Trợ cấp thất nghiệp là chính sách hỗ trợ người lao động trong thời điểm khó khăn khi nghỉ việc. Để được hưởng, người lao động cần đáp ứng các điều kiện và thực hiện đúng quy trình theo quy định. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nắm rõ các quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về những điều cần biết khi hưởng trợ cấp thất nghiệp qua bài viết sau.
Mục lục
- 1. Trợ Cấp Thất Nghiệp Là Gì?
- 2. Điều Kiện Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp
- 3. Thời Gian Nộp Hồ Sơ Trợ Cấp Thất Nghiệp
- 4. Hồ Sơ, Thủ Tục Đề Nghị Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp
- 5. Mẫu Đơn Xin Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp
- 6. Mẫu Đơn Đề Nghị Chuyển Nơi Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp
- 7. Mức Hưởng, Thời Gian Và Thời Điểm Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp
- 8. Lưu Ý Về Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp Cho Người Lao Động
- Câu hỏi thường gặp
1. Trợ Cấp Thất Nghiệp Là Gì?
Trợ cấp thất nghiệp là một chế độ bảo hiểm xã hội nhằm hỗ trợ người lao động trong tình huống nghỉ việc. Khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động sẽ đóng một khoản phí hàng tháng. Nếu không may bị chấm dứt hợp đồng, người lao động sẽ được nhận một khoản tiền trợ cấp hàng tháng từ quỹ bảo hiểm này trong một thời gian nhất định. Mục đích của chế độ là giúp người lao động có thêm thời gian để tìm kiếm việc làm mới và duy trì cuộc sống ổn định trong giai đoạn khó khăn.
Theo quy định của pháp luật về việc làm, người tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hưởng bốn quyền lợi chính:
- Nhận khoản trợ cấp tài chính khi thất nghiệp.
- Nhận sự hỗ trợ trong việc tìm kiếm công việc mới thông qua tư vấn và giới thiệu việc làm.
- Được hỗ trợ để học nghề mới.
- Có cơ hội tham gia các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để duy trì việc làm.
2. Điều Kiện Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp
- Người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc một cách hợp pháp, trừ các trường hợp sau:
- Tự ý bỏ việc trái với quy định của pháp luật.
- Đã đến tuổi nhận lương hưu hoặc đang nhận trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
- Đảm bảo đủ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp: Thời gian này được quy định khác nhau tùy theo loại hợp đồng:
- Đối với hợp đồng không xác định thời hạn và có thời hạn: Phải đóng tối thiểu 12 tháng trong khoảng thời gian 24 tháng trước khi nghỉ việc.
- Đối với hợp đồng theo mùa vụ hoặc công việc ngắn hạn (3 – 12 tháng): Cần đóng tối thiểu 12 tháng trong khoảng thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng.
- Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm và chưa tìm được việc sau 15 ngày kể từ khi nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt sẽ không được xét hưởng trợ cấp như:
- Đang thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc công an.
- Đi học dài hạn (từ 12 tháng trở lên).
- Đang trong thời gian cải tạo, giáo dưỡng hoặc cai nghiện bắt buộc.
- Bị giam giữ hoặc đang thụ án tù.
- Định cư hoặc làm việc ở nước ngoài.
- Đã qua đời.
3. Thời Gian Nộp Hồ Sơ Trợ Cấp Thất Nghiệp
Sau khi kết thúc hợp đồng, người lao động có 3 tháng để nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, tại trung tâm dịch vụ việc làm ở địa phương nơi muốn nhận trợ cấp. Trong 1 số trường hợp, người lao động có thể ủy quyền cho người khác nộp hộ như:
- Khi đang bị bệnh hoặc thai sản (cần giấy xác nhận của cơ sở y tế).
- Sau khi gặp tai nạn (phải có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế).
- Gặp thiên tai như lũ lụt, động đất hoặc dịch bệnh (cần xác nhận của chính quyền địa phương).
4. Hồ Sơ, Thủ Tục Đề Nghị Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp
Khi người lao động có đủ điều kiện để làm hồ sơ, thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp để nhận trợ cấp thì cần chuẩn bị:
4.1 Hồ Sơ Đề Nghị Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp
Hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm:
- Đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu quy định).
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- Giấy tờ chứng minh việc chấm dứt hợp đồng, có thể là một trong các loại sau:
- Hợp đồng lao động/làm việc đã hết hạn.
- Quyết định cho thôi việc.
- Quyết định sa thải.
- Văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng.
4.2 Nộp Hồ Sơ Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp Ở Đâu?
Để tối ưu hóa quy trình giải quyết hồ sơ và tiết kiệm thời gian, cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) đã chuyển đổi sang hình thức nộp hồ sơ trực tuyến. Người lao động được yêu cầu thực hiện đăng ký và nộp hồ sơ qua hệ thống online trước. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt như gặp lỗi kỹ thuật, sự cố hệ thống hoặc vướng mắc trong quá trình kê khai thông tin, người lao động mới cần đến trực tiếp cơ quan BHXH để được cán bộ hướng dẫn và hỗ trợ xử lý.
Khi đó, cán bộ chuyên trách sẽ kiểm tra và xác định nguyên nhân lỗi, đồng thời lập biên bản ghi nhận sự cố kỹ thuật nếu cần thiết. Sau đó, hồ sơ sẽ được chuyển đến cơ quan BHXH để thẩm định lại toàn diện, bao gồm việc xem xét các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong vòng 5 ngày làm việc, BHXH sẽ đưa ra quyết định giải quyết và thông báo kết quả cho người lao động. Tuy nhiên, thời gian hưởng trợ cấp vẫn được tính từ thời điểm nộp hồ sơ hợp lệ ban đầu, do đó người lao động không cần lo lắng về quyền lợi của mình.
Trong quá trình giải quyết, người lao động nên mang theo đầy đủ giấy tờ gốc để đối chiếu, giữ cẩn thận biên nhận nộp hồ sơ online (nếu có) và tuân thủ nghiêm túc thời hạn bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
5. Mẫu Đơn Xin Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp
Cách viết đơn xin trợ cấp thất nghiệp yêu cầu người lao động phải đảm bảo đầy đủ thông tin, chính xác, cụ thể như sau:
- Phần mở đầu: Quốc hiệu tiêu ngữ.
- Phần tiêu đề của đơn: ĐỀ NGHỊ HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP.
- Phần kính gửi: Tên trung tâm dịch vụ việc làm địa phương nơi nộp.
- Phần thông tin cá nhân: Đảm bảo chính xác các thông tin của mình như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, chứng minh thư/căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp, mã số bảo hiểm, số điện thoại, địa chỉ email, trình độ đào tạo, ngành nghề đào tạo. Đặc biệt không được thiếu thông tin nơi thường trú và chỗ ở hiện nay.
- Kết thúc hợp đồng với công ty, đơn vị nào? Địa chỉ công ty?
- Lý do chấm dứt hợp đồng của người lao động với doanh nghiệp là gì? Sau đó còn phải ghi thêm hợp đồng loại gì, đã đóng bao nhiêu tháng bảo hiểm.
Đi kèm với đơn người lao động cũng nên chuẩn bị trước bản gốc hoặc bản photo một số giấy tờ như:
- Hợp đồng lao động đã hết hạn.
- Quyết định đuổi việc của công ty.
- Quyết định sa thải, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
- Thông báo về thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
Dưới đây là mẫu đơn hưởng trợ cấp thất nghiệp:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc —————————— ĐỀ NGHỊ HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP Kính gửi: Trung tâm Dịch vụ việc làm …………………………. Tên tôi là:.………………..…..…. sinh ngày …… /……./…… Nam , Nữ Số chứng minh nhân dân: …………………………………………………….. Ngày cấp: ……/……../….…. nơi cấp:………………………………………… Số sổ BHXH: …………………………………..……………………………… Số điện thoại:………….……..…Địa chỉ email (nếu có)………………….…… Dân tộc:…………………………. Tôn giáo:……………..…………………… Số tài khoản (ATM nếu có)……….….… tại ngân hàng:……………………… Trình độ đào tạo:………………………………………………………………. Ngành nghề đào tạo:…………………………………………………………… Nơi thường trú (1):…………………………………………………………….. Chỗ ở hiện nay (2):…………………..………………………………..……….. Ngày …../……/……, tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc với (tên đơn vị)……………………………………………………………………………………………… tại địa chỉ:…………………………………………………………………………………………………….. Lý do chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc:……………………… ……………………………………………………………………………………… Loại hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc:………………………………… Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp…………………………..tháng. Nơi đề nghị nhận trợ cấp thất nghiệp (BHXH quận/huyện hoặc qua thẻ ATM):…………………………………….…………………………….……………. Kèm theo Đề nghị này là (3)…………………………………………………………………. và Sổ bảo hiểm xã hội của tôi. Đề nghị quý Trung tâm xem xét, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho tôi theo đúng quy định. Tôi cam đoan nội dung ghi trên là hoàn toàn đúng sự thật, nếu sai tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật./. .………, ngày ……. tháng ….. năm …….. Người đề nghị (Ký, ghi rõ họ tên) Ghi chú: (1, 2) Ghi rõ số nhà, đường phố, tổ, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc. (3) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc; Quyết định sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. |
Xem thêm: Thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp tối đa bao nhiêu tháng?
6. Mẫu Đơn Đề Nghị Chuyển Nơi Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp
Trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp, đôi khi người lao động có nhu cầu thay đổi địa điểm nhận trợ cấp do phải di chuyển nơi sinh sống hoặc vì lý do cá nhân khác. Do đó, pháp luật cho phép người lao động làm thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp. Dưới đây là mẫu đơn đề nghị:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ———o0o——— ĐỀ NGHỊ CHUYỂN NƠI HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP Kính gửi: Trung tâm Dịch vụ việc làm ……………… Tên tôi là:………………………………………………………………………… Ngày tháng năm sinh : ……….…..……………………………..…… Số chứng minh nhân dân: ………………………………………….. Ngày cấp: ……/……../….…. nơi cấp:……………………………… Số sổ BHXH:…………………………………………………………………….. Nơi thường trú:………….…………………………………………………….. Chỗ ở hiện nay:..…….…………….…………………….. ………….. Hiện nay, tôi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Quyết định số ….. ngày ……./……./…… của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh/thành phố……………… Tổng số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp:……………tháng. Đã hưởng trợ cấp thất nghiệp:…………………………………..tháng. Nhưng vì lý do: …………………………………………………… .……………………………………………………………………. Tôi đề nghị quý Trung tâm chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh/thành phố……………………….để tôi được tiếp tục hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định./. .………, ngày ……. tháng ….. năm …… Người đề nghị (Ký, ghi rõ họ tên) |
7. Mức Hưởng, Thời Gian Và Thời Điểm Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp
Để người lao động hiểu rõ quyền lợi của mình, JobsGO sẽ phân tích ba yếu tố chính là mức hưởng, thời gian được hưởng và thời điểm bắt đầu nhận trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.
7.1 Mức Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp Hàng Tháng
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp x 60% |
Pháp luật quy định hai trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp khác nhau tùy theo nơi làm việc của người lao động bao gồm:
- Đối với những người làm việc trong khu vực nhà nước, mức trợ cấp không được vượt quá 5 lần mức lương cơ sở.
- Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định hiện hành của Bộ luật lao động.
7.2 Thời Gian Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp
Thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp được xác định dựa trên quá trình tham gia đóng bảo hiểm. Cụ thể, nếu người lao động đóng từ 12 – 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được nhận 3 tháng trợ cấp. Sau mốc 36 tháng, cứ mỗi 12 tháng đóng bảo hiểm thêm, người lao động sẽ được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp. Tuy nhiên, tổng thời gian nhận trợ cấp tối đa không vượt quá 12 tháng.
7.3 Thời Điểm Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A đóng bảo hiểm thất nghiệp 50 tháng với lương bình quân 6 tháng cuối cùng là 5.000.000đ
Thời gian được hưởng bảo hiểm thất nghiệp của ông A:
- 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp đầu tiên => được hưởng 3 tháng trợ cấp.
- 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo => được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp.
- Số tháng còn dư là 2 tháng bảo hiểm thất nghiệp => cộng dồn vào lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp sau.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của ông A là: 5.000.000đ x 60% = 3.000.000đ.
8. Lưu Ý Về Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp Cho Người Lao Động
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp cần thông báo về tình hình tìm việc tại trung tâm dịch vụ việc làm nơi đăng ký. Tuy nhiên, có một số trường hợp được miễn thực hiện:
8.1 Những Trường Hợp Được Miễn Hoàn Toàn Thông Báo
- Về độ tuổi: Nam từ 60 tuổi trở lên, nữ từ 55 tuổi trở lên.
- Về tình trạng sức khỏe:
- Đang trong thời gian nghỉ thai sản (có giấy xác nhận y tế).
- Mắc bệnh cần điều trị lâu dài (có giấy xác nhận y tế).
- Về tình trạng việc làm:
- Đang làm việc theo hợp đồng mùa vụ hoặc ngắn hạn dưới 3 tháng.
- Đang tham gia khóa đào tạo nghề được Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt.
8.2 Những Trường Hợp Được Miễn Trực Tiếp Đến Thông Báo
- Đau ốm tạm thời (có xác nhận y tế).
- Gặp tai nạn (có xác nhận của Cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế).
- Chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh hoặc các thảm họa (có xác nhận của chính quyền địa phương).
- Có việc gia đình như: tổ chức đám cưới cho bản thân/con, có người thân mất (cha/mẹ/vợ/chồng/con).
Trên đây là hướng dẫn chi tiết về thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động nên ưu tiên nộp hồ sơ trực tuyến để tiết kiệm thời gian. Nếu gặp khó khăn trong quá trình nộp hồ sơ online, người lao động có thể đến trực tiếp cơ quan BHXH để được hỗ trợ giải quyết chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Câu hỏi thường gặp
1. Không Đến Nhận Quyết Định Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp Đúng Hẹn Có Sao Không?
Theo quy định của pháp luật, sau 2 ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu hẹn trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận quyết định sẽ bị coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ một số trường hợp như: ốm đau, thai sản, lũ lụt,...
2. Trợ Cấp Thất Nghiệp Có Bị Đóng Thuế Thu Nhập Cá Nhân Không?
Không, vì trợ cấp thất nghiệp không phải là khoản thu nhập từ lao động hoặc kinh doanh, nên nó không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân.
3. Có Thể Rút Tiền Bảo Hiểm Thất Nghiệp Một Lần Không?
Không, ở Việt Nam, không thể rút tiền bảo hiểm thất nghiệp một lần như với bảo hiểm xã hội.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)