Học Ngành Luật Kinh Tế Ra Làm Gì? Muôn Vàn Cơ Hội Từ Tấm Bằng Luật Kinh Tế

Đánh giá post

Ngành Luật Kinh tế đang ngày càng trở nên phổ biến và thu hút trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Tấm bằng Luật Kinh tế mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, từ cố vấn pháp lý cho tập đoàn đa quốc gia đến các vị trí trong cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế. Bài viết dưới đây sẽ lý giải cho câu hỏi ngành Luật Kinh tế học những gì? Học ngành Luật Kinh tế ra làm gì?

1.Ngành Luật Kinh Tế Là Gì?

Ngành Luật Kinh tế là ngành học nghiên cứu về các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động kinh doanh. Nội dung ngành Luật Kinh tế bao gồm những quy định có tính nguyên tắc nền tảng về tài sản, quyền sở hữu tài sản, hợp đồng kinh doanh, luật thuế, kế toán, thống kê,…

Ngành Luật Kinh Tế Là Gì?

Ngành Luật Kinh tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống nói chung và lĩnh vực kinh tế nói riêng. Nhiệm vụ của Luật Kinh tế là tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của khách hàng, người tiêu dùng, người lao động, cộng đồng xã hội nói chung.

2. Mục Tiêu Đào Tạo Ngành Luật Kinh Tế

Ngành Luật Kinh tế hướng đến đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu, có khả năng ứng dụng tốt lý thuyết vào thực tiễn, đưa ra những sáng kiến đóng góp vào quá trình làm việc. Mục tiêu cụ thể như sau:

  • Trang bị cho sinh viên kiến thức từ nền tảng đến chuyên sâu về ngành học và các lĩnh vực liên quan. Ngành Luật Kinh tế đào tạo sinh viên các nhóm kiến thức cơ bản về khoa học chính trị, khoa học xã hội, pháp luật, thực tiễn pháp lý cơ bản liên quan đến hoạt động xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật kinh tế,… Chương trình học cũng tập trung trang bị cho sinh viên các nội dung kiến thức chuyên ngành như hợp đồng trong thương mại, Luật đầu tư, Luật tài chính, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật chứng khoán, Luật ngân hàng, Luật kinh doanh bất động sản, Luật thương mại quốc tế, Pháp luật kinh doanh xuất nhập khẩu; Luật lao động; Pháp luật an sinh xã hội;…
  • Trang bị kỹ năng chuyên môn cần thiết cho sinh viên: Chuẩn đầu ra ngành Luật Kinh tế đảm bảo sinh viên có những khả năng và kỹ năng chuyên môn để thực hành nghề, áp dụng lý thuyết vào quá trình công tác. Các kỹ năng có thể kể đến như tìm kiếm, phân tích, đánh giá các văn bản pháp luật có liên quan đến pháp luật kinh tế; vận dụng pháp luật để giải quyết các tình huống pháp lý phát sinh trong thực tiễn; đàm phán, soạn thảo hợp đồng, kỹ năng tư vấn pháp luật; kỹ năng soạn thư tư vấn và các văn bản có tính chất pháp lý phục vụ cho các công việc thuộc lĩnh vực pháp luật kinh tế.
  • Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên: Ngoài ra, ngành học cũng đào tạo cho sinh viên phát huy năng lực bản thân và phát triển kỹ năng mềm cần thiết cho quá trình học tập, làm việc. Thông qua tham gia vào các bài tập nhóm, bài tập cá nhân, hội thảo, lớp học,…sinh viên được nâng cao các kỹ năng như lập luận, phản biện, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm,…

3. Ngành Luật Kinh Tế Học Những Gì?

Chương trình học ngành Luật Kinh tế được thiết kế với đầy đủ nội dung về chuyên ngành và các lĩnh vực bổ trợ cho luật cũng như lĩnh vực kinh tế học. Khi trở thành một sinh viên ngành Luật Kinh tế, bạn sẽ được tiếp cận và thực hành những nhóm kiến thức, kỹ năng dưới đây:

Ngành Luật Kinh Tế Học Những Gì?
  • Lý luận nhà nước & pháp luật, lịch sử nhà nước & pháp luật, luật hiến pháp và một số kiến thức cơ bản về kinh tế học. Chương trình học cung cấp lý thuyết thuộc những môn học như nghề Luật, phương pháp học luật, logic học đại cương, văn hóa doanh nghiệp, đạo được kinh doanh, tài chính doanh nghiệp, ý luận chung về nhà nước & pháp luật, kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô,… Những môn học này là cơ sở để bạn hiểu và thực hành khi tiếp cận các môn chuyên ngành.
  • Kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành: Chương trình đào tạo cung cấp kiến thức về Pháp luật về hợp đồng trong thương mại, pháp luật đầu tư, pháp luật về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, pháp luật kinh doanh bất động sản, luật thương mại quốc tế, pháp luật kinh doanh xuất nhập khẩu; pháp luật về lao động và an sinh xã hội,…
  • Kỹ năng giải quyết được những vấn đề lý luận, thực tiễn liên quan đến ngành nghề đào tạo; giải quyết vấn đề pháp lý phát sinh; kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức và giám sát các hoạt động có liên quan đến ngành nghề đào tạo.

>> Xem thêm: Ngành luật là gì? Học ngành luật ra trường làm công việc gì?

4. Ngành Luật Kinh Tế Thi Khối Nào?

Trong những năm gần đây, ngành Luật Kinh tế đang dần chiếm được sự ưu ái của nhiều bạn trẻ. Để đáp ứng nhu cầu đó, ngành học này ngày càng mở rộng khối xét tuyển. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Luật Kinh tế tuyển sinh những tổ hợp dưới đây:

  • A00 (Toán, Vật Lý, Hóa Học).
  • A01 (Toán, Vật Lý, Tiếng Anh).
  • A08 (Toán, Lịch sử, Giáo dục công dân).
  • C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý).
  • C01 (Toán, Ngữ văn, Vật lý).
  • C14 (Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân).
  • C20 (Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân).
  • D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh).
  • D02 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Nga).
  • D03 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Pháp).
  • D05 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Đức).
  • D06 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Nhật).
  • D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh).
  • D09 (Toán, Lịch sử, Tiếng Anh).
  • D14 (Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh)
  • D15 (Ngữ văn, Địa lý, Tiếng Anh).
  • D96 (Toán, Khoa học xã hội, Tiếng Anh).

>>Xem thêm: Khối D học ngành gì? Top 5 ngành nghề khối D dễ xin việc trong tương lai

5. Ngành Luật Kinh Tế Học Trường Nào? Điểm Chuẩn Bao Nhiêu?

Ngành Luật Kinh tế có điểm chuẩn tăng trong nhiều năm gần, nhất là đối với các trường trọng điểm về các ngành luật và kinh tế. Dưới đây là bảng điểm chuẩn mới nhất theo phương thức xét điểm THPTQG mà bạn có thể tham khảo:

Trường Đại học Điểm chuẩn năm 2023
Đại học Luật Hà Nội 25,5 – 27,36
Đại học Kinh tế quốc dân 26,85
Đại học Cần Thơ 25,85
Đại học Kinh tế TP HCM 25,6
Học viện Chính sách và Phát triển 25,5
Đại học Kinh Tế – Đại học Đà Nẵng 25,25
Đại học Ngân hàng TP HCM 25,07
Đại học Tài chính Marketing 24,8
Đại học Thăng Long 23,96
Đại học Mở TP HCM 23,9
Đại học Công nghiệp TP HCM 23,75
Đại học Lao động – Xã hội (Cơ sở Hà Nội) 23,05
Đại học Mở Hà Nội 22,8
Đại học Lao động – Xã hội (Cơ sở phía Nam) 21,5
Học viện Phụ nữ Việt Nam 21
Đại học Luật – Đại học Huế 19
Đại học Công nghệ TP HCM 17
Đại học Văn Lang 16

6. Ngành Luật Kinh Tế Có Được Ưa Chuộng?

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đã tạo ra nhu cầu lớn về các chuyên gia am hiểu cả luật pháp và kinh tế. Điều này khiến ngành luật kinh tế trở nên hấp dẫn không chỉ vì cơ hội nghề nghiệp đa dạng mà còn bởi tiềm năng thu nhập cao và khả năng phát triển sự nghiệp rộng mở.

Xu hướng chuyên môn hóa trong các lĩnh vực như luật doanh nghiệp, luật đầu tư, luật thương mại quốc tế và luật sở hữu trí tuệ cũng mở ra nhiều cơ hội cho các chuyên gia phát triển theo hướng chuyên sâu. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong ngành cũng ngày càng gay gắt, đòi hỏi những người theo đuổi ngành này phải liên tục cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

7. Tố Chất Cần Có Để Theo Đuổi Ngành Luật Kinh Tế

Luật Kinh tế là ngành nghề cần nhiều sự nỗ lực để thành công. Vì thế, cần có những tố chất quan trọng để có thể theo đuổi ngành học này:

Tố Chất Cần Có Để Theo Đuổi Ngành Luật Kinh Tế

7.1 Tư Duy Phân Tích

Người theo đuổi luật kinh tế cần có khả năng phân tích thông tin phức tạp một cách logic và có hệ thống. Họ phải nhanh chóng nắm bắt các khía cạnh khác nhau của một vấn đề, xác định mối quan hệ giữa các yếu tố, từ đó đưa ra kết luận hợp lý. Tư duy phân tích giúp luật sư hiểu rõ các quy định pháp lý phức tạp và áp dụng chúng vào các tình huống kinh doanh cụ thể.

7.2 Kỹ Năng Giao Tiếp

Khả năng truyền đạt thông tin phức tạp một cách rõ ràng và thuyết phục là không thể thiếu trong lĩnh vực luật kinh tế. Luật sư phải có khả năng giải thích các khái niệm pháp lý phức tạp cho khách hàng không chuyên, trình bày lập luận thuyết phục trước tòa, đàm phán hiệu quả trong các giao dịch kinh doanh. Kỹ năng giao tiếp bằng văn bản cũng rất cần thiết để soạn thảo hợp đồng, báo cáo pháp lý và các tài liệu khác một cách chính xác, rõ ràng.

7.3 Vốn Hiểu Biết Sâu Rộng Về Luật Và Kinh Tế

Luật kinh tế đòi hỏi sự hiểu biết vững chắc về các nguyên lý kinh tế, hoạt động kinh doanh và xu hướng thị trường. Người hành nghề trong lĩnh vực này cần nắm vững các khái niệm như cung cầu, cạnh tranh thị trường và các chính sách kinh tế vĩ mô. Kiến thức này giúp họ hiểu rõ hơn về bối cảnh mà các quy định pháp lý được áp dụng và đưa ra lời khuyên phù hợp cho khách hàng.

7.4 Khả Năng Thích Ứng Và Không Ngừng Học Hỏi

Lĩnh vực luật kinh tế luôn thay đổi để phản ánh môi trường kinh doanh và quy định pháp lý đang phát triển. Người theo đuổi ngành này phải có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi này và luôn cập nhật kiến thức của mình. Họ cần có tinh thần ham học hỏi, sẵn sàng nghiên cứu các xu hướng mới và điều chỉnh cách tiếp cận của mình để đáp ứng nhu cầu của thị trường pháp lý đang thay đổi.

7.5 Tính Chính Trực Và Đạo Đức Nghề Nghiệp

Trong lĩnh vực luật nói chung và luật kinh tế nói riêng, tính chính trực là một tố chất không thể thiếu. Luật sư phải luôn hành động theo các chuẩn mực đạo đức cao nhất, bảo vệ lợi ích của khách hàng trong khi vẫn tuân thủ pháp luật và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Họ phải có khả năng xử lý các tình huống đạo đức phức tạp, duy trì sự tin tưởng của khách hàng cũng như của cộng đồng pháp lý.

8. Học Ngành Luật Kinh Tế Ra Làm Gì?

Học Luật Kinh tế ra làm ở đâu, học Luật Kinh tế ra làm gì lương bao nhiêu,… hẳn vẫn còn là thắc mắc của nhiều người khi lựa chọn ngành học này. Không chỉ tại các cơ quan nhà nước, ngành Luật kinh tế mở ra cơ hội làm việc vô cùng đa dạng, ở nhiều vị trí tại các doanh nghiệp, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư, thương mại quốc tế, sở hữu trí tuệ,… Có thể nói, ngành Luật Kinh tế là chìa khóa vàng mở ra vô vàn cơ hội nghề nghiệp với mức lương hấp dẫn.

Học Ngành Luật Kinh Tế Ra Làm Gì?

8.1 Luật Sư Doanh Nghiệp

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận vị trí luật sư doanh nghiệp, làm việc tại các công ty luật hoặc bộ phận pháp chế của các doanh nghiệp lớn. Nhiệm vụ của một luật sư doanh nghiệp là tư vấn về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh, soạn thảo, đàm phán hợp đồng, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Mức lương cho nghề này trung bình dao động từ 15-30 triệu đồng/tháng đối với luật sư mới và có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng đối với luật sư cấp cao.

8.2 Cố Vấn Thuế

Cử nhân ngành Luật Kinh tế cũng có cơ hội trở thành cố vấn thuế làm việc tại các công ty tư vấn thuế, công ty kiểm toán lớn hoặc bộ phận thuế của các doanh nghiệp. Công việc của cố vấn thuế là tư vấn về các trường hợp liên quan đến thuế, lập kế hoạch thuế và đảm bảo tuân thủ quy định về thuế. Mức lương trung bình trong ngành có thể dao động từ 15-25 triệu đồng/tháng cho vị trí mới vào nghề, có thể tăng lên 50-100 triệu đồng/tháng cho các vị trí quản lý cấp cao. Đây là ngành nghề có triển vọng tốt do hệ thống thuế ngày càng phức tạp và nhu cầu tối ưu hóa thuế của doanh nghiệp ngày càng cao.

8.3 Chuyên Gia Pháp Lý Trong Lĩnh Vực Ngân Hàng Và Tài Chính

Với tấm bằng Đại học ngành Luật Kinh tế, cử nhân ngành cũng có thể làm việc tại ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư hoặc các tổ chức tài chính khác. Nhiệm vụ của các chuyên gia pháp lý là tư vấn về các vấn đề pháp lý liên quan đến giao dịch tài chính, tuân thủ quy định về chứng khoán và ngân hàng. Mức lương trung bình trong ngành là từ 20-40 triệu đồng/tháng.

8.4 Trọng Tài Thương Mại

Trọng tài thương mại có lẽ là một thuật ngữ mới đối với những người chưa tìm hiểu sâu về ngành Luật Kinh tế. Ở vị trí này, người hành nghề sẽ thực hiện giải quyết các tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp thông qua phương thức trọng tài. Mức thù lao cho mỗi vụ việc có thể từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, tùy thuộc vào quy mô và độ phức tạp của tranh chấp.

8.5 Chuyên Gia Pháp Lý Trong Lĩnh Vực Sở Hữu Trí Tuệ

Các công ty luật chuyên về sở hữu trí tuệ, văn phòng đại diện sở hữu trí tuệ hoặc bộ phận pháp lý của các công ty công nghệ luôn có nhu cầu tuyển các chuyên gia pháp lý. Khi công tác tại vị trí này, các chuyên gia sẽ cần tư vấn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký bằng sáng chế, nhãn hiệu và xử lý các tranh chấp liên quan. Đây là lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ do vai trò đảm bảo các quyền lợi về tài sản trí tuệ trong nền kinh tế tri thức ngày càng trở nên quan trọng.

8.6 Tự Mở Công Ty Luật

Học Luật Kinh tế ra làm gì hẳn không còn là câu hỏi khó khi bạn có thể tự mở cho mình công ty luật riêng. Người sáng lập có thể tập trung vào cung cấp các dịch vụ pháp lý chuyên biệt như tư vấn doanh nghiệp, mua bán, sáp nhập, sở hữu trí tuệ, hoặc tranh tụng thương mại. Thành công trong lĩnh vực này đòi hỏi bạn phải có kiến thức pháp lý vững vàng, kỹ năng quản lý, marketing và phát triển kinh doanh.

8.7 Giảng Dạy Tại Các Trường Đại Học, Cao Đẳng

Nếu bạn thắc mắc học Thạc sĩ Luật Kinh tế ra làm gì, thì đây chính là câu trả lời. Sinh viên có thể theo đuổi các cấp học cao hơn ở bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ trong ngành. Khi đạt được trình độ yêu cầu, thạc sĩ, tiến sĩ ngành Luật Kinh tế có thể trực tiếp giảng dạy nhiều bộ môn tại các trường Đại học, Cao đẳng có đào tạo ngành học này.

Có thể nói, tấm bằng Luật kinh tế mở ra một thế giới rộng mở với muôn ngàn cơ hội cho những ai đam mê lĩnh vực này. Với sự phát triển và biến đổi không ngừng của nền kinh tế thế giới, ngành Luật Kinh tế ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng nguồn nhân lực. Trả lời cho câu hỏi học ngành Luật Kinh tế ra làm gì là bước chuẩn bị hành trang quan trọng để bạn có thể vững bước khi trở thành một sinh viên ngành Luật Kinh tế.

Câu hỏi thường gặp

1. Ngành Luật Kinh Tế Khác Gì So Với Ngành Luật Thông Thường?

Ngành Luật Kinh tế kết hợp kiến thức pháp luật với kinh tế học, tập trung vào các vấn đề pháp lý liên quan đến kinh doanh và thương mại. Ngành Luật thông thường bao quát rộng hơn, bao gồm nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau.

2. Có Thể Chuyển Sang Các Lĩnh Vực Khác Sau Khi Học Ngành Luật Kinh Tế Không?

Bạn có thể công tác ở lĩnh vực khác sau khi học ngành Luật Kinh tế, vì kiến thức từ ngành này có tính ứng dụng cao và linh hoạt, giúp bạn dễ dàng chuyển đổi sang các lĩnh vực như quản trị kinh doanh, tài chính, hoặc chính sách công.

3. Có Cần Học Thêm Các Chứng Chỉ Bổ Sung Sau Khi Tốt Nghiệp Ngành Luật Kinh Tế Không?

Không bắt buộc, nhưng các chứng chỉ bổ sung (như CFA, chứng chỉ hành nghề luật sư) có thể giúp bạn tăng cơ hội nghề nghiệp và khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: