NDA Là Gì? Quy Trình 4 Bước Thực Hiện Thỏa Thuận NDA

Đánh giá post

NDA là một thỏa thuận đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bí mật kinh doanh. Việc hiểu rõ về thỏa thuận NDA rất quan trọng với cả doanh nghiệp lẫn người lao động. Cùng tìm hiểu kỹ hơn NDA là gì với thông tin và kiến thức được JobsGO chia sẻ trong bài viết dưới đây nhé!

Mục lục

1. NDA Là Gì? Non Disclosure Agreement Là Gì?

NDA là gì? NDA là tên viết tắt từ cụm từ tiếng Anh “Non – Disclosure Agreement”. NDA có nghĩa tiếng Việt là thỏa thuận bảo mật thông tin. Hiểu đơn giản thì nó là thỏa thuận không tiết lộ thông tin được ký kết giữa bên A và bên B.

Theo đó, các bạn khi ký hết vào thỏa thuận này sẽ không được tiết lộ tài liệu, kiến thức, thông tin bí mật,… với bên thứ 3.

Hợp đồng NDA là gì?

Hiện nay, NDA được áp dụng khá nhiều trong các lĩnh vực như: Tài chính – ngân hàng, kinh doanh, ý tưởng sáng tạo, chiến lược phát triển của công ty,…

Thỏa thuận NDA có thể được ký kết giữa cá nhân với công ty, cá nhân với cá nhân hoặc công ty với công ty. Trong kinh doanh, NDA vô cùng cần thiết để đánh giá mối quan hệ kinh doanh tiềm năng trước khi 2 bên tiến hành hợp tác.

Tên gọi khác của NDA là gì? Cụ thể như sau:

  • Confidentiality Agreement
  • Proprietary Information Agreement
  • Confidential Disclosure Agreement
  • Secrecy Agreement

NDA có tính pháp lý và nó ràng buộc 2 bên khi tham gia ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin này. Khi bạn đã kết kết vào thỏa thuận này, bất kỳ tiết lộ nào nằm trong thỏa thuận đều được coi là vi phạm pháp luật.

Xem thêm: Mẫu thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh

2. Khi Nào Cần Sử Dụng Thỏa Thuận NDA?

Thỏa thuận bảo mật thông tin thường được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Bảo vệ thông tin bí mật: Khi bạn chia sẻ thông tin nhạy cảm hoặc bí mật với đối tác, khách hàng hoặc nhân viên mà không muốn thông tin đó bị tiết lộ cho bên thứ ba.
  • Hợp tác kinh doanh: Khi hai hoặc nhiều bên thảo luận về một dự án hợp tác và cần chia sẻ thông tin mà không muốn thông tin này bị lộ ra ngoài..
  • Tuyển dụng và thuê nhân viên: Đôi khi các công ty yêu cầu nhân viên ký NDA để bảo vệ thông tin nội bộ của công ty, bao gồm bí mật thương mại, quy trình sản xuất, dữ liệu khách hàng, các kế hoạch kinh doanh.
  • Dự án nghiên cứu và phát triển: Khi các công ty hoặc tổ chức tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển, họ có thể yêu cầu các bên tham gia ký NDA để bảo vệ các kết quả hoặc quy trình đang nghiên cứu.
  • Đàm phán và mua bán công ty: Trong các quá trình mua bán hoặc đầu tư vào một công ty, bên bán có thể yêu cầu bên mua ký NDA để bảo vệ các thông tin tài chính, khách hàng hoặc các dữ liệu kinh doanh quan trọng khác.

NDA là công cụ hữu ích để bảo vệ quyền lợi và ngăn chặn việc lạm dụng thông tin bí mật, nhưng cần phải thận trọng khi soạn thảo và ký kết để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho cả hai bên.

Xem thêm: Quy định về thỏa ước tập thể và những vấn đề cần biết

3. Vai Trò Của NDA Là Gì?

NDA đóng vai trò vô cùng quan trọng với các cá nhân và doanh nghiệp khi tham gia thỏa thuận về các điều khiển trong hợp đồng, đặc biệt là vấn đề bảo mật thông tin.

Vai trò của NDA là gì?

3.1. Bảo Vệ Bí Mật Kinh Doanh

NDA giúp doanh nghiệp, cá nhân giữ kín các bí mật thương mại, chẳng hạn như công thức sản phẩm, chiến lược kinh doanh, dữ liệu khách hàng hoặc kế hoạch phát triển sản phẩm. Điều này rất quan trọng vì việc tiết lộ thông tin nhạy cảm cho đối thủ cạnh tranh hoặc công chúng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về mặt tài chính, làm giảm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. NDA đặt ra ranh giới rõ ràng cho các bên liên quan về trách nhiệm giữ kín, không sử dụng thông tin cho mục đích cá nhân hoặc kinh doanh.

3.2. Tạo Sự Tin Tưởng Trong Hợp Tác Kinh Doanh

Khi hai hoặc nhiều bên hợp tác trong một dự án, việc chia sẻ thông tin nhạy cảm là không thể tránh khỏi. NDA giúp tạo ra lòng tin giữa các bên bằng cách đảm bảo rằng thông tin được chia sẻ sẽ không bị lạm dụng. Bên nhận thông tin phải cam kết bảo mật và chỉ sử dụng thông tin cho mục đích đã định, góp phần tạo nên một môi trường hợp tác an toàn, đặc biệt trong các ngành công nghệ, tài chính, nghiên cứu phát triển.

3.3. Bảo Vệ Quyền Sở Hữu Trí Tuệ

Trong các lĩnh vực sáng tạo và công nghệ, NDA đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như phát minh, sáng chế, phần mềm hoặc thiết kế sản phẩm. Việc tiết lộ quyền sở hữu trí tuệ trước khi được đăng ký bảo hộ hoặc thương mại hóa có thể làm mất quyền lợi hợp pháp của người sở hữu. NDA giúp bảo vệ các sáng tạo này, hạn chế, ngăn chặn việc sao chép, sử dụng trái phép chúng.

3.4. Cung Cấp Cơ Sở Pháp Lý Để Xử Lý Vi Phạm

NDA cung cấp cơ sở pháp lý vững chắc cho các bên khi xảy ra vi phạm bảo mật. Nếu bên nhận thông tin tiết lộ hoặc sử dụng thông tin không đúng mục đích, bên cung cấp thông tin có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và thực hiện các biện pháp pháp lý khác như khởi kiện tại tòa án.

3.5. Bảo Vệ Thông Tin Sau Khi Chấm Dứt Quan Hệ Hợp Tác

Một vai trò quan trọng của NDA là bảo vệ thông tin ngay cả khi mối quan hệ giữa các bên đã chấm dứt. Nhân viên hoặc đối tác khi thôi việc hoặc kết thúc hợp tác vẫn phải tuân thủ NDA, không được tiết lộ hoặc sử dụng thông tin bí mật mà họ đã tiếp cận trong quá trình làm việc.

Xem thêm: Quy định về thỏa ước tập thể và những vấn đề cần biết

4. Phân Loại NDA

NDA được chia thành 3 loại khác nhau. Vậy 3 loại NDA là gì? JobsGO sẽ chia sẻ và phân tích chi tiết dưới đây:

4.1. NDA Đơn Phương

NDA đơn phương là thỏa thuận trong đó chỉ một bên tiết lộ thông tin và bên còn lại có trách nhiệm giữ kín những thông tin quan trọng. Loại NDA này thường được sử dụng trong các tình huống mà bên tiết lộ muốn bảo vệ bí mật thương mại, thông tin kinh doanh hoặc các dữ liệu nhạy cảm khỏi việc bị lạm dụng hoặc tiết lộ bởi bên nhận thông tin.

Chẳng hạn, khi một công ty tuyển dụng nhân viên mới hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ, họ có thể yêu cầu nhân viên hoặc đối tác ký NDA đơn phương để đảm bảo rằng những thông tin như quy trình sản xuất, kế hoạch kinh doanh hoặc chiến lược phát triển sẽ không bị tiết lộ cho đối thủ cạnh tranh. Đây là loại NDA phổ biến nhất trong các mối quan hệ đơn lẻ giữa doanh nghiệp và nhân viên, đối tác hoặc nhà thầu.

4.2. NDA Song Phương

NDA song phương hay còn gọi là NDA đối ứng, được áp dụng khi cả hai bên đều cần chia sẻ thông tin bí mật và mong muốn bảo vệ những thông tin đó khỏi bị tiết lộ. Cả hai bên trong thỏa thuận đều có nghĩa vụ giữ kín, không được tiết lộ thông tin mà mình nhận được từ đối phương. Loại NDA này thường được sử dụng trong các tình huống hợp tác kinh doanh, liên doanh hoặc sáp nhập, các thương vụ M&A hay nghiên cứu, phát triển.

Ví dụ, khi hai công ty công nghệ hợp tác phát triển một sản phẩm mới, cả hai sẽ ký một NDA song phương để đảm bảo không bên nào lạm dụng thông tin bí mật của bên kia.

4.3 NDA Đa Phương

NDA đa phương là thỏa thuận được ký kết giữa ba bên trở lên, trong đó một hoặc nhiều bên có thể tiết lộ thông tin và tất cả các bên khác phải cam kết giữ bí mật những thông tin đó. Thay vì phải ký nhiều thỏa thuận song phương với mỗi bên tham gia, NDA đa phương tạo điều kiện cho các bên liên quan tham gia vào một thỏa thuận duy nhất, giúp tiết kiệm thời gian, đơn giản hóa quy trình.

NDA đa phương thường được sử dụng trong các dự án hợp tác có nhiều đối tác hoặc công ty tham gia, chẳng hạn như liên doanh giữa nhiều công ty hoặc các dự án nghiên cứu đa bên. Điều này cho phép tất cả các bên bảo vệ thông tin bí mật của nhau mà không phải ký riêng biệt từng thỏa thuận với từng đối tác.

Xem thêm: Hợp đồng nguyên tắc là gì? Những vấn đề xoay quanh hợp đồng này

5. Các Yếu Tố Cần Có Trong Thỏa Thuận NDA

Một thỏa thuận NDA cần có các yếu tố cơ bản để đảm bảo tính pháp lý và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Dưới đây là những yếu tố cần thiết trong một NDA:

5.1. Các Bên Tham Gia

NDA phải ghi rõ ràng tên và thông tin của các bên tham gia, bao gồm bên tiết lộ thông tin (Disclosing Party) và bên nhận thông tin (Receiving Party). Nếu là NDA song phương hoặc đa phương, tất cả các bên tham gia cũng cần được liệt kê đầy đủ. Việc xác định đúng các bên tham gia giúp tránh sự hiểu nhầm về trách nhiệm của từng bên trong việc bảo mật thông tin.

5.2. Định Nghĩa Thông Tin Bí Mật

Đây là phần rất quan trọng, trong đó cần định nghĩa rõ ràng thông tin nào được coi là bí mật. Điều này có thể bao gồm dữ liệu kinh doanh, kỹ thuật, khách hàng, tài chính hoặc bất kỳ thông tin nào mà bên tiết lộ mong muốn được bảo mật. Thông tin bí mật cần được mô tả cụ thể để không gây ra sự hiểu lầm, đồng thời tránh việc làm mờ ranh giới giữa thông tin bí mật và thông tin công khai.

5.3. Phạm Vi Và Mục Đích Sử Dụng

Thỏa thuận cũng cần xác định rõ ràng phạm vi sử dụng của thông tin bí mật, nghĩa là thông tin chỉ được sử dụng cho mục đích cụ thể đã được nêu trong NDA. Ví dụ, nếu thông tin được tiết lộ để thực hiện một dự án cụ thể, bên nhận không được phép sử dụng thông tin cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài dự án đó.

5.4. Nghĩa Vụ Bảo Mật

Trong NDA nghĩa vụ của bên nhận trong việc bảo vệ, giữ kín thông tin phải được quy định rõ ràng. Họ có trách nhiệm không tiết lộ thông tin cho bất kỳ bên thứ ba nào khi chưa có sự cho phép của bên cung cấp thông tin. Bên nhận thông tin có thể được yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo mật hợp lý để ngăn ngừa việc truy cập, sử dụng hoặc chia sẻ trái phép thông tin bí mật.

5.5. Thời Hạn Thỏa Thuận

NDA cần quy định thời gian có hiệu lực của nghĩa vụ bảo mật. Điều này có thể là trong suốt thời gian hợp tác giữa các bên hoặc kéo dài trong một khoảng thời gian cụ thể (ví dụ 2, 5, hay 10 năm) sau khi kết thúc mối quan hệ hợp tác. Thời hạn phải thật rõ ràng để tránh gây hiểu nhầm cho các bên có trách nhiệm bảo mật thông tin.

5.6. Các Ngoại Lệ Của Thông Tin Bí Mật

NDA cũng cần quy định những thông tin không được coi là bí mật, giúp bảo vệ bên nhận khỏi trách nhiệm bảo mật các thông tin không còn tính bí mật. Thông thường, các ngoại lệ bao gồm:

  • Thông tin đã được công khai trước khi thỏa thuận.
  • Thông tin mà bên nhận đã biết trước khi ký NDA.
  • Thông tin mà bên nhận có được từ một nguồn hợp pháp khác không vi phạm NDA.
  • Thông tin bắt buộc phải tiết lộ theo yêu cầu của pháp luật hoặc tòa án.

5.7. Hình Thức Xử Lý Vi Phạm

NDA cần quy định hình thức xử lý khi một bên vi phạm thỏa thuận với các biện pháp khắc phục pháp lý để đảm bảo rằng nếu bên nhận vi phạm NDA, bên tiết lộ có quyền thực thi các biện pháp bảo vệ quyền lợi của mình như:

  • Đòi bồi thường thiệt hại tài chính.
  • Khởi kiện tại tòa án và yêu cầu cấm tiết lộ thêm thông tin.
  • Chấm dứt hợp đồng hoặc các quyền lợi liên quan của bên vi phạm.

5.8. Quyền Và Trách Nhiệm Của Các Bên

Quyền, trách nhiệm của các bên cũng là nội dung không thể thiếu trong NDA. Mục này giúp từng bên trong quá trình thực hiện thỏa thuận biết cách bảo vệ, quản lý và sử dụng thông tin như thế nào cho phù hợp. Nhờ vậy, vai trò của từng bên sẽ được làm rõ, đồng thời góp phần ngăn chặn các hiểu lầm hoặc tranh chấp sau này.

5.9. Luật Áp Dụng Và Tòa Án Có Thẩm Quyền

NDA cần chỉ định luật quốc gia hoặc khu vực nào sẽ được áp dụng để giải quyết các tranh chấp liên quan đến thỏa thuận. Đồng thời, NDA cũng có thể nêu rõ tòa án hoặc cơ quan tài phán nào sẽ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp nếu xảy ra.

5.10. Cam Kết Bảo Mật Của Bên Thứ Ba

Nếu bên nhận dự định chia sẻ thông tin cho bên thứ ba (ví dụ như nhà thầu phụ hoặc nhân viên), NDA có thể yêu cầu bên nhận phải đảm bảo rằng bên thứ ba cũng sẽ tuân thủ các điều khoản bảo mật tương tự.

6. Quy Trình Thực Hiện Thỏa Thuận NDA Giữa Doanh Nghiệp Và Nhân Viên

Quy trình ký NDA là gì?

Quy trình xác lập và giám sát thực hiện NDA bao gồm nhiều bước quan trọng để đảm bảo thông tin bí mật được bảo vệ hiệu quả trong suốt quá trình làm việc và cả sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Dưới đây là các bước chi tiết:

6.1. Đề Nghị Nhân Viên Ký Thỏa Thuận NDA

Bước đầu tiên trong quy trình bảo mật thông tin là yêu cầu nhân viên hoặc đối tác ký kết thỏa thuận NDA ngay từ khi bắt đầu mối quan hệ làm việc. Việc này thường diễn ra trong quá trình ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh. NDA cần được giải thích rõ ràng cho nhân viên về các điều khoản, nghĩa vụ bảo mật và hậu quả nếu vi phạm. Đây là bước quan trọng để xác định ranh giới rõ ràng về việc thông tin nào được coi là bí mật, không được tiết lộ. Bản thỏa thuận cần được lưu trữ, quản lý trong hồ sơ để đảm bảo hiệu lực pháp lý, giúp doanh nghiệp có công cụ pháp lý khi cần thiết.

6.2. Triển Khai Bảo Mật Thông Tin

Sau khi thỏa thuận NDA được ký kết, doanh nghiệp nên thiết lập các biện pháp bảo mật cụ thể nhằm ngăn chặn việc rò rỉ thông tin, cụ thể như: mã hóa dữ liệu, kiểm soát truy cập, phân quyền cho những người có liên quan. Ngoài ra, việc đào tạo nhân viên về các biện pháp bảo mật cũng rất cần thiết để họ nắm vững cách bảo vệ thông tin trong quá trình làm việc. Các biện pháp bảo mật này đảm bảo rằng ngay cả khi nhân viên hoặc đối tác tiếp cận thông tin bí mật, chúng sẽ không dễ dàng bị rò rỉ, tiết lộ.

6.3. Tiến Hành Phỏng Vấn Nhân Viên Trước Khi Cho Thôi Việc

Trước khi nhân viên nghỉ việc, doanh nghiệp cần thực hiện một buổi phỏng vấn để nhắc lại các nghĩa vụ bảo mật theo NDA. Tại buổi phỏng vấn này, nhân viên sẽ được nhấn mạnh rằng nghĩa vụ bảo mật vẫn còn hiệu lực ngay cả sau khi họ rời khỏi công ty. Ngoài ra, công ty cần thu hồi tất cả các tài sản thuộc sở hữu của công ty như máy tính, tài liệu, đặc biệt là quyền truy cập vào hệ thống thông tin. Như vậy, doanh nghiệp có thể hạn chế thông tin nhạy cảm bị rò rỉ sau khi nhân viên nghỉ việc, đồng thời ngăn chặn khả năng tiếp cận trái phép sau khi hợp đồng kết thúc.

6.4. Ngầm Giám Sát Nhân Viên Cũ Và Công Ty Mà Nhân Viên Đó Đang Làm Việc

Cuối cùng, doanh nghiệp nên theo dõi ngầm hoạt động của nhân viên sau khi họ rời khỏi công ty, đặc biệt là nếu họ làm việc cho đối thủ cạnh tranh. Việc giám sát này thường được thực hiện thông qua mạng xã hội, các thông tin công khai hoặc báo cáo từ đối tác. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể đảm bảo rằng thông tin bí mật không bị tiết lộ hoặc sử dụng trái phép. Nếu nhân viên cũ làm việc cho một công ty mới có dấu hiệu phát triển các sản phẩm tương tự hoặc sử dụng công nghệ tương tự, đó có thể là dấu hiệu của việc vi phạm NDA. Doanh nghiệp cần có kế hoạch phản ứng nhanh, can thiệp pháp lý nếu phát hiện vi phạm để bảo vệ quyền lợi và bí mật kinh doanh của mình.

7. Tải Mẫu Hợp Đồng NDA Chuẩn

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

BẢN THỎA THUẬN

(Vv: Bảo mật thông tin Dự án …..)

Căn cứ quy định tại Bộ luật dân sự, Luật Thương Mại và Luật Sở hữu trí tuệ.
– Theo sự thỏa thuận của các bên.

Hôm nay, ngày … tháng … năm 2009,
Tại:Văn phòng công ty ANPHA

Chúng tôi gồm:

Bên A: Ông TỪ HOÀNG PHÚC NGỌC
Địa chỉ:
CMND/Hộ chiếu:
Điện thoại: Fax:
Là :

Bên B: CÔNG TY ALPHA
Địa chỉ:
Điện thoại:
Đại diện: ông TRẦN LÊ VĨNH, Giám đốc.

Xét rằng,

– Bên A là bên có ý tưởng ban đầu, các đầu mối kinh doanh và các dữ liệu thông tin liên quan đến Dự án thiết kế, khai thác và kinh doanh website ANTA chuyên về cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe. Sau đây gọi tắt là « Dự án »

– Bên B là bên có khả năng về vốn và kỹ thuật để có thể thực hiện Dự án.

– Hai bên cùng có nhu cầu và đang trong quá trình trao đổi, thỏa thuận về việc hợp tác kinh doanh đối với Dự án.

– Trên tinh thần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên,

Sau khi trao đổi, thỏa thuận, hai bên thống nhất ký Bản thỏa thuận này với nội dung như sau :

Điều 1 : QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Bản thỏa thuận này có giá trị ràng buộc bắt buộc đối với cả hai bên, được xem và hiểu như là một bộ phận không thể tách rời với các hợp đồng, phụ lục hoặc thỏa thuận khác … mà hai bên sẽ ký kết với nhau trong quá trình triển khai Dự án sau này.

1.2. Bí mật kinh doanh và tài sản sở hữu trí tuệ : được hiểu là các thông tin, tài liệu, ý tưởng kinh doanh … thể hiện hoặc lưu trữ dưới các dạng như : văn bản, file máy tính, thư điện tử, hình ảnh, mã code phần mềm tin học… mà mỗi bên có được và thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình.
Bí mật kinh doanh và tài sản sở hữu trí tuệ còn được hiểu và thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và thông lệ Quốc tế ( trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định).

1.3. Thông tin bảo mật : là những thông tin thuộc Bí mật kinh doanh và tài sản sở hữu trí tuệ nêu tại Điều 1.2 mà hai bên biết hoặc tiếp cận được trong quá trình thực hiện Dự án. Hai bên có trách nhiệm và cam kết bảo mật, không cung cấp cho bên thứ ba hoặc sử dụng thông tin bảo mật vì bất kỳ lý do gì – nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của bên còn lại.

1.4. Người được phép nắm giữ thông tin bảo mật: là những người có tên trong Danh sách những người liên quan tham gia trực tiếp, gián tiếp vào việc thực hiện Dự án theo Phụ lục A đính kèm Bản thỏa thuận này.
Tuy vậy, hai bên thống nhất rằng thỏa thuận này còn được áp dụng cho tất cả các nhân viên của cả hai bên, không phải là “Người được phép nắm giữ thông tin bảo mật”, nhưng vì lý do nào đó có thể biết hoặc tiếp cận được “Thông tin bảo mật”.

Điều 2 : NỘI DUNG THỰC HIỆN BẢO MẬT THÔNG TIN

Trong quá trình thực hiện Dự án, hai bên cùng cam kết thực hiện nghiêm túc những nội dung sau đây :

2.1. Không được phép sao chép, cung cấp một phần hay toàn bộ thông tin bảo mật cho bất kỳ bên thứ ba nào biết khi chưa có sự chấp thuận bằng văn bản của bên có quyền sở hữu đối với thông tin bảo mật.

2.2. Không được sử dụng thông tin bảo mật mà các bên đã cung cấp cho nhau phục vụ cho các mục đích khác ngoài nội dung dự án hai bên thực hiện.

2.3. Cung cấp Danh sách những người liên quan được phép nắm giữ thông tin bảo mật, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc thực hiện dự án. Đồng thời, cam kết bảo đảm những người này sẽ không tiết lộ thông tin bảo mật cho bất kỳ bên thứ ba nào khác, trừ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc được sự chấp thuận bằng văn bản của cả hai bên.

2.4. Cam kết không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của nhau trong quá trình thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Điều 3 : HIỆU LỰC VÀ CAM KẾT CHUNG

3.1. Hai bên cam kết hiểu rõ và thực hiện đúng các nội dung tại Bản thỏa thuận này. Mọi sự thay đổi, bổ sung chỉ có giá trị khi được cả hai bên đồng ý bằng văn bản.

3.2. Trong quá trình thực hiện, bên nào vi phạm sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bên kia theo quy định của pháp luật, đồng thời cam kết phải trả thêm cho bên kia một khoản tiền phạt vi phạm tương đương 200 triệu đồng.

3.3. Trường hợp phát sinh tranh chấp, hai bên chủ động giải quyết bằng thương lượng và hòa giải trên tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Nếu hai bên không thể giải quyết được sẽ chuyển vụ việc đến toà án giải quyết theo quy định của pháp luật. Bên thua kiện sẽ phải chịu toàn bộ các chi phí liên quan đến vụ kiện, để cả chi phí thuê luật sư – cho bên thắng kiện.

3.4. Bản thỏa thuận này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong trường hợp hai bên không đạt được sự thỏa thuận về việc hợp tác kinh doanh, thì thỏa thuận này vẫn có hiệu lực ràng buộc trong vòng 3 năm tiếp theo, kể từ ngày hai bên chính thức ký văn bản xác nhận hủy bỏ việc hợp tác kinh doanh.

3.5. Bản thỏa thuận này được lập thành 02 (hai) bản có giá trị pháp lý như nhau. Mỗi bên giữ 01 (một) bản.

BÊN A BÊN B

Link tải Mẫu hợp đồng NDA chuẩn

Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn hiểu NDA là gì? Hy vọng kiến thức trong bài sẽ giúp các bạn yên tâm hơn khi ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin NDA.

Câu hỏi thường gặp

1. Ai Cần Ký NDA?

Nhân viên, đối tác, nhà thầu hoặc bất kỳ ai được trao quyền truy cập vào thông tin bí mật đều cần ký NDA.

2. NDA Có Hiệu Lực Trong Bao Lâu?

Thời gian hiệu lực của NDA phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên, thường kéo dài trong một khoảng thời gian cố định hoặc vô thời hạn.

3. Điều Gì Xảy Ra Nếu Vi Phạm NDA?

Bên vi phạm NDA có thể phải đối mặt với hậu quả pháp lý như bồi thường thiệt hại tài chính hoặc các hình thức xử lý khác tùy thuộc vào điều khoản thỏa thuận.

4. Có Thể Sửa Đổi NDA Sau Khi Đã Ký Không?

NDA có thể được sửa đổi nếu cả hai bên đồng ý và ký bổ sung các điều khoản sửa đổi.

5. NDA Có Bảo Vệ Thông Tin Công Khai Không?

Không, NDA chỉ bảo vệ thông tin bí mật; thông tin công khai hoặc đã biết trước khi ký NDA không được bảo vệ.

6. NDA Có Thể Bị Vô Hiệu Không?

NDA có thể bị vô hiệu nếu vi phạm các quy định pháp luật hoặc không tuân thủ đúng quy trình ký kết.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: