Thẩm định viên về giá là nhân lực cốt yếu của các ngân hàng, công ty bất động sản, tài chính,… Vậy họ là ai? Công việc của họ là gì? Nhà tuyển dụng có những yêu cầu gì đối với Thẩm định viên?
Mục lục
Thẩm định viên về giá là ai?
Thẩm định viên về giá là người xác định và đưa ra các ý kiến khách quan, công bằng, không thiên vị về giá trị thị trường của một sản phẩm, mặt hàng,…
Ý kiến của Thẩm định viên sẽ được sử dụng cho các mục đích:
- Cho vay cầm cố
- Tính thuế
- Đàm phán giữa người mua và người bán
- Sáp nhập hoặc giải thể doanh nghiệp
- Thương lượng cho thuê
Hiểu một cách đơn giản, Thẩm định viên là người tìm hiểu, đánh giá để đưa ra một số tiền cụ thể cho giá trị của sản phẩm, dịch vụ. Chẳng hạn, anh Sơn muốn vay tiền của ngân hàng và sử dụng ngôi nhà anh đang ở làm thế chấp. Khi đó, Thẩm định viên của ngân hàng sẽ đánh giá về giá trị của của ngôi nhà; qua đó xem xét số tiền anh Sơn vay có thể được chấp thuận hay không.
? Xem thêm: Mô tả công việc Chuyên viên định giá
Mức lương của Thẩm định viên về giá
Cơ hội nghề nghiệp hiện tại của Thẩm định viên tương đối rộng mở. Bên cạnh các ngân hàng, các công ty bất động sản và dịch vụ tài chính cũng rất cần nhân lực ở vị trí này. Ở từng môi trường làm việc sẽ có những điểm nổi bật riêng và mức lương khác nhau.
Mức lương của một Thẩm định viên nói chung, không phân biệt môi trường làm việc, trung bình là 11 triệu đồng/tháng. Mức lương thấp nhất với vị trí Thẩm định viên là 9 triệu/tháng, cao nhất là 50 triệu/tháng. Sự khác biệt ở mức lương được đánh giá theo tiêu chí kinh nghiệp là chủ yếu.
Với một sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm và chứng chỉ Thẩm định viên, mức lương kèm theo quá trình đào tạo là 7 – 9 triệu/tháng. Với những nhân lực có từ 2 – 4 năm kinh nghiệm, mức lương có thể được thỏa thuận từ 12 – 22 triệu đồng/tháng. Một số rất ít những Thẩm định viên có kinh nghiệm lâu năm, cũng như làm việc tại vị trí cấp cao sẽ có mức lương đạt tới 50 triệu đồng/tháng.
Các yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với Thẩm định viên về giá
Thẩm định viên là một công việc yêu cầu sự hiểu biết ở nhiều lĩnh vực khác nhau cũng như sự cẩn thận và đạo đức nghề nghiệp sâu sắc.
Điều kiện cần để trở thành Thẩm định viên về giá
Theo Điều 7, Nghị định 89/2013/NĐ-CP, để trở thành một Thẩm định viên về giá, người lao động bắt buộc phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau:
- Có năng lực hành vi dân sự
- Có phẩm chất đạo đức, liêm khiết, trung thực, khách quan
- Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành vật giá, thẩm định giá và các ngành gồm: Kinh tế, kinh tế – kỹ thuật, kỹ thuật, luật liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá do các tổ chức đào tạo hợp pháp ở Việt Nam hoặc nước ngoài cấp.
- Có thời gian công tác thực tế 36 tháng trở lên từ ngày có bằng tốt nghiệp đại học.
- Có Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá do cơ quan, tổ chức có chức năng đào tạo chuyên ngành thẩm định giá.
- Có Thẻ Thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính cấp.
Kiến thức khác
Tùy theo lĩnh vực hoạt động mà Thẩm định viên về giá cần có kiến thức sâu về sản phẩm, dịch vụ mà họ đánh giá.
- Thẩm định viên bất động sản: Làm trong lĩnh vực bất động sản, Thẩm định viên cần có kiến thức sâu rộng về thị trường, các loại hình bất động sản,… Chỉ có như thế, họ mới có thể đánh giá và đưa ra thông tin chính xác về giá trị của một ngôi nhà, căn hộ,…
- Thẩm định viên mỹ thuật: Với ngành mỹ thuật, Thẩm định viên cần thấu hiểu về các tác phẩm nghệ thuật bao gồm: nét vẽ, giá trị màu sắc, chất liệu, phong cách, kỹ thuật vẽ của từng nghệ sĩ trong từng thời kỳ khác nhau… Ngoài ra, họ cũng cần được đào tạo về cách phân tích các mẫu sơn và hàm lượng hóa học của chúng hoặc cách kiểm tra tranh bằng tia X và tia laser để phân biệt tranh thật và tranh giả.
- Thẩm định viên đồ trang sức: Thẩm định viên trang sức cần có kiến thức về đá quý để đánh giá giá trị của sản phẩm theo màu sắc, độ trong của đá và chất lượng vết cắt.
- v.v…
Kỹ năng và phẩm chất
Thẩm định viên cần là người có cả kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm. Kỹ năng giải quyết vấn đề, thuyết trình, giao tiếp sẽ giúp Thẩm định viên hoàn thành công việc tốt hơn.
Hơn cả, đây là một công việc yêu cầu cao về sự chính xác, cẩn thận, điểm tĩnh và đạo đức nghề nghiệp sâu sắc. Vậy nên, để phát triển tốt sự nghiệp của mình, bên cạnh kinh nghiệm, sự tin tưởng của đồng nghiệp và đối tác trong nghề là điều mà mỗi Thẩm định viên cần tích lũy cho mình.
Một các tổng quát, Thẩm định viên là một công việc có sự kết hợp giữa tư duy kinh tế và kiến thức pháp luật.
? Xem thêm: Mô tả công việc Chuyên viên Thẩm định dự án
Thẩm định viên về giá có thể làm việc ở đâu?
Thẩm định viên về giá có thể làm việc tại các ngân hàng, các công ty tài chính,… hoặc các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ thẩm định giá.
Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất: Thẩm định viên về giá chỉ được đăng ký hành nghề tại một doanh nghiệp thẩm định giá tại một thời điểm. Trường hợp Thẩm định viên về giá đã đăng ký hành nghề tại chi nhánh thẩm định giá của doanh nghiệp đó thì không được ký Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
Học thẩm định giá ở đâu?
Hiện nay, tại Việt Nam, chưa có nhiều cơ sở đào tạo trực tiếp và chuyên sâu ngành thẩm định. Tuy nhiên những khóa học thẩm định vẫn đang được triển khai tại những đại học kinh tế lớn, cung cấp cho các ứng viên những chứng chỉ cần thiết để làm nghề.
Bạn cũng có thể theo học các khóa thẩm định giá ngắn hạn được tổ chức bởi:
- Hiệp hội thẩm định giá Việt Nam
- Trung Tâm Tư Vấn Doanh Nghiệp & Phát Triển Kinh Tế Vùng (thuộc ĐHKT TP. HCM- Khoa Kinh tế phát triển)
- Viện Quản trị và Tài chính IFA
- Công ty CP giáo dục Việt Nam – Trung tâm kế toán Quốc gia
- Trung tâm bồi dưỡng và tư vấn tài chính kế toán
Kết luận
JobsGO mong rằng, những thông tin trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về công việc Thẩm định viên về giá. Và đừng quên truy cập vào jobsgo.vn mỗi ngày để đọc thêm nhiều thông tin hữu ích khác về các ngành nghề nhé!
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)