Trong những năm gần đây, phong trào đi thực tập tại Nhật Bản đã và đang phát triển một cách rầm rộ. Người người, nhà nhà đầu tư cho con cái mình tham gia chương trình thực tập sinh Nhật Bản với hi vọng “đổi đời”, cho con một cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, sự thật liệu có đúng như mong ước?
Nhật Bản là một trong những nước thu hút một số lượng lớn lao động Việt Nam làm việc. Theo thống kê năm 2017, số thực tập sinh Việt Nam được cử sang Nhật bản đạt trên 50.000 người, trong đó gần một nửa là lao động nữ. Theo như thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, chương trình thực tập này do các công ty Nhật Bản tổ chức, mời lao động Việt Nam sang Nhật với tư cách thực tập sinh, nhằm giúp họ nâng cao kỹ năng nghề và có thể sử dụng thành thạo các kỹ năng đã học hỏi khi về nước. Vì vậy chương trình này được gọi là thực tập sinh kỹ năng hoặc tu nghiệp sinh Nhật Bản.
Với mức lương trong khoảng 25 – 35 triệu/ tháng (chưa tính các khoản chi phí khác) và thời gian làm việc 5 năm, rõ ràng thực tập sinh Nhật Bản là một “giấc mơ đổi đời” đối với các gia đình không có điều kiện, nhất là những người ở quê. Nên dù có phải chạy vạy khắp nơi vay mượn để lo cho con đi thực tập, họ cũng không ngại ngần. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng đây là đi làm nghề chứ không phải thực tập nghề, và đời sống của các thực tập sinh Nhật Bản cũng không giống như mong đợi.
Chương trình thực tập này được cho là cách để các doanh nghiệp Nhật Bản đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động. Nhật Bản đang trải qua giai đoạn khan hiếm nhân công làm những công việc giản đơn như nhặt rau củ quả, dọn giường ở các trại dưỡng lão hay rửa bát ở nhà hàng, xây dựng các công trình. Trong khi đó, Nhật Bản đã thắt chặt chính sách nhập cư, khiến nguồn lao động nước ngoài giảm sút. Nhiều trang trại thực phẩm, doanh nghiệp khốn đốn, đã cầu cứu đến Chính phủ. Và thực tập sinh Nhật Bản là giải pháp “cứu cánh” cho họ – một khe hở của pháp luật tạo ra để có thể “hợp pháp hóa” việc nhập cư. Số lượng thực tập sinh nước ngoài tăng lên nhanh chóng, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh của lượng thực tập sinh dễ dẫn đến những hệ lụy như lừa đảo, bóc lột sức lao động. Hầu hết các thực tập sinh muốn sang Nhật Bản đều phải bỏ ra hàng trăm triệu chi phí môi giới. Nếu gặp phải công ty xấu, họ cũng không thể bỏ về được vì số tiền chi phí đã mất đi. Nhiều người bị ép làm thêm giờ mà không được trả lương, phải làm đi làm lại những công việc đơn giản như ủi và đóng gói quần áo chứ không phải là học nghề gì. Có thực tập sinh Việt Nam còn bị điều đi làm việc tại nơi bị ô nhiễm phóng xạ ở Fukushima. Theo số liệu thống kê của Nhật, giai đoạn năm 2015 – 2016 đã có 30 thực tập sinh tử vong và khoảng 30% trường hợp là do tai nạn lao động hoặc stress vì làm việc quá sức. Nhiều chủ lao động không đóng bảo hiểm cho thực tập sinh, lấy lí do đóng tiền trọ cắt xén 1/3 tiền lương của họ… Có thể thấy, thực tập sinh Nhật Bản không giống như trong tưởng tượng của mọi người.
Mặc dù vậy, phần lớn thực tập sinh trở về từ Nhật Bản đều có vẻ hài lòng với khoản tiền họ kiếm được. Số tiền này, đặc biệt với những người ở các vùng quê còn nghèo khó, là một số tiền vô cùng giá trị. Có người dùng tiền đầu tư kinh doanh, tạo lập doanh nghiệp, không chỉ cải thiện cuộc sống mà còn tạo việc làm cho nhiều người khác. Có người dùng tiền sửa sang nhà cửa, lo cho bố mẹ, anh chị em trong nhà. Có người sau khi về nước có trình độ tay nghề khá thì được tuyển vào làm tại các doanh nghiệp liên kết với Nhật Bản… Phía Nhật Bản cũng có luật xử lý các vi phạm lạm dụng lao động như đã đề cập ở trên, nên không phải lúc nào cũng xảy ra tình trạng tồi tệ như vậy.
Nhìn chung, dù vẫn còn những điều trái mong muốn, vẫn còn những góc khuất, nhưng chương trình thực tập sinh Nhật Bản vẫn luôn là một cơ hội lớn cho người lao động Việt Nam cũng như các bạn sinh viên. Nếu có mong muốn tham gia chương trình thì các bạn nên tìm hiểu rõ các thông tin về phía công ty tổ chức, địa điểm làm việc và chi phí cho việc thực tập. Sống nơi đất khách quê người vốn chẳng bao giờ là dễ dàng cả! Thậm chí ngay chính đất nước mình cũng đang thiếu lực lượng lao động chân tay như vậy, với chính sách đãi ngộ và quyền lợi hợp lí. Giữa một việc lương cao (so với Việt Nam), rủi ro nhiều với một việc lương trung bình nhưng an toàn, bảo đảm, bạn sẽ lựa chọn gì? Cần phải cân nhắc thật kỹ càng trước khi quyết định.
Hi vọng phía Nhật Bản cũng sẽ thắt chặt quản lí, kiểm tra với các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các thực tập sinh và để chương trình thực tập sinh Nhật Bản trở về đúng với ý nghĩa của nó.
(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)