như sau:
- Bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ xin cấp chứng chỉ theo quy định.
- Trực tiếp nộp hồ sơ tại Phòng hoặc Cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh (thành phố) nơi bạn sinh sống.
- Khi nhận được hồ sơ của bạn, cán bộ tiếp nhận sẽ thực hiện kiểm tra lại tính chính xác và hợp lệ hồ sơ của bạn.
- Sau khi xét hồ sơ đủ tiêu chuẩn bạn sẽ nhận được giấy hẹn đến lấy chứng chỉ phòng cháy chữa cháy.
Hồ sơ xin cấp chứng chỉ PCCC
Hồ sơ xin cấp chứng chỉ PCCC bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ.
- Photo công chứng giấy chứng nhận thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy và bản nghiệm thu PCCC của cơ sở mới hoặc cải tạo lại.
- Bản kê khai đầy đủ phương tiện PCCC.
Thời hạn chứng chỉ Phòng cháy chữa cháy
Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC do Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cấp có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước trong thời hạn 02 năm kể từ ngày cấp. Hết thời hạn này, phải huấn luyện lại để được cấp giấy chứng nhận mới.
Quy định cấp chứng chỉ tư vấn giám sát PCCC
Điều kiện
Theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 47, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ, các cá nhân để được cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát về PCCC phải đáp ứng được các điều kiện sau:
- Có trình độ trung cấp trở lên hoặc trình độ chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực hoạt động tư vấn giám sát và đã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.
- Từng thực hiện giám sát thi công ít nhất 3 dự án, công trình được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Hồ sơ đăng ký
Hồ sơ cấp chứng chỉ giám sát phòng cháy chữa cháy gồm 2 bộ hồ sơ, mỗi bộ hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn về PCCC (Mẫu PC23 -TT 66/2014/TT-BCA).
- Bản khai kinh nghiệm công tác chuyên môn có liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề về PCCC (kèm theo Mẫu PC23- TT 66/2014/TT-BCA).
- Bằng tốt nghiệp công chứng.
- CMT công chứng.
- Ảnh 3×4.
- Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công công chứng.
Quy định cấp chứng chỉ chỉ huy thi công PCCC
Điều kiện
Theo khoản 3, Điều 47 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, điều kiện để được cấp chứng chỉ chỉ huy trưởng phòng cháy chữa cháy là:
- Có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp chuyên ngành PCCC trở lên; hoặc bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp chuyên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động tư vấn , kèm theo chứng chỉ đã qua bồi dưỡng kiến thức về PCCC.
- Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy.
Hồ sơ đăng ký
Hồ sơ cấp chứng chỉ chỉ huy trưởng phòng cháy chữa cháy bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề chỉ huy trưởng PCCC.
- Bản khai kinh nghiệm công tác chuyên môn có liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề về PCCC.
- Bản sao chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy khóa 6 tháng.
- Bản sao bằng tốt nghiệp ĐH có chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực hoạt động tư vấn PCCC.
- Ảnh 3×4
👉 Xem thêm: Mô tả công việc kỹ sư phòng cháy chữa cháy
Học chứng chỉ phòng cháy chữa cháy ở đâu?
Hiện nay ở Việt Nam có một ngôi trường duy nhất chuyên đào tạo về PCCC đó chính là Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Đây là ngôi trường thuộc Bộ Công an với chức năng hoạt động đào tạo cán bộ PCCC trình độ đại học, hoặc trung cấp. Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy có quy mô khoảng 3000 học viên cho tất các các hệ và các khóa học. Đây có lẽ là một ngôi trường mơ ước dành cho ai mong muốn trở thành cảnh sát PCCC trong tương lai.
Ngoài ra, nếu muốn nâng cao khả năng nghiệp vụ bạn cũng có thể đề xuất công ty, cơ quan nơi bạn đang làm việc kết hợp với đơn vị chuyên môn về PCCC để tổ chức học và cấp chứng chỉ. Như vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoảng thời gian và chi phí hơn.
Khóa học chứng chỉ sẽ bao gồm các nội dung như sau:
- Khái quát tổng thể tình hình cháy nổ, kinh nghiệm, bài học thực tiễn rút ra từ các vụ cháy nổ đó.
- Tổng hợp cho người học kiến thức về PCCC cũng như kiến thức liên quan đến pháp luật để phù hợp với từng đối tượng theo học.
- Các cách để tuyên truyền và xây dựng phong trào nhân dân về PCCC.
- Tổng hợp các biện pháp PCCC một cách hiệu quả nhất.
- Đưa ra phương pháp xây dựng, thực hành, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy, nổ hiệu quả.
- Phương pháp về sử dụng, bảo quản vật dụng về PCCC.
Trên đây chính là những thông tin tổng quan về Chứng chỉ PCCC. Mong rằng với các thông tin trong bài viết của JobsGO đã giúp bạn hiểu hơn về chứng chỉ phòng cháy chữa cháy cũng như những quy định chung xoay quanh loại chứng chỉ này
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)