Có một câu chuyện vui mà tôi và những người bạn vẫn thường kể cho nhau nghe:
Một cậu bé hỏi Thượng đế: “Thưa ngài, 1 vạn năm đối với ngài mà nói dài bao lâu ạ?”
Thượng đế trả lời: “Giống như 1 phút.”
Đứa trẻ lại hỏi: “100 vạn yên đối với ngài là bao nhiêu tiền ạ?”
Thượng đế trả lời: “Giống như 1 tệ vậy.”
Đứa trẻ lại tiếp tục hỏi: “Vậy ngài có thể cho cháu 1 tệ được không?”
Thượng đế đáp lại: “Đương nhiên là được, chỉ cần cháu trả lại cho ta 1 phút.”
Khi đọc câu chuyện trên, bạn ấn tượng với điều gì? Tính khôn lỏi của cậu bé hay sự hóm hỉnh của Thượng đế? Với tôi, cuộc đối thoại giữa cậu bé với Thượng đế hay cũng chính là cuộc đối thoại giữa một nhân viên làm công ăn lương với chính cuộc đời mình: Khao khát có được thành công nhưng lại chưa biết cái giá phải trả là gì.
Trên đời không có gì là bữa ăn miễn phí, mọi sự việc đều có cái giá của nó.
Rất nhiều người, kể cả bản thân tôi, cũng từng giống như cậu bé trên, chỉ biết nhìn vào thành tích mà không thấy vào sự cố gắng phía sau. Bạn biết không, sự thật là thành công cũng giống như nguyên lí Tảng băng trôi của Earnest Hemingway: Càng đạt đến đỉnh cao, bản thân lại càng phải nỗ lực phấn đấu.
Cái giá đầu tiên để đạt được thành công chính là thời gian.
Khi mới bắt đầu đi làm, tôi vẫn còn là một sinh viên xanh vỏ đỏ lòng, ngây thơ nghĩ rằng chỉ cần nỗ lực trong vài tháng đầu thì ngay lập tức sẽ trở thành một người có tiếng trong ngành. Cuối cùng, dù cố gắng rất vất vả, thức ngày cày đêm, đọc thêm nhiều tài liệu mà vị trí ngành nghề đòi hỏi thì tôi những gì tôi biết chỉ đơn giản là những khái niệm, đòi hỏi cơ bản của công việc mình làm. Sau ngày hôm đó, tôi nhận ra những người đạt đến đỉnh cao của bất cứ ngành nghề nào đã phải bỏ ra bao nhiêu thời gian để tôi luyện bản thân. Họ phải mất đến hàng chục năm để trở thành một người được kính trọng và ngưỡng mộ. Vậy thì tôi ở thời điểm mới bắt đầu, một sinh viên chân ướt chân ráo mới ra trường, có tư cách gì mà nghĩ mình có thể đứng ngang hàng với họ?
Trong thời gian 24 tiếng một ngày, toàn bộ thời gian đều được những người thành công kiểm soát một cách chặt chẽ. Donald Trump để có thể quản lí đế chế tỷ đô của mình, hàng ngày đều phải dậy lúc 5 giờ sáng, liên tục kiểm tra hiệu suất nhân lực, giải quyết vấn đề còn tồn kho trong công việc, gặp gỡ những đối tác mới, đối mặt với những vụ kiện tụng có thể xảy ra (Vì ổng là Trump, ai mà không muốn kiện chứ). Áp lực của những người thành công lớn hơn nhiều so với người bình thường, bởi vậy, khối lượng công việc họ hoàn thành trong một khoảng thời gian nhất định cũng ấn tượng hơn rất nhiều.
Sự thật là để thành công, người ta phải dành hầu hết thời gian của mình để cống hiến cho công việc. Những việc làm, thú vui tầm phào bên ngoài, dù chỉ tiêu tốn tầm 5 phút cũng khiến họ cảm thấy vô cùng hoang phí thời gian.
Có nhiều thời gian chưa đủ, để thành công còn cần đầu tư rất rất nhiều sức lực. Sức lực ở đây không chỉ có nghĩa sức bền về mặt thể chất, mà còn là sức bền về mặt tinh thần.
Dù không bao giờ là quá muộn để bắt đầu, nhưng không phải ngẫu nhiên khi người ta vẫn thường nói quá trình 20-30 tuổi là khoảng thời gian quan trọng trong việc xây dựng sự thành công. Tại sao lại là 20-30 tuổi? Vì khi đó bạn đang còn nhiều sức lực, hoài bão nhất. Tuổi 20, bạn còn có thể thức đến hai giờ sáng dán mắt vào vi tính. Tuổi 20, bạn còn sẵn sàng gánh thêm việc sau giờ làm mà không than vãn. Nhưng sau 30, bạn không thể làm thế nữa. Sự thật là ai rồi cũng sẽ phải đối mặt với một cơ thể rã rời, một tinh thần già cỗi, nhiều toan tính cuộc đời hơn trước.
Thành công không phải cuộc chạy đua sức lực 100 mét, đấy là một cuộc marathon. Theo thời gian, càng có nhiều kinh nghiệm, bạn càng dễ thành công, đồng nghĩa với việc khối lượng công việc bạn phải đối mặt ngày càng lớn. Vậy bạn phải chuẩn bị bản thân về mặt thể chất. Luôn giữ cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, một tinh thần lành mạnh, tích cực. Áp lực ngày càng nhiều, bạn sẽ phải càng mạnh mẽ.
Cái giá cuối cùng, cũng chính là yêu cầu khó nhằn nhất – Lòng nhẫn nại.
Bạn có sẵn sàng đợi 1 vạn năm để được 100 vạn yên không? À đừng hiểu nhầm, tôi không bắt bạn phải đợi đến 1 vạn năm đâu. Theo tôi biết thì chưa ai sống đến được từng đó thời gian. Ý tôi là: Bạn có thể kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình không? Và bạn có thể kiên trì đến bao lâu?
Suốt quá trình theo đuổi thành công, con đường của bạn không phải lúc nào cũng đầy hoa hồng. Sẽ có những lúc khó khăn bủa vây, dường như bạn không có một ai bên cạnh đưa tay hỗ trợ giúp đỡ. Bạn sẽ phải đối diện nhiều câu hỏi về bản thân: Mình đã đưa ra một lựa chọn đúng? Mình có thực sự có năng lực không? Tại sao không có ai bên cạnh giúp đỡ mình?
Ngay cả lúc đạt được thành công, tức có một giải thưởng, được nhiều người biết đến hơn, bạn cũng còn phải cố gắng hơn nữa. Người thành công không phải người chỉ tạo một sản phẩm xuất sắc. Người thành công là người liên tiếp tạo ra được nhiều sản phẩm như thế. Bạn phải liên tục khiến người khác choáng ngợp với những cống hiến không ngừng nghỉ của mình. Liệu bạn có đủ sức mạnh để tạo ra một chuỗi thành công như vậy?
Những bài học về sự thành công không phải hiếm, nhưng không có nghĩa chúng không liên tục cung cấp những khía cạnh mới về sự thành công. Qua cuộc đối thoại với Thượng đế, JobsGO hi vọng bạn đọc có thể khắc sâu 3 bài học quý giá cần nhớ để đạt được trái ngọt trong cuộc đời này. Đừng bao giờ cố gắng tô hồng đỉnh vinh quang, điều gì cũng có cái giá của nó. Hãy luôn chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi đầy phong ba bão táp này nhé!
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)