Tập đoàn là gì? Tập đoàn có cơ cấu tổ chức ra sao? Điều kiện để thành lập như thế nào? Hãy cùng JobsGO tìm hiểu trong bài viết dưới đây. Chắc chắn nội dung bài này sẽ giúp bạn tổng hợp được những thông tin cần biết.
Mục lục
- 1. Tập Đoàn Là Gì?
- 2. Đặc Điểm Của Tập Đoàn
- 3. Cơ Cấu Tổ Chức Của Tập Đoàn
- 4. Điều Kiện Để Thành Lập Tập Đoàn
- 5. Lợi Ích Và Hạn Chế Khi Thành Lập Tập Đoàn
- 6. Quản Trị Tập Đoàn Thường Gặp Những Khó Khăn Gì?
- 7. Top Các Tập Đoàn Lớn Tại Việt Nam
- 8. Tập Đoàn Và Công Ty Khác Nhau Như Thế Nào?
- Câu hỏi thường gặp
1. Tập Đoàn Là Gì?
Theo Khoản 1, Điều 2 Nghị định 69/2014/NĐ-CP quy định: “Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc công ty mẹ là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước”.
Vậy tập đoàn là gì? Nói một cách đơn giản nhất, tập đoàn chính là hệ thống liên kết của nhiều doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau và hình thành một cấu trúc công ty lớn, quy mô quản lý phức tạp.
Một tập đoàn bao gồm nhiều công ty con, gọi là công ty thành viên, được quản lý dưới một hệ thống tập trung. Vậy công ty thành viên là gì? Công ty thành viên là những doanh nghiệp hoạt động dưới sự kiểm soát hoặc ảnh hưởng của công ty mẹ, có quyền tự chủ nhất định nhưng vẫn phải tuân theo chiến lược chung của tập đoàn. Sự phát triển này không chỉ mở rộng quy mô mà còn gia tăng sức mạnh và nâng cao uy tín trên thị trường. Tập đoàn trong tiếng Anh còn được thể hiện qua nhiều từ như: Group, Corporation,…
Chế độ quản lý trong tập đoàn cũng vô cùng nghiêm ngặt, hầu hết các hoạt động đều phải tuân thủ theo công ty mẹ.
Tùy thuộc vào từng loại hình pháp lý của các công ty con mà công ty mẹ sẽ thực hiện quyền, nghĩa vụ với tư cách khác nhau (tư cách thành viên, chủ sở hữu, cổ đông). Công ty mẹ cũng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong các trường hợp buộc công ty con thực hiện kinh doanh khác với lĩnh vực đăng ký. Hoặc trường hợp công ty con hoạt động không có lợi nhuận.
>> Xem thêm: Startup và Tập đoàn lớn có gì khác nhau?
2. Đặc Điểm Của Tập Đoàn
Một tập đoàn không chỉ đơn thuần là sự kết hợp của nhiều công ty nhỏ mà còn có những đặc điểm nổi bật riêng:
- Quy mô lớn: Các tập đoàn thường có quy mô vốn lớn và hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh doanh.
- Cơ cấu tổ chức phức tạp: Tập đoàn bao gồm nhiều công ty con và công ty thành viên, được quản lý dưới một hệ thống nhất định.
- Đa ngành nghề: Nhiều tập đoàn phát triển theo hướng tập đoàn đa ngành, mở rộng hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
- Khả năng tài chính mạnh mẽ: Một tập đoàn có thể huy động vốn lớn từ nhiều nguồn khác nhau, giúp mở rộng quy mô nhanh chóng và đầu tư vào nhiều lĩnh vực.
- Sức ảnh hưởng lớn: Các tập đoàn có tầm ảnh hưởng lớn trong phạm vi quốc gia cũng như trên toàn cầu, đặc biệt là những tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
3. Cơ Cấu Tổ Chức Của Tập Đoàn
Theo Nghị định 69/2014/NĐ-CP, tại Khoản 1 Điều 4 quy định, tập đoàn kinh tế bao gồm nhóm các công ty mẹ, công ty liên kết và các doanh nghiệp thành viên. Tại Khoản 3 Điều 4 của Nghị định cũng quy định, tập đoàn kinh tế có không quá 3 cấp doanh nghiệp với cơ cấu gồm:
- Công ty mẹ là doanh nghiệp cấp I, nơi nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và có quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động.
- Công ty con của doanh nghiệp cấp I là doanh nghiệp cấp II, được công ty mẹ chi phối.
- Công ty con của doanh nghiệp cấp II là doanh nghiệp cấp III, do doanh nghiệp cấp II kiểm soát hoạt động.
4. Điều Kiện Để Thành Lập Tập Đoàn
Để được phép đăng ký thành một tập đoàn chắc chắn là ước mơ của không ít chủ sở hữu doanh nghiệp. Bởi điều này chứng tỏ sự phát triển mở rộng trong hoạt động kinh doanh của tổ chức. Khi muốn điều đó trở thành sự thật, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng đủ những điều kiện được quy định như sau:
4.1 Khi Nào Công Ty Được Chuyển Thành Tập Đoàn?
Một công ty có thể chuyển thành tập đoàn khi:
4.1.1 Quy Mô Vốn Lớn
Công ty có thể được xem xét chuyển đổi thành tập đoàn khi đạt được quy mô vốn đủ lớn, tạo điều kiện cho việc đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau và gia tăng tầm ảnh hưởng trong ngành. Quy mô vốn lớn giúp mang lại sức mạnh tài chính để tập đoàn có thể mở rộng quy mô hoạt động, đảm bảo khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững trong dài hạn. Nhờ đó, tập đoàn có thể dễ dàng đối mặt với các thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường, giữ vững vị thế hàng đầu.
4.1.2 Sở Hữu Nhiều Công Ty Con
Điều kiện cần thiết khác để công ty chuyển đổi thành tập đoàn là phải sở hữu nhiều công ty con hoặc thành viên. Mặc dù các công ty con hoạt động độc lập, nhưng vẫn chịu sự điều hành cũng như quản lý chung từ công ty mẹ, giúp tập đoàn quản lý đa dạng các mảng kinh doanh một cách hiệu quả và toàn diện.
4.1.3 Hoạt Động Đa Ngành Nghề
Khi doanh nghiệp mở rộng phạm vi hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác nhau, việc quản lý từng ngành nghề riêng lẻ có thể trở nên phức tạp. Chuyển đổi thành tập đoàn đa ngành sẽ giúp tối ưu hóa quy trình quản lý bằng cách phân chia rõ ràng trách nhiệm cho từng công ty con. Điều này không chỉ tạo ra sự minh bạch trong quản lý mà còn tăng cường sự linh hoạt, giúp doanh nghiệp dễ dàng thích ứng với sự thay đổi trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
4.1.4 Nhu Cầu Tái Cấu Trúc
Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp có thể đối mặt với thách thức trong quản lý và vận hành, đặc biệt là khi quy mô mở rộng. Việc chuyển đổi thành tập đoàn là một phương án tái cấu trúc hiệu quả, cho phép tổ chức phân bổ lại nguồn lực, giảm thiểu sự chồng chéo trong công việc, nâng cao năng suất. Tái cấu trúc thành tập đoàn giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động thông qua việc thiết lập các hệ thống quản trị chuyên biệt cho từng công ty thành viên, đảm bảo sự phát triển bền vững cũng như toàn diện hơn.
4.2 Điều Kiện Thành Lập Tập Đoàn Mới
Trong trường hợp bạn muốn thành lập một tập đoàn mới sẽ phải đáp ứng đủ các điều kiện như sau:
- Ngành nghề kinh doanh của tập đoàn phải là ngành có liên quan đến sản xuất, cung cấp sản phẩm dịch vụ. Đặc biệt lĩnh vực đó phải đảm bảo an toàn, an ninh cho quốc gia về mặt kinh tế.
- Tập đoàn cần xây dựng nền tảng về hạ tầng kinh tế đất nước, giúp hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong dài hạn.
- Hoạt động kinh doanh của tập đoàn cũng phải tạo được động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và nền kinh tế nước nhà.
- Ngành nghề dự định hoạt động phải thuộc ngành trong danh sách xét duyệt thành lập tập đoàn (tùy thuộc vào từng thời điểm sẽ khác nhau do Thủ tướng quy định.).
- Khi thành lập tập đoàn kinh tế, công ty mẹ sẽ phải tuân thủ các điều kiện về: Vốn điều lệ, đội ngũ nhân viên, khả năng chuyển giao, sử dụng công nghệ, nguồn tài chính, công ty con,…
4.3 Đối Với Công Ty Mẹ – Công Ty Con
Tập đoàn kinh tế phải bảo đảm rằng ít nhất 50% các công ty con tham gia vào những khâu then chốt của ngành nghề chính. Tổng giá trị cổ phần hoặc vốn góp của công ty mẹ tại những công ty con này phải chiếm ít nhất 60% tổng vốn đầu tư của công ty mẹ vào tất cả các công ty con và công ty liên kết.
Các công ty con mà công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ phải được thành lập để phát triển và giữ các bí quyết công nghệ, phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện các nhiệm vụ, ngành nghề chính của công ty mẹ.
Xem thêm: Thực tập ở công ty nhỏ hay tập đoàn lớn?
5. Lợi Ích Và Hạn Chế Khi Thành Lập Tập Đoàn
Khi quyết định chuyển đổi thành tập đoàn, doanh nghiệp sẽ đối mặt với những lợi ích, thách thức đáng kể. Dưới đây là cái nhìn chi tiết về những lợi ích và hạn chế này:
5.1 Lợi Ích
5.1.1 Đa Dạng Hóa Thị Trường Và Doanh Thu
Khi hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tập đoàn có khả năng mở rộng thị trường và tăng trưởng doanh thu một cách rõ rệt. Nếu doanh thu của một công ty chỉ phụ thuộc vào một ngành duy nhất, công ty đó sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường trong ngành đó. Ngược lại, khi tập đoàn tham gia vào nhiều lĩnh vực, sự phụ thuộc vào một thị trường hay ngành cụ thể sẽ giảm, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro.
5.1.2 Ổn Định Lợi Nhuận
Tập đoàn thường hoạt động trên nhiều lĩnh vực và thị trường khác nhau. Điều này cho phép các công ty con trong tập đoàn hỗ trợ lẫn nhau khi một đơn vị gặp khó khăn về tài chính. Nếu một công ty con gặp phải tình trạng thâm hụt, các công ty khác trong tập đoàn có thể tạo ra lợi nhuận để giúp cân bằng tình hình tài chính, để duy trì sự ổn định về lợi nhuận cho toàn bộ tập đoàn.
Sự ổn định này cũng làm tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, vì họ thường ưu tiên các công ty có nguồn thu nhập và lợi nhuận ổn định, điều mà mô hình tập đoàn có thể cung cấp.
5.1.3 Tăng Cường Sự Hợp Tác
Các công ty trong cùng một tập đoàn có thể tận dụng cơ hội hợp tác để tạo ra các lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn, khi một tập đoàn có cả công ty sản xuất và công ty vận chuyển, công ty sản xuất có thể tận dụng sự hợp tác với công ty vận chuyển trong cùng tập đoàn để có mức giá vận chuyển ưu đãi hơn. Sự hợp tác này không chỉ cải thiện hiệu suất hoạt động mà còn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các công ty trong tập đoàn.
5.1.4 Chia Sẻ Và Học Hỏi
Sở hữu nhiều công ty cho phép tập đoàn tiếp cận một khối lượng thông tin phong phú về tài chính và thị trường. Các nhà lãnh đạo có thể sử dụng thông tin này để đưa ra các quyết định chiến lược chính xác hơn cho toàn bộ tập đoàn. Bằng cách chia sẻ dữ liệu cũng như kết quả nghiên cứu giữa các công ty con, tập đoàn tránh được việc mỗi đơn vị phải tiến hành nghiên cứu riêng biệt. Điều đó không những tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn giúp phát hiện các xu hướng thị trường mà các công ty đơn lẻ có thể bỏ qua.
5.1.5 Tối Ưu Hóa Phân Bổ Vốn
Một tập đoàn có thể tận dụng nguồn vốn từ các công ty con để đầu tư vào những lĩnh vực hoặc doanh nghiệp khác. Với nhiều công ty thành viên, tập đoàn có khả năng sử dụng vốn hiệu quả hơn để tài trợ cho các dự án hoặc mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp khác trong tập đoàn. Việc này cũng giúp tìm kiếm các nguồn tài trợ với điều kiện có lợi hơn, từ đó cải thiện hiệu quả tài chính của từng công ty trong tập đoàn.
5.2 Hạn Chế
5.2.1 Đánh Giá Triển Vọng Đầu Tư
Để đạt hiệu quả cao, công ty mẹ cần phải lựa chọn lĩnh vực đầu tư phù hợp và phát triển nó một cách chiến lược. Tuy nhiên, việc dồn nguồn lực để nghiên cứu, đầu tư vào một ngành mới có thể làm phân tán sự chú ý từ hoạt động chính của công ty mẹ. Đầu tư không phải lúc nào cũng đảm bảo sinh lời, vì vậy việc kiểm tra kỹ lưỡng các báo cáo tài chính của công ty con là rất quan trọng để tránh sai sót cũng như tăng khả năng đạt được lợi nhuận.
5.2.2 Quản Lý Báo Cáo Tài Chính
Quản lý báo cáo tài chính của tất cả các công ty con trong tập đoàn là một nhiệm vụ quan trọng và đầy thách thức. Công ty mẹ phải đảm bảo rằng các công ty con tuân thủ các quy định pháp luật cũng như thực hiện nghĩa vụ thuế đúng theo quy định của từng khu vực hoặc quốc gia nơi họ hoạt động.
5.2.3 Khả Năng Mất Tự Do Kinh Doanh Và Khác Biệt Văn Hóa
Khi các doanh nghiệp trở thành một phần của tập đoàn, việc mất đi quyền tự quyết trong hoạt động kinh doanh có thể xảy ra. Các công ty thành viên sẽ phải tuân theo những quy định chung của tập đoàn, điều này đôi khi làm giảm sự linh động trong việc triển khai các chiến lược riêng lẻ. Ngoài ra, sự khác biệt về văn hóa giữa các công ty có thể tạo ra thách thức trong việc hợp tác và đồng bộ giá trị. Việc đó có thể gây ra mâu thuẫn nội bộ hoặc làm giảm khả năng phối hợp hiệu quả giữa các bên.
5.2.4 Sự Phức Tạp Trong Quản Lý
Tập đoàn thường thiết lập nhiều cấp độ quản lý để tăng cường trách nhiệm và chuẩn hóa quy trình kinh doanh. Mặc dù điều đó giúp đảm bảo các công ty con tuân thủ các tiêu chuẩn, chính sách, nhưng nó cũng có thể tạo ra sự quan liêu, làm cho các công ty con gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định. Quá trình phê duyệt nhiều lớp có thể dẫn đến việc trì hoãn các quyết định, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Xem thêm: Công ty cổ phần là gì? Cơ cấu và cách thành lập công ty
6. Quản Trị Tập Đoàn Thường Gặp Những Khó Khăn Gì?
Quản trị tập đoàn với quy mô lớn và cấu trúc phức tạp mang lại nhiều thách thức liên quan đến pháp lý, hệ thống quản trị, yêu cầu báo cáo. Dưới đây là những vấn đề chính mà các tập đoàn thường phải đối mặt.
6.1 Vấn Đề Pháp Lý
Theo Điều 194 của Luật Doanh nghiệp 2020: Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật này.
Các công ty thành viên trong tập đoàn vẫn giữ quyền và nghĩa vụ độc lập, không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký thành lập theo quy định của luật doanh nghiệp. Điều đó có thể gây khó khăn trong việc điều phối, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật đồng bộ trong toàn bộ hệ thống.
6.2 Quản Trị Và Điều Hành
Các nhà lãnh đạo cần thiết lập nguyên tắc đồng bộ cho toàn bộ hoạt động, nhằm đảm bảo sự cân bằng lợi ích cho từng thành viên trong tập đoàn. Các khía cạnh đó thường bao gồm:
- Quản lý vốn
- Quản lý nguồn nhân lực
- Quản lý tài chính
- Quản lý thương hiệu
- Công nghệ
- Cơ chế kiểm soát nội bộ
- Hệ thống quản lý thông tin
- Văn hóa doanh nghiệp
6.3 Hệ Thống Báo Cáo Quản Trị
Với sự mở rộng về quy mô và số lượng nhân sự, các tập đoàn cần thiết lập hệ thống quản trị toàn diện, hiện đại dựa trên nền tảng số hóa. Bên cạnh các báo cáo tài chính, tài liệu theo quy định pháp luật, công ty mẹ cần phải chuẩn bị thêm báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo tổng hợp kết quả kinh doanh hàng năm của toàn tập đoàn, báo cáo về các giao dịch với các bên liên quan, theo quy định của Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp thực hiện giao dịch liên kết.
7. Top Các Tập Đoàn Lớn Tại Việt Nam
Dưới đây là danh sách một số tập đoàn lớn, bao gồm cả tập đoàn Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia:
- Tập đoàn Vingroup: Vingroup là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, y tế, giáo dục, công nghệ và sản xuất ô tô. Tập đoàn này nổi tiếng với các thương hiệu như Vinhomes, Vincom, VinFast, VinSmart.
- Tập đoàn FPT: FPT là tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, giáo dục. FPT đã mở rộng hoạt động ra nhiều quốc gia trên thế giới và đang đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
- Viettel Group: Viettel là tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, có mạng lưới hoạt động tại nhiều quốc gia. Ngoài viễn thông, Viettel cũng đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghệ cao, an ninh mạng, các giải pháp quốc phòng.
- Masan Group: Masan là tập đoàn đa ngành với các lĩnh vực kinh doanh chính bao gồm hàng tiêu dùng nhanh, thịt có thương hiệu, khai thác khoáng sản và dịch vụ tài chính. Gần đây, Masan đã mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ thông qua việc mua lại chuỗi cửa hàng VinMart.
- Tập đoàn Hòa Phát: Hòa Phát là tập đoàn sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp và sản xuất điện gia dụng. Tập đoàn này đã trở thành một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu Đông Nam Á.
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN): PVN là tập đoàn kinh tế nhà nước lớn, hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, từ thăm dò, khai thác đến chế biến và phân phối các sản phẩm dầu khí. Tập đoàn này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
- Tập đoàn Vinamilk: Vinamilk là công ty sữa lớn nhất Việt Nam, đã phát triển thành một tập đoàn với các hoạt động đa dạng trong ngành sữa và thực phẩm. Vinamilk cũng đã mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế.
- Samsung Vietnam: Đây là một trong những tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam lớn nhất, với các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử tiêu dùng. Samsung đã đóng góp đáng kể vào xuất khẩu cũng như tạo công ăn việc làm tại Việt Nam.
8. Tập Đoàn Và Công Ty Khác Nhau Như Thế Nào?
Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa tập đoàn và công ty thông thường, chúng ta có thể so sánh chúng theo các tiêu chí sau:
Tiêu chí | Tập đoàn | Công ty |
Quy mô | Lớn, bao gồm nhiều công ty con | Nhỏ hơn, hoạt động độc lập |
Hoạt động | Đa ngành nghề, nhiều lĩnh vực | Thường tập trung vào một hoặc vài lĩnh vực |
Quản lý | Phức tạp, nhiều cấp độ | Đơn giản hơn |
Vốn | Lớn, dễ huy động vốn từ nhiều nguồn | Nhỏ hơn, phụ thuộc vào chủ sở hữu chính |
Khả năng mở rộng | Cao, nhờ vào hệ thống công ty con và thành viên | Giới hạn hơn trong việc mở rộng quy mô |
Rủi ro | Phân tán rủi ro qua nhiều lĩnh vực | Rủi ro tập trung vào lĩnh vực hoạt động chính |
Việc hiểu rõ sự khác biệt giữa tập đoàn và công ty thông thường là rất quan trọng khi thành lập doanh nghiệp hoặc khi xem xét các cơ hội đầu tư. Mỗi mô hình có những ưu điểm cũng như thách thức riêng, phù hợp với các chiến lược kinh doanh, mục tiêu phát triển khác nhau.
Nhìn chung có thể thấy để trở thành tập đoàn hay thành lập một tập đoàn sẽ phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khác nhau do pháp luật quy định. Nếu như bạn đang muốn thành lập tập đoàn, hãy xem xét các điều kiện thật kỹ và đáp ứng đầy đủ. JobsGO mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về tập đoàn là gì?
Câu hỏi thường gặp
1. Vai Trò Của Ban Lãnh Đạo Trong Việc Quản Lý Và Điều Hành Tập Đoàn Là Gì?
Ban lãnh đạo định hướng chiến lược, quản lý hoạt động và quyết định tài chính của tập đoàn.
2. Tập Đoàn Hoạt Động Theo Mô Hình Nào Để Tối Ưu Hoá Lợi Nhuận?
Tập đoàn thường hoạt động theo mô hình tập trung hoặc đa dạng hóa.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)