Chuyên gia dinh dưỡng là người làm việc trong ngành y tế. Họ cung cấp thông tin, đánh giá, điều trị,… các vấn đề sức khỏe liên quan đến chế độ ăn uống và dinh dưỡng ở cấp độ cá nhân cũng như cộng đồng. Cùng JobsGO tìm hiểu về chuyên gia dinh dưỡng qua bài viết dưới đây của nhé!
Mục lục
- Chuyên gia dinh dưỡng là ai?
- Công việc của chuyên gia dinh dưỡng
- Tố chất, kỹ năng cần có để trở thành chuyên gia dinh dưỡng
- Mức lương của chuyên gia dinh dưỡng như thế nào?
- Học gì để trở thành chuyên gia dinh dưỡng?
- Lộ trình học tập và rèn luyện để trở thành chuyên gia dinh dưỡng
- Chuyên gia dinh dưỡng: nghề triển vọng trong tương lai
Chuyên gia dinh dưỡng là ai?
Chuyên gia dinh dưỡng là người có kiến thức sâu rộng trong việc sử dụng thực phẩm để tăng cường sức khỏe và quản lý bệnh tật. Họ nghiên cứu cách chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng tới sức khỏe con người và đưa ra lời khuyên về các thực phẩm nên ăn, thực phẩm không nên ăn,…
Chuyên gia dinh dưỡng giúp mọi người có được lối sống lành mạnh hoặc đạt được một mục tiêu cụ thể liên quan đến sức khỏe (tăng cân, giảm cân,…).
Tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể về thuật ngữ chuyên gia dinh dưỡng. Vì vậy, bất kỳ ai cũng có thể tự xưng là chuyên gia, ngay cả khi không được đào tạo, có giấy phép hoặc chứng chỉ về dinh dưỡng. Tuy nhiên, để được cộng đồng công nhận là “chuyên gia” và làm việc trong lĩnh vực dinh dưỡng tại bệnh viện, phòng khám, trường học, các cơ sở đào tạo, các công ty liên quan đến thực phẩm,… bạn phải có bằng cử nhân ngành dinh dưỡng trở lên.
Công việc của chuyên gia dinh dưỡng
Chuyên gia dinh dưỡng hoạt động như một nhà khoa học; họ nỗ lực nghiên cứu về mối tương qua của chế độ dinh dưỡng, thực phẩm, sức khỏe, khoa học và xã hội. Bên cạnh đó, họ cũng là những chuyên gia tư vấn, nhà giáo dục,… cung cấp lời khuyên về dinh dưỡng và chế độ ăn uống cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Lời khuyên của họ rất hữu ích với trẻ em, người bị dị ứng thực phẩm, người béo phì, người suy dinh dưỡng, người bị bệnh tiểu đường, cholesterol cao, ung thư hoặc các bệnh về đường tiêu hóa,…
Về cơ bản, công việc của chuyên gia dinh dưỡng bao gồm:
- Nghiên cứu và đánh giá các vấn đề dinh dưỡng đã có, các vấn đề đang gây thắc mắc và tìm kiếm những khía cạnh mới của khoa học dinh dưỡng.
- Cung cấp và báo cáo các thông tin dinh dưỡng, lời khuyên sức khỏe đến đông đảo mọi người.
- Xây dựng các chế độ dinh dưỡng và thực đơn mới phù hợp với nhiều người và giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng
- Tư vấn dinh dưỡng cho các cá nhân tuy theo thể trạng, nhu cầu của họ.
- Đối với chuyên gia dinh dưỡng y tế, họ sẽ hỗ trợ các cán bộ y tế để cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân.
Trong cuộc sống hiện đại luôn luôn thay đổi, những vấn đề sức khỏe xuất hiện ngày càng nhiều và phức tạp. Lúc này, những chuyên gia dinh dưỡng có vai trò như những “chiến lược gia” những “quân sư” đáng tin tưởng, nhằm hỗ trợ cộng đồng cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, trong những mùa dịch bệnh, thiên tai hay hoàn cảnh xấu, chuyên gia dinh dưỡng sẽ là cầu nối đắc lực giữa bộ máy y tế và người dân để cùng chung tay bảo vệ sức khỏe chung.
Tố chất, kỹ năng cần có để trở thành chuyên gia dinh dưỡng
Ai cũng có thể trở thành người làm việc ngành dinh dưỡng, tuy nhiên, để trở thành chuyên gia, bạn cần sở hữu những tố chất và kỹ năng sau:
Khả năng phân tích, đánh giá vấn đề
Đây là kỹ năng cần thiết cho hoạt động nghiên cứu và tư vấn các vấn đề về sức khỏe. Một chuyên gia dinh dưỡng cần có khả năng phân tích và đánh giá để hiểu và đưa ra lời khuyên hợp lý cho những đối tượng khác nhau.
Chuyên môn vững vàng, có tâm với nghề
Chuyên môn vững vàng là một yếu tố không được thiếu ở một chuyên gia dinh dưỡng. Là người tác động trực tiếp đến chế độ ăn uống hằng ngày của mọi người, trách nhiệm về chuyên môn và tâm huyết sẽ là cơ sở để chuyên gia dinh dưỡng đưa ra những lời khuyên tốt nhất.
Ân cần, chu đáo và quan tâm đến đối tượng tư vấn
Dinh dưỡng là một khía cạnh quan trọng nhưng đôi khi bị chính chúng ta lãng quên. Chính vì thế mà một chuyên gia dinh dưỡng cần có sự chu đáo và quan tâm để thấu hiểu những vấn đề đó để cùng với đối tượng tư vấn chia sẻ và đưa ra giải pháp tốt nhất.
Kỹ năng giao tiếp tốt
Kỹ năng giao tiếp một phần giúp các chuyên gia thấu hiểu được đối tượng cần tư vấn, một phần cũng giúp họ có được những mối quan hệ tốt phát triển sự nghiệp.
Cẩn thận, tỉ mỉ
Lĩnh vực nghiên cứu dinh dưỡng thực tế là hoạt động nghiên cứu đến những hoạt động hằng ngày, thậm chí rất nhỏ nhặt và dễ bị mọi người bỏ qua Vậy nên một chuyên gia dinh dưỡng cần có sự cẩn thận và tỉ mỉ để phát hiện ra những vấn đề đó.
Mức lương của chuyên gia dinh dưỡng như thế nào?
Mức lương của một cử nhân dinh dưỡng mới ra trường dao động từ 6-8 triệu đồng/tháng. Với những người có kinh nghiệm hơn, mức lương là trên 10 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, đó chỉ là lương, thu nhập của một chuyên gia dinh dưỡng có thể lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Để có được mức thu nhập cao như vậy, điều quan trọng là bạn phải trau dồi kiến thức, kỹ năng và xây dựng được thương hiệu cá nhân trong ngành. Khi tên tuổi của bạn được nhiều người biết đến, năng lực của bạn được khẳng định, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm (liên quan đến dinh dưỡng) sẽ chủ động liên hệ bạn và yêu cầu hợp tác. Họ có thể mời bạn trở thành khách mời của các buổi livestream tư vấn về dinh dưỡng. Họ có thể mời bạn tham gia các chương trình thăm khám sức khỏe cho cộng đồng (vừa giúp ích cho người dân, vừa mang mục đích quảng bá thương hiệu). Với mỗi buổi như vậy, bạn sẽ được trả vài triệu cho đến vài chục triệu tùy theo tên tuổi và vị thế của bạn trong ngành.
Học gì để trở thành chuyên gia dinh dưỡng?
Dinh dưỡng là một khía cạnh của y tế và khoa học tự nhiên. Để trở thành một chuyên gia dinh dưỡng, bạn có thể theo học tại các cơ sở đào tạo về những lĩnh vực này. Khi lựa chọn chuyên ngành dinh dưỡng, bạn có thể xét tuyển khối A, A1, B, D theo yêu cầu của những trường đại học sau:
- Đại học Y Hà Nội
- Đại học Y Dược TP.HCM
- Đại học Y tế Công cộng
- Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM
- Đại học Công nghiệp TP.HCM
Lộ trình học tập và rèn luyện để trở thành chuyên gia dinh dưỡng
Lộ trình để trở thành chuyên gia dinh dưỡng của mỗi người là khác nhau. Nhưng nhìn chung, mọi người sẽ trải qua 3 giai đoạn chính: học tập, thực tập và cuối cùng là thực hành.
Học tập (giai đoạn sinh viên)
Để trở thành chuyên gia dinh dưỡng, bạn cần dành ra 4 – 5 năm để học tập, tích lũy kiến thức chuyên ngành tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp. Chương trình đào tạo ngành dinh dưỡng cơ bản như sau:
- 2 năm đầu: Học những môn cơ sở như hóa sinh cơ bản, thống kê y học, vi sinh vật,…
- 2 năm cuối: Học các môn chuyên ngành: bệnh học dinh dưỡng, hóa học dinh dưỡng, dinh dưỡng điều trị,… Cũng trong thời gian này, sinh viên sẽ được tham gia quá trình thăm khám, theo dõi và xử lý các trường hợp bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng tại bệnh viện, phòng khám,… dưới sự giám sát của bác sĩ, chuyên gia hướng dẫn.
Thực tập (vừa học vừa làm)
Đây là bước đệm quan trọng để sinh viên hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, năng lực, thái độ làm việc trước khi chính thức hành nghề. Trong thời gian thực tập tại các viện nghiên cứu, bệnh viện, cơ sở y tế,… sinh viên sẽ có cơ hội cọ sát và có cái nhìn chân thực nhất về công việc tương lai của mình.
Chuyên gia dinh dưỡng (ra làm việc)
Sau khi tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành dinh dưỡng, bạn có thể xin việc tại các bệnh viện, phòng khám, trường học, doanh nghiệp thực phẩm/dinh dưỡng,… Tuy nhiên, lúc này, bạn thường chưa được công nhận là “chuyên gia”. Bạn cần thêm 5 – 10 năm hành nghề để có thêm kinh nghiệm, nâng cao năng lực và xây dựng tên tuổi cá nhân.
Chuyên gia dinh dưỡng: nghề triển vọng trong tương lai
Theo thống kê, hằng năm tỉ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% số ca tử vong ở Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh: lối sống không khoa học, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và ít hoạt động thể lực là 3 nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư và tim mạch,… Trước thực trạng đó, nhu cầu củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng là đặc biệt cần thiết. Điều này tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn cho các bạn trẻ.
Cơ hội việc làm hấp dẫn
Ở Việt Nam, các cử nhân dinh dưỡng mới ra trường có khá nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân.
- Làm việc tại các cơ sở y tế: Nếu là một cử nhân dinh dưỡng, bạn có thể chọn làm việc tại: các trung tâm y tế, bệnh viện, phòng khám, các cơ sở chăm sóc sức khỏe, tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức về sức khỏe khác.
- Làm việc tại các trung tâm, CLB thể thao: Đối với những người trẻ năng động và thích sự thoải mái, các bạn có thể chọn làm việc tại các trung tâm thể dục thể thao, thể hình lớn và vừa, các đội bóng, câu lạc bộ thể thao từ quốc gia, địa phương đến cá nhân.
- Làm việc cho doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng đang triển khai mô hình tư vấn y tế nội bộ, đây là một cơ hội làm việc mới cho sinh viên ngành dinh dưỡng.
- Mở phòng khám, trở thành chuyên gia cá nhân: Sau nhiều nay tích lũy kinh nghiệm và quan hệ, bạn có thể mở phòng khám, tư vấn riêng hoặc trở thành chuyên gia cá nhân dành cho những đối tượng khác nhau, có nhu cầu đặc biệt về dinh dưỡng như người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên, chính trị gia,…
Môi trường làm việc đa dạng, tiếp xúc và giao tiếp rộng tạo ra nhiều cơ hội và sự lựa chọn khác nhau cho các chuyên gia dinh dưỡng. Trong tương lai, khi các vấn đề sức khỏe ngày càng được quan tâm, chuyên gia dinh dưỡng được dự đoán sẽ trở thành nghề nghiệp “hot” và được săn đón mạnh mẽ với tiềm năng vô cùng lớn.
Đa dạng các vị trí việc làm
Tùy theo vị trí công việc mà chuyên gia dinh dưỡng sẽ đảm nhiệm các vai trò khác nhau.
- Chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng: Làm việc với các chuyên gia như bác sĩ, dược sĩ,… để chăm sóc bệnh nhân. Họ có thể tư vấn về chế độ ăn, nuôi ăn qua đường ruột và nuôi ăn qua đường tĩnh mạch.
- Chuyên gia dinh dưỡng lão khoa: Họ thường làm việc trong các viện dưỡng lão, bệnh viện với các nhiệm vụ liên quan đến chế độ dinh dưỡng liên quan đến người cao tuổi và lão hóa.
- Chuyên gia dinh dưỡng tư vấn: Họ làm việc với các cá nhân, nhóm và tổ chức để cung cấp lời khuyên về chế độ ăn uống. Họ điều hành các chương trình và hội thảo giáo dục sức khỏe và dinh dưỡng. Họ cũng có thể cung cấp thông tin dinh dưỡng, sức khỏe cho giới truyền thông.
- Chuyên gia dinh dưỡng cộng đồng: Họ thường làm việc trong các trung tâm y tế cộng đồng nhằm cải thiện thói quen ăn uống, sức khỏe, hạnh phúc của người dân.
- Chuyên gia dinh dưỡng ngành công nghiệp thực phẩm: Họ tham gia vào các công việc bao gồm: cải thiện chất lượng dinh dưỡng thực phẩm, phát triển các chiến dịch “giáo dục” dinh dưỡng, thúc đẩy an toàn thực phẩm,…
- Chuyên gia dinh dưỡng nghiên cứu và giảng dạy: Họ nghiên cứu mối liên hệ giữa thực phẩm và sức khỏe. Họ làm điều này để tìm hiểu cách chế độ ăn uống cải thiện tình trạng sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng giảng dạy trong trường đại học.
- Chuyên gia dinh dưỡng thể thao: Những người này giúp các vận động viên, câu lạc bộ thể thao có một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Chẳng hạn, họ có thể đưa ra lời khuyên về cách ăn uống để cải thiện mức năng lượng và hoạt động.
- Chuyên gia dinh dưỡng trẻ em: Họ đưa ra lời khuyên về dinh dưỡng và sức khỏe cho đối tượng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên. Họ thực hiện các đánh giá lâm sàng, thiết kế chế độ dinh dưỡng, hướng dẫn cho con bú, đề xuất sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, thực hiện kế hoạch điều trị cho trẻ em có các vấn đề liên quan đến ăn uống/ dinh dưỡng, dị ứng thực phẩm,…
Chuyên gia dinh dưỡng là một công việc đòi hỏi tính chuyên môn nhưng lại không quá nặng nề như nghề bác sĩ. Đó chính là một lý do khác khiến công việc này trở nên thu hút trong những năm tới. Nếu là người quan tâm đến việc theo học ngành dinh dưỡng, bạn có thể tham khảo bài viết trên của JobsGO và bắt tay bào công việc theo đuổi công việc này ngay thôi.
Tìm việc làm ngay!(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)