8 chiếc bẫy sếp dễ mắc phải khiến nhân viên giỏi mất động lực làm việc

Đánh giá post

“Nhân viên không rời bỏ công ty, họ rời bỏ những ông chủ tồi.” câu nói này không đúng trong mọi trường hợp, nhưng phần lớn là thế. Một người sếp có thể thực hiện rất nhiều hành vi khiến nhân viên mất động lực làm việc, chán nản,… cuối cùng là nghỉ việc.

Chiếc bẫy 1: Thể hiện mình biết tất cả

Hầu hết chúng ta đều hưởng thụ cảm giác được mọi người khâm phục, ngưỡng mộ. 

Oa, anh giỏi quá, cái gì cũng biết“.

Được ngưỡng mộ vì “cái gì cũng biết” là một điều tuyệt vời, nhưng nó cũng có thể trở thành chiếc bẫy, khiến bạn đẩy lùi bước tiến của nhân viên. Một người “biết tất cả mọi thứ” dễ rơi vào tình huống giao việc một chiều.

Thay vì tổ chức một cuộc họp, lấy ý kiến của nhân viên, nghe đóng góp và sửa đổi,… những người “biết tất cả” dễ cho mình là nhất và thấy rằng ý kiến của người khác không quan trọng. Có thể bạn giỏi thật và quyết định của bạn mang lại nhiều lợi ích cho nhóm, cho công ty; nhưng trong trường hợp đó, nhân viên không hề thấy được giá trị của bản thân và mất đi động lực để làm việc.

👉 Xem thêm: Hình mẫu sếp lý tưởng nhân viên muốn làm cùng

Chiếc bẫy 2: Coi trọng công việc hơn con người

Con người quan trọng hơn công việc.

Khi là một người lãnh đạo mải mê theo dõi các chỉ số về mặt hiệu suất, bạn có thể bỏ quên yêu tố con người. Nhưng con người thì có cảm xúc, suy nghĩ,… riêng, còn số liệu thì không. Cuối cùng, rắc rối sẽ phát sinh.

Một ông chủ quá quan tâm tới con số, có thể ép nhân viên làm việc ngay cả khi nhân viên ốm, mệt. Một ông chủ coi trọng công việc thậm chí có thể coi thường những nỗi đau mà nhân viên của họ đang trải qua.

Tôi nhớ một vài câu chuyện thế này.

Nhân viên của một công ty nọ bị ngã xe, xin phép nghỉ; nhưng ông chủ của cô ấy lại yêu cầu cô bắt taxi lên văn phòng chỉ vì “ngã đau chân, không đau tay nên vẫn có thể làm việc”.

Ở một công ty khác, khi nhân viên xin nghỉ vì gia đình có người mất, ông chủ lại lạnh lùng “muốn nghỉ phải xin phép trước 3 ngày, nghỉ gấp ai làm việc thay”.

Những người được gọi là sếp trong hai trường hợp trên, thay vì quan tâm đến sức khỏe, tâm trạng của nhân viên lại chỉ lo lắng “không ai làm việc”. Sự vô cảm đến đáng sợ ấy cuối cùng chỉ làm cho nhân viên cảm thấy thất vọng, mệt mỏi trong thẳm sâu tâm hồn; cuối cùng họ sẽ sớm rời đi để tìm một bến đỗ khác “ấm áp” hơn.

Chiếc bẫy 3: Không khuyến khích sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Hành vi này thường diễn ra ở những ông chủ quan tâm đến công việc hơn nhân viên. Tôi tin chắc, những người đó không hề biết rằng: thiết lập sự cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống là “chìa khóa” để có được những nhân viên hạnh phúc.

Việc không cho nhân viên cơ hội cân bằng giữa công việc và cuộc sống có thể gây ra những bất hòa không thể hòa giải được trong gia đình của nhân viên đó (bất hòa giữa vợ – chồng, bất hòa giữa cha mẹ – con cái,…). Và khi phải chịu những áp lực tâm lý từ phía gia đình, người lao động không thể hoàn thành tốt công việc được giao.

Liên tục yêu cầu nhân viên tăng ca, làm việc vào cuối tuần là một trong những cách nhanh nhất mà một ông chủ có thể thực hiện để đẩy nhân viên ra khỏi công ty.

👉 Xem thêm: Người lao động bàn luận về việc sếp giao việc ngoài giờ hành chính

Chiếc bẫy 4: Không chấp nhận sự thay đổi

Một ông chủ tốt cần biết cách đón nhận quan điểm nhiều chiều.

Bảo thủ là từ để nói đến những ông chủ thường xuyên trả lời “tôi luôn làm theo cách này và nhận thấy nó có hiệu quả tốt” mỗi khi ai đó đưa ra đề xuất cải tiến sản phẩm, dịch vụ. Và “một cách làm việc luôn hiệu quả” là cái bẫy chết người, làm hạn chế sự sáng tạo – động lực làm việc của người lao động.

Nhân viên, đặc biệt là những người trẻ luôn khao khát được trau dồi kỹ năng, phát triển kỹ năng mới và tạo ra một sáng kiến đột phá để nâng cao hiệu quả làm việc. Nếu không được đáp ứng điều đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi họ rời đi.

Chiếc bẫy 5: “Bo bo giữ mình” – Không biết cách bảo vệ nhân viên

Điều này thường đúng khi nói về những người quản lý cấp thấp (trường phòng, trưởng nhóm). Công ty có thể đưa ra rất nhiều chính sách mới và các chính sách này có thể ảnh hưởng không tốt tới lợi ích của nhân viên. Nếu người quản lý trực tiếp không thể bảo vệ họ trước những chính sách có ảnh hưởng xấu như thế, thật khó để có thể giữa người lao động ở lại.

Chiếc bẫy 6: Không công bằng

Là con người, vì vậy, sếp cũng có cảm xúc, tình cảm rất đa dạng. Bạn có quyền thích người này hơn người khác. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn có thể để tình cảm chi phối quyết định. Công bằng là điều mà một người làm sếp nhất định phải có được. Để nhân viên thấy bạn ưu ái một ai đó quá mức sẽ khiến họ cảm thấy thất vọng, chán nản.

👉 Xem thêm: Công bằng là gì? Nuôi dưỡng sự công bằng trong môi trường công sở

Chiếc bẫy 7: Đưa ra những mục tiêu quá lớn

KPI có tính khả thi là động lực để nhân viên cố gắng.

KPI (Key Performance Indicator – chỉ số đánh giá thực hiện công việc) gắn liền với tiền thưởng. Vì thế, xây dựng hệ thống đánh giá thực hiện công việc một cách hợp lý là động lực để nhân viên cố gắng. Nhưng đặt KPI quá mức có thể gây ra tác dụng trái ngược. Điều này khiến nhân viên cảm thấy lãnh đạo đang cố tình đặt mục tiêu lớn để không phải trả thêm tiền.

Thật buồn khi liên tục làm việc chăm chỉ nhưng chẳng thể đạt được mục tiêu!

👉 Xem thêm: KPI là gì? Quy trình xây dựng hệ thống KPI hiệu quả cho doanh nghiệp

Chiếc bẫy 8: Nghĩ rằng văn hóa công ty chỉ là “làm màu”

Văn hóa công ty là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp thúc đẩy động lực và giữ chân nhân viên giỏi. Nhưng có những ông chủ không coi trọng điều này và coi các hoạt động tập thể là lãng phí thời gian. Cuối cùng, điều đó tạo nên một tập thể rời rạc và dễ đổ vỡ.

👉 Xem thêm: Văn hoá doanh nghiệp: Tầm quan trọng và cách thức xây dựng

Bạn là Trưởng phòng, Quản lý hay Lãnh đạo cấp cao? Đừng rơi vào những “chiếc bẫy có vẻ ngọt ngào” này, vì chúng có thể hủy hoại công ty của bạn.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: