Người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam luôn là một trong những đối tượng được đặc biệt quan tâm. Và chế độ bảo hiểm dành cho những đối tượng này là vấn đề được quan tâm nhiều hơn cả. Vậy chế độ bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài ở Việt Nam có điều gì cần lưu ý. Hãy khám phá cùng JobsGO ngay.
Mục lục
Người nước ngoài: Điều kiện được tham gia bảo hiểm xã hội?
Tuy là một trong những đối tượng được quan tâm đặc biệt nhưng không phải người nước ngoài nào làm việc tại Việt Nam cũng sẽ đủ điều kiện đóng và hưởng bảo hiểm xã hội.
Theo đó, những người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được áp dụng bảo hiểm xã hội cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Người nước ngoài tham gia lao động, làm việc tại Việt Nam phải đủ điều kiện tham gia các giao dịch dân sự, đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự.
- Người nước ngoài đủ điều kiện tham gia hợp đồng lao động theo quy định của Luật Lao động Việt Nam.
- Người lao động nước ngoài tại Việt Nam có giấy phép hành nghề hoặc giấy phép lao động đối với các ngành nghề yêu cầu giấy phép bắt buộc theo quy định pháp luật.
- Người nước ngoài thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
- Người vẫn đang trong độ tuổi lao động.
? Xem thêm: Quy định thanh lý bảo hiểm xã hội mới nhất 2021
Mức đóng bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài
Mức đóng của bảo hiểm xã hội dành cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định như sau.
Đối với người lao động nước ngoài
Người lao động nước ngoài đều đặn hàng tháng trích 8% tiền lương để nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài với chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Tuy nhiên, chỉ các tháng làm việc đầy đủ số ngày quy định mới phải trích lương đóng quỹ bảo hiểm. Các tháng không làm việc, vắng và không hưởng lương từ 14 ngày sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, khoảng thời gian này cũng không được tính bảo hiểm xã hội (trừ trường hợp đang hưởng chế độ thai sản. Các tháng tiếp theo làm việc đầy đủ sẽ tiếp tục đóng theo số % đã quy định của pháp luật.
? Xem thêm: Người có 2 sổ bảo hiểm xã hội được giải quyết như nào?
Đối với người sử dụng lao động nước ngoài
- 3% quỹ lương hàng tháng đóng bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài với chế độ ốm đau hoặc thai sản.
- 0.5% quỹ lương hàng tháng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức cố định đối với bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Theo quy định của pháp luật, tùy thuộc theo các mức độ nguy hiểm, khả năng mắc các bệnh do tính chất của công việc mà % bảo hiểm sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
- 14% mức lương hàng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Trong đó, quỹ hưu trí sẽ là khoản tiền người lao động nhận được sau khi kết thúc thời hạn lao động theo hợp đồng lao động. Chế độ tử tuất áp dụng sau khi người lao động qua đời bao gồm chi phí mai táng, hỗ trợ cho người lao động và thân nhân,…
Toàn bộ hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải viết bằng Tiếng Việt. Nếu không có bản Tiếng Việt mà chỉ có bản tiếng nước ngoài do cơ quan nước ngoài cấp thì cần dịch ra Tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bản chứng thực Tiếng Việt có hiệu lực trong thời hạn đóng bảo hiểm, giải quyết và xử lý tranh chấp phát sinh sau này.
? Xem thêm: Bảo hiểm xã hội chế độ thai sản – Quy định mới 2021
Chế độ khi tham gia BHXH cho người nước ngoài
Tương tự như lao động trong nước, khi tham gia BHXH bắt buộc, lao động nước ngoài sẽ được hưởng 05 chế độ như sau:
Chế độ ốm đau
* Thời gian hưởng chế độ ốm đau:
– Tối đa 60 ngày nếu làm việc trong điều kiện bình thường;
– Tối đa 70 ngày nếu làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
– Tối đa 180 ngày nếu mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;
– Trường hợp hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong năm mà chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
* Mức hưởng chế độ ốm đau:
Lao động nước ngoài ốm đau được hưởng tối đa 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Chế độ thai sản
* Thời gian hưởng chế độ thai sản:
– Khi có thai: nghỉ 05 ngày đi khám thai;
– Khi thai có vấn đề: Nghỉ tối đa 50 ngày;
– Khi sinh con: Nghỉ 06 tháng;
– Khi tránh thai: Nghỉ đến 15 ngày.
* Mức hưởng chế độ thai sản:
– Tiền trợ cấp một lần: 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;
– Tiền thai sản hàng tháng: 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc.
Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
* Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
– Trợ cấp một lần (suy giảm từ 5% – 30%): Suy giảm 5% được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
– Trợ cấp hàng tháng (suy giảm từ 31% trở lên): Suy giảm 31% được hưởng 30% mức lương cơ sở, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
* Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình:
Tùy theo tình trạng thương tật tổn thương chức năng hoạt động của cơ thể.
* Trợ cấp phục vụ (ngoài khoản trợ cấp hàng tháng):
Mức hưởng bằng mức lương cơ sở nếu bị suy giảm từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống, mù hai mắt, cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần.
* Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật:
– Được nghỉ tối đa 10 ngày;
– Được hưởng 25% mức lương cơ sở/ngày nếu nghỉ tại gia đình; 40% mức lương cơ sở/ngày nếu nghỉ tại cơ sở tập trung.
* Trợ cấp khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
Trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.
Chế độ hưu trí
* Lương hưu hàng tháng:
Lương hưu = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
* Trợ cấp một lần (đối với người có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%):
Mức trợ cấp tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
* BHXH một lần (áp dụng với một số trường hợp nhất định):
Mức hưởng tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Chế độ tử tuất
* Trợ cấp mai táng:
Mức trợ cấp bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động chết.
* Trợ cấp tuất hàng tháng (áp dụng đối với một số trường hợp nhất định):
Mức trợ cấp đối với mỗi thân nhân của người đóng BHXH bằng 50% mức lương cơ sở. Trong trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp bằng 70% mức lương cơ sở.
* Trợ cấp tuất một lần:
– Đối với người đang hưởng lương hưu chết:
+ Nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì được 48 tháng lương hưu đang hưởng;
+ Nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.
– Đối với các trường hợp còn lại, cứ mỗi năm đóng BHXH tính bằng:
+ 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;
+ 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Kết
Hy vọng các thông tin chia sẻ về bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài tại Việt Nam trên có thể hữu ích với bạn. Nếu còn thắc mắc, bạn có thể để lại câu hỏi phía dưới để được giải đáp kịp thời. Và đừng quên theo dõi JobsGO để không bỏ lỡ các thông tin về tuyển dụng lao động, nhân sự, bảo hiểm,… hấp dẫn.
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)