Nơi làm việc thân thiện với thú cưng đang ngày càng trở nên phổ biến. Google, Amazon, Ben & Jerry’s, Etsy và nhiều công ty lớn khác đã cho phép nhân viên của họ mang chó, mèo,… đến nơi làm việc và tạo thành một trào lưu lan rộng ra toàn thế giới.
Mục lục
Giới trẻ mong ngóng trào lưu mang thú cưng đi làm ghé Việt Nam
Linh Phạm cô đồng nghiệp của tôi nói: “Tớ nghe nói rất nhiều công ty lớn trên thế giới đã cho nhân viên mang thú cưng tới công ty. Hi vọng một ngày nào đó công ty mình cũng thực hiện điều này”.
Bảo An, 25 tuổi, Nhân viên văn phòng ở Hà Nội cũng tỏ ra mong ngóng trào lưu này ghé thăm: “Bạn bè em 10 người thì tới 9 người nuôi chó hoặc mèo. Em cũng đang nuôi một bé mèo Anh lông dài 3 tuổi, khi đi làm thì em để bé ở nhà một mình. Nhưng cũng lo lắng lắm, sợ bé chạy nhảy lung tung, ăn bậy bạ sinh bệnh. Em đã phải sắm riêng 2 cái camera lắp trong phòng, quay mọi ngóc ngách; thỉnh thoảng trong giờ làm mở ra xem để đảm bảo bé không có vấn đề gì. Nếu bây giờ mà công ty cho mang bé đi làm thì tốt quá, em nguyện trung thành với công ty chục năm”.
Tại sao các công ty cho phép nhân viên mang thú cưng đi làm?
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm chứng minh lợi ích của việc cho phép nhân viên mang vật nuôi đến công ty. Và các nhà khoa học nhận ra rằng, đi làm cùng thú cưng có tác dụng:
Giảm căng thẳng
Có “boss” bên cạnh khi làm việc, các “con sen” cảm thấy thư thái, thoải mái và ít căng thẳng hơn. Không chỉ thế, thú cưng còn có khả năng trở thành “cây cầu” giúp kết nối các thành viên trong văn phòng; tăng cường giao tiếp và thúc đẩy bầu không khí làm việc nhóm. Chúng là một phương tiện tuyệt vời để đẩy mạnh hoạt động tương tác xã hội.
Nhiều người cũng cảm thấy lo lắng khi để chó, mèo,… ở nhà một mình; việc được mang theo “boss” đến công ty giúp loại bỏ sự căng thẳng liên quan đến vấn đề này.
? Có thể bạn quan tâm: Đừng xả Stress, hãy “làm bạn” với Stress
Lợi ích tài chính cho nhân viên
Việc được phép cùng “boss” đi làm giúp nhân viên tiết kiệm chi phí thuê người chăm sóc vào ban ngày. Đây có thể là một khoản tiền lớn đối với nhân viên của bạn.
Nâng cao nhận thức của khách hàng về doanh nghiệp
Phần lớn người Việt Nam rất thích ngắm nhìn và tiếp xúc với những bé chó mèo đáng yêu và rất có thể khách hàng của bạn thuộc số đông đó. Khi ấy, chắc chắn họ sẽ rất vui và thích thú khi đến thăm công ty của bạn.
Hơn hết, có thú cưng ở văn phòng giúp xây dựng hình ảnh một công ty năng động, có tư duy tiến bộ và “thời thượng”.
Thu hút ứng viên tiềm năng và giữ chân nhân viên
Ngày nay, vẫn chưa có nhiều công ty tại Việt Nam cho phép mang thú cưng đến văn phòng. Vì vậy, bạn có thể biến điều này thành lợi thế để thu hút những ứng viên tiềm năng và giữ chân nhân viên tài giỏi.
Theo các nghiên cứu khoa học, nhân viên của các doanh nghiệp thân thiện với vật nuôi có xu hướng làm việc nhiều giờ hơn và ít vắng mặt hơn. Lý do là bởi “boss” của họ đang ở bên cạnh, các “con sen” không cần vội vàng về nhà để cho “boss” ăn hay đưa “boss” đi dạo nữa.
? Có thể bạn quan tâm: Apple, Google, Microsoft,… đã xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng như thế nào?
Mang thú cưng đi làm: Không tránh được nhược điểm
Mặc dù có nhiều lợi ích liên quan đến việc cho phép nhân viên mang thú cưng đi làm, song, chúng ta cũng không thể bỏ qua nhược điểm của trào lưu này.
Gây mất tập trung
Vật nuôi chắc chắn có thể gây mất tập trung cho cả chủ sở hữu và những đồng nghiệp xung quanh. Một chú chó có thể sủa hoặc rên rỉ khi chúng bị kích thích. Không chỉ thế, sự đáng yêu của chúng cũng có thể thu hút sự chú ý của những người đang chán nản với công việc.
Tác động xấu với những người bị dị ứng lông
Không phải tất cả mọi người đều có thể gần gũi với chó, mèo,…; một số người bị dị ứng với lông của động vật; trong khi một số người khác bị ám ảnh với thú cưng (họ từng bị chó cắn, mèo cào,… trong quá khứ).
Làm hư hỏng thiết bị văn phòng
Vật nuôi không giống như con người, những bé tinh nghịch có thể gây hại cho các thiết bị trong văn phòng. Chó có thể cắn dép và đồ đạc xung quanh, trong khi mèo có thể cào rách ghế sofa và thảm trải sàn. Mặc dù những bé thú cưng được mang đi làm thường đã được huấn luyện cẩn thận để không trở nên “phá phách”, nhưng tai nạn vẫn có thể xảy ra.
Những “boss” quá nhạy cảm có thể gây hại cho người khác
Những bé thú cưng ngoan hiền có thể trở nên nhạy cảm quá mức khi ở cạnh người lạ. Khi đó, chúng có thể có những hành vi hung hăng như cắn, cào mọi người xung quanh (bao gồm đồng nghiệp, sếp, thậm chí khách hàng đang thăm quan công ty).
Làm thế nào để trở thành một công ty thân thiện với vật nuôi?
Thú cưng có thể góp phần tạo nên một nơi làm việc thân thiện và hạnh phúc hơn. Và điều đó có thể giúp bạn thu hút ứng viên tiềm năng, giữ chân nhân viên tài giỏi, đồng thời nâng cao hiệu quả công việc. Song phải làm thế nào để trở thành một công ty thân thiện với vật nuôi?
Dưới đây là một vài tips JobsGO muốn chia sẻ với bạn:
Lắng nghe ý kiến của mọi người
Nếu số đông người trong văn phòng cảm thấy thoải mái với việc mang thú cưng đến công ty, thì bạn ngại gì mà không cho phép điều đó diễn ra.
? Có thể bạn quan tâm: 7 kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp – Bí quyết để mở lối thành công
Xây dựng chính sách liên quan
Điều quan trọng là nhà quản lý phải xây dựng được các chính sách chặt chẽ, đảm bảo việc mang “boss” đến công ty không gây ra các ảnh hưởng tiêu cực.
- Nhân viên phải đảm bảo năng suất làm việc và chất lượng công việc khi được đi làm cùng vật nuôi.
- Xác nhận các vật nuôi được phép mang đến văn phòng.
- Thú cưng cần được huấn luyện, sức khỏe tốt, đã được tiêm phòng đầy đủ, không có ký sinh trùng, sạch sẽ, không nhạy cảm quá mức (dẫn đến tấn công người khác).
- Người chủ phải chịu trách nhiệm khi thú cưng phá hoại đồ vật hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác,…
Xác định các khu vực thú cưng được hoạt động và các khu vực cấm
Phòng của nhân viên bị dị ứng, phòng thí nghiệm, phòng hồ sơ, nhà bếp, phòng họp,… là những nơi quan trọng không nên để vật nuôi ra vào.
Nếu có thể, bạn nên chuẩn bị một không gian làm việc riêng cho những người bị dị ứng với vật nuôi để đảm bảo họ không cảm thấy khó chịu (dẫn đến giảm năng suất làm việc) khi có thú cưng hoạt động xung quanh.
Kết luận
Bất kể bạn đang làm trong lĩnh vực nào, việc cho nhân viên thấy bạn quan tâm đến cuộc sống của họ ngoài công việc – bao gồm cả thú cưng – có thể mang lại lợi thế cho bạn khi tuyển dụng. Vậy bạn còn lo lắng điều gì khi cho phép mọi người đưa “boss” đến công ty?
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)