Bạn có một công việc hay một nghề nghiệp? Sự khác biệt giữa công việc và nghề nghiệp là gì? Hãy cùng JobsGO tìm ra câu trả lời trong bài viết sau.
Mục lục
Tại sao cần phân biệt công việc và nghề nghiệp?
Hiểu được sự khác biệt giữa công việc và nghề nghiệp giúp bạn đưa ra lựa chọn tốt hơn khi thay đổi công việc, công ty và ngành. Tùy theo mục tiêu trong cuộc sống của bạn là gì, bạn có thể quyết định nhận một công việc chỉ đơn thuần là công việc hay một công việc là một phần của sự nghiệp.
Nói một “triết học”, thì công việc tập trung vào các hoạt động, được yêu cầu bởi một công ty hoặc khách hàng. Trong khi đó, nghề nghiệp tập trung vào chủ thể, đó là bạn. Một số người làm nhiều công việc để tạo nên sự nghiệp. Ngược lại, một số người khác chỉ làm việc với mục tiêu duy nhất là kiếm tiền.
Vậy công việc và sự nghiệp khác nhau như thế nào?
Thuật ngữ công việc và nghề nghiệp thường được sử dụng trong cùng một ngữ cảnh, nhưng chúng thực sự có ý nghĩa khác nhau. Trong khi cả hai đều tập trung vào cách bạn kiếm tiền, có nhiều sự khác biệt hơn bạn có thể nhận ra.
Công việc mang tính định hướng ngắn hạn và có xu hướng tập trung hoàn toàn vào việc kiếm tiền. Ngược lại, nghề nghiệp là một chuỗi các công việc có liên quan trong một lĩnh vực cụ thể giúp bạn kiếm tiền, nâng cao chất lượng cuộc sống và đạt được danh tiếng.
Chúng ta hãy xem xét sâu hơn sự khác biệt giữa hai thuật ngữ này.
Công việc là gì?
Công việc là những điều bạn làm để kiếm tiền. Nó có thể gắn liền với ngành học, sở thích, ước mơ của bạn hoặc không. Hầu hết các công việc mang tính ngắn hạn và tập trung vào việc hoàn thành nhiệm vụ.
Bạn hãy cùng JobsGO xem xét một ví dụ cụ thể để hiểu được điều này:
Mai tốt nghiệp ngành Tài chính – Ngân hàng, nhưng sau khi ra trường, cô không thể tìm được một công việc đúng ngành. Vì thế, cố đã làm xin làm nhân viên kinh doanh bất động sản trong 6 tháng. Sau đó, cô chuyển sang làm lễ tân tại khách sạn 4 tháng. Hiện nay, cô đang làm Sale Admin được 3 tháng. Nhân viên kinh doanh, Lễ tân và Sale Admin được coi là các công việc mà Mai làm. Chúng không phải sự nghiệp, vì những việc cô làm chỉ nhằm mục đích kiếm tiền. Sau khi nghỉ việc, cô lập tức chuyển sang một công việc mới, thay vì xin vào làm cùng vị trí đó ở một công ty khác. |
Nghề nghiệp là gì?
Nghề nghiệp được coi là công việc cả đời của một người. Và nếu công việc bạn làm không thay đổi dù bạn thay đổi công ty thì nó sẽ được coi là nghề nghiệp.
Nghề nghiệp mang tính dài hạn hơn và đòi hỏi bạn phải học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ để được tăng lương và thăng chức.
Một người có nghề nghiệp có ý định và nỗ lực để đạt được mục tiêu cá nhân của họ.
Xem xét ví dụ để hiểu hơn về nghề nghiệp:
Nam là đầu bếp của một nhà hàng Ý. Anh ấy không quá hào hứng với công việc hiện tại của mình. Nam mê ẩm thực Nhật Bản và muốn mở một nhà hàng sushi Nhật trong tương lai. Vì thế, chỉ sau một năm làm việc tại nhà hàng Ý, anh xin nghỉ và tiếp tục làm đầu bếp ở 2 nhà hàng khác. Sau đó, anh ấy sang Nhật Bản 2 năm để học cách làm sushi. Anh trở về Việt Nam và làm phụ bếp trong một nhà hàng Nhật. Thu nhập của anh ấy vẫn giống cách đây 2 năm. Mặc dù thu nhập không tăng, nhưng Nam có thể có một sự nghiệp trong trường hợp này. Vì anh ấy xác định được mục tiêu và tìm cách để hoàn thành mục tiêu nghề nghiệp của mình. Mặc dù con đường nghề nghiệp của anh không suôn sẻ và liền mạch. Nhưng những lựa chọn mà anh ấy đưa ra, những công việc khác nhau mà anh ấy đảm nhận và thời gian nghỉ ngơi để học những kỹ năng mới, tất cả đều hướng đến việc hoàn thành mơ ước mở quán sushi trong tương lai. |
5 bước giúp bạn biến một công việc thành một nghề nghiệp
Bạn nên làm gì khi muốn biến công việc thành nghề nghiệp?
Bước 1: Xác định mục tiêu nghề nghiệp
Điều đầu tiên cần làm là xác định mục tiêu nghề nghiệp mà bạn muốn đạt được. Để làm được điều này, đôi khi bạn sẽ phải trải qua nhiều công việc khác nhau trước khi tìm ra điều bạn thực sự yêu thích và muốn theo đuổi.
Bước 2: Phát triển kỹ năng
Khi bạn đã xác định được nghề nghiệp lý tưởng của mình, bạn nên suy nghĩ về những kỹ năng hoặc nguồn lực bạn cần để đạt được những mục tiêu đó.
Điều bạn cần làm là tham gia các khóa đào tạo (nếu cần) để có kiến thức và kỹ năng phù hợp. Bạn cũng có thể tham gia vào các group liên quan đến lĩnh vực bạn quan tâm và đặt câu hỏi. Những người làm trong lĩnh vực đó sẽ cho bạn nhiều lời khuyên hữu ích.
Bước 3: Trở thành thực tập sinh
Nếu công việc hiện tại của bạn không thuộc lĩnh vực nghề nghiệp bạn mong muốn, bạn nên cân nhắc trở thành thực tập sinh để được học hỏi và cọ xát công việc thực tế. Khi đi thực tập, bạn sẽ được làm việc cùng các anh chị có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề và được học hỏi từ họ rất nhiều điều bổ ích.
Bước 4: Tìm kiếm một người cố vấn
Nếu bạn nghiêm túc về việc biến công việc thành nghề nghiệp, bạn nên tìm kiếm ít nhất một người cố vấn có thể hỗ trợ bạn.
Một người cố vấn lý tưởng sẽ là người lâu năm trong nghề và có nhiều kinh nghiệm.
Bước 5: Xây dựng mạng lưới mối quan hệ trong ngành
Bạn nên tham gia vào các hội nhóm và làm quen với những người làm trong lĩnh vực mà bạn quan tâm. Khi trở thành bạn bè, họ có thể cho bạn những sự trợ giúp tuyệt vời để bạn phát triển sự nghiệp của mình.
Kết luận
Dù có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng bạn nên cố gắng biến công việc thành nghề nghiệp. Lý do là bởi, một công việc có thể bị lấy đi; nhưng một nghề nghiệp thì không.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)