15 câu hỏi phỏng vấn tài chính ngân hàng và câu trả lời

4.9/5 - (67 votes)

Vòng phỏng vấn được xem là “cửa ải” cuối cùng trong quy trình tuyển dụng của rất nhiều ngân hàng. Để thành công, các ứng viên phải vượt qua các câu hỏi hóc búa và chứng minh mình phù hợp với vị trí được tuyển dụng hơn những người khác. Vậy làm thế nào để có được tấm vé trúng tuyển? Cùng JobsGO tìm hiểu 15 câu hỏi phỏng vấn tài chính ngân hàng và cách trả lời nhé!

1. Em hãy giới thiệu về bản thân mình?

  • Gợi ý:

Đây là câu hỏi mà 100% nhà tuyển dụng đều hỏi trong các cuộc phỏng vấn. Một phần giới thiệu tốt sẽ giúp bạn gây ấn tượng đầu tiên. Vì thế, bạn cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng và tập trước ở nhà. Bạn cần chuẩn bị 1 bản giới thiệu bằng tiếng Việt và 1 bản tiếng Anh. Nội dung phải đầy đủ nhưng ngắn gọn, đưa ra được những điểm ấn tượng.

  • Câu trả lời mẫu:

Tên em là Nguyễn Văn A. Năm nay em 24 tuổi. Em đã tốt nghiệp Học viện Ngân hàng. Hiện tại em đang làm ở ngân hàng … với chức danh Giao dịch viên ngân hàng. Tại đây, em thực hiện các công việc đón tiếp, tư vấn cho khách hàng; thực hiện thao tác nghiệp vụ và phát triển mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Điểm mạnh của em là khả năng đàm phán thương lượng tốt. Bên cạnh đó, em có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Và sử dụng thành thạo tin học văn phòng. (Đưa thêm các thành tích của bản thân)

Trong thời gian rảnh em thường đọc sách, chơi thể thao. Ngoài ra, em rất thích xem chương trình truyền hình thực tế về tài chính ngân hàng.

2. Em hiểu gì về công việc em đang ứng tuyển?

  • Gợi ý:

Đối với những ai lần đầu phỏng vấn thì đây là một câu hỏi khó. Do đó bạn nên tìm hiểu trước bản mô tả chức năng, nhiệm vụ của phòng ban hay vị trí ứng tuyển. Bạn có thể học hỏi về công việc của những người quen trong ngành. Hoặc nếu quan hệ rộng, bạn có thể nhờ người xin bản mô tả của nơi bạn ứng tuyển. Khi phỏng vấn, bạn chỉ cần nêu tóm tắt lại chức năng và nhiệm vụ của phòng ban đó.

  • Câu trả lời mẫu:

Vâng, em cũng đã tìm hiểu về công việc của phòng quản lý rủi ro. Công việc chính của bộ phận này là:

  • Xây dựng, cập nhật và phân tích các chính sách, tiêu chuẩn, công cụ đo lường và kỹ thuật quản lý rủi ro.
  • Đảm bảo chính sách rủi ro được thực hiện đúng và hiệu quả trong các đơn vị của toàn ngân hàng.
  • Làm việc với các bộ phận khác có liên quan nhằm hỗ trợ/tư vấn chiến lược quản trị và giảm thiểu rủi ro.
  • Phối hợp với kiểm toán nội bộ để tiến hành lập kế hoạch và giám sát các rủi ro.

3. Tại sao bạn lại lựa chọn ngân hàng của chúng tôi?

  • Gợi ý:

Mục đích của câu hỏi phỏng vấn tài chính ngân hàng này là kiểm tra độ hiểu biết của bạn về ngân hàng ứng tuyển. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu về báo cáo thường niên của ngân hàng. Từ đó tính toán và phân tích các chỉ số và đưa ra một số thành tích của ngân hàng đó.

  • Câu trả lời mẫu:

Trước hết là xét về khía cạnh tài chính. Theo sự tìm hiểu của tôi, ngân hàng mình được đánh giá khá mạnh thể hiện qua các số liệu như vốn chủ đầu tư là … ROE, ROA là … Tổng huy động là … Tổng dư nợ …

Ngoài ra, ngân hàng còn đẩy mạnh các hoạt động truyền thông bằng cách thể hiện trách nhiệm xã hội. Qua báo cáo thường niên, tôi biết đến các hoạt động ý nghĩa như … (nêu các hoạt động xã hội nổi bật của ngân hàng đó)

Thông qua các yếu tố trên, tôi đã quyết định ứng tuyển vào ngân hàng.

4. Bạn có nộp hồ sơ vào ngân hàng khác không/Bạn đã nộp hồ sơ vào bao nhiêu ngân hàng?

  • Gợi ý:

Câu hỏi này hẳn sẽ khiến nhiều ứng viên phân vân không biết nên trả lời thành thật hay nói dối. Lời khuyên cho bạn là hãy là chính mình dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Bạn không nên quanh co mà hãy trả lời thẳng thắn. Bên cạnh đó, bạn có thể liệt kê các vị trí liên quan đến vị trí đang ứng tuyển. Điều này sẽ thể hiện bạn là người có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

  • Câu trả lời mẫu:

Em có nộp CV vào các ngân hàng khác và ứng tuyển vị trí tương đương. Nhưng ngân hàng mình vẫn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của em.

5. Bạn đang làm việc ở ngân hàng chúng tôi nhưng một ngân hàng khác lại mời gọi bạn với mức lương cao hơn. Bạn sẽ xử lý thế nào?

  • Gợi ý:

Câu hỏi phỏng vấn tài chính ngân hàng này sẽ khiến các ứng viên khó xử. Bạn phải trả lời khéo léo để không làm phật lòng nhà tuyển dụng. Câu trả lời của bạn phải thể hiện được bạn xem trọng ngân hàng đang ứng tuyển.

  • Câu trả lời mẫu:

Đầu tiên, em cảm thấy rất vui vì bản thân được đánh giá cao và năng lực của mình được nhiều nơi biết đến. Tuy nhiên để lựa chọn công việc hay nơi làm việc, em sẽ lựa chọn dựa trên 3 yếu tố. Một là môi trường làm việc. Hai là chế độ lương và đãi ngộ. Ba là cơ hội thăng tiến trong công việc. Do đó, nếu ngân hàng kia chỉ đưa ra mức lương cao thì chưa chắc em chọn rời ngân hàng mình đang làm việc.

Bạn cần cân nhắc và đưa ra câu trả lời phù hợp để nhà tuyển dụng không phật lòng

6. Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?

  • Gợi ý:

Kinh nghiệm là không nói xấu công ty cũ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế nói về các vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là tiền lương.

  • Câu trả lời mẫu:

Em rời công ty cũ vì cảm thấy môi trường làm việc chưa phù hợp với bản thân. Em muốn tìm môi trường mới để học hỏi và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm.

7. Điểm yếu của bạn là gì?

  • Gợi ý:

Điểm mạnh, điểm yếu là câu hỏi phỏng vấn phổ biến. Câu trả lời tốt nhất là thẳng thắn nhận điểm yếu của mình. Tuy nhiên, bạn nên chọn lọc điểm yếu để nói. Không thể trả lời rằng em cẩu thả hoặc em hay quên… Bên cạnh đó, bạn nên thể hiện mình luôn cố gắng khắc phục để hoàn thiện bản thân.

  • Câu trả lời mẫu:

Em là con người khá cầu toàn nên đôi khi chưa quyết đoán trong công việc. Em đang trong quá trình khắc phục điểm yếu này. Và em cũng cố gắng để luôn hoàn thành tốt công việc của mình.

8. Trong quá trình làm việc tại ngân hàng, anh/chị đã gặp phải tình huống nào khó xử với khách hàng chưa? Cách giải quyết như thế nào?

  • Gợi ý:

Mục đích của câu hỏi phỏng vấn tài chính ngân hàng này là kiểm tra lại năng lực của ứng viên. Đặc biệt là các kỹ năng giải quyết vấn đề và đàm phán. Nếu bạn đã gặp tình huống nào đó và có cách xử lý ổn thỏa thì cứ tự tin thuật lại một cách ngắn gọn. Nếu không bạn có thể đưa ra một tình huống và đề xuất cách giải quyết.

  • Câu trả lời mẫu:

Em từng gặp trường hợp khách hàng đến ngân hàng nộp 200 triệu để gửi tiết kiệm. Nhưng sau khi lập bảng kê và kiểm đếm tiền, em phát hiện trong đó có 5 tờ mệnh giá 500.000 VNĐ là tiền giả. Lúc này, khách hàng cũng khá là lúng túng và hoang mang. Nên em đã giải thích cho khách hiểu quy định về vấn đề này. Bên cạnh đó em cũng lập biên bản tạm thu giữ 5 tờ tiền và gửi lại ngân hàng đưa đi giám định. Khi có kết quả ngân hàng đã giải quyết riêng với khách hàng.

9. Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?

  • Gợi ý:

Khi gặp những câu hỏi mở thế này, bạn nên trả lời sao cho thú vị và có nhiều thông tin. Bạn phải chứng minh được mình hiểu về vị trí ứng tuyển, có kỹ năng, kiến thức đáp ứng được yêu cầu công việc.

  • Câu trả lời mẫu:

Tôi đã làm việc ở vị trí nhân viên vận hành được 2 năm. Bên cạnh kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính ngân hàng. Tôi còn có khả năng hiểu, phân tích vấn đề, khả năng nắm bắt tổng quan các vị trí trong tổ chức. Ngoài ra, tôi có kỹ năng giao tiếp tiếng Anh và sử dụng các phần mềm tin học văn phòng. Với những kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, tôi tự tin rằng mình phù hợp với vị trí này.

>> Tuyển dụng tài chính ngân hàng

10. Khách hàng đang rất bức xúc vì lỗi giao dịch viên nhầm lẫn gây ra. Bạn không hề biết lỗi của giao dịch viên này. Bạn giải quyết tình huống này như thế nào?

  • Gợi ý:

Đây thuộc nhóm câu hỏi tình huống về có thể nhà tuyển dụng sẽ đặt ra cho bạn. Mục đích cũng là kiểm tra trình độ và kỹ năng xử lý tình huống của bạn. Trước hết, bạn nên thể hiện bạn là người lắng nghe khách hàng. Sau đó, đưa ra cách giải quyết hợp lý cho khách hàng.

  • Câu trả lời mẫu:

Trước hết em sẽ lắng nghe những phản ánh của khách hàng. Sau khi khách hàng nguôi giận thì xin lỗi vì sự cố này. Bên cạnh đó, em sẽ hỏi thêm thông tin liên quan như “Bác tới thực hiện giao dịch vào ngày bao nhiêu?”, “Bác có thể cho cháu biết hôm đó nhân viên nào đã tiếp bác không ạ?”. Và hỏi nội dung cụ thể của sự nhầm lẫn.

Sau đó, xin khách hàng thời gian để liên hệ với nhân viên để làm rõ thông tin. Nếu nhân viên đúng thì em sẽ giải thích cho khách hàng hiểu chính sách của ngân hàng. Nếu nhân viên sai thì em sẽ xin lỗi và khắc phục nhầm lẫn.

11. Một khách hàng VIP đột nhiên rút tiền và chuyển sang ngân hàng khác có lãi suất cao hơn. Bạn sẽ làm gì để giữ chân khách hàng này?

  • Gợi ý:

Trong bộ câu hỏi vấn tài chính ngân hàng, đây là câu hỏi khó, đặc biệt với những ai chưa có kinh nghiệm. Câu trả lời phụ thuộc vào cách xử lý, sự khéo léo và kinh nghiệm của ứng viên.

  • Câu trả lời mẫu:

Em sẽ mời khách hàng này vào phòng VIP để trao đổi. Sau đó đánh vào những khó khăn, bất lợi khi họ rút tiền và chuyển sang nơi khác. Ví dụ như thủ tục rườm rà, mất thời gian. Hay số tiền chênh lệch giữa 2 ngân hàng chẳng là mấy, đồng thời đưa ra số tiền cụ thể. Giải thích cho khách hàng hiểu, chuyển sang ngân hàng khác có thể họ không còn là VIP. Do đó, họ có thể mất đi nhiều phúc lợi, không được tặng quà, tham gia chương trình chăm sóc định kỳ…

Trường hợp, VIP khăng khăng rút thì em vẫn sẽ gọi điện, gửi email thăm hỏi và giới thiệu tiện ích của ngân hàng mình để câu khách trở lại.

12. Câu đầu tiên mà bạn nói khi có khách hàng vào quầy giao dịch là gì?

  • Gợi ý:

Đây chỉ là câu hỏi phỏng vấn tài chính ngân hàng thông thường. Tuy nhiên vẫn có nhiều người chủ quan mà bỏ qua. Với câu hỏi này, bạn chỉ cần đưa ra câu nói mà giao dịch viên thường nói thôi.

  • Câu trả lời mẫu:

Thưa anh/chị, khi khách hàng vào quầy giao dịch, giao dịch viên sẽ luôn tươi cười và nói: “Em chào anh/chị. Em có thể giúp gì cho anh/chị ạ?”

13. CAMEL là phương pháp đánh giá tổng thể về hoạt động ngân hàng. Phương pháp này xem xét đến những nhóm chỉ tiêu nào?

  • Gợi ý:

Câu hỏi này yêu cầu bạn phải nắm được kiến thức chuyên ngành tài chính ngân hàng. Và kiến thức về phương pháp CAMEL. Câu trả lời cần đưa ra thông tin 5 nhóm chỉ tiêu một cách chính xác, ngắn gọn và đầy đủ.

  • Câu trả lời mẫu:

Phương pháp CAMELS xem xét 6 nhóm chỉ tiêu bao gồm: Capital Adequacy, Asset Quality, Management, Earnings, Liquidity, Sensitivity. Trong đó:

Capital Adequacy – Mức độ an toàn vốn thể hiện số vốn tự có để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Ngân hàng chấp nhận càng nhiều rủi ro, càng đòi hỏi phải có nhiều vốn tự có. Nhằm hỗ trợ hoạt động của ngân hàng, bù đắp tổn thất tiềm năng liên quan đến rủi ro cao hơn.

Asset Quality – Chất lượng tài sản có là nguyên nhân cơ bản của các vụ ngân hàng phá sản. Điều này thường xuất phát từ quản lý không đầy đủ trong chính sách cho vay. Khi thị trường rằng chất lượng tài sản kém sẽ tạo áp lực lên trạng thái nguồn vốn ngắn hạn. Điều này có thể dẫn đến khủng hoảng thanh khoản. Hoặc gây ra tình trạng khách hàng đổ xô đi rút tiền ở ngân hàng.

Management – quản lý là yếu tố quan trọng nhất trong phương pháp đánh giá CAMEL. Bởi quản lý đóng vai trò quyết định đối với thành công trong hoạt động của ngân hàng.

Earnings – lợi nhuận  là chỉ số dùng để đánh giá công tác quản lý và các hoạt động chiến lược. Lợi nhuận sẽ dẫn đến hình thành thêm vốn. Điều này giúp thu hút thêm vốn và sự hỗ trợ của các nhà đầu tư trong tương tai. Lợi nhuận còn giúp bù đắp các khoản cho vay bị tổn thất…

Liquidity – thanh khoản có ý nghĩa quan trọng với ngân hàng. Bởi thanh khoản đáp ứng nhu cầu vay mới mà không cần thu hồi các khoản vay trong hạn, hoặc thu hồi các khoản đầu tư có kỳ hạn. Bên cạnh đó còn đáp ứng các biến động theo mùa vụ về như cầu rút tiền một cách kịp thời, có trật tự.

Sensitivity to Market Risk – mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường. Phân tích S (Sensitivity) nhằm đo lường mức độ ảnh hưởng của thay đổi lãi suất, tỷ giá đến giá trị lợi nhuận hay vốn cổ phần. Phân tích S quan tâm đến khả năng của ban lãnh đạo trong việc quản lý, xác định, kiểm soát và giám sát rủi ro thị trường. Đồng thời đưa ra những chỉ dẫn, dấu hiệu định hướng rõ ràng.

14. Quản lý rủi ro tín dụng là gì? Nhận xét mô hình quản lý rủi ro tín dụng tập trung?

  • Gợi ý:

Đây là câu hỏi thuộc dạng kiểm tra kiến thức trong bộ câu hỏi phỏng vấn tài chính ngân hàng. Để trả lời câu hỏi này bạn cần nắm được những kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ trong công việc. Hơn hết cần có sự tìm hiểu trước về các mô hình quản lý rủi ro tín dụng.

  • Câu trả lời mẫu:

Quản lý rủi ro tín dụng là quá trình nhận dạng, phân tích rủi ro, đo lường mức độ rủi ro. Từ đó lựa chọn triển khai các biện pháp và quản lý các hoạt động tín dụng. Nhằm hạn chế và loại trừ rủi ro trong quá trình cấp tín dụng.

Mô hình quản lý rủi ro tập trung có sự tách biệt giữa 3 yếu tố quản lý rủi ro, kinh doanh  và tác nghiệp. Điểm mạnh của mô hình này là:

– Quản lý rủi ro một cách hệ thống trên quy mô toàn ngân hàng. Đảm bảo tính cạnh tranh lâu dài.

– Thiết lập và duy trì môi trường quản lý rủi ro đồng bộ, phù hợp với quy trình quản lý. Từ đó nâng cao đo lường giám sát rủi ro.

– Xây dựng chính sách quản lý rủi ro thống nhất cho toàn hệ thống.

Tuy nhiên mô hình này tồn tại một số điểm yếu như:

– Đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức và thời gian

– Đội ngũ cán bộ không chỉ cần kiến thức cần thiết mà phải biết áp dụng lý thuyết với thực tiễn

>> Tuyển dụng Chuyên viên Quản lý rủi ro

15. Bạn còn câu hỏi nào cho chúng tôi không?

  • Gợi ý:

Đây là một câu hỏi đánh giá trong các câu hỏi phỏng vấn tài chính ngân hàng. Đừng đưa ra những câu hỏi không liên quan hay chỉ lắc đầu, hoặc im lặng. Hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn muốn tìm hiểu sâu sắc về công ty.

  • Câu trả lời mẫu:

Em được biết công ty mình luôn được đánh giá cao về hệ thống quản lý. Anh/chị có thể cho em biết làm thế nào mà công ty, đặc biệt là bộ phận nhân sự đạt được những thành tựu đó?

Trên đây là 15 câu hỏi phỏng vấn tài chính ngân hàng. Tùy từng trường hợp và tính cách mà bạn có thể thay đổi câu trả lời phù hợp hơn. Mong rằng với những gợi ý JobsGO đưa ra, bạn có thể dễ dàng vượt qua vòng phỏng vấn và được làm việc tại vị trí mà mình mong muốn.

Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: