Phụ Cấp Thu Hút Là Gì? 3 Điều Kiện Để Nhận Phụ Cấp Thu Hút

Đánh giá post

Nhằm động viên, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức chấp nhận làm việc tại những nơi có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, Đảng và Nhà nước ta luôn kịp thời có chế độ đãi ngộ cùng các khoản trợ cấp phù hợp. Một trong số đó là phụ cấp thu hút. Vậy phụ cấp thu hút là gì? Cách tính các khoản phụ cấp thu hút như thế nào? Cùng JobsGO tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

1. Phụ Cấp Thu Hút Là Gì? Đối Tượng Được Hưởng Phụ Cấp Thu Hút

Phụ cấp thu hút là một khoản tiền được trả thêm ngoài lương cơ bản nhằm khuyến khích và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng đến công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Mục đích chính của phụ cấp này là tạo động lực và hỗ trợ tài chính cho những người sẵn sàng làm việc trong môi trường thách thức.

Khoản 2 Điều 1 Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định, các đối tượng được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Phụ Cấp Thu Hút Là Gì? Đối Tượng Được Hưởng Phụ Cấp Thu Hút

Về đối tượng được hưởng phụ cấp thu hút, Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định bao gồm các nhóm:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ trung ương đến xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (bao gồm cả trường hợp điều động, biệt phái, luân chuyển và không phân biệt người địa phương với người nơi khác đến) đã được xếp lương theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định, đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, gồm:

1. Cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người tập sự) trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ trung ương đến cấp xã;

2. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;

3. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;

4. Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân;

5. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu;

6. Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

Việc áp dụng phụ cấp thu hút thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các khu vực khó khăn. Quy định này không chỉ giúp cải thiện thu nhập mà còn góp phần ổn định cuộc sống, tạo điều kiện để họ yên tâm công tác và cống hiến lâu dài cho địa phương.

Xem thêm: Các chính sách ưu đãi, chính sách phụ cấp giúp giữ chân nhân viên

2. Điều Kiện Để Được Hưởng Phụ Cấp Thu Hút

Để được hưởng phụ cấp thu hút, bạn phải đáp ứng được các điều kiện quy định về đối tượng (vị trí công tác) như đã nêu ở trên, thời gian làm việc và địa điểm cụ thể như sau:

Về địa điểm làm việc, khoản 2 Điều 1 Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định đối tượng được hưởng phụ cấp thu hút phải công tác tại những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm:

  • Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1;
  • Các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
  • Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,… (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Về thời gian làm việc, đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải có thời gian làm việc thực tế tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn không quá 5 năm (tương đương 60 tháng).

Xem thêm: 7 điều người lao động cần biết về lương tháng 13

3. Thời Gian Hưởng Phụ Cấp Thu Hút

Thời Gian Hưởng Phụ Cấp Thu Hút

Để được hưởng phụ cấp thu hút, bạn phải có một thời gian nhất định công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đáp ứng các yêu cầu sau đây:

  • Thời gian làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội;
  • Thời gian làm việc trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và cơ yếu.

Vậy có những quy định nào để tính thời gian hưởng phụ cấp thu hút? Căn cứ Điều 13, Nghị định 76/2019/NĐ-CP, ta có cách xét thời gian được hưởng phụ cấp thu hút như sau:

2. Cách tính thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn:

a) Tính theo tháng:

Trường hợp có từ 50% trở lên thời gian trong tháng thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo chế độ làm việc do cơ quan có thẩm quyền quy định thì được tính cả tháng; trường hợp có dưới 50% thời gian trong tháng thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì không tính;

Đối với nhà giáo đạt từ 50% định mức giờ giảng trong tháng trở lên thì được tính cả tháng; thời gian nghỉ hè được hưởng lương đối với nhà giáo theo chế độ quy định của cơ quan có thẩm quyền thì được tính hưởng phụ cấp thu hút và phụ cấp ưu đãi theo nghề.

b) Tính theo năm:

Dưới 03 tháng thì không tính;

Từ đủ 03 tháng đến đủ 06 tháng thì được tính bằng 1/2 (một phần hai) năm công tác;

Trên 06 tháng thì được tính bằng 01 năm công tác.

3. Thời gian không được tính hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định này, gồm:

a) Thời gian đi công tác, làm việc, học tập không ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ 01 tháng trở lên;

b) Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

c) Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

d) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác, thời gian bị tạm giữ, tạm giam.

4. Cách Tính Phụ Cấp Thu Hút

Căn cứ Mục II, Thông tư liên tịch 10/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC, mức và thời gian hưởng phụ cấp thu hút được quy định:

  • Phụ cấp thu hút gồm 4 mức: 20%, 30%, 50% và 70% so với mức lương hiện hưởng (theo ngạch, bậc, chức vụ, chuyên môn, nghiệp vụ) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
  • Thời gian hưởng phụ cấp thu hút được xác định trong khung thời gian từ 3 năm đến 5 năm đầu khi các đối tượng quy định tại điểm 1 mục I Thông tư này đến làm việc ở nơi được hưởng phụ cấp thu hút.
  • Mức phụ cấp và thời gian hưởng phụ cấp thu hút tuỳ thuộc vào thực tế điều kiện sinh hoạt khó khăn dài hay ngắn của từng vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế và đảo xa đất liền.

4.1 Công Thức Tính Phụ Cấp Thu Hút

Mục II.2 của Thông tư cũng quy định công thức tính phụ cấp thu hút như sau:

Mức tiền phụ cấp thu hút = Mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) x Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng

Cụ thể, mức áp dụng cho các nhóm đối tượng được quy định theo bảng dưới đây:

Mức phụ cấp Đối tượng áp dụng
Mức 0,5 tương đương phụ cấp 900.000 đồng/tháng Người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm.
Mức 0,7 tương đương phụ cấp 1.260.000 đồng/tháng. Người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm
Mức 1,0 tương đương phụ cấp 1.800.000 đồng/tháng. Công chức, viên chức có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.
Trợ cấp lần đầu Công chức viên chức, lần đầu về công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

4.2 Mức Lương Hiện Hưởng

Mức lương = Hệ số x Mức lương cơ sở

Trong đó:

  • Hệ số: Căn cứ vào từng ngạch công chức cụ thể sẽ được hưởng hệ số khác nhau (Hệ số cụ thể của từng ngạch công chức được nêu tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP);
  • Mức lương cơ sở: Căn cứ Nghị định 24/2023/NĐ-CP, mức lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức từ 01/7/2023 trở đi là 1,8 triệu đồng/tháng.

4.3 Phụ Cấp Chức Vụ Lãnh Đạo

Theo quy định tại Thông tư 02/2005/TT-BNV, phụ cấp chức vụ lãnh đạo được tính theo công thức:

Phụ cấp chức vụ lãnh đạo = Hệ số x Mức lương cơ sở

4.4 Phụ Cấp Thâm Niên Vượt Khung

Theo Thông tư 04/2005/TT-BNV, mức hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính như sau:

Mức hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung = 5% mức lương của bậc lương cuối cùng

Từ năm thứ 4 trở đi, mỗi năm đủ hai tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên được tính hưởng thêm 1%.

Xem thêm: Back Pay là gì? Những trường hợp bạn được nhận Back Pay

5. Hồ Sơ Đề Nghị Hưởng Phụ Cấp Thu Hút Gồm Những Gì?

Hồ sơ đề nghị áp dụng phụ cấp thu hút, gồm:

  • Công văn đề nghị của Thủ trưởng Bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước.
  • Thuyết minh điều kiện xác định phụ cấp thu hút, đề nghị mức phụ cấp thu hút và thời gian áp dụng phụ cấp thu hút.
  • Dự tính số đối tượng và quỹ chi trả phụ cấp thu hút, trong đó tính riêng phần thuộc ngân sách nhà nước chi trả (nếu có).

6. Cách Chi Trả Phụ Cấp Thu Hút

Cách Chi Trả Phụ Cấp Thu Hút

Mục II.3 Thông tư liên tịch 10/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC quy định cách trả phụ cấp thu hút:

3. Cách trả phụ cấp:

a. Phụ cấp thu hút được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

b. Nguồn kinh phí chi trả phụ cấp thu hút.

b.1. Đối với các cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, phụ cấp thu hút do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị.

b.2. Đối với cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ tài chính, phụ cấp thu hút do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ.

b.3. Đối với các công ty nhà nước, phụ cấp thu hút được tính vào đơn giá tiền lương và hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh.

Có thể thấy, phụ cấp thu hút không chỉ là một khoản hỗ trợ mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến những người mong muốn cống hiến cho Tổ quốc tại những vùng đặc biệt khó khăn. Hy vọng bài viết trên đây của JobsGO đã giúp bạn giải đáp câu hỏi phụ cấp thu hút là gì, cách tính ra sao, để bạn có được cái nhìn toàn diện nhất về chính sách của Nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.

Câu hỏi thường gặp

1. Phụ Cấp Thu Hút Do Ai Trả?

Theo quy định, đơn vị mà đối tượng được hưởng phụ cấp thu hút sẽ tự chi trả mức phụ cấp này cho công chức, viên chức, người lao động.

2. Phụ Cấp Có Tính Thuế TNCN Không?

Phụ cấp thu hút không tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Nhà nước. Các khoản phụ cấp tính thuế TNCN là các khoản phụ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp hướng dẫn áp dụng đối với khu vực Nhà nước.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: