Hợp Đồng Học Việc Là Gì? Quyền, Nghĩa Vụ Của Người Lao Động Trong Hợp Đồng Học Việc

Hiểu đúng hợp đồng học việc là gì?

Đánh giá post

Hợp đồng học việc thường được ký kết trước hợp đồng chính thức. Đây là quá trình đào tạo người lao động, giúp họ thích nghi với kỹ thuật, máy móc. Vậy bạn đã biết, đã hiểu gì về loại hợp đồng này? Hãy dành chút thời gian cùng JobsGO tìm hiểu trong bài viết.

1. Hợp Đồng Học Việc Là Gì?

Căn cứ theo Bộ luật lao động (năm 2019) cùng những văn bản hướng dẫn đi kèm thì hiện nay chưa có quy định nào cụ thể về hợp đồng học việc. Thế nhưng nếu xem xét kỹ lưỡng về bản chất và tính chất của quá trình học việc thì nó cũng có những điểm gần giống so với học nghề. Mục đích cuối cùng của hai hình thức này là đào tạo cho người lao động làm quen với công việc, máy móc, thiết bị để họ có thể vận dụng hoàn thành công việc được giao.

Hiểu đúng hợp đồng học việc là gì?

Chính vì thế mà hợp đồng này được xem như là một dạng của hợp đồng học nghề. Theo đó, nó là sự thoả thuận giữa chủ doanh nghiệp và người lao động về quyền và nghĩa vụ.

Xem thêm: Hợp đồng thử việc: 8 lưu ý quan trọng bạn không nên bỏ qua!

2. Nội Dung Của Hợp Đồng Học Việc

Nội dung của hợp đồng học việc thường bao gồm các điều khoản sau:

  • Thông tin về các bên: Ghi rõ thông tin của người sử dụng lao động và người học việc (họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số CCCD).
  • Thời gian học việc: Xác định rõ thời gian bắt đầu và kết thúc của quá trình học việc.
  • Nội dung công việc: Mô tả chi tiết công việc mà người học việc sẽ thực hiện, bao gồm các kỹ năng cần học, nhiệm vụ cụ thể.
  • Quyền lợi và nghĩa vụ: Quy định quyền lợi của người học việc (chế độ lương, thưởng, nghỉ ngơi) và nghĩa vụ của họ (tuân thủ nội quy, học tập nghiêm túc).
  • Chế độ lương, thưởng: Ghi rõ mức lương, thưởng hoặc trợ cấp (nếu có) mà người học việc nhận được trong thời gian học việc.
  • Thời gian làm việc và nghỉ ngơi: Quy định rõ thời gian làm việc hàng ngày, số giờ làm việc trong tuần, thời gian nghỉ ngơi.
  • Chấm dứt hợp đồng: Điều khoản về các trường hợp chấm dứt hợp đồng học việc, quy định về thông báo trước và trách nhiệm của các bên khi chấm dứt.
  • Điều khoản bảo mật: Nếu có, hợp đồng có thể bao gồm điều khoản về việc bảo mật thông tin mà người học việc được tiếp cận.
  • Các điều khoản khác: Các thỏa thuận khác giữa hai bên mà không vi phạm pháp luật lao động.
  • Cam kết của các bên: Xác nhận rằng cả hai bên đồng ý với các điều khoản trong hợp đồng và ký tên xác nhận.

3. Các Công Ty Có Được Ký Hợp Đồng Học Việc Với Lao Động Không?

Vậy doanh nghiệp có được phép ký kết hợp đồng học việc hay không? Đây vẫn còn là một ẩn số với nhiều người. Trong nội dung phần này, JobsGO sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề đó.

Điều 16 trong Bộ luật lao động có quy định những người học nghề cho chủ lao động cũng là đối tượng mà về sau chủ sử dụng lao động tuyển dụng làm việc. Để giao kết hợp đồng này với lao động, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng các điều kiện như sau:

  • Mục đích của việc giao kết hợp đồng là đào tạo nghề cho lao động tại nơi làm việc.
  • Doanh nghiệp chỉ được phép tuyển dụng người học việc từ đủ 14 tuổi trở lên. Nếu nghề đó nằm trong danh mục nghề độc hại, nguy hiểm, nặng nhọc được Bộ lao động – thương binh xã hội quy định thì doanh nghiệp chỉ được tuyển người từ đủ 18 tuổi. Tuy nhiên sẽ ngoại trừ trường hợp người học việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
  • Doanh nghiệp chỉ được phép tuyển dụng người học việc đảm bảo yêu cầu về sức khoẻ phù hợp với công việc.
  • Doanh nghiệp và phía người học sẽ ký kết hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật.
  • Về phía doanh nghiệp sẽ không được thu học phí học việc. Pháp luật hiện nay tạo điều kiện và cho phép các doanh nghiệp có thể tuyển dụng người học việc, học nghề để phục vụ cho công việc về sau mà không nhất thiết phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Để được ký kết loại hợp đồng này doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ và đáp ứng toàn bộ điều kiện trên. Nếu như làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

>>>Tìm hiểu thêm: Hợp đồng khoán việc là gì?

Các công ty có được ký hợp đồng học việc với lao động không?

4. Nghĩa Vụ, Quyền Hạn Của Người Học Việc

Khi ký kết hợp đồng học việc, người lao động có những quyền, nghĩa vụ sau:

4.1 Nghĩa Vụ Của Người Học Việc

  • Tuân thủ nội quy lao động: Người học việc phải tuân thủ các quy định, nội quy của nơi học việc, bao gồm giờ giấc làm việc, quy định an toàn lao động và các yêu cầu về kỷ luật.
  • Hoàn thành chương trình học việc: Người học việc phải tham gia đầy đủ các buổi học, thực hành và hoàn thành chương trình đào tạo theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
  • Giữ gìn tài sản: Bảo quản và sử dụng đúng cách các công cụ, thiết bị và tài sản của nơi học việc, tránh gây hư hỏng hoặc mất mát.
  • Bảo mật thông tin: Giữ bí mật các thông tin kinh doanh, công nghệ, các tài liệu mà người học việc tiếp cận trong quá trình học việc (nếu có quy định).

4.2 Quyền Hạn Của Người Học Việc

Học việc, học nghề là quá trình doanh nghiệp đang đào tạo người lao động, dạy cách làm việc với máy móc, kỹ thuật sao cho đáp ứng các yêu cầu. Chính vì đây là quá trình học nên nhiều người thắc mắc quyền lợi của hợp đồng học việc là gì?

Đối với người học việc cũng được hưởng các quyền lợi và được pháp luật bảo hộ. Cụ thể như sau:

  • Nếu trong quá trình học việc bạn có trực tiếp tham gia làm việc tạo ra thành phẩm, hoàn thành các nhiệm vụ người quản lý giao thì bạn vẫn được doanh nghiệp trả lương. Mức lương này do hai bên thỏa thuận từ trước trong hợp đồng. Bên cạnh đó bạn cũng có quyền được yêu cầu doanh nghiệp trả đúng và đủ số lương của mình.
  • Người học việc không cần phải đóng phí học, đào tạo nếu sau thời gian này bạn được tuyển dụng làm việc chính thức tại doanh nghiệp. Trong trường hợp đôi bên có thoả thuận trước về thời gian học, làm việc và phí bồi thường nếu vi người học vi phạm sẽ phải bồi thường học phí đào tạo cho công ty.
  • Bạn sẽ được doanh nghiệp tạo mọi điều kiện học thành thục kỹ năng nghề và thực hành.
  • Được phía doanh nghiệp đảm bảo về an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó bạn còn được trang bị đầy đủ thiết bị, máy móc làm việc.
  • Sẽ được ký kết hợp đồng làm việc chính thức sau khi hết học việc. Nhưng bạn cần đảm bảo đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.

>>>Xem thêm: Hợp đồng lao động thời vụ như thế nào?

Những quyền lợi của người lao động khi học việc

5. Mẫu Hợp Đồng Học Việc

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

HỢP ĐỒNG HỌC VIỆC 

Số:116/HĐHV

Hợp đồng học việc (Sau đây gọi tắt là “Hợp đồng”) này được lập ngày … tháng …. năm 20…. tại trụ sở chính của Công ty TNHH Phú Qúy giữa các bên sau đây:

BÊN A: CÔNG TY TNHH PHÚ QUÝ 

Đại diện: bà Vương Chiêu Quân 

Chức vụ: Giám đốc

Địa chỉ: số 23 đường R, Thành phố T

Mã số thuế: 2368942688

Số điện thoại: 013xxx132

BÊN B: BÀ TRỊNH LÊ BÍCH UYÊN 

Sinh ngày: 5/1/1998

Số CCCD: 0214xxxx0322 Cấp ngày 12/1/2020 tại CA tp T.

Địa chỉ thường trú: Số 4 đường Q, thành phố T.

Nơi ở hiện tại: Số 4 đường Q, thành phố T.

Số điện thoại: 012xxx326

Email: trinhlebichuyen98@gmail.com

Hai bên đã thỏa thuận và thống nhất các điều khoản của hợp đồng sau đây:

ĐIỀU 1: ĐỐI TƯỢNG CỦA HỢP ĐỒNG 

Bên A tuyển dụng học viên là Bên B vào vị trí học việc với nội dung chi tiết quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Hợp đồng này.

ĐIỀU 2. THỜI GIAN HỌC VIỆC

Bên A tạo điều kiện cho Bên B học việc theo Hợp đồng trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày …. tháng ….. năm 20…. đến ngày …. tháng …. năm 20….

ĐIỀU 3: CHẾ ĐỘ HỌC VIỆC

– Thời gian học: 40 giờ/ tuần (Từ thứ 2 đến thứ 6)

– Ca học:

  • Sáng: 08h00 đến 12h00
  • Chiều: 13h30 đến 17h30

ĐIỀU 4: CHI PHÍ TRỢ CẤP, PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN, THỜI HẠN THANH TOÁN TRỢ CẤP

4.1. Chi phí trợ cấp: 

– Bên B được trả trợ cấp trong quá trình học việc là 120.000 đồng/ca làm việc.

– Trong trường hợp Bên B làm thêm giờ thì sẽ được trả thêm tiền trợ cấp tính theo công thức: Mức tiền trợ cấp cho một giờ làm việc thêm sẽ bằng mức tiền trợ cấp của 1 giờ làm việc trong 1 ca làm việc bình thường. Cụ thể như sau:

  • Vào ngày thường, mức tiền trợ cấp bằng 130% mức tiền trợ cấp cho một giờ làm thêm
  • Vào ngày nghỉ hàng tuần, mức tiền trợ cấp bằng 160% mức tiền trợ cấp cho một giờ làm việc thêm
  • Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng trợ cấp, mức tiền trợ cấp bằng 200% mức tiền trợ cấp cho một giờ làm việc thêm.

4.2. Phương thức thanh toán:

– Bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản với thông tin người thụ hưởng trợ cấp như sau:

  • Chủ tài khoản: TRINH LE BICH UYEN
  • Ngân hàng thương mại cổ phần Z

4.3. Thời hạn thanh toán 

Bên A thanh toán trợ cấp học việc cho Bên B vào ngày 5 hàng tháng.

ĐIỀU 5: QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA BÊN B

5.1. Quyền lợi:

– Bên B được Bên A hướng dẫn và phân công công việc trong thời gian học việc.

– Bên B được quyền tham gia các khóa học chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho công việc do Bên A tổ chức hoặc cử đi tham gia.

– Bên B có quyền đề xuất, đóng góp ý kiến nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của mình trong quá trình học việc và xây dựng công ty ngày càng phát triển.

– Bên B được quyền nghỉ những ngày lễ, tết theo các quy định của pháp luật và nghỉ phép có hưởng trợ cấp tối đa là 2 ca/tháng.

– Sau khi kết thúc thời gian học việc, nếu Bên B hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và có mong muốn làm việc lâu dài tại công ty thì sẽ được Bên A xem xét, cân nhắc và ký hợp đồng lao động chính thức với Bên B.

5.2. Nghĩa vụ: 

– Chấp hành tuyệt đối các nghĩa vụ trong Hợp đồng, nội quy, quy chế của Công ty và quy định của Pháp luật.

– Thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các công việc được phân công và báo cáo kết quả công việc được giao cho người quản lý trực tiếp.

– Tham gia đầy đủ các khóa học nâng cao kỹ năng, chuyên môn mà công ty tổ chức

– Bồi thường thiệt hại khi Bên B gây ra thiệt hại theo nội quy, quy chế của Công ty và quy định của Bộ luật Lao động hiện hành.

ĐIỀU 6: QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA BÊN A

6.1. Quyền hạn:

– Yêu cầu Bên B thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn các công việc mà Bên A giao cho Bên B thực hiện

– Bên A có quyền xem xét và xử lý kỷ luật hoặc chấm dứt hợp đồng trong trường hợp Bên B vi phạm hợp đồng học việc, nội quy, quy chế công ty và theo quy định của pháp luật.

– Yêu cầu Bên B bồi thường thiệt hại khi Bên B gây ra thiệt hại theo nội quy, quy chế của Công ty và quy định của Bộ luật Lao động hiện hành.

6.2. Nghĩa vụ:

– Bên A tạo điều kiện thuận lợi cho Bên B được học tập và làm việc

– Thanh toán trợ cấp học việc cho Bên B đầy đủ và đúng thời hạn được quy định tại Điều 3 của Hợp đồng này.

ĐIỀU 7: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

– Hợp đồng này có hiệu lực kể từ thời điểm các Bên trong Hợp đồng ký tên.

– Hợp đồng này được lập thành 02 (hai) bản gốc có giá trị pháp lý ngang nhau. Mỗi bên giữ 01 bản gốc.

BÊN A BÊN B

Link tải: Mẫu hợp đồng học việc

Như vậy, với bài viết chia sẻ về hợp đồng học việc trên đây của JobsGO, rất mong đã giúp bạn tổng hợp được những thông tin cần thiết. Trước khi ký bất kỳ một hợp đồng nào bạn cần tìm hiểu thật rõ để bảo vệ quyền cá nhân nhé.

Câu hỏi thường gặp

1. Hợp Đồng Học Việc Có Phải Đóng Bảo Hiểm Không?

Theo quy định của pháp luật thì không quy định bảo hiểm xã hội phải bắt buộc đối với những người đang trong quá trình học việc. Thế nhưng với người học nghề theo hợp đồng với doanh nghiệp có thể được hỗ trợ đóng bảo hiểm.

2. Hợp Đồng Học Việc Có Phải Đóng Thuế TNCN?

Căn cứ theo Luật thuế thu nhập cá nhân, tiền lương của lao động trong thời gian thử việc hoặc học việc cũng thuộc thu nhập chịu thuế. Trong trường hợp tiền lương hoặc thu nhập có tính chất là tiền lương thì họ vẫn phải đóng thuế thu nhập theo đúng quy định của pháp luật.

3. Hợp Đồng Học Việc Được Ký Mấy Lần?

Hợp đồng học việc khác với hợp đồng thử việc. Theo quy định thì hợp đồng học việc sẽ được ký kết giữa doanh nghiệp và lao động nhiều lần cho đến khi đủ điều kiện ký hợp đồng chính thức thì thôi.

5. Khi Nào Có Thể Chấm Dứt Hợp Đồng Học Việc?

Hợp đồng học việc có thể chấm dứt khi kết thúc thời gian học việc, khi hai bên thỏa thuận chấm dứt hoặc khi một trong hai bên vi phạm điều khoản hợp đồng.

6. Sau Khi Học Việc Xong, Có Được Tuyển Dụng Chính Thức Không?

Việc tuyển dụng chính thức sau khi học việc phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên và hiệu quả làm việc của người học việc. Điều này cần được quy định rõ trong hợp đồng hoặc trong thỏa thuận riêng.

7. Có Thể Đơn Phương Chấm Dứt Hợp Đồng Học Việc Không?

Cả người học việc và người sử dụng lao động đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng học việc, nhưng cần phải tuân theo các điều khoản về thông báo trước và các điều kiện trong hợp đồng.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: