Bảo Hiểm Thất Nghiệp Tính Như Thế Nào? Quy Định Mới Nhất 2025

Đánh giá post

Bảo hiểm thất nghiệp tính như thế nào? Thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp ra sao? Bằng cách tìm hiểu về quy định liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, bạn có thể tự làm các thủ tục để nhận đầy đủ quyền lợi mà mình xứng đáng được hưởng.

1. Bảo Hiểm Thất Nghiệp Là Gì?

Bảo hiểm thất nghiệp là gì
Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Bảo hiểm thất nghiệp được coi là phao cứu sinh cho người lao động trong trường hợp khó khăn. Cụ thể, bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi khi bị mất việc làm trên cơ sở người lao động đóng phí vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Bảo Hiểm Thất Nghiệp Tính Như Thế Nào?

Rất nhiều người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhưng không nắm rõ cách tính. Vậy bảo hiểm thất nghiệp tính như thế nào?

2.1. Cách Tính Bảo Hiểm Thất Nghiệp Đơn Giản Nhất

Bảo hiểm thất nghiệp năm 2024 vẫn được tính theo quy định của pháp luật tại Điều 50 Luật Việc làm năm 2013.

Công thức tính bảo hiểm thất nghiệp cụ thể như sau:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp = 60% mức lương bình quân (lương cơ sở tham gia bảo hiểm thất nghiệp) của 6 tháng đóng gần nhất trước khi nghỉ việc

Lưu ý:

  • Nếu những tháng cuối cùng trước khi nghỉ, người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không liên tục thì sẽ lấy bình quân tiền lương của 06 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người lao động nghỉ để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp.
  • Mức trợ cấp thất nghiệp được giới hạn mức hưởng tối đa: Không lớn hơn 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động được trả lương chế độ Nhà nước. Không lớn hơn 05 lần mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc trong các công ty sử dụng lao động không thuộc nhà nước.

2.2. Thời Gian Tính Hưởng Bảo Hiểm Thất Nghiệp

Quy định về thời gian tính hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Quy định về thời gian tính hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ vào số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp để xác định thời gian người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể người lao động cứ đóng đủ 12 – 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, khi đóng đủ thêm 12 tháng thì người lao động sẽ được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng người lao động không được hưởng quá 12 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Dưới đây là bảng quy đổi thời gian tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tháng được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động đủ điều kiện hưởng như sau:

Số tháng đóng BHTN Số tháng nhận TCTN
Dưới 12 tháng 0 tháng
Từ đủ 12 tháng – dưới 36 tháng 3 tháng
Từ đủ 36 tháng – dưới 48 tháng 4 tháng
Từ đủ 48 tháng – dưới 60 tháng 5 tháng
Từ đủ 60 tháng – dưới 72 tháng 6 tháng
Từ đủ 72 tháng – dưới 84 tháng 7 tháng
Từ đủ 84 tháng – dưới 96 tháng 8 tháng
Từ đủ 96 tháng – dưới 108 tháng 9 tháng
Từ đủ 108 tháng – dưới 120 tháng 10 tháng
Từ đủ 120 tháng – dưới 132 tháng 11 tháng
Từ đủ 132 tháng trở lên 12 tháng

2.3. Cách Xác Định Mức Lương Hưởng Bảo Hiểm Thất Nghiệp

Để có thể tự tính tiền bảo hiểm thất nghiệp, bạn cần xác định được mức lương đóng bảo hiểm. Cách xác định mức lương đóng bảo hiểm rất đơn giản, theo đó, bạn chỉ cần đăng nhập vào ứng dụng VssID và thực hiện các bước sau:

  • Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng VssID trên điện thoại.
  • Bước 2: Chọn “Quá trình tham gia”.
  • Bước 3: Tiếp đến, bạn chọn “BHTN” (Bảo hiểm thất nghiệp).
  • Bước 4: Chọn “Đơn vị làm việc” (trong 6 tháng liền kề trước thất nghiệp) và nhấn vào biểu tượng “xem chi tiết” tương ứng.
  • Bước 5: Cuối cùng, bạn chỉ cần xem kết quả tại “Tiền lương đóng BHTN”.

Bằng cách thực hiện những bước đơn giản trên, bạn sẽ biết được mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp tại khi làm việc tại đơn vị.

3. Ví Dụ Cụ Thể Để Hiểu Bảo Hiểm Thất Nghiệp Tính Như Thế Nào

Dưới đây là một số ví dụ cụ thể để hiểu về cách tính bảo hiểm thất nghiệp:

3.1. Ví Dụ 1

Lan là một nhân viên văn phòng và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục trong 34 tháng trước khi nghỉ việc vào cuối tháng 3/2024.

Các khoản lương đóng bảo hiểm của Lan trong 6 tháng từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024 lần lượt là: 8 triệu đồng, 8 triệu đồng, 10 triệu đồng, 10 triệu đồng, 10 triệu đồng, 10 triệu đồng.

Với trường hợp của Lan, bảo hiểm thất nghiệp được tính như thế nào?

Dựa trên công thức tính bảo hiểm thất nghiệp, trước hết chúng ta cần tính mức lương bình quân 6 tháng gần nhất của Lan là: (8 + 8 + 10 + 10 + 10 + 10)/6 = 9,33 triệu đồng.

Mức trợ cấp thất nghiệp của Lan được tính như sau: 60% x Lương bình quân = 60% x 9,33 triệu đồng = 5,598 triệu đồng.

Như vậy, theo quy định, Lan sẽ được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp là 5,598 triệu đồng/tháng trong vòng 3 tháng.

3.2. Ví Dụ 2

Bà Nga là một nhân viên làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân ở vùng 2. Bà đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục 62 tháng. Trong 6 tháng cuối cùng của thời gian làm việc, mức lương đóng bảo hiểm của bà Nga là 6 triệu đồng/tháng.

Bảo hiểm thất nghiệp tính như thế nào với trường hợp của bà Nga? Dựa vào bảng quy đổi thời gian tham gia đóng BHTN, bà Nga sẽ được hưởng trợ cấp như sau:

  • 36 tháng đầu tiên: Hưởng 3 tháng trợ cấp.
  • 23 tháng tiếp theo: Hưởng 2 tháng trợ cấp.
  • 2 tháng còn lại: Sẽ được cộng dồn cho lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo.

Mức lương cơ bản trung bình của bà Nga trong 6 tháng cuối cùng là 6 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng của bà Nga sẽ là: 6 triệu đồng x 60% = 3,6 triệu đồng/tháng.

Vậy nên, bà Nga sẽ được hưởng 5 tháng trợ cấp thất nghiệp với mức hưởng là 3,6 triệu đồng/tháng. Điều này giúp bà Nga có một nguồn thu nhập ổn định trong thời gian tìm kiếm công việc mới sau khi nghỉ việc từ doanh nghiệp tư nhân.

3.3. Ví Dụ 3

Chị Mai làm tại công ty B 8 tháng và đã đóng 6 tháng bảo hiểm xã hội với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Hiện tại chị đã nghỉ việc và muốn làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp.

Biết rằng, trước công ty B, chị Mai đã làm việc tại công ty A 12 tháng, đóng 8 tháng bảo hiểm xã hội với mức lương 5 triệu đồng/tháng.

Với trường hợp của chị Mai, bảo hiểm thất nghiệp tính như thế nào?

Chúng ta có thể thấy rằng, tổng số tháng chị Mai tham gia bảo hiểm xã hội là 7 + 8 = 15 tháng. Trong trường hợp này, chị Mai đủ điều kiện nhận 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Vì mức lương đóng bảo hiểm xã hội của chị Mai trong 6 tháng gần nhất là 7 triệu đồng/tháng, nên số tiền trợ cấp thất nghiệp mà chị Mai sẽ nhận được tính như sau: 60% x 7 triệu đồng = 4,2 triệu đồng.

Tóm lại, chị Mai sẽ được hưởng 4,2 triệu đồng trợ cấp thất nghiệp/tháng, trong vòng 3 tháng.

3.4. Ví Dụ 4

Đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa đủ 12 tháng sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp
Đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa đủ 12 tháng sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp

Anh Nam là một công nhân xây dựng với mức lương đóng bảo hiểm là 5 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, tới thời điểm nghỉ việc, tổng số tháng mà anh Nam đóng bảo hiểm mới chỉ là 10 tháng. Như vậy, theo quy định, anh Nam không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

>>>Xem thêm: Bản mẫu sơ yếu lý lịch tự thuật

4. Điều Kiện Được Hưởng Bảo Hiểm Thất Nghiệp

Theo Luật định thì bảo hiểm thất nghiệp được chi trả đối với người lao động nếu có đủ các điều kiện sau:

  • Người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định. Trừ việc chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Hoặc nghỉ hưởng lương hưu hay trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
  • Trường hợp ký kết hợp đồng lao động có xác định và không xác định thời hạn, người lao động phải có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng trở lên, trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
  • Trường hợp ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn theo thời vụ có thời hạn từ 3 đến 12 tháng, thì phải có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng trở lên được xét cộng dồn trong vòng 36 tháng trước khi nghỉ việc.
  • Người lao động đã nộp hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.
  • Người chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Nếu có đủ những điều kiện như quy định trên đây, người lao động cần đến đăng ký và nộp hồ sơ để được nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Bạn có thể test trắc nghiệm tính cách để hiểu rõ hơn về bản thân trước khi quyết định chọn nghề hay lĩnh vực phù hợp

5. Mức Hưởng Bảo Hiểm Thất Nghiệp

Tùy thuộc vào đối tượng lao động mà mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng được tính khác nhau.

Đối với người làm việc trong cơ quan Nhà nước

Người làm trong các cơ quan Nhà nước, hưởng chế độ tiền lương của Nhà nước thì mức hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp được tính trên mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng.

Như vậy, những người này được hưởng tối đa 5 x 1,49 triệu đồng/tháng = 7,45 triệu đồng/tháng khi chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với người làm việc ngoài cơ quan Nhà nước

Bảng chi tiết mức hưởng BHTN tối đa của người lao động theo vùng
Bảng chi tiết mức hưởng BHTN tối đa của người lao động theo vùng

Còn đối với người làm việc trong các công ty, doanh nghiệp không thuộc nhà nước, thì tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa phụ thuộc vào mức lương tối thiểu tính theo vùng nơi làm việc của người lao động. Theo các vùng, mức lương cơ sở là khác nhau dẫn đến mức hưởng tối đa của bảo hiểm thất nghiệp cũng chênh lệch.

6. Thời Gian Nộp Hồ Sơ Để Được Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp

Thời gian nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là trong vòng 3 tháng kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng làm việc với doanh nghiệp. Nếu người lao động không thể trực tiếp nộp hồ sơ thì có thể ủy quyền cho người khác.

Một số trường hợp mà người lao động được phép ủy quyền như:

  • Ốm đau, thai sản (có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền).
  • Bị tai nạn (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền).
  • Ảnh hưởng của thiên tai (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền)..

Khi vượt quá thời hạn 3 tháng, người lao động được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp và sẽ được bảo lưu cho những lần tiếp theo.

7. Nộp Hồ Sơ Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp Ở Đâu?

Khoản 1, Điều 17 quy định, người lao động có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại các trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Địa điểm này không nhất thiết phải trùng với nơi người lao động làm việc.

Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp ở đâu
Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp ở đâu?

8. Lưu Ý Khác Trong Quá Trình Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp

Theo quy định, người lao động cần đến trung tâm dịch vụ việc làm báo cáo về quá trình tìm kiếm việc làm hàng tháng trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ như sau:

Trường hợp người lao động không phải thông báo việc tìm kiếm việc làm hàng tháng:

  • Nam từ đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi trở lên.
  • Nghỉ thai sản (có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền).
  • Bị bệnh phải điều trị dài ngày (có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền).
  • Đang thực hiện hợp đồng lao động thời vụ.
  • Đang tham gia khóa học nghề.

Trường hợp người lao động không phải trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng:

  • Ốm đau (có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền).
  • Bị tai nạn giao thông (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền).
  • Ảnh hưởng của thiên tai như lũ lụt, động đất… (có xác nhận của chính quyền địa phương).
  • Người thân trong gia đình mất hoặc kết hôn.

Chắc hẳn những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu được “Bảo hiểm thất nghiệp tính như thế nào?” và thời gian cũng như điều kiện được hưởng BHTN. Mong rằng bạn đã hiểu về luật bảo hiểm thất nghiệp và nhận được đầy đủ lợi ích của BHTN theo quy định của pháp luật.

Tham khảo thêm thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp để hưởng quyền lợi của mình bạn nhé.

Câu hỏi thường gặp

1. Làm 11 Tháng Có Được Hưởng Bảo Hiểm Thất Nghiệp Không?

Theo quy định, người lao động chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên. Như vậy, nếu người lao động mới làm 11 tháng thì sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

2. Nghỉ Việc 3 Tháng Có Được Hưởng Bảo Hiểm Thất Nghiệp Không?

Theo quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định thì sau 3 tháng kể từ ngày nghỉ việc, người lao động sẽ không được xét hưởng trợ cấp thất nghiệp trong đợt nghỉ việc đó.

3. Đóng Bảo Hiểm Thất Nghiệp Không Liên Tục Có Được Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp Không?

Căn cứ theo Điều 45 Luật Việc làm 2013 được hướng dẫn bởi Điều 12 Nghị định 28/2015/NĐ-CP: "Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục...". Như vậy, dù không đóng bảo hiểm liên tục, nhưng chỉ cần đủ điều kiện đóng bảo hiểm từ 12 tháng trở lên là người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: