Cách Làm Báo Cáo Thực Tập Tốt Nghiệp Chi Tiết Và Chuyên Nghiệp

Đánh giá post

Cách làm báo cáo thực tập là chủ đề được rất nhiều bạn sinh viên quan tâm. Việc tuân thủ đúng các quy định về viết báo cáo thực tập sẽ giúp bạn có một tài liệu chất lượng, được giảng viên đánh giá cao.

1. Báo Cáo Thực Tập Là Gì? Tại Sao Cần Báo Cáo Thực Tập?

Báo cáo thực tập là tài liệu mà sinh viên thường phải hoàn thành sau khi kết thúc một kỳ thực tập tại một công ty, tổ chức hoặc cơ sở đào tạo nào đó. Báo cáo thực tập nhằm mục đích ghi lại những kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng mà sinh viên đã học được trong quá trình thực tập, đồng thời thể hiện khả năng áp dụng lý thuyết đã học vào thực tiễn.

Tùy thuộc vào chương trình học và định hướng tương lai, sinh viên có thể lựa chọn thực tập vào năm 3 hay năm 4, thậm chí là năm 2.

Tại sao sinh viên cần làm báo cáo thực tập? Báo cáo thực tập rất quan trọng bởi:

  • Đối với sinh viên: nó giúp báo cáo với nhà trường những kỹ năng và kinh nghiệm mà bạn được học hỏi trong quá trình thực tập.
  • Đối với nhà trường: đây là những thông tin quan trọng để đánh giá năng lực và hạnh kiểm của sinh viên.
  • Đối với công ty: các nhà quản lý có thể sử dụng bản báo cáo này để cải thiện việc tổ chức chương trình thực tập cho sinh viên trong tương lai. Ngoài ra, viết báo cáo thực tập cũng được xem là nguồn tư liệu hữu ích để các nhà tuyển dụng sau này có thể đánh giá kinh nghiệm làm việc của bạn.
Báo cáo thực tập

2. Nội Dung Của Một Bài Báo Cáo Thực Tập

2.1. Tổng Quan Về Cơ Sở Thực Tập

Trong phần này, bạn hãy trình bày khái quát những thông tin cơ bản về cơ sở thực tập. Bao gồm những nội dung sau:

  • Tên cơ sở thực tập, địa chỉ chi tiết.
  • Câu chuyện thương hiệu của công ty, cơ sở thực tập.
  • Cơ cấu tổ chức của công ty (bao gồm sơ đồ tổ chức).
  • Phạm vi, lĩnh vực hoạt động, quy mô sản xuất và năng lực kinh doanh của công ty.
  • Mục tiêu kinh doanh, tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp trong tương lai.

2.2. Cơ Sở Lý Thuyết

Đến với chương này, bạn cần nêu tóm tắt việc áp dụng những lý thuyết học được trên trường vào việc xử lý những vấn đề gặp phải trong quá trình thực tập.

Đây là phần rất quan trọng trong cách làm báo cáo thực tập. Bạn cần nêu ra những cơ sở lý thuyết liên quan với vấn đề thực tế mà bạn gặp phải trong quá trình thực tập. Điều này nhằm đánh giá độ tin cậy của báo cáo thực tập của bạn.

2.3. Nội Dung Nghiên Cứu Tại Cơ Sở Thực Tập

Hãy lưu ý rằng đây là một trong những chương quan trọng nhất của bản báo cáo. Ở phần này, bạn sẽ tổng hợp lại toàn bộ kết quả quá trình thực tập. Nội dung cần được đề cập bao gồm:

  • Miêu tả cơ bản về công việc được giao.
  • Phương thức làm việc trong môi trường thực tế.
  • Quy trình cụ thể để giải quyết công việc.
  • Những kết quả sinh viên học hỏi được trong quá trình thực tập, công tác.
  • Kết quả khảo sát, thu nhập tài liệu thực tế.
  • Phân tích, xử lý dữ liệu.

2.4. Áp Dụng Trên Cơ Sở Thực Tế

Nội dung báo cáo thực tập

Ở phần này, bạn sẽ phân tích chi tiết, rõ ràng những công việc mình đã thực hiện: quy trình làm việc, đo lường mức độ hiệu quả, đề xuất những giải pháp đổi mới,…

Ví dụ như:

  • Nếu bạn thực tập trong bộ phận Nghiên cứu & Phát triển sản phẩm, bạn hãy đưa ra các quy trình thực hiện công việc: từ việc nghiên cứu và phát triển ý tưởng đến áp dụng những ý tưởng đó vào thực tế để tạo ra những sản phẩm cải tiến.
  • Nếu bạn thực tập ở vị trí Nhân viên Đấu Thầu, bạn có thể nêu ra cách thức tìm kiếm các gói thầu, phân tích hồ sơ mời thầu và giám sát quá trình đấu thầu…

Ngoài ra, để củng cố bài báo cáo thực tập, bạn nên phân tích những công việc thực tế dựa trên những cơ sở lý thuyết đã nêu ra ở phần đặt vấn đề.

2.5. Kết Luận Và Kiến Nghị

Ở phần này, bạn cần triển khai những ý sau đây:

  • Tóm tắt nội dung thực hiện trong quá trình thực tập.
  • Nêu những ưu và nhược điểm của chương trình thực tập tại công ty.
  • Ý kiến, đánh giá về chương trình thực tập.
  • Bài học và kinh nghiệm học hỏi sau khi hoàn thành khóa thực tập.
  • Kiến nghị và đề xuất với nhà trường những vấn đề gặp phải trong quá trình học tập. Ví dụ như: tính áp dụng của những kiến thức chuyên ngành vào thực tế chưa cao hoặc bổ sung các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc…

2.6. Tài Liệu Tham Khảo

Thông thường, phần này sẽ không được các sinh viên chú trọng. Tuy nhiên, đây sẽ là những cơ sở nhằm đảm bảo độ tin cậy và tính xác thực của những thông tin, con số bạn đề cập trong báo cáo. Do đó, bạn hãy trình bày tất cả nguồn tài liệu tham khảo một cách rõ ràng và bao gồm những nội dung sau:

  • Tên tác giả.
  • Tên tài liệu hoặc bài nghiên cứu.
  • Bản thống kê số liệu.

Bạn cần lưu ý trình bày tất cả những nguồn tài liệu tham khảo trong bài theo thứ tự chữ cái và có thể bao gồm tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài.

2.7. Phụ Lục

Phần phụ lục trong bài sẽ được giảng viên đánh giá cao nếu bạn đầu tư và thực hiện nghiêm túc vì nó giúp bài báo cáo của bạn chi tiết, cặn kẽ hơn.

Nội dung chính phần này bao gồm: dữ liệu thô, biểu đồ, hình ảnh và nội dung phiếu khảo sát được sử dụng để nghiên cứu. Ngoài ra, nếu báo cáo của bạn không có những thông tin này thì không cần đề cập đến.

Xem thêm: Cách viết lời cảm ơn trong báo cáo thực tập ghi điểm tuyệt đối

3. Hướng Dẫn Cách Làm Báo Cáo Thực Tập

Hướng dẫn cách làm báo cáo thực tập

3.1. Bố Cục

Bố cục cơ bản của một bài báo cáo thực tập gồm những đầu mục sau:

  • Trang bìa
  • Trang bìa trong
  • Lời mở đầu (không đánh số trang)
  • Nhận xét của giảng viên hướng dẫn (không đánh số trang)
  • Nhận xét của người phản biện (không đánh số trang)
  • Mục lục (không đánh số trang)
  • Danh mục các bảng biểu, sơ đồ, hình,… (không đánh số trang)
  • Các trang nội dung
  • Tài liệu tham khảo
  • Phần phụ lục

Xem thêm: Cách viết thư ngỏ xin thực tập tạo ấn tượng tốt

3.2. Hình Thức

Độ dài Tối thiểu 20 trang, không quá 70 trang
Khổ giấy A4
Hình thức in In 1 mặt
Bìa Giấy cứng, màu xanh dương, không sử dụng bìa thơm
Kiểu chữ Times New Roman
Kích thước chữ 14
Giãn cách dòng 1,5
Căn lề Trái – 3,5cm; Phải – 2,00cm; Trên – 2,00cm; Dưới – 2,00cm
Thanh tiêu đề Không sử dụng
Trang số 1 Bắt đầu sau Mục lục, hay trang đầu tiên của chương 1
Hình thức trình bày Viết theo chương, mục, các tiểu mục
Với các bảng,sơ đồ và hình ảnh Đánh số thứ tự và ghi tên đầu mỗi bảng
Từ viết tắt Hạn chế viết, nếu có phải thêm phần giải thích nghĩa trong dấu ngoặc “()”. Sau đó, liệt kê thành trang và đưa vào các trang Danh mục bảng biểu, sơ đồ, hình ảnh.
Lưu ý Ở đầu mỗi trang, mỗi chương, đề mục tránh trích dẫn các câu tục ngữ, thành ngữ, hoa văn trang trí

4. Lưu Ý Trong Cách Làm Báo Cáo Thực Tập

Dưới đây là những lưu ý mà JobsGo đã tổng hợp, bạn hãy đọc thật kỹ để tránh mắc phải những lỗi cơ bản này nhé.

4.1. Ngôn Ngữ, Văn Phong

Một trong những lỗi tối kỵ nhất có thể làm giảm chất lượng bài báo cáo của bạn đó là lỗi chính tả và lỗi sử dụng ngôn từ. Do vậy, khi viết xong bạn hãy rà soát lại để sửa những lỗi đó và đảm bảo rằng đã loại bỏ được hết “hạt sạn” trong bài.

4.2. Trình Bày

Về cách trình bày, bạn nên thống nhất font chữ sử dụng trong toàn bài. Ngoài ra, size chữ không nên để quá to hoặc quá nhỏ. Hãy căn chỉnh lề, cách dòng và sử dụng các ký hiệu hợp lý để bài viết sáng sủa và không gây rối mắt người đọc.

4.3. Bố Cục

Hãy lập khung dàn bài trước khi bắt tay vào viết bởi nó sẽ giúp bạn đảm bảo nội dung được triển khai một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Ngoài ra, để tăng tính mạch lạc và logic của bài báo cáo, bạn nên triển khai ý bắt đầu từ câu chủ đề đến các ý phụ.

4.4. Hình Ảnh, Biểu Đồ

Để người đọc tiện theo dõi, bạn nên đánh số và chú thích rõ ràng vào dưới các hình ảnh trong bài. Các hình ảnh minh hoạ trong bài phải sắc nét và không được mờ để giáo viên có thể đọc, hiểu được.

Lưu ý, bạn không nên chèn quá nhiều hình ảnh trong bài báo cáo vì chúng sẽ có thể làm phản tác dụng. Thậm chí, nếu sử dụng những hình ảnh không liên quan với nội dung sẽ là điểm trừ siêu lớn trong báo cáo của bạn.

Những lưu ý trong cách làm báo cáo thực tập

4.5. Tài Liệu Tham Khảo

Bạn hãy lưu ý rằng tất cả các bài báo cáo thực tập thông thường sẽ được quét đạo văn khi nộp bài. Vì vậy, bạn hãy tuyệt đối không sao chép y hệt các nguồn tài liệu mà bạn đã tham khảo.

5. Kinh Nghiệm Làm Báo Cáo Tốt Nghiệp

5.1. Tham Khảo Nhiều Nguồn Tài Liệu

Để thực hiện một bài báo cáo chất lượng tốt, bạn nên tham khảo và đọc thật nhiều những nguồn tài liệu khác nhau. Việc này sẽ giúp bạn lĩnh hội được rất nhiều thông tin và kiến thức đa dạng.

Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm sự hướng dẫn từ giảng viên, đồng nghiệp hoặc các anh chị khóa trước để học hỏi và tích lũy thêm kinh nghiệm.

5.2. Trình Bày Bài Rõ Ràng, Đẹp Mắt

Bên cạnh nội dung bài báo cáo, hình thức trình bày cũng cần được chú trọng. Bạn hãy đảm bảo toàn bộ các định dạng, bố cục của toàn bài được trình bày một cách thống nhất, rõ ràng và sáng sủa. Điều này sẽ giúp nội dung bài viết của bạn dễ theo dõi và được truyền tải trọn vẹn tới người đọc.

5.3. Tránh Xa 5 Lý Do Khiến Báo Cáo Thực Tập Không Đạt Yêu Cầu

Dưới đây là 5 lỗi phổ biến mà sinh viên thường mắc phải trong cách làm báo cáo thực tập của mình:

  • Nội dung thực hiện không đúng, lạc đề với yêu cầu của giảng viên.
  • Bài báo cáo không có chi tiết mới so với các chủ đề nghiên cứu tương tự.
  • Cách trình bày không logic và thiếu khoá học, không có sự liên kết giữa các phần.
  • Sử dụng kết quả từ bài nghiên cứu trước vào bài báo cáo của mình.
  • Bài làm quá sơ sài, trình bày ẩu, rối mắt.

Tải miễn phí và tham khảo các báo cáo thực tập chuẩn: Báo cáo khoa học sinh viên – Mối liên hệ giữa sự kiên trì với xu hướng mục tiêu, tiêu điểm kiểm soát của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội: Tải ngay

6. Tham Khảo Các Mẫu Báo Cáo Thực Tập Hoàn Chỉnh

Dưới đây là một số mẫu báo cáo thực tập hoàn chỉnh để bạn tham khảo:

Hi vọng thông qua các mẫu báo cáo hoàn chỉnh này, bạn sẽ nắm rõ hơn cách làm báo cáo thực tập.

Xem thêm: Có một kỳ thực tập thành công, tại sao không?

Câu hỏi thường gặp

1. In Báo Cáo Thực Tập 1 Mặt Hay 2 Mặt?

Báo cáo thực tập thường được yêu cầu in 1 mặt để giảng viên dễ dàng theo dõi, đánh dấu và nhận xét nội dung. Tuy nhiên, bạn nên kiểm tra hướng dẫn cụ thể từ trường hoặc khoa của mình để đảm bảo tuân thủ đúng yêu cầu.

2. Báo Cáo Thực Tập Nên Dài Bao Nhiêu Trang?

Độ dài của báo cáo thực tập phụ thuộc vào yêu cầu của trường hoặc khoa và tính chất của công việc thực tập. Thông thường, báo cáo thực tập có độ dài từ 20 đến 70 trang. Một báo cáo thực tập quá ngắn có thể không đủ chi tiết, trong khi một báo cáo quá dài có thể trở nên khó theo dõi và thiếu trọng tâm.

3. Cỡ Chữ Bìa Báo Cáo Thực Tập Là Bao Nhiêu?

Dưới đây là gợi ý về cách để cỡ chữ bìa báo cáo thực tập:

  • BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO: Kích thước chữ 14, viết hoa toàn bộ, không in đậm
  • Tên trường: Kích thước chữ 16, viết hoa toàn bộ, không in đậm
  • Tên khoa: Kích thước chữ 16, viết hoa toàn bộ, in đậm
  • Tên báo cáo: Kích thước chữ 26, viết hoa toàn bộ, in đậm
  • Tên đề tài báo cáo: Kích thước chữ 18 - 30, viết trong 2 dòng, in đậm
  • Tên sinh viên, mã số sinh viên, tên giảng viên hướng dẫn, lớp: Kích thước chữ 14, viết hoa toàn bộ, in đậm

Để đảm bảo chính xác, bạn nên tham khảo hướng dẫn viết và trình bày báo cáo thực tập cụ thể do trường hoặc khoa cung cấp, vì mỗi trường có thể có những yêu cầu khác nhau.

4. Cách Làm Báo Cáo Thực Tập Kế Toán Như Thế Nào?

Dưới đây là gợi ý về cách làm báo cáo thực tập tốt nghiệp kế toán:

  • Chọn đề tài: Chọn một đề tài cụ thể liên quan đến công việc kế toán mà bạn đã thực hiện trong thời gian thực tập. Đề tài nên có tính thực tiễn và phù hợp với chuyên môn của bạn.
  • Thu thập tài liệu và dữ liệu: Tìm hiểu và thu thập các tài liệu liên quan đến công ty, các báo cáo tài chính, sổ sách kế toán và các chứng từ kế toán mà bạn đã làm việc.
  • Lập dàn ý chi tiết: Xác định các phần chính của báo cáo và sắp xếp theo trình tự hợp lý. Thông thường, báo cáo thực tập kế toán bao gồm các phần như: Giới thiệu, Tổng quan về đơn vị thực tập, Nội dung thực tập, Kết luận và Đề xuất.
  • Viết báo cáo: Bắt đầu viết theo dàn ý đã lập, đảm bảo trình bày rõ ràng, logic và có minh chứng cụ thể cho các công việc đã thực hiện. Khi viết báo cáo, bạn cần sử dụng ngôn ngữ chuyên ngành và tránh lỗi chính tả, ngữ pháp.
  • Kiểm tra và chỉnh sửa: Đọc lại báo cáo để phát hiện và sửa các lỗi, đảm bảo nội dung mạch lạc, chính xác. Bạn có thể nhờ người khác đọc và góp ý để hoàn thiện báo cáo.
  • Định dạng và in ấn: Định dạng báo cáo theo yêu cầu của trường hoặc khoa, chú ý đến cỡ chữ, kiểu chữ, lề trang, khoảng cách dòng. Sau khi xác định báo cáo đã hoàn thiện, bạn hãy tiến hành in báo cáo 1 mặt theo quy định, đóng quyển gọn gàng.

Khi viết báo cáo thực tập tốt nghiệp kế toán, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Sự chính xác và trung thực: Mọi thông tin và số liệu trong báo cáo phải chính xác và trung thực, không được bịa đặt hay sao chép từ các nguồn khác mà không có sự xác nhận.
  • Tuân thủ quy định: Đảm bảo báo cáo tuân thủ đầy đủ các quy định và hướng dẫn của trường hoặc khoa về hình thức và nội dung.
  • Bảo mật thông tin: Khi sử dụng số liệu, tài liệu từ công ty thực tập, bạn cần chú ý đến vấn đề bảo mật thông tin và đừng quên xin phép công ty để được sử dụng dữ liệu đó.
  • Phân tích và đánh giá: Khi viết báo cáo thực tập kế toán, bạn không chỉ mô tả công việc đã thực hiện mà còn cần phân tích, đánh giá những gì đã học được, khó khăn gặp phải và cách giải quyết.
Tìm việc làm ngay!

(Theo JobsGO - Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

Chia sẻ bài viết này trên: