Khủng Hoảng Hiện Sinh Là Gì? 12 Cách Để Vượt Qua Khủng Hoảng Hiện Sinh

Đánh giá post

Bạn có bao giờ thức dậy vào một buổi sáng và tự hỏi: “Mình đang làm gì với cuộc đời này?”. Bạn bắt đầu đặt một loạt câu hỏi ý nghĩa của sự tồn tại, về vai trò của mình trong vũ trụ cùng tất cả những việc mà bản thân đã, đang cũng như sẽ làm. Đó chính là lúc bạn đang chạm vào ngưỡng cửa của khủng hoảng hiện sinh – một trạng thái tâm lý mà hầu hết chúng ta đều sẽ trải qua ít nhất một lần trong đời. Vậy khủng hoảng hiện sinh là gì? Làm thế nào để đối phó với khủng hoảng hiện sinh? Cùng JobsGO tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Mục lục

1. Khủng Hoảng Hiện Sinh Là Gì?

Khủng hoảng hiện sinh (Existential Crisis) là thuật ngữ triết học, tâm lý học miêu tả trạng thái một cá nhân cảm thấy cuộc sống thiếu ý nghĩa và nghi ngờ về mục đích tồn tại của chính bản thân mình. Đây là giai đoạn chuyển tiếp của tâm lý mà hầu hết chúng ta đều trải qua nhiều lần trong suốt cuộc đời, thường là khi chúng ta phải đối mặt với sự thật rằng cuối cùng chúng ta sẽ chết.

Khủng Hoảng Hiện Sinh Là Gì?

Tiến sĩ Albers từng giải thích “Khi phải trải qua những thay đổi lớn hoặc mất mát sâu sắc, chúng ta thường bắt đầu đặt câu hỏi về vị trí của mình trong cuộc sống. Bạn sẽ nhìn vào những gì mình đang làm và thắc mắc rằng tại sao mình làm điều đó. Bạn cũng có thể cảm thấy không hài lòng về vị trí của mình trong cuộc sống”. Trạng thái này có thể gây ra cảm giác lo âu, trống rỗng, mất phương hướng, nhưng cũng có thể là động lực để con người tìm kiếm ý nghĩa sâu sắc hơn, tự do cá nhân và trách nhiệm với cuộc sống của mình.

2. Các Loại Khủng Hoảng Hiện Sinh

Bạn đã biết có bao nhiêu loại khủng hoảng hiện sinh chưa? Câu trả lời là 5 loại chính. Việc hiểu rõ từng loại khủng hoảng mà bản thân đang trải qua và nguyên nhân của chúng có thể giúp bạn tìm ra cách vượt qua khủng hoảng trong cuộc sống hiệu quả hơn.

2.1 Khủng Hoảng Hiện Sinh Về Cảm Xúc, Sự Tồn Tại

Khủng hoảng hiện sinh về cảm xúc & sự tồn tại là trạng thái tâm lý trong đó con người thường đặt câu hỏi về bản chất trong sự tồn tại của chính mình và có những trải nghiệm cảm xúc mãnh liệt liên quan đến những câu hỏi này. Đây là một dạng khủng hoảng phổ biến, thường xuất hiện trong các giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của cuộc đời.

Người rơi vào loại khủng hoảng tâm lý này thường biểu hiện sự bối rối, lo âu và thậm chí trầm cảm. Họ có thể cảm thấy mất phương hướng trong cuộc sống, khó khăn trong việc tìm kiếm động lực hoặc mục đích sống. Biểu hiện bên ngoài thường bao gồm thay đổi thói quen ăn uống, giấc ngủ và có xu hướng tách biệt khỏi các mối quan hệ xã hội.

Đây cũng có thể coi là một phần biểu hiện của khủng hoảng nhân dạng hay khủng hoảng bản sắc cá nhân khi ai đó tự nghi ngờ về những thứ thuộc về bản thân mình. Họ sẽ thường quay cuồng trong những câu hỏi kiểu như: “Tôi là ai?”, “Tại sao tôi lại tồn tại?”, “Cuộc sống của tôi có ý nghĩa gì không?”, “Tôi có thực sự tồn tại hay đây chỉ là một giấc mơ?”. Những câu hỏi này phản ánh sự tìm kiếm bản sắc cá nhân và ý nghĩa sâu sắc hơn trong cuộc sống.

Người rơi vào khủng hoảng hiện sinh về cảm xúc, sự tồn tại thường có cảm giác trống rỗng, thấy mọi thứ vô nghĩa và trải qua những khoảnh khắc của sự tỉnh thức sâu sắc về bản thân cũng như thế giới xung quanh. Họ có thể trải qua trạng thái “phi thực tại” (derealization) hoặc “phi nhân cách hóa” (depersonalization), trong đó thế giới hoặc bản thân họ dường như không còn thực.

Các nghiên cứu tâm lý học, ví dụ như công trình của Irvin D. Yalom đã chỉ ra rằng việc đối mặt với những câu hỏi hiện sinh này ban đầu sẽ gây ra đau khổ. Tuy nhiên, sau đó họ có thể trải qua sự phát triển nội tâm sâu sắc và tìm được cảm giác mới về mục đích, ý nghĩa trong cuộc sống. Quá trình này thường được gọi là “sự phát triển sau sang chấn” (post-traumatic growth) trong tâm lý học tích cực.

2.2 Khủng Hoảng Hiện Sinh Về Ý Nghĩa Cuộc Sống

Khủng hoảng hiện sinh về ý nghĩa cuộc sống là trạng thái tâm lý trong đó cá nhân đối mặt với câu hỏi cốt lõi về mục đích và giá trị của sự tồn tại của mình. Đây là một trong những dạng khủng hoảng hiện sinh sâu sắc nhất, thường xuất hiện sau những biến cố lớn trong cuộc đời hoặc trong quá trình một người tự suy ngẫm.

Khủng Hoảng Hiện Sinh Về Ý Nghĩa Cuộc Sống

Người trải qua loại khủng hoảng này thường biểu hiện sự mất phương hướng trong cuộc sống, cảm giác trống rỗng và vô định. Họ có thể mất động lực trong công việc, hoạt động xã hội và thậm chí cả trong các mối quan hệ cá nhân. Biểu hiện bên ngoài bao gồm sự thờ ơ với những hoạt động trước đây họ từng yêu thích, xu hướng cô lập bản thân và đôi khi là những hành vi tự hủy hoại.

Họ sẽ thường đặt ra những câu hỏi như: “Cuộc sống này có ý nghĩa gì?”, “Tại sao tôi phải tiếp tục sống?”, “Làm thế nào để tìm được mục đích sống?”, “Có gì đáng để sống không?”. Những câu hỏi này phản ánh mong muốn tìm kiếm một lý do tồn tại vượt ra ngoài những hoạt động và mục tiêu hàng ngày.

Người rơi vào khủng hoảng hiện sinh về ý nghĩa cuộc sống sẽ thường cảm giác tuyệt vọng, vô nghĩa và những khoảnh khắc khao khát tìm kiếm ý nghĩa của một sự vật, sự việc vốn quen thuộc với mình. Họ có thể trải qua cảm giác “trống rỗng hiện sinh” (existential vacuum) như Viktor Frankl đã mô tả – một trạng thái trong đó cuộc sống dường như không có mục đích hoặc ý nghĩa.

Ví dụ, một người đàn ông trung niên đã đạt được thành công trong sự nghiệp và có gia đình hạnh phúc có thể bất ngờ cảm thấy cuộc sống của mình thiếu ý nghĩa sâu sắc. Khi đó, anh ta sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về giá trị thực sự của những thành tựu của mình và tìm kiếm một mục đích lớn hơn trong cuộc sống.

2.3 Khủng Hoảng Hiện Sinh Về Cái Chết

Khủng hoảng hiện sinh về cái chết là trạng thái tâm lý trong đó con người phải đối mặt trực tiếp với ý thức về sự tất yếu của cái chết và tính hữu hạn của cuộc sống. Đây là một trong những dạng khủng hoảng hiện sinh cơ bản nhất, thường được kích hoạt bởi những sự kiện như mất người thân, trải qua bệnh tật nghiêm trọng hoặc đơn giản là quá trình lão hóa.

Người trải qua loại khủng hoảng này thường biểu hiện nỗi sợ hãi mãnh liệt về cái chết, lo lắng về tương lai và đôi khi là sự ám ảnh với ý nghĩ về sự kết thúc của cuộc sống. Họ có thể trở nên quá cẩn trọng trong các hoạt động hàng ngày, tránh những tình huống mà họ cảm thấy có thể đe dọa tính mạng. Một số người có thể gặp phải các triệu chứng của rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.

Các nghiên cứu trong thuyết quản lý nỗi sợ hãi (Terror Management Theory) của Solomon, Greenberg và Pyszczynski đã chỉ ra rằng ý thức về cái chết có thể là một động lực mạnh mẽ cho hành vi của con người. Họ lập luận rằng nhiều hoạt động văn hóa và cá nhân của chúng ta là nỗ lực để đối phó với nỗi sợ hãi về cái chết. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học hiện sinh như Irvin Yalom cũng đã chỉ ra rằng đối mặt trực tiếp với thực tế của cái chết có thể đưa con người ta đến một cuộc sống ý nghĩa và trọn vẹn hơn, một quá trình mà ông gọi là “thức tỉnh hiện sinh”. Đó là khi người rơi vào khủng hoảng hiện sinh về cái chết dần tìm được cách vượt qua khủng hoảng tâm lý về nỗi sợ.

2.4 Khủng Hoảng Hiện Sinh Về Kết Nối Và Cô Lập

Khủng hoảng hiện sinh về kết nối & cô lập là trạng thái tâm lý trong đó con người phải đối mặt với tình trạng cô đơn và khao khát được kết nối sâu sắc với người khác. Loại khủng hoảng này thường xuất hiện trong các giai đoạn chuyển tiếp của cuộc sống, sau khi trải qua mất mát hoặc trong quá trình tự suy ngẫm về bản chất của các mối quan hệ.

Người trải qua loại khủng hoảng này thường biểu hiện cảm giác cô đơn sâu sắc, ngay cả khi họ được bao quanh bởi những người khác. Họ có thể gặp khó khăn trong việc tạo lập, duy trì các mối quan hệ có ý nghĩa, cảm thấy không được hiểu và đánh giá đúng trong các mối quan hệ hiện tại. Biểu hiện bên ngoài thường bao gồm xu hướng tự cô lập, gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội, hoặc ngược lại, nỗ lực quá mức để tạo và duy trì các mối quan hệ.

2.5 Khủng Hoảng Hiện Sinh Về Trách Nhiệm Và Sự Tự Do

Khủng hoảng hiện sinh về trách nhiệm & sự tự do là một trạng thái phức tạp, trong đó cá nhân phải đối mặt với sự nhận thức sâu sắc về quyền tự do lựa chọn của mình và trách nhiệm đi kèm với nó. Đây là một khía cạnh quan trọng của triết học hiện sinh, được nhấn mạnh bởi các nhà tư tưởng như Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir.

Khi rơi vào loại khủng hoảng này, người ta thường cảm thấy choáng ngợp trước số lượng lựa chọn có sẵn trong cuộc sống. Họ có thể trải qua cảm giác lo âu mãnh liệt khi nhận ra rằng mỗi quyết định họ đưa ra đều có thể tạo ra những hậu quả xấu, không chỉ cho bản thân mà còn cho người khác và thế giới xung quanh. Điều này có thể dẫn đến tình trạng “tê liệt quyết định”, khi ai đó cảm thấy quá sợ hãi để đưa ra bất kỳ lựa chọn nào.

Các nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học hiện sinh đã chỉ ra rằng việc đối mặt với khủng hoảng về trách nhiệm & tự do có thể là một bước quan trọng trong quá trình phát triển cá nhân. Rollo May, một nhà tâm lý học hiện sinh nổi tiếng, đã lập luận rằng chấp nhận trách nhiệm về cuộc sống của chính mình là chìa khóa để đạt được sự trưởng thành tâm lý và sống một cuộc sống đích thực.

Irvin D. Yalom, trong cuốn sách nổi tiếng của ông “Existential Psychotherapy”, đã mô tả cách mà việc đối mặt với tự do và trách nhiệm có thể dẫn đến sự phát triển nội tâm. Ông lập luận rằng thông qua việc chấp nhận trách nhiệm về cuộc sống của mình, người ta có thể tìm thấy ý nghĩa, mục đích sâu sắc hơn.

Tuy nhiên, quá trình này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhiều người chọn trốn tránh trách nhiệm bằng cách tuân theo các quy tắc, kỳ vọng xã hội hoặc họ sẽ đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác về tình trạng cuộc sống của mình. Sartre gọi đây là hành vi “bad faith” (có niềm tin xấu), một cách để con người tự lừa dối bản thân về bản chất tự do của chính mình.

Xem thêm: 4 giai đoạn khủng hoảng việc làm của giới trẻ

3. Biểu Hiện Của Khủng Hoảng Hiện Sinh

Khủng hoảng hiện sinh là một trạng thái tâm lý phức tạp, ảnh hưởng sâu sắc đến cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của cá nhân. Biểu hiện của nó có thể đa dạng và khác nhau giữa các cá nhân, nhưng có một số đặc điểm chung thường được quan sát thấy.

3.1 Thường Xuyên Lo Lắng, Căng Thẳng, Mệt Mỏi

Một trong những biểu hiện nổi bật nhất của khủng hoảng hiện sinh là sự lo lắng, căng thẳng và mệt mỏi thường xuyên. Bạn có có thể cảm thấy như đang mang một gánh nặng vô hình, luôn bị đè nén bởi những suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống, mục đích tồn tại và sự mơ hồ của tương lai. Sự lo lắng này không chỉ xuất hiện trong một vài khoảnh khắc mà nó có thể trở thành một trạng thái thường trực, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của bạn.

Đôi khi, bạn sẽ thấy việc thư giãn thật khó khăn, bạn bị giảm khả năng tập trung và thường xuyên cảm thấy kiệt sức mà không có lý do rõ ràng. Đây không chỉ là sự mệt mỏi về thể chất mà còn là sự kiệt quệ về tinh thần, phản ánh cuộc đấu tranh nội tâm mà chính bạn đang phải trải qua.

Xem thêm: Làm thế nào để giảm stress sau chuỗi ngày dài mệt mỏi?

3.2 Rối Loạn Lo Âu, Trầm Cảm

Trong nhiều trường hợp, những cảm xúc lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi có thể phát triển thành các rối loạn tâm lý nghiêm trọng hơn như rối loạn lo âu và trầm cảm. Rối loạn lo âu trong bối cảnh khủng hoảng hiện sinh thường liên quan đến nỗi sợ hãi sâu sắc về tương lai, cảm giác mất kiểm soát đối với cuộc sống của mình cũng những lo lắng về việc không thể tìm thấy ý nghĩa hoặc mục đích.

Rối Loạn Lo Âu, Trầm Cảm

Mặt khác, trầm cảm trong khủng hoảng hiện sinh có thể được biểu hiện như một cảm giác về sự vô vọng và vô nghĩa. Bạn có thể cảm thấy rằng không có gì thực sự quan trọng và rằng mọi nỗ lực đều là vô ích trong cuộc đời rộng lớn này. Những rối loạn như vậy không chỉ là phản ứng tạm thời với stress mà là biểu hiện của một cuộc khủng hoảng sâu sắc về bản chất tồn tại của chính mình.

3.3 Không Có Năng Lượng, Sức Sống

Một biểu hiện khác của khủng hoảng hiện sinh là sự thiếu hụt năng lượng và sức sống. Bạn sẽ cảm thấy như bản thân không thực sự sống mà chỉ đơn thuần tồn tại. Bạn cũng sẽ có cảm giác trống rỗng. Khủng hoảng hiện sinh còn có thể được biểu hiện qua các triệu chứng thể chất như mệt mỏi mãn tính, rối loạn giấc ngủ hoặc thay đổi trong thói quen ăn uống. Cảm giác thiếu sức sống có thể khiến mọi hoạt động dường như trở nên nặng nề và khó khăn, ngay cả những việc đơn giản nhất trong cuộc sống hàng ngày như thức dậy, nghe nhạc, làm việc…

3.4 Không Có Động Lực

Sự thiếu hụt động lực cũng là một biểu hiện thường thấy trong khủng hoảng hiện sinh. Khi bạn không thể tìm thấy ý nghĩa hoặc mục đích trong cuộc sống, bạn có thể gặp khó khăn trong việc thúc đẩy bản thân hướng tới bất kỳ mục tiêu nào. Biểu hiện bên ngoài cho trạng thái này chính là trì hoãn, gặp khó khăn trong việc bắt đầu hoặc hoàn thành các nhiệm vụ cùng cảm giác bất lực về mọi thứ. Ngay cả những hoạt động mà trước đây bạn đam mê cũng có thể trở nên không hấp dẫn. Đây không phải là sự lười biếng đơn thuần mà là phản ánh của một cuộc đấu tranh sâu sắc hơn với câu hỏi về ý nghĩa và mục đích của mọi nỗ lực trong cuộc đời bạn.

Xem thêm: 20+ bí quyết tạo động lực sống mỗi ngày ai cũng làm được

3.5 Mất Dần Hứng Thú

Cùng với sự thiếu động lực, người trải qua khủng hoảng hiện sinh thường mất dần hứng thú với những hoạt động và mối quan tâm trước đây. Những sở thích, đam mê và mục tiêu mà từng định hình cuộc sống của bạn có thể bắt đầu trở nên vô nghĩa hoặc không còn quan trọng. Điều này có thể dẫn đến cảm giác mất phương hướng và không có mục tiêu trong cuộc sống. Sự mất hứng thú không chỉ giới hạn trong các hoạt động giải trí mà có thể mở rộng đến công việc, mối quan hệ và các khía cạnh khác của cuộc sống. Bạn có thể cảm thấy như bản thân đang làm tròn trách nhiệm trong các hoạt động bạn từng hứng thú mà không thực sự tận hưởng chúng.

3.6 Tách Biệt Xã Hội

Một biểu hiện khác của khủng hoảng hiện sinh là xu hướng tách biệt xã hội. Khi đối mặt với những câu hỏi sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống và bản chất tồn tại, bạn có thể cảm thấy choáng ngợp, bị cô lập khỏi những người xung quanh. Bạn có thể cảm thấy rằng không ai có thể thực sự hiểu được những gì bản thân bạn đang trải qua, dẫn đến việc rút lui khỏi các mối quan hệ và tương tác xã hội.

Tách Biệt Xã Hội

Dấu hiệu tách biệt xã hội có thể được biểu hiện qua việc từ chối lời mời gặp gỡ bạn bè, ít tham gia vào các hoạt động xã hội, hoặc thậm chí cách ly bản thân khỏi gia đình. Sự tách biệt này không chỉ là một phản ứng với cảm giác khác biệt mà còn có thể là một nỗ lực để tìm kiếm không gian và thời gian để đối mặt với những câu hỏi hiện sinh mà chính bạn đang vật lộn với chúng.

4. Nguyên Nhân Dẫn Đến Khủng Hoảng Hiện Sinh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng hiện sinh, thường là những biến cố lớn hoặc sự thay đổi đột ngột nào đó về môi trường sống. Khủng hoảng hiện sinh cũng thường xuất phát từ suy nghĩ và cảm xúc của chính bản thân bạn.

4.1 Gặp Biến Cố Lớn

Một trong những yếu tố chính gây ra khủng hoảng hiện sinh là khi con người gặp phải những biến cố lớn trong cuộc đời. Đó có thể là sự mất mát người thân, chia tay trong tình yêu, mất việc làm hay phá sản trong kinh doanh. Những sự kiện này có thể làm sụp đổ toàn bộ niềm tin và giá trị mà một người đã xây dựng trong suốt thời gian qua. Khi đối mặt với những tình huống khó khăn như vậy, con người bắt đầu đặt câu hỏi về ý nghĩa của mọi thứ họ đã làm và những gì họ đang theo đuổi.

4.2 Có Sự Thay Đổi Quá Đột Ngột

Bên cạnh đó, sự thay đổi quá đột ngột cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến khủng hoảng hiện sinh. Cuộc sống luôn vận động, biến đổi, nhưng khi những thay đổi diễn ra quá nhanh chóng, mạnh mẽ, con người có thể cảm thấy choáng ngợp và mất phương hướng. Điều này có thể xảy ra khi chuyển đến một nơi ở mới, bắt đầu một công việc hoàn toàn khác, hay bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời như kết hôn hoặc có con. Những thay đổi lớn này buộc con người phải đối mặt với một thực tế mới, đòi hỏi họ phải xem xét lại toàn bộ hệ thống giá trị và niềm tin của mình.

4.3 Mất Kiểm Soát Trong Cuộc Sống

Cảm giác mất kiểm soát trong cuộc sống cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến khủng hoảng hiện sinh. Khi con người cảm thấy họ không còn nắm quyền kiểm soát đối với cuộc đời mình, họ có thể rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng. Điều này có thể xảy ra khi họ phải đối mặt với những tình huống vượt quá khả năng giải quyết của bản thân, như bệnh tật kéo dài, khó khăn tài chính không thể vượt qua, hay những áp lực từ công việc và gia đình. Cảm giác bất lực cũng có thể dẫn đến việc con người đặt câu hỏi về vai trò của họ trong vũ trụ và ý nghĩa của sự tồn tại.

Mất Kiểm Soát Trong Cuộc Sống

4.4 Không Hài Lòng Với Hiện Tại

Một nguyên nhân khác dẫn đến khủng hoảng hiện sinh là khi con người không hài lòng với hiện tại. Đây là tình trạng khi một người nhận ra rằng cuộc sống hiện tại của họ không phù hợp với những mơ ước, kỳ vọng hay tiềm năng mà họ tin rằng mình có. Họ có thể cảm thấy bị mắc kẹt trong một công việc không thỏa mãn, một mối quan hệ không hạnh phúc, hoặc một lối sống không phản ánh đúng giá trị cốt lõi của bản thân. Sự không hài lòng này có thể dẫn đến việc họ bắt đầu đặt câu hỏi về mục đích sống và những gì thực sự quan trọng đối với họ.

4.5 Cảm Giác Tội Lỗi Về Điều Gì Đó

Cuối cùng, cảm giác tội lỗi về điều gì đó cũng có thể là một nguyên nhân gây ra khủng hoảng hiện sinh. Đây có thể là cảm giác tội lỗi về những hành động trong quá khứ, những quyết định sai lầm, hay thậm chí là những điều họ chưa làm được. Cảm giác tội lỗi này có thể ăn mòn tinh thần con người, khiến họ không ngừng suy nghĩ về những gì đã xảy ra và những gì có thể đã khác đi. Điều này có thể dẫn đến việc họ đặt câu hỏi về bản chất của đạo đức, về việc làm thế nào để sống một cuộc đời có ý nghĩa và không hối tiếc. Quá trình tự vấn có thể khiến họ gặp phải một cuộc khủng hoảng hiện sinh sâu sắc, khi con người phải đối mặt với những câu hỏi cơ bản về bản thân và vị trí của họ trong thế giới.

Cảm Giác Tội Lỗi Về Điều Gì Đó

Xem thêm: 5 cách giúp bạn xử lý khủng hoảng khi thực tập

5. Cách Để Vượt Qua Khủng Hoảng Hiện Sinh

Vượt qua khủng hoảng hiện sinh không phải là một quá trình dễ dàng hay nhanh chóng. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, nỗ lực và quyết tâm. Tuy nhiên, bằng cách áp dụng những phương pháp dưới đây, bạn sẽ dần tìm thấy ý nghĩa, niềm vui trong cuộc sống. Hãy nhớ rằng, mỗi người đều có giá trị và vai trò riêng trong thế giới này. Nhiệm vụ của bạn là khám phá và phát huy hết tiềm năng của mình.

5.1 Thay Đổi Tư Duy, Quan Điểm

Trước hết, việc thay đổi tư duy và quan điểm là bước đi quan trọng đầu tiên. Thay vì nhìn nhận mọi thứ một cách tiêu cực, hãy cố gắng nhìn nhận vấn đề dưới góc độ tích cực hơn. Điều này không có nghĩa là phủ nhận những khó khăn bạn đang gặp phải, mà là tìm kiếm cơ hội và bài học từ chúng. Khi bạn thay đổi cách nhìn, thế giới xung quanh cũng sẽ thay đổi theo. Bạn có thể bắt đầu bằng việc ghi nhận những điều tốt đẹp xảy ra mỗi ngày dù chúng có nhỏ nhặt. Dần dần, tâm trí bạn sẽ được rèn luyện để tập trung vào những khía cạnh tích cực của cuộc sống.

5.2 Mở Lòng Bày Tỏ Cảm Xúc

Khi chúng ta đối mặt với những câu hỏi lớn về ý nghĩa cuộc sống, mục đích tồn tại hay giá trị bản thân, việc giữ kín những cảm xúc, suy nghĩ trong lòng có thể khiến chúng ta cảm thấy cô đơn và bị cô lập. Thay vào đó, việc chia sẻ những lo lắng, nỗi sợ hãi hay cảm giác hoang mang với những người xung quanh có thể giúp bạn nhận được sự đồng cảm và hỗ trợ tinh thần.

Mở Lòng Bày Tỏ Cảm Xúc

Việc nói ra cảm xúc của bản thân sẽ giúp bạn giảm bớt gánh nặng trong tâm hồn và tạo cơ hội để bạn nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Bằng cách mở lòng, bạn cũng có thể khám phá ra rằng nhiều người khác cũng từng trải qua những chướng ngại tâm lý tương tự, từ đó tạo nên cảm giác gắn kết và không còn đơn độc trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.

5.3 Nhìn Nhận Lại Giá Trị Cuộc Sống

Đây là quá trình mà bạn sẽ đặt câu hỏi sâu sắc về những giá trị cốt lõi, những mục tiêu và ước mơ của mình. Trong giai đoạn này, bạn sẽ có cơ hội để đánh giá lại những định nghĩa trước đây về thành công và hạnh phúc, đồng thời khám phá những nguồn ý nghĩa mới mà có thể chúng ta chưa từng cân nhắc trước đây.

Bạn có thể bắt đầu tìm kiếm mục đích sống thông qua việc giúp đỡ người khác, theo đuổi đam mê sáng tạo, hay đơn giản là tận hưởng những khoảnh khắc nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày. Quá trình này không phải là một điểm đến cụ thể mà là một hành trình liên tục của sự khám phá và phát triển bản thân. Bằng cách mở rộng góc nhìn về ý nghĩa cuộc sống, bạn có thể tìm thấy sự bình an nội tâm, động lực mới để tiếp tục cuộc sống với niềm tin và hy vọng vững chắc hơn.

5.4 Xác Định Ước Mơ, Giá Trị Bản Thân

Bên cạnh đó, việc xác định ước mơ và giá trị bản thân cũng đóng vai trò quan trọng trên hành trình tìm cách vượt qua khủng hoảng hiện sinh. Hãy dành thời gian để suy ngẫm về những điều thực sự quan trọng đối với bạn, những giá trị cốt lõi mà bạn muốn theo đuổi trong cuộc đời. Đồng thời, hãy mơ ước những điều lớn lao, những mục tiêu xa vời mà bạn muốn đạt được. Việc này sẽ giúp bạn tìm thấy động lực và mục đích sống, từ đó vượt qua cảm giác vô nghĩa, trống rỗng.

5.5 Lập Kế Hoạch, Mục Tiêu

Khi đã xác định được ước mơ, giá trị của mình, bước tiếp theo là lập kế hoạch và đặt ra các mục tiêu cụ thể. Hãy chia nhỏ những mơ ước lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn, khả thi hơn. Lập một lộ trình chi tiết với các bước đi cụ thể để đạt được từng mục tiêu đó. Việc lập kế hoạch, mục tiêu không chỉ giúp bạn có định hướng rõ ràng mà còn tạo ra cảm giác bạn đang kiểm soát được cuộc sống của mình. Mỗi khi đạt được một mục tiêu nhỏ, bạn sẽ cảm thấy tự tin và có động lực để tiếp tục tiến lên.

Xem thêm: Gợi ý mẫu lập kế hoạch cá nhân, sắp xếp công việc chuyên nghiệp

5.6 Kết Nối Với Mọi Người

Đừng quên tầm quan trọng của việc kết nối với mọi người xung quanh. Con người là sinh vật xã hội và việc cô lập bản thân chỉ khiến tình trạng khủng hoảng của bạn trở nên trầm trọng hơn. Hãy mở lòng, chia sẻ với những người bạn tin tưởng về những gì bạn đang trải qua. Tham gia vào các hoạt động cộng đồng, tình nguyện giúp đỡ người khác cũng là cách hiệu quả để tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Khi ta cho đi, ta sẽ nhận lại được nhiều hơn thế. Những mối quan hệ tốt đẹp và cảm giác được kết nối sẽ là nguồn sức mạnh to lớn giúp bạn vượt qua mọi khó khăn.

5.7 Chấp Nhận Quá Khứ

Nhiều khi, chúng ta bị mắc kẹt trong những hối tiếc về những quyết định đã qua hoặc những cơ hội đã bỏ lỡ. Tuy nhiên, việc chấp nhận rằng quá khứ là một phần không thể thay đổi của cuộc đời có thể giải phóng bạn khỏi gánh nặng tâm lý và cho phép bạn tập trung vào hiện tại và tương lai. Quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn và thấu hiểu bản thân, cũng như khả năng nhìn nhận những trải nghiệm trong quá khứ như những bài học quý giá đã góp phần hình thành con người hiện tại của bạn. Bằng cách chấp nhận và hòa giải với quá khứ, bạn có thể tạo ra không gian tinh thần cần thiết để xây dựng một tương lai ý nghĩa hơn.

5.8 Tập Trung Vào Hiện Tại, Tương Lai

Khi đối mặt với khủng hoảng hiện sinh, một trong những cách đối phó nên được ưu tiên chính là học cách tập trung vào hiện tại và hướng về tương lai. Quá khứ đã qua đi, và dù ta có nuối tiếc hay day dứt đến đâu cũng không thể thay đổi được nó. Thay vào đó, hãy đặt sự chú ý của bạn vào khoảnh khắc hiện tại, trân trọng từng giây phút đang trôi qua.

Đồng thời, bạn hãy nuôi dưỡng một viễn cảnh tích cực về tương lai, tưởng tượng về những điều tốt đẹp có thể xảy ra và những mục tiêu bạn muốn đạt được. Việc này không chỉ giúp bạn thoát khỏi vòng xoáy của những suy nghĩ tiêu cực mà còn tạo động lực để bạn hành động, từng bước xây dựng cuộc sống mà bạn mong muốn.

5.9 Tìm Kiếm Sự Hỗ Trợ

Tuy nhiên, đôi khi chúng ta không thể tự mình vượt qua những thách thức của cuộc sống. Trong những lúc như vậy, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác là điều vô cùng cần thiết. Đừng ngần ngại chia sẻ với những người thân tin cậy về những gì bạn đang trải qua. Họ có thể cung cấp cho bạn góc nhìn mới mẻ, lời khuyên hữu ích hoặc đơn giản là một bờ vai để dựa vào.

Tìm Kiếm Sự Hỗ Trợ

Nếu cảm thấy cần thiết, hãy cân nhắc việc tìm đến sự giúp đỡ từ các nhà tâm lý học hoặc chuyên gia tư vấn. Họ có kiến thức và kỹ năng để giúp bạn điều hướng qua những thời điểm khó khăn này một cách hiệu quả hơn.

5.10 Chuyển Hướng Năng Lượng

Một phương pháp khác để vượt qua khủng hoảng hiện sinh là chuyển hướng năng lượng của bạn vào những hoạt động có ý nghĩa. Thay vì để năng lượng của mình bị tiêu hao vào những suy nghĩ tiêu cực và lo lắng vô ích, hãy tập trung nó vào việc học một kỹ năng mới, theo đuổi một sở thích hay tham gia các hoạt động tình nguyện.

Chuyển hướng năng lượng vào những điều tích cực không chỉ giúp bạn phân tán sự chú ý khỏi những suy nghĩ nặng nề mà còn mang lại cảm giác bạn đạt thành tựu và có ích trong cuộc sống. Khi bạn thấy mình có thể tạo ra tác động tích cực đối với cuộc sống của chính mình hoặc người khác, bạn sẽ dần tìm thấy ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống.

5.11 Viết Nhật Ký Về Lòng Biết Ơn

Mỗi ngày, hãy dành khoảng 10 phút để ghi lại những điều bạn biết ơn, dù là những điều nhỏ nhặt nhất. Có thể là một bữa ăn ngon, một cử chỉ tốt bụng từ người lạ hay đơn giản là một ngày nắng đẹp. Thực hành lòng biết ơn sẽ giúp bạn chuyển hướng tâm trí từ những khía cạnh tiêu cực sang những điều tích cực trong cuộc sống. Theo thời gian, bạn sẽ nhận ra rằng xung quanh mình thực sự đầy ắp những điều đáng trân trọng, từ đó giúp bạn có cái nhìn cân bằng và lạc quan hơn về cuộc sống.

5.12 Thực Hành Thiền

Thiền không chỉ giúp bạn thư giãn, giảm stress mà còn là cách để bạn kết nối sâu sắc hơn với bản thân và thế giới xung quanh. Thông qua việc tập trung vào hơi thở cũng như khoảnh khắc hiện tại, bạn có thể tạm thời thoát khỏi vòng xoáy của những suy nghĩ và lo lắng.

Thực Hành Thiền

Thiền cũng giúp bạn phát triển sự tỉnh thức, cho phép bạn nhìn nhận những suy nghĩ, cảm xúc của mình một cách khách quan hơn, khiến bạn hiểu về bản thân và cuộc sống một cách sâu sắc hơn. Từ đó, bạn có thể tìm thấy ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống.

Xem thêm: Mindfulness là gì? Những lợi ích mà Mindfulness mang lại

6. Phân Biệt Khủng Hoảng Hiện Sinh Với Lo Âu

Bạn đã phân biệt được khủng hoảng hiện sinh với lo âu thông thường chưa? Mặc dù có những điểm tương đồng nhưng hai khái niệm này lại có những điểm khác nhau rất rõ rệt.

Yếu tố Khủng hoảng hiện sinh Lo âu
Nguồn gốc và bản chất Khủng hoảng hiện sinh thường bắt nguồn từ những câu hỏi sâu sắc về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Đây là trạng thái tâm lý phức tạp, xuất hiện khi con người đối mặt với những vấn đề cốt lõi của sự tồn tại như cái chết, tự do, trách nhiệm và ý nghĩa cuộc đời. Khủng hoảng hiện sinh thường xảy ra trong những giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của cuộc đời, như khi bước vào tuổi trưởng thành, trải qua biến cố lớn, hoặc đạt được mục tiêu lâu dài mà ta đã theo đuổi. Lo âu thường là phản ứng tâm lý đối với những mối đe dọa cụ thể hoặc không xác định trong cuộc sống hàng ngày. Lo âu có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau như stress công việc, mối quan hệ cá nhân, vấn đề tài chính, hoặc những lo lắng về tương lai gần. Lo âu có thể xuất hiện đột ngột và kéo dài trong thời gian ngắn, hoặc trở thành một tình trạng mãn tính nếu không được xử lý đúng cách.
Biểu hiện và triệu chứng
  • Cảm giác trống rỗng, vô nghĩa và mất phương hướng trong cuộc sống.
  • Cảm thấy cuộc sống thiếu mục đích, không thấy được giá trị trong những hoạt động hàng ngày
  • Thường đặt ra những câu hỏi sâu sắc về bản chất của sự tồn tại, vai trò của mình trong vũ trụ và ý nghĩa của những hành động hay quyết định trong quá khứ.
  • Cảm giác cô đơn, ngay cả khi được bao quanh bởi người thân và bạn bè.
  • Trở nên thu mình, tránh xa các hoạt động xã hội và dành nhiều thời gian để suy ngẫm về cuộc đời.
Lo âu thường biểu hiện qua các triệu chứng thể chất và tâm lý rõ rệt hơn.
  • Về mặt thể chất, người lo âu có thể trải qua tình trạng tim đập nhanh, đổ mồ hôi, run rẩy, khó thở, hoặc cảm giác chóng mặt.
  • Về mặt tâm lý, họ thường xuyên cảm thấy căng thẳng, dễ cáu gắt, khó tập trung và có xu hướng lo lắng quá mức về những tình huống trong tương lai.
  • Lo âu có thể gây ra những suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại, khiến người bệnh khó ngủ hoặc gặp ác mộng.
  • Trong những trường hợp nặng, lo âu có thể dẫn đến các cơn hoảng loạn, trong đó người bệnh trải qua cảm giác sợ hãi và khó chịu cực độ trong một khoảng thời gian ngắn.

Khủng hoảng hiện sinh không phải là điểm kết thúc, mà là một khởi đầu mới. Nó giống như việc ta lột bỏ những lớp vỏ cũ để khám phá con người thật của mình. Đúng là quá trình này có thể đau đớn, đầy rẫy những nghi ngờ và bất an. Nhưng khi vượt qua được, ta sẽ nhận ra rằng cuộc sống không nhất thiết phải có một ý nghĩa cố định nào đó. Vì vậy, nếu bạn đang trải qua khủng hoảng hiện sinh, hãy coi đó như một cơ hội để lắng nghe tiếng nói nội tâm, để khám phá và yêu thương bản thân nhiều hơn. JobsGO hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu được khủng hoảng hiện sinh là gì và biết được cách để vượt qua tình trạng này.

Câu hỏi thường gặp

1. Có Những Sách Nào Về Khủng Hoảng Hiện Sinh?

Bạn có thể tìm đọc một số đầu sách nổi tiếng về khủng hoảng hiện sinh như “Người xa lạ” của Albert Camus, “Buồn nôn” của Jean-Paul Sartre, “Đi tìm lẽ sống” của Viktor Frankl…

2. Test Khủng Hoảng Hiện Sinh Như Thế Nào?

Không có một bài test chuẩn hóa cho khủng hoảng hiện sinh, nhưng có thể đánh giá thông qua các cuộc trò chuyện sâu với chuyên gia tâm lý hoặc bằng cách sử dụng các bảng câu hỏi tự đánh giá về ý nghĩa cuộc sống và mục đích sống.

3. Hậu Quả Của Khủng Hoảng Hiện Sinh Là Gì?

Khủng hoảng hiện sinh có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu, cảm giác vô nghĩa và mất phương hướng trong cuộc sống…

4. Có Cần Chữa Khủng Hoảng Hiện Sinh Không?

Khủng hoảng hiện sinh không nhất thiết cần được “chữa” theo nghĩa truyền thống, nhưng việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý hoặc triết gia có thể giúp bạn đối phó tốt hơn và tìm ra ý nghĩa mới cho cuộc sống.

5. Khủng Hoảng Căn Tính Là Gì?

Khủng hoảng căn tính là trạng thái tâm lý khi một người cảm thấy không chắc chắn về bản sắc, vai trò hoặc giá trị của mình trong xã hội. Nó thường xảy ra trong giai đoạn chuyển tiếp của cuộc đời như tuổi thiếu niên hoặc trung niên.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: